III. GIÁO DỤCVÀ SỰ PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách
2.3. Giáo dụcvà sự phát triển nhân cách
Giáo dục là quá trình có mục đích được tổ chức một cách có kế hoạch, có phương pháp nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người phù hợp với những yêu cầu của xã hội. Như vậy, có thể nói rằng, những tác động của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách không phải là mang tính tự phát, trái lại, mang tính tự giác rõ rệt .
Lịch sử đã chứng minh vai trò to lớn của giáo dục trên mọi mặt của đời sống xã hội. Còn trong sự hình thành và phát triển nhân cách, giáo dục được đánh giá là giữ vai trò chủ đạo. Vai trò chủ đạo của GD được thể hiện tập trung ở các nội dung sau:
- Giáo dục định hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Điều này được thực hiện thông qua việc xây dựng mục tiêu giáo dục cho từng cấp học, trường học.
Ví dụ: Mục đích của trường Sư phạm là đào tạo những người giáo viên có phẩm chất và năng lực, có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, có lòng yêu nghề, quý trẻ,... Với mục đích xuyên suốt đó thì quá trình giáo dục trong nhà trường đã vạch ra phương hướng cho sự phát triển của sinh viên sau 4 năm ra trường trở thành một người như thế nào, trở thành một giáo viên (dự tính được sau 4 năm, nhân cách sinh viên sư phạm đã phát triển ở mức độ nào, có những cái gì).
- Giáo dục tổ chức, hướng dẫn sự hình thành và phát triển nhân cách theo mô hình đã được định hướng.
+ Điều này được thể hiện bằng việc xây dựng nội dung, phương pháp, phương tiện giáo dục nhằm đạt đến mục tiêu đã đề ra.
+ Giáo dục lại còn tổ chức các hoạt động như dạy học, lao động, hoạt động xã hội, hoạt động tập thể, vui chơi , giải trí..., trong đó, dưới sự tổ chức, điều khiển của nhà giáo dục,
người được giáo dục tích cực tham gia và qua đó, nhân cách được hình thành và phát triển theo định hướng xác định.
+ Trong quá trình hoạt động, diễn ra sự điều chỉnh của nhà giáo dục và sự tự điều chỉnh của người được giáo dục nhằm giúp cho quá trình hình thành và phát triển nhân cách của người được giáo dục không bị chệch hướng. Kết quả của quá trình này, cuối cùng sẽ nhận được nhờ giáo dục đánh giá và người được giáo dục đánh giá.
- Giáo dục có thể mang lại những tiến bộ mà các yếu tố khác như di truyền, môi trường không thể có được.
Một em bé sinh ra không bị khuyết tật gì thì cùng với sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, vài ba năm sau, chắc chắn em bé đó sẽ biết nói. Nhưng nếu muốn biết đọc, biết viết thì nhất thiết phải được học tập, được giáo dục.
- Giáo dục phát hiện, khai thác và tận dụng được những yếu tố thuận lợi, đồng thời phát hiện, hạn chế và góp phần khắc phục những yếu tố không thuận lợi của di truyền, môi trường, nhằm phục vụ cho sự hình thành và phát triển nhân cách của người được giáo dục.
* Đối với di truyền:
Thật vậy, di truyền không những tạo ra những tiến bộ sinh học thuận lợi mà đôi khi còn mang lại những yếu tố không thuận lợi. Do đó, giáo dục cần và có thể:
+ Phát hiện, tạo điều kiện, và khai thác những tiền đề sinh học thuận lợi, không để chúng bị lãng quên, bị thui chột.
Ví dụ: Những đứa trẻ có năng khiếu, tư chất phần lớn do giáo dục phát hiện ra, khi giáo dục phát hiện ra những tư chất ấy thì giáo dục tạo điều kiện cho các tư chất ấy phát triển. Như mở các trường năng khiếu, các trường chuyên, lớp chọn, nhằm bồi dưỡng, phát triển những năng khiếu, tư chất đó. Cụ thể như là các lớp dạy năng khiếu về Toán, lý, hoá, âm nhạc, thể dục, nghệ thuật…
+ Đồng thời, giáo dục có thể khắc phục, cải tại được những nhược điểm, những yếu tố không thuận lợi do bẩm sinh–di truyền, có thể bù đắp những thiếu hụt do bệnh tật gây ra cho con người.
Ví dụ: Giáo dục phát hiện được những em điếc, câm, những em thiếu khả năng trí tuệ do những nguyên nhân sinh học gây ra. Từ đó, giáo dục đã có những phương pháp hữu hiệu để giúp các em hạn chế được những nhược điểm đó. Điển hình là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị liệt 2 tay, nhạc sỹ chơi ghita nổi tiếng Văn Vượng bị mù...)
Tương tự như vậy, môi trường không những tạo ra những yếu tố thuận lợi mà còn mang lại những yếu tố không thuận lợi cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người được giáo dục. Do đó, giáo dục cần và có thể:
+ Phát hiện những yếu tố thuận lợi của môi trường, không để chúng bị lãng quên, sử dụng chúng phục vụ cho mục đích giáo dục con người.
Ví dụ: Giáo dục biết ở môi trường nào tốt, phù hợp. Anh là người có năng khiếu, anh hãy vào trường năng khiếu, anh đẹp, biết diễn xuất, anh hãy vào trường điện ảnh, anh có khiếm khuyết về thị giác (mù) anh hãy vào trường khiếm thị… Ở những nơi đó là phù hợp, và có những điều kiện thuận lợi cho bản thân anh nhất.
+ Khai thác môi trường: Bản thân môi trường luôn luôn tồn tại những tác động tích cực lẫn những tác động tiêu cực đến sự phát triển nhân cách con người. Giáo dục có thể chọn lọc, khai thác những ảnh hưởng tích cực của môi trường để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhân cách.
Ví dụ: Ở bên ngoài có nhiều thứ để học, giáo dục có thể chọn lọc, chỉ ra cho cá nhân những cái cần thiết nhất, phù hợp nhất.
+ Cải tạo và xây dựng môi trường: Giáo dục có thể hạn chế, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường, biến đổi, cải tạo chúng thành yếu tốt tích cực cho sự phát triển của nhân cách Bên cạnh việc khai thác môi trường sẵn có, giáo dục còn có thể tạo ra môi trường có tác dụng giáo dục.
Thực tiễn giáo dục sinh động đã chứng tỏ rằng giáo dục đã phát hiện và sử dụng được những yếu tố thuận lợi của môi trường nhà trường, môi trường gia đình, môi trường xã hội để tạo ra được sức mạnh tổng hợp trong quá trình giáo dục nhân cách thế hệ trẻ.
Hiện nay, khi mà trong xã hội tồn tại nhiều hiện tượng tiêu cực với nhiều tệ nạn xã hội (cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy...) với nạn lan tràn văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực... một mặt giáo dục còn giúp cho người được giáo dục, trước hết là thế hệ trẻ có sức đề kháng để tự bảo vệ chống lại ảnh hưởng xấu xa đó. Song mặt khác, giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội phối hợp với nhau thực hiện cuộc vận động nhằm ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những tình trạng làm mất vệ sinh, vi phạm lụật lệ giao thông, chiếu các băng Video đen...
Kinh nghiệm thực tiễn cũng cho thấy, bằng những biện pháp thích hợp, nhiều nhà trường đã đẩy công cuộc xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. Trong đó, các mối quan hệ thầy - thầy, thầy - trò, trò - trò là những mối quan hệ tốt đẹp; các hoạt động có nề nếp, kỷ
cương; môi tường tự nhiên đã được thầy trò cải tạo sạch và đẹp... Chính môi trường sư phạm lành mạnh được giáo dục tạo ra cũng chính nó đã hỗ trợ trở lại giáo dục, góp phần quan trọng vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách thế hệ trẻ theo định hướng đã xác định.
- Điều kiện để giáo dục phát huy được đầy đủ vai trò chủ đạo đối với sự phát triển nhân cách.
+ Một là, giáo dục phải diễn ra theo một qui trình, trong đó có sự vận động và phát triển đồng bộ của các thành tố của nó (mục đích và nhiệm vụ giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp và phương tiện giáo dục, nhà giáo dục, người được giáo dục, kết quả giáo dục).
+ Hai là, giáo dục phải đi trước sự phát triển và kéo theo sự phát triển của người được giáo dục, nghĩa là giáo dục phải đưa ra được các yêu cầu cao, vừa sức đối với người được giáo dục