9. Cấu trúc nội dung của luận văn
3.2.2. Biện pháp 2
sinh hình thành kỹ năng diễn đạt, trình bày lời giải bài toán
Trong dạy học Toán nói chung, dạy học giải toán nói riêng thì sau khi HS đã tiến hành phân tích đề toán, xác định được phương hướng cũng như tìm được cách giải bài toán thì GV cần hình thành và rèn luyện cho các em kỹ năng diễn đạt, trình bày lời giải một cách logic, khoa học và chặt chẽ cũng như chỉnh sửa, uốn nắn khả năng diễn đạt của các em khi viết lời giải bài toán.
3.2.2.2. Mục tiêu của biện pháp
Giúp cho HS biết cách diễn đạt, cách trình bày lời giải bài toán để hình thành kỹ năng trong giải toán cho HS đồng thời tạo cho các em thói quen làm việc cẩn thận, chặt chẽ, logic trong quá trình giải toán.
3.2.2.3. Nội dung và tổ chức thực hiện biện pháp
Sau khi tiến hành tìm hiểu bài toán, phân tích tìm tòi cách giải, có được chương trình giải toán, HS bước sang việc thực hiện chương trình giải toán hay trình bày lời giải. Đây là bước thể hiện kết quả sản phẩm của hoạt động giải toán. Trình bày lời giải một bài toán là hình thức vận dụng những kiến thức đã biết vào các bài toán cụ thể, là hình thức tốt nhất để hình thành các kĩ năng như tính toán, biến đổi, suy luận đồng thời là hình thức tốt nhất để kiểm tra về năng lực, mức độ tiếp thu, vận dụng kiến thức của HS.
Trong quá trình giải toán, nhiều HS không coi trọng khâu trình bày lời giải, trong đó có cả một số em có học lực khá, giỏi. Sau khi phân tích đề bài, tìm ra cách giải bài toán các em viết lời giải theo cách nghĩ, cách hiểu của mình mà không quan tâm đến việc trình bày lời giải theo một logic, trật tự nhất định để người khác có thể đọc và hiểu được. Nhiều HS sau khi phân tích đề toán đã nhận biết được các điểm mấu chốt, hướng giải bài toán nhưng lại gặp khó khăn, lúng túng không biết bắt đầu trình bày lời giải từ đâu. Thậm chí có HS còn mắc phải một số sai lầm khi trình bày lời giải do thực hiện phép tính không đúng, phân tích sai, áp dụng sai kiến thức, chưa sử dụng hết các điều kiện của bài toán. Chính vì thế, nhiều HS có thể tìm ra kết quả bài toán (tìm ra đáp số) nhưng đánh giá kết quả bài làm (bằng điểm số) thì lại không được điểm cao.
Để hình thành cho HS kỹ năng trình bày lời giải bài toán, GV thực hiện theo các cách sau đây:
1) Trình bày mẫu một lời giải bài toán và phân tích những điểm học sinh cần lưu ý trong việc trình bày lời giải.
Đây là hoạt động khá quan trọng, nhất là đối với HS Tiểu học, GV cần trình bày mẫu lời giải đối với mỗi dạng toán, phân tích mỗi bước suy luận để từ đó HS quan sát, học tập và làm theo. Cần lưu ý rằng, mục tiêu việc GV trình bày lời giải bài toán này không nhằm tới việc cho HS áp dụng mẫu lời giải đối với các bài toán tương tự mà chú trọng hình thành cho HS cách suy nghĩ, sắp xếp các suy luận chính xác, chặt chẽ và khoa học nhất.
Trong quá trình giải bài toán cho HS, GV cần phân tích và nhấn mạnh các bước suy luận, các phép toán ở đây phải thực hiện theo một trình tự logic nhất định chứ không thể thực hiện tùy tiện, cách viết các câu dẫn, viết các phép toán phải đảm bảo chính xác, ngắn gọn nhưng đủ ý; việc viết câu lời giải thụt lùi đầu dòng cũng cần được quan tâm. Một chi tiết nữa mà HS hay mắc lỗi khi trình bày lời giải là quên không ghi đơn vị (trong mỗi phép tính) hay có ghi nhưng lại nhầm lẫn cách ghi đơn vị trong phép tính và cách ghi đơn vị ở đáp số bài giải.
2) Đưa ra lời giải nhưng trong đó có các bước giải chưa hợp lý để học sinh nhận xét và thực hiện đúng lời giải bài toán
Sau bước phân tích đề toán, có HS tìm được hướng giải nhưng còn lúng túng trong việc sắp xếp thứ tự các bước giải. Các em không biết bước nào nên trình bày trước, bước nào nên trình bày sau. Việc GV yêu cầu HS trình bày lại lời giải cho trước của một bài toán có thay đổi trình tự các bước giải hay trong lời giải có những câu trả lời sai sẽ hình thành cho các em khả năng phân tích, lập luận có cơ sở và từ đó các em biết cách trình bày lời giải bài toán một cách hợp lí, chính xác.
3) Đưa ra bài toán với gợi ý các bước giải chính để học sinh hoàn thành lời giải bài toán.
Sau khi phân tích tìm được hướng giải bài toán, GV có thể đưa ra gợi ý các nội dung chính của các bước giải để HS cụ thể hóa các bước này, hoàn thiện lời giải bài toán.
Trong quá trình dạy học giải toán, sau khi GV thực hiện hướng dẫn trình bày lời giải bài toán, GV đưa ra các bài toán tương tự hoặc các bài toán yêu cầu ở mức độ cao hơn để HS tìm lời giải và hình thành kĩ năng trình bày lời giải. GV có thể yêu cầu thực hiện chung cả lớp hoặc có yêu cầu riêng cho từng nhóm HS, từng cá nhân HS. Trong khi HS thực hiện trình bày lời giải, GV bao quát chung, nhắc nhở HS làm bài.
