9. Cấu trúc nội dung của luận văn
2.1.3. Phương pháp dạy học môn Toán ở Tiểu học
2.1.3.1. Định hướng chung
Trong Luật Giáo dục: “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên” (Luật giáo dục 2005, Chương I, Điều 5). “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập của học sinh” (Luật giáo dục 2005, Chương II, Điều 28).
Định hướng chung của đổi mới phương pháp dạy học môn Toán ở Tiểu học hiện nay là: phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo của học sinh trong suốt quá trình học tập. Muốn vậy cần phải thay đổi cách thức dạy của thầy, thay đổi phương pháp học tập của trò, chuyển từ học tập thụ động sang
học tập tích cực, từng bước chuyển dần phương pháp dạy học theo hướng biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học.
2.1.3.2. Các giải pháp cụ thể
Những giải pháp cụ thể nhằm đổi mới phương pháp dạy học nói chung và dạy học Toán ở Tiểu học hiện nay là:
1) Xác lập vị trí chủ thể của người học, bảo đảm phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo của người học trong quá trình học tập
Người học là chủ thể kiến tạo kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành thái độ chứ không phải là nhân vật bị động hoàn toàn làm theo mệnh lệnh của thầy giáo. Với định hướng “tích cực hoá hoạt động của người học”, vai trò chủ thể của người học được khẳng định trong quá trình học tập trong hoạt động và bằng hoạt động của bản thân mình.
Ngay từ lớp 1, khi dạy học “kiến thức mới” GV cần nêu thành tình huống có vấn đề cần giải quyết, mặc dù “tình huống” đó có thể đơn giản và tường minh qua các hình vẽ trong sách giáo khoa, nhưng chưa để HS tự nêu lên và tự giải quyết.
Ví dụ, khi học về phép trừ, GV có thể đưa ra tình huống bằng cách hướng dẫn học sinh quan sát hình vẽ (tranh, ảnh,...) hoặc sử dụng đồ dùng học tập để tự mình nêu ra vấn đề cần giải quyết, chẳng hạn: “Trên cành cây có ba con chim, sau đó một con đã bay đi. Còn lại mấy con chim trên cành cây?”, rồi tự học sinh tham gia giải quyết vấn đề (ba con chim bớt đi một con chim còn hai con chim, phép tính tương ứng là: 3 – 1 = 2). GV hướng dẫn HS nêu và giải quyết vấn đề, chưa để HS tự nêu và tự giải quyết vấn đề.
2) Xác lập vai trò mới của người thầy với tư cách là người thiết kế, tổ chức và hướng dẫn quá trình học tập của HS.
Khi xác lập vị trí chủ thể của người học thường dẫn đến việc ngộ nhận về sự giảm sút vai trò của người thầy. Cần phải hiểu rằng tích cực hoá hoạt động của người học, sự xác lập vị trí chủ thể của họ không hề làm suy giảm mà ngược lại, còn nâng cao vai trò, trách nhiệm của người thầy. Thầy không phải là nguồn phát tin duy nhất, thầy không phải là người ra lệnh một cách khiên cưỡng, thầy không phải là người hoạt động chủ yếu trong môi trường dạy học.
Vai trò, trách nhiệm của thầy bây giờ là ở chỗ khác, quan trọng hơn, nặng nề hơn, nhưng tế nhị hơn, cụ thể là:
- Thiết kế kế hoạch dạy học, chuẩn bị quá trình dạy học cả về mặt mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức.
- Tổ chức hoạt động dạy học để biến ý đồ dạy của thầy thành nhiệm vụ học tập tự nguyện, tự giác của trò, là chuyển giao cho trò không phải những tri thức dưới dạng có sẵn mà là những tình huống để trò kiến tạo tri thức thông qua hoạt động tích cực, chủ động và sáng tạo của mình.
- Hướng dẫn, kể cả điều khiển về mặt tâm lý, bao gồm sự động viên, hướng dẫn trợ giúp và đánh giá kết quả học tập của HS.
- Trọng tài, cố vấn, xác nhận những tri thức mà HS mới phát hiện, đồng nhất hoá những kiến thức riêng lẻ mang màu sắc cá nhân, phụ thuộc vào hoàn cảnh và thời gian... thành tri thức chương trình.
Thầy giáo phải tổ chức, hướng dẫn cho HS hoạt động học tập với sự trợ giúp đúng lúc, đúng mức độ của sách giáo khoa và các đồ dùng dạy học, để từng học sinh (hay nhóm HS) tự phát hiện và tự giải quyết vấn đề của bài học; tự chiếm lĩnh nội dung học tập rồi thực hành, vận dụng các nội dung đó theo năng lực của từng cá nhân nhưng vẫn chưa đi vào cụ thể và có chiều sâu.
3) Tăng cường dạy cách học, cách tự học thông qua toàn bộ quá trình dạy học.
Mục đích dạy học không phải chỉ ở các kết quả cụ thể của quá trình học tập, ở những kiến thức và kỹ năng cụ thể, mà điều quan trọng hơn là dạy cho HS con đường, cách thức để chiếm lĩnh những kiến thức và kỹ năng cụ thể đó; tức là ở chính bản thân việc học, ở cách học, ở khả năng đảm nhiệm, tổ chức và thực hiện quá trình học tập một cách hiệu quả. Thông qua việc dạy cách học, cách tự học bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau như tổ chức cho học sinh hoạt động thực hành (cá nhân hay theo nhóm), sử dụng phiếu học tập, tìm hiểu thực tế ở các nhà máy, xí nghiệp,… Người học sẽ tự chiếm lĩnh kiến thức và phát huy được tính tích cực của người học.
4) Tăng cường tổ chức hoạt động thực hành, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề của thực tiễn đời sống
Kết hợp học với hành là một trong những quan điểm giáo dục quan trọng nhất của Đảng, là truyền thống lâu đời của nhân dân ta và cũng là một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất của loài người trong công tác giáo dục.
Việc nắm vững lý thuyết chỉ là để biết, để nhận thức bản chất hiện tượng, sự kiện,... Điều mà chúng ta cần là HS biết vận dụng những hiểu biết đó để cải tạo thực tiễn. Thông qua hoạt động thí nghiệm, thực hành, GV tổ chức hướng dẫn học sinh kiến tạo tri thức, rèn luyện kỹ năng theo tinh thần sẵn sàng vận dụng để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong học tập và trong đời sống.
Trong dạy học Toán ở Tiểu học, mục tiêu chung của dạy học các bài luyện tập, thực hành là củng cố lại các kiến thức mà HS mới chiếm lĩnh được. Các bài tập luyện tập, thực hành thường sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến trù tượng, từ hình thành kỹ năng đến hệ thống hóa các kiến thức mới.
5) Tăng cường khai thác và sử dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại vào dạy học.
Phương tiện dạy học, tài liệu in ấn và những đồ dùng dạy học đơn giản với các phương tiện kỹ thuật hiện đại như thiết bị nghe nhìn, máy vi tính, phần mềm, internet,… giúp thiết lập những tình huống có dụng ý sư phạm, tổ chức hoạt động và giao lưu của thầy và trò.
Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong và ngoài nhà trường đang cần được đẩy mạnh, tiến hành có hệ thống trong sự phối hợp chặt chẽ với nhau phải được xem là một hướng quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học.