9. Cấu trúc nội dung của luận văn
2.1.4. Phương pháp dạy học Toán ở lớp 1
2.1.4.1. Mục tiêu chung về phương pháp dạy học Toán
Yêu cầu cơ bản của đổi mới phương pháp dạy học ở Tiểu học là: “Dạy học dựa trên cơ sở tổ chức các hoạt động học tập của HS. Thông qua hoạt động học tập này, HS được phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập; tự trải nghiệm, khám phá, phát hiện vấn đề và tự chiếm lĩnh tri thức”.
Thực hiện tinh thần đổi mới đó, phương pháp dạy học môn Toán ở Tiểu học có thể được thực hiện như sau:
2.1.4.2. Yêu cầu cụ thể
2.1.4.2.1. Phương pháp dạy học trong tiết học “Bài mới”
“Kiến thức mới” là phần bài học thường được nêu thành tình huống có vấn đề để giải quyết (mặc dù “tình huống” đó có thể đơn giản và tường minh qua các hình vẽ trong sách Toán 1, nhưng để HS tự nêu lên và tự giải quyết). Chẳng hạn, khi học về phép trừ, cũng nêu về hiện tượng có một số (một, hai) con chim bay khỏi tổ (trong tổ có ba con chim). GV hướng dẫn HS quan sát hình vẽ (tranh, ảnh,...) trong sách giáo khoa Toán 1 hoặc sử dụng đồ dùng học tập để HS tự nêu ra vấn đề cần giải quyết (chẳng hạn: Có ba con ong đậu trên bông hoa, một con ong bay ra khỏi bông hoa. Còn lại mấy con ong đậu trên bông hoa?), rồi tự HS tham gia giải quyết vấn đề (ba con ong bớt một con ong còn hai con ong). Thời gian đầu, GV hướng dẫn HS nêu và giải quyết vấn đề. Dần dần yêu cầu HS tự nêu và tự giải quyết vấn đề.
b) Giúp HS tự chiếm lĩnh kiến thức mới
Ví dụ 1: Khi tổ chức cho HS phát hiện ra sự cần thiết của đơn vị đo độ dài
Khi hình thành biểu tượng về đại lượng độ dài ở lớp 1, GV đặt vấn đề so sánh độ dài các đồ vật như bút, thước, que tính,… làm thế nào biết cái nào dài hơn? (học sinh phát hiện phương pháp: so sánh độ dài các đồ vật cụ thể như so sánh độ dài thước và bút chì một cách trực tiếp – phương pháp so đũa).
GV cho HS phát hiện trường hợp không thể so sánh trực tiếp được, chẳng hạn: so sánh độ dài của 2 vật cố định xa nhau không chuyển dời được, HS phải suy nghĩ và đề xuất phương pháp mới, phương pháp gián tiếp – thông qua so sánh với độ dài của một đối tượng thứ ba, và sau này sẽ dẫn đến một cách mới: sử dụng đơn vị đo).
Khi đó HS có biểu tượng về đơn vị đo độ dài: đơn vị đo không chuẩn như gang tay, bước chân, sải tay,...
Lại xuất hiện tình huống có vấn đề mới: cùng một đối tượng, với nhiều bạn đo bằng gang tay thì kết quả khác nhau. Dẫn đến cách giải quyết mới: đưa ra đơn vị đo chuẩn.
Ví dụ 2: Hình thành kỹ thuật cộng không nhớ ở lớp 1
Xuất phát từ việc tổ chức hoạt động với các đồ vật thật. Đặt vấn đề: thực hiện cộng 23 với 34. Học sinh phân tích: 23 gồm 2 chục và 3 đơn vị, lấy 2 bó và 3 que tính, sau đó gộp với 3 bó và 4 que tính. Một cách tự nhiên, HS sẽ gộp các
bó với nhau, và gộp các que rời với nhau: 2 bó gộp với 3 bó được 5 bó; 3 que gộp với 4 que được 7 que. GV giới thiệu thuật toán “cộng theo cột dọc”: đặt tính theo cột dọc sao cho đơn vị thẳng cột với đơn vị, chục thẳng cột với chục. Cộng từ phải sang trái. Yêu cầu HS nhắc lại cách làm nhưng không yêu cầu phải phát biểu thành quy tắc khái quát.
2 3 +3 4 4 7
Ví dụ 3: Hình thành biểu tượng về hình hình học.