Trên thực tế, một số HS mặc dù có thể giải được bài toán nhưng lại không biết trình bày lời giải một cách đúng đắn. Trong quá trình giải toán, một số HS thường không quan tâm đến việc trình bày lời giải, các em coi tìm được cách giải là đã giải xong được bài toán, không coi trọng việc trình bày lời giải. Đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm, GV cần phải chấn chỉnh để HS thay đổi và hiểu rõ ý nghĩa của khâu này bởi vì trình bày lời giải hết sức quan trọng, nó đóng vai trò như viết một bản báo cáo về công việc mình đã thực hiện, hơn nữa báo cáo này viết không phải chỉ để cho HS đọc mà để cho GV và những người khác đọc nên không thể viết một cách tùy tiện, viết theo cách hiểu của cá nhân. GV cần hình thành cho HS cách trình bày lời giải sao cho khoa học, ngắn gọn, đầy đủ, chính xác, sáng sủa và logic. Việc hình thành cho HS cách trình bày lời giải sẽ hình thành khả năng suy luận, khả năng trình bày diễn đạt vấn đề một cách logic, chặt chẽ.
Như vậy, bằng việc cho HS thực hiện trình bày theo các bước của lời giải mẫu đối với dạng toán điển hình, phát hiện và hoàn thiện lời giải đối với lời giải có các bước giải chưa hợp lý hay hoàn thiện lời giải bài toán với những gợi ý bước giải chính, GV đã giúp HS hình thành khả năng diễn đạt, cách trình bày lời giải bài toán một cách khoa học, chặt chẽ để từ đó hình thành KNTD cho các em.
3.2.2.4. Đánh giá kỹ năng diễn đạt, trình bày lời giải
HS có kỹ năng diễn đạt, trình bày lời giải biểu hiện ở việc có thể đưa ra lời giải dựa trên những phân tích, lập luận để tìm lời giải bài toán.
Để đánh giá kỹ năng diễn đạt, trình bày lời giải bài toán của HS, GV có thể dựa vào các tiêu chí:
- Biết trình bày các bước giải một cách hợp lý dựa trên quá trình phân tích một cách rõ ràng.
- Biết dùng từ ngữ chính xác để diễn tả nội dung lời giải. - Biết thực hiện chính xác các phép toán theo yêu cầu đề bài.
GV có thể đánh giá kỹ năng diễn đạt, trình bày lời giải của HS bằng các công cụ như: Ra đề kiểm tra, sử dụng câu hỏi, xem vở ghi của HS hay quan sát HS trình bày lời giải của mình.
Trong quá trình viết lời giải bài toán, GV cần rèn luyện cho HS không được chủ quan ngay cả đối với những bài toán đơn giản. Bởi nhiều khi tìm đúng được đáp số nhưng điểm bài làm của HS không cao vì những lập luận của các em không chặt chẽ hoặc cách trình bày bài làm của các em không đầy đủ, chưa hợp lý.
Ví dụ: Bài toán hỏi: Hỏi nhà Hà còn lại bao nhiêu con gà? Câu lời giải là: "Nhà Hà còn lại số con gà là:"
Trong một bài toán, HS có thể có nhiều cách đặt lời giải khác nhau. Nên khi giảng dạy, ở mỗi một dạng bài GV để cho HS suy nghĩ, thảo luận theo bàn, nhóm để tìm ra câu lời giải đúng và hay phù hợp với câu hỏi của bài toán đó. Tuy nhiên cần hướng dẫn HS lựa chọn cách hay nhất (ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với các em) các cách khác giáo viên đều công nhận là đúng và phù hợp nhưng cần lựa chọn để có câu lời giải hay nhất ghi vào bài giải.
Việc hướng dẫn HS trình bày bài giải sao cho khoa học, đẹp mắt cũng là yêu cầu lớn trong quá trình dạy học. Muốn thực hiện yêu cầu này trước tiên người dạy cần tuân thủ cách trình bày bài giải theo hướng dẫn, quy định.
Đầu tiên là tên bài “Bài 1” (viết sát lề bên trái có gạch chân), tiếp đó ghi tóm tắt, sau phần tóm tắt là trình bày bài giải. Từ: “Bài giải” ghi ở giữa trang vở (có gạch chân), câu lời giải ghi cách lề khoảng 2 ô vuông, chữ ở đầu câu viết hoa, ở cuối câu có dấu hai chấm(:), phép tính viết lùi so với lời giải khoảng 2 ô vuông, cuối phép tính là đơn vị tính được viết trong dấu ngoặc đơn. Phần đáp số ghi sang phần vở bên phải (có gạch chân) và dấu hai chấm rồi mới viết kết quả và đơn vị tính (không phải viết dấu ngoặc đơn nữa).
Ví dụ HS giải Bài toán 1/151: Lan gấp được 14 cái thuyền. Lan cho bạn 4 cái thuyền. Hỏi Lan còn lại mấy cái thuyền?
HS Tóm tắt:
Lan có 14 thuyền, cho 4 cái. Hỏi còn lại mấy thuyền?
Bài giải. ( HS lùi vào 6 ô ly vở viết bài giải)
Số cái thuyền Lan còn lại sau khi cho Mai là: ( HS lùi vào 2 ô ly vở viết lời
giải)
14 – 4 = 10 (cái thuyền) ( HS lùi vào 3 ô ly vở viết phép tính) Đáp số: 10 cái thuyền ( HS lùi vào 4 ô ly vở viết đáp số)
* Lưu ý: Trong mọi trường hợp người GV luôn luôn phải dùng thước để gạch chân và liên tục nhắc HS tạo cho các em bỏ thói quen xấu: gạch bằng tay.