NỘI DUNG GIÁO DỤC 1 Khái niệm

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG LÝ LUẬN GIÁO DỤC doc (Trang 58 - 62)

1. Khái niệm

Nội dung giáo dục là một nhân tố cấu trúc của quá trình giáo dục nó chịu sự định hướng, chi phối của mục đích giáo dục. Nó có quan hệ mật thiết với các nhân tố khác của quá trình giáo dục.

Nội dung giáo dục là hệ thống những tri thức, thái độ và hành vi có liên quan đến những chuẩn mực xã hội cần được giáo dục cho người được giáo dục.

2. Nội dung giáo dục

a. Thế giới quan khoa học

Là hệ thống quan điểm của con người đối với tự nhiên, xã hội, tư duy.

Nhờ hệ thống quan điểm này, con người sẽ nhận thức đúng, suy nghĩ đúng và hành động đúng nhằm cải tạo thế giới phục vụ cho lợi ích của mình; cải tạo chính bản thân mình.

b. Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước

Với tư cách là một công dân, một người lao động trong tương lai - những người được giáo dục phải nắm được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó có những hiểu biết cần thiết về sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng XHCN. Điều đó giúp người được giáo dụcý thức được vị thế xã hội hiện nay và trong tương lai của bản thân, ý thức được nhiệm vụ của mình để góp phần xây dựng đất nước, củng cố được niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước của gia đình và bản thân.

c. Lòng yêu nước, yêu CNXH

Lòng yêu nước là một tình cảm thiêng liêng, cao quí. Trong thời đại ngày nay, lòng yêu nước phải thống nhất với lòng yêu CNXH.

Người được giáo dục với những tình cảm thiêng liêng cao quí này sẽ có niềm tin vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc, sẽ tự giác góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo định hướng XHCN.

d. Lòng nhân ái

Lòng nhân ái là một trong những giá trị cao quí của dân tộc. Nó giúp cho người được giáo dục:

+ Biết quan tâm, biết tôn trọng, biết giúp đỡ, biết học hỏi...người khác trong gia đình, trong cộng đồng, quốc gia và quốc tế.

+ Biết xa lánh tính vị kỉ, hẹp hòi, lòng thương hại, sự bố thí, ban ơn.... + Biết thống nhất giữa lòng nhân ái với lòng tự trọng.

e. Tinh thần học tập, lao động sáng tạo và năng động

Để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh theo hướng CNH - HĐH, đồng thời làm cho cuộc sống của bản thân, gia đình ngày càng hạnh phúc thì người được giáo dục phải biết học tập, lao động sáng tạo, đạt được hiệu quả ngày càng cao trên cơ sở biết vận dụng sáng tạo những thành tựu của khoa học, công nghệ. Đặc biệt là phải tự bồi dưỡng tiềm năng vươn lên,

phải có tính năng động, thích ứng nhanh chóng và có hiệu quả với cuộc sống đang đổi mới toàn diện và sâu sắc. Như vậy họ sẽ tránh được tình trạng ỷ lại vào người khác, vào xã hội, học và làm theo kiểu máy móc, hình thức.

f. Tính kỉ luật và ý thức pháp luật

Kỉ luật và pháp luật là phương tiện quan trọng để tạo ra một cuộc sống có kỉ cương, có nề nếp. Cần giáo dục để học sinh trở thành người biết sống và làm việc có kỉ luật; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật tránh được tình trạng tự do vô kỉ luật, vi phạm các qui định của pháp luật.

g. Một số các chuẩn mực xã hội khác

Ngoài những nội dung trên, người được giáo dục còn được giáo dục nhiều chuẩn mực xã hội khác, đảm bảo rèn luyện được hành vi, thói quen ứng xử trong các mối quan hệ đa dạng: với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, quan hệ quốc tế, nhân loại.

Trên cơ sở nội dung giáo dục chung, ta cần xây dựng nội dung giáo dục cụ thể cho từng ngành học, bậc học, cấp học.

Muốn vậy cần dựa vào một số căn cứ sau:

+ Mục tiêu giáo dục của ngành học, bậc học, cấp học cụ thể. + Đặc điểm tâm sinh lí của người được giáo dục.

+ Sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta qua các giai đoạn. + Sự kế thừa có chọn lọc những kinh nghiệm thực tiễn.

3. Các nguyên tắc xây dựng nội dung giáo dục

a. Đảm bảo phù hợp với mục tiêu giáo dục đào tạo

- Mục tiêu giáo dục có tác dụng định hướng cho việc xây dựng nội dung giáo dục của các loại hình nhà trường, các ngành học, bậc học, cấp học.

Nói cách khác, nội dung giáo dục chịu sự định hướng của mục tiêu giáo dục - đào tạo và mặt khác lại phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục - đào tạo.

b. Đảm bảo tính liên tục, hệ thống

- Nội dung giáo dục phải có tính liên tục từ bậc học dưới lên bậc học trên, từ lớp dưới lên lớp trên, giúp cho quá trình giáo dục được tiến hành liên tục không bị ngắt quãng. Nhờ vậy những hành vi được hình thành ở người được giáo dục sẽ được củng cố, phát triển không ngừng.

- Nội dung giáo dục phải có tính hệ thống: Những điều được giáo dục trước sẽ làm tiền đề, cơ sở cho những điều được giáo dục sau và những điều giáo dục sau sẽ củng cố, phát triển những điều đã giáo dục trước.

Nhờ vậy, Nội dung giáo dục sẽ tạo điều kiện cho người được giáo dục nắm được và thực hiện được một hệ thống các chuẩn mực xã hội cần thiết.

c. Đảm bảo mối quan hệ giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại

- Nội dung giáo dục được xây dựng dựa trên mối quan hệ giữa các giá trị truyền thống và các giá trị hiện đại.

+ Sàng lọc những giá trị truyền thống, giữ lại những giá trị đến nay vẫn còn có ý nghĩa và đồng thời hiện đại hoá chúng (lòng nhân ái, tinh thần lao động cần cù sáng tạo, lòng yêu nước...).

+ Loại bỏ những giá trị truyền thống đến nay không còn ý nghĩa (đông con là nhà có phúc, Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô...)

+ Bổ sung những giá trị hiện đại mới được nảy sinh trong hoàn cảnh đất nước đang đổi mới, đang hoà nhập vào cuộc sống chung của nhân loại (Gia đình ít con, làm bạn với mọi dân tộc, mọi quốc gia, làm giàu chính đáng...).

Tuyệt đối tránh tình trạng bảo thủ hoặc phủ định hoàn toàn những giá trị truyền thống. - Nội dung giáo dục phải đảm bảo được mối quan hệ giữa những giá trị dân tộc và những giá trị nhân loại.

+ Duy trì và phát triển những giá trị mang bản sắc dân tộc (cách chào hỏi, trang phục, quan hệ gia đình, quan hệ với thầy cô giáo...)

+ Bổ sung những giá trị nhân loại nhằm làm phong phú thêm những giá trị dân tộc (bảo vệ hoà bình, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hoá dân tộc...)

Tuyệt đối tránh tình trạng dân tộc hẹp hòi, phủ nhận những giá trị nhân loại, hoặc làm mất bản sắc dân tộc, chạy theo những giá trị nhân loại một cách vô nguyên tắc.

d. Đảm bảo tính đến đặc điểm tâm lí và trình độ nhận thức của người được giáo dục

- Những người được giáo dục ở các lứa tuổi khác nhau, có những đặc điểm tâm lí và trình độ nhận thức không giống nhau. Khi xây dựng nội dung giáo dục cần tính đến những đặc điểm này nhằm đảm bảo tính vừa sức trong giáo dục.

e. Đảm bảo tính đồng tâm

- Có những chuẩn mực được lặp đi lặp lại nhiều lần từ lớp dưới lên lớp trên, từ bậc học dưới lên bậc học trên, song ngày càng được mở rộng, đào sâu cũng như được khái quát hoá ngày càng cao.

- Nhờ vậy người được giáo dục có cơ hội nâng cao hiểu biết về các chuẩn mực xã hội, định hướng cho những hành vi ngày càng có tính tự giác cao, tránh được tình trạng thực hiện hành vi một cách hình thức chủ nghĩa, thiếu ý thức.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG LÝ LUẬN GIÁO DỤC doc (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w