Để hình thành các biểu tượng hình học cho HS, GV có thể có nhiều cách. Chẳng hạn: khi hình thành biểu tượng về hình tứ giác, GV có thể đưa thẳng một vài hình vẽ các hình tứ giác khác nhau, và giới thiệu đó là tứ giác. Cũng có thể áp dụng cách tổ chức cho HS làm việc, trên cơ sở đó phát hiện ra một lớp các đối tượng mới, khác với hình tam giác đã học, việc tiếp theo của GV là cùng học sinh thống nhất tên gọi cho loại hình này: đó là tứ giác.
Cách làm như sau: GV đưa ra cho HS một bộ gồm các hình tam giác khác nhau, các hình tứ giác khác nhau, các hình tròn kích cỡ khác nhau. GV yêu cầu HS: “Hãy xếp các hình này thành các nhóm riêng”. HS (có thể làm việc cá nhân hoặc làm việc theo nhóm nhỏ), tìm cách nhóm các hình có đặc điểm “giống nhau”. Kết quả là, phần lớn HS sẽ phân loại sao cho các tam giác thuộc một nhóm, các tứ giác cùng một nhóm, các hình tròn thuộc một nhóm.
Nhóm các tam giác và nhóm hình tròn đã quen thuộc với HS, riêng nhóm còn lại chưa có tên gọi. HS sẽ nảy sinh nhu cầu: các hình ở nhóm mới này có thể đặt tên là gì? GV và HS sẽ cùng thống nhất tên gọi: đó là các hình tứ giác.
Có loại bài học, sau khi HS đã phát hiện và giải quyết vấn đề, GV phải hình thành kiến thức mới (chẳng hạn, GV phải giới thiệu: Năm con chim bớt hai con chim còn ba con chim; năm trừ hai còn ba; ta viết 5 – 2 = 3; đọc là “năm trừ hai bằng ba”; dấu “–” gọi là dấu “trừ”...). Có loại bài học GV giúp học sinh tự nêu, tự giải quyết vấn đề, tự xây dựng kiến thức mới (chẳng hạn, bài học về phép cộng trong phạm vi 8, HS quan sát hình vẽ rồi nêu vấn đề: “Có 7 hình vuông (xanh) thêm 1 hình vuông (đỏ). Hỏi có tất cả mấy hình vuông?” và giải quyết vấn đề: “7 thêm 1 được 8”, sau đó viết 8 vào phép tính: 7 + 1 = 8.
Tất nhiên, trong cả hai loại bài học nêu trên GV phải giúp HS ghi nhớ kiến thức mới (chẳng hạn các công thức tính). Cho dù HS đã học thuộc kiến thức mới thì cũng chỉ là bước đầu chiếm lĩnh được kiến thức mới đó. Phải qua thực hành, vận dụng kiến thức mới đó để giải quyết các vấn đề nêu trong phần bài tập thì mới có thể khẳng định HS đã tự chiếm lĩnh kiến thức mới đến mức độ nào. Vì vậy, sau khi đã thuộc bài mới, HS phải làm được các bài tập trong phiếu học.
c) Giúp HS cách thức phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới
Quá trình dạy học môn Toán phải giúp HS từng bước nắm được cách thức (con đường, phương pháp) phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới. Chẳng hạn, qua các bài học và luyện tập về số và phép tính trong phạm vi 10 của Toán 1 có thể giúp HS:
- Từ tình huống có thực trong đời sống (thể hiện trong tranh, hình vẽ, mô hình, mô tả bằng lời) nêu được vấn đề cần giải quyết (dưới dạng câu hỏi, bài toán).
- Giải quyết vấn đề đó, góp phần tìm ra kiến thức mới (số mới hoặc công thức tính mới...).
- Xây dựng rồi ghi nhớ và vận dụng kiến thức mới vào các tình huống khác nhau trong thực hành để chiếm lĩnh được kiến thức mới.
d) Hướng dẫn HS thiết lập mối quan hệ giữa kiến thức mới và kiến thức đã học
- Huy động kiến thức đã học và vốn sống để phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới.
- Đặt kiến thức mới trong mối quan hệ với kiến thức đã có. Chẳng hạn: Khi hướng dẫn HS nhận biết khái niệm ban đầu về số 6, GV cho HS quan sát tranh vẽ (mô hình) và sử dụng kiến thức đã học để nhận ra (bằng phép đếm) rằng: có 5, đếm thêm 1 được 6. Khi đã giới thiệu 6 cũng là đại diện cho một lớp các nhóm đối tượng có cùng lực lượng (là 6) như các số đã học trước, HS tự nhận ra (qua phép đếm, qua phân tích số,...) 6 đứng tiếp sau 5 trong dãy số 1, 2, 3, 4, 5, 6; nên 6 > 1; 6 > 2; 6 > 3; 6 > 4; 6> 5;... Do đó 6 là số lớn nhất trong các số từ 1 đến 6.
e) Giúp HS thực hành, rèn luyện cách diễn đạt thông tin bằng lời, bằng ký hiệu.
