ĐỀ XUẤT ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN CÓ TIỀM LỰC, TÌM KIẾM NGUỒN TÀI TRỢ CHÍNH HỖ TRỢ THỰC HIỆN DỰ ÁN
6.2.2.4. Tiềm năng khoa học và công nghệ
Giá trị rõ rệt nhất là cải thiện môi trường sinh thái cảnh quan cho Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng xuống cấp trầm trọng. Rừng gập mặn Cần Giờ đã trở thành lá phổi xanh quý giá của thành phố: là một nhà máy khổng lồ hấp thụ khí cacbonic và cung cấp oxy, được gió mùa Đông Nam từ biển Đông đưa vào nội thành. Rừng gập mặn Cần Giờ nằm ở phía Nam các khu công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Biên Hòa, Long Thành và nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Cho nên, nó còn là khu lọc nước thải quan trọng - hàng năm có trên 587.000 m3 nước thải được đưa xuống (số liệu năm 2001).
Giá trị đa dạng sinh học bền vững của rừng gập mặn Cần Giờ cũng được thể hiện rất rõ: các loại động, thực vật rừng, thủy sản quý hiếm đang ngày càng tăng về số lượng loài và đa dạng về chủng loại. Hệ sinh thái này đang được quản lý, bảo vệ tốt, được các nhà khoa học về sinh thái môi trường, lâm nghiệp đánh giá cao.
Hệ sinh thái rừng gập mặn Cần Giờ được khôi phục và phát triển theo hướng đa dạng, bền vững, đã được các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, các nhà khoa học đánh giá cao. Tổ chức UNESCO sau khi kiểm tra các chỉ tiêu của khu dự trữ sinh quyển, đã nhất trí công nhận RNMCG là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào ngày 21.10.2000.
Nhiều nhà khoa học trên thế giới đến rừng gập mặn Cần Giờ được phục hồi sau chiến tranh đã không khỏi ngạc nhiên và phát biểu: Rừng gập mặn Cần Giờ ngày nay không chỉ là tài sản của nhân dân Việt Nam mà đã trở thành tài sản của nhân loại trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn là trách nhiệm của Thành phố Hồ Chí Minh, của mỗi người dân phải tiếp tục xây dựng, phát triển hệ sinh thái Rừng gập mặn Cần Giờ ngày càng đa dạng, bền vững, phong phú và tươi đẹp hơn.