Trong quá trình dạy học môn Toán, phải quan tâm đúng mức đến rèn luyện cho HS cách diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, vừa đủ nội dung của một thông tin bằng lời hoặc bằng ký hiệu, sơ đồ.
2.1.4.2.2. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong tiết “Thực hành, Luyện tập” ở Toán 1
Phương pháp thực hành luyện tập (sử dụng trong dạy học Toán ở Tiểu học) là phương pháp dạy học trong đó GV tổ chức hướng dẫn HS thực hiện các hoạt động thực hành, thông qua đó để giải quyết tình huống cụ thể có liên quan tới các kiến thức và kỹ năng về môn Toán. Từ đó hình thành được kiến thức và kỹ năng cần thiết cho HS Tiểu học.
Trong dạy toán ở Tiểu học không chỉ sử dụng phương pháp trực quan hoặc phương pháp dạy mở vấn đáp mà có nhiều tiết dạy học Toán GV sử dụng phương pháp thực hành luyện tập, chẳng hạn như các tiết: “Luyện tập” và “Luyện tập chung”
Các kiến thức được sắp xếp từ đơn giản đến phức tạp, kiến thức học trước chuẩn bị cho kiến thức học sau góp phần củng cố cho kiến thức học trước. Nhiệm vụ chủ yếu nhất của tiết dạy học “Thực hành, luyện tập” là củng cố, bổ sung và hoàn thiện các kiến thức mà học sinh mới chiếm lĩnh được. Có thể thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong các tiết “Thực hành, luyện tập” theo các gợi ý sau:
a) Giúp HS nhận ra kiến thức mới học trong các dạng bài tập khác nhau Việc thực hành vận dụng các kiến thức về phép cộng, phép trừ rất được coi trọng trong Toán 1 không chỉ thực hành khi luyện tập, củng cố mà thực hành ngay khi học bài mới để tự phát hiện, giải quyết vấn đề, tự tìm ra công thức cộng, trừ,…Đặc biệt Toán 1 đưa ra nhiều dạng bài tập cộng, trừ vừa củng cố các kỹ năng gây hứng thú học tập cho HS:
Ví dụ: Cùng là phép cộng 3 + 2, nhưng Toán 1 đã đưa ra các dạng như: a/ Tính 3 + 2 = …… b/ Tính 3 + 2 c/ + 2 = Số ? 3
d/ Nối phép tính với số thích hợp
e/ Điền số thích hợp vào ô trống
5 1 2 4
4 3
Như vậy khi luyện tập nếu HS nhận ra các kiến thức đã học trong mối quan hệ mới thì HS sẽ làm được bài. Nếu HS không tự nhận ra kiến thức đã học trong các dạng bài tập khác nhau thì GV gợi ý, hướng dẫn để HS nhớ lại kiến thức và cách làm, không nên vội vàng làm thay cho HS.
Chẳng hạn, sau khi học “Phép cộng trong phạm vi 8” nếu làm các bài tập dạng: 7 + 1 = ..., 5 + 3 = ... thì HS dễ dàng nhớ lại và sử dụng kiến thức đã học, nhưng với dạng bài tập phải so sánh giá trị hai biểu thức số như 7 + 1 ... 2 + 6 thì HS phải nhận ra 7 + 1 và 2 + 6 đã gặp trong các công thức đã học: 7 + 1 = 8 ; 2 + 6 = 8, do đó phải điền dấu = vào chỗ chấm: 7 + 1 = 2 + 6.
b) Giúp HS tự thực hành, luyện tập theo khả năng của HS.
- Bao giờ cũng yêu cầu HS phải làm các bài tập theo thứ tự sắp xếp trong phiếu (hoặc do GV sắp xếp), không tự ý lướt qua hoặc bỏ qua bài tập nào, kể cả các bài HS cho là dễ.
- Không nên bắt HS chờ đợi nhau trong quá trình làm bài. HS nào đã làm xong và tự kiểm tra (hoặc nhờ GV kiểm tra) được bài 1 thì nên chuyển sang làm bài tiếp sau.
Trong một tiết học phải chấp nhận có HS làm được nhiều bài tập hơn học sinh khác. GV hãy giúp những học sinh làm bài chậm về cách làm bài, hay giúp HS khá giỏi làm các bài tập của tiết học và tập khai thác hết nội dung của từng bài tập.
c) Tạo ra sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các đối tượng HS
- Khi cần thiết có thể cho học sinh trao đổi ý kiến trong nhóm nhỏ hoặc trong toàn lớp về cách giải hoặc các cách giải một bài tập. Nên khuyến khích học sinh bình luận về cách giải của bạn, tự rút kinh nghiệm trong quá trình trao đổi ý kiến ở nhóm, ở lớp.
3 + 2 1 + 2 1 + 3
- Sự hỗ trợ giữa các HS trong nhóm phải góp phần giúp HS tự tin vào khả năng của mình, tự rút kinh nghiệm về cách học của bản thân.
d) Khuyến khích HS tự kiểm tra kết quả thực hành, luyện tập
- Tập cho HS thói quen làm xong bài nào cũng phải tự kiểm tra lại xem có làm nhầm, làm sai không.
- Nên hướng dẫn HS tự đánh giá bài làm của mình, của bạn bằng điểm rồi báo điểm cho GV.
- Khuyến khích HS tự nói ra những hạn chế của mình, của bạn sau khi tự kiểm tra, tự đánh giá...
e) Tập cho HS thói quen không thỏa mãn với bài làm của mình, với các cách giải đã có.
- Sau mỗi tiết học, tiết luyện tập nên tạo cho HS niềm vui vì đã hoàn thành công việc được giao, niềm tin vào sự tiến bộ của bản thân (bằng khuyến khích, nêu gương...).
- Tạo cho HS mong muốn tìm được giải pháp tốt nhất cho bài làm của mình. Vì vậy, cho dù đã hoàn thành bài học hoặc bài làm, HS cũng vẫn không thỏa mãn những gì đã đạt được. HS cần tự kiểm tra, tự đánh giá và luôn luôn tìm cách hoàn thiện việc đã làm.
Các “Bài tập mở” trong Toán 1 là phương tiện để GV động viên học sinh tìm nhiều phương án giải quyết một vấn đề và biết tự chọn phương án hợp lý nhất. Thay vì động viên các em tìm và lựa chọn phương án tốt nhất nhưng lại “áp đặt” HS theo phương án có sẵn,
2.1.4.2.3. Cần phối hợp nhiều hình thức tổ chức dạy học mới
Để dạy học Toán 1 theo tinh thần đổi mới và phù hợp với HS lớp 1, có thể có nhiều hình thức tổ chức dạy học mới, ở đây xin gợi ý một số hình thức tổ chức dạy học chủ yếu sau:
a) Dạy học Toán trên phiếu học tập
Phiếu học tập nêu lên một hệ thống những công việc mà HS phải tiến hành (với sự hướng dẫn của GV) để có thể tự mình chiếm lĩnh tri thức mới và hình thành kĩ năng mới.
Như vậy, phiếu học tập cung cấp những tình huống dẫn đến kiến thức, kỹ năng cơ bản và những bài tập thực hành được sắp xếp theo một thứ tự nhất định nhằm củng cố các kiến thức, kỹ năng cơ bản đó.
Trong mỗi giờ học Toán, tổ chức hoạt động dạy học trên phiếu học tập sẽ góp phần đổi mới cách dạy và học, giúp HS đạt được mục tiêu của bài học với hiệu quả cao.
b) Dạy học Toán với “Bộ đồ dùng học Toán 1”
Trong dạy học ở Tiểu học nói chung và dạy học Toán nói riêng, một yêu cầu đặt ra là tích cực hoá người học; tạo điều kiện để người học tự phát hiện và lĩnh hội kiến thức. Các nội dung Toán học thường mang đặc tính trừu tượng và khái quát cao trong khi đặc điểm nhận thức của trẻ ở Tiểu học lại mang nặng tính cụ thể trực giác và cảm tính. Để đạt được yêu cầu đặt ra, các phương tiện và đồ dùng dạy học là một giải pháp sư phạm tạo những chỗ dựa ban đầu giúp HS nhận thức được các kiến thức trừu tượng; giải pháp này tác động vào hoạt động nhận thức của trẻ theo đúng quy luật: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn khách quan”. Như vậy, phương tiện và đồ dùng dạy học có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao hiệu quả giờ học nói chung và đặc biệt là giờ học môn Toán.
Có nhiều quan niệm khác nhau của các nhà nghiên cứu và nhà lý luận dạy học, về phương tiện dạy học, từ đó cũng đưa ra nhiều cách phân loại khác nhau về phương tiện dạy học. Tuy nhiên có thể thấy các tác giả đều thống nhất ở một quan niệm là:
Phương tiện dạy học là những vật (từ đơn giản đến phức tạp) có khả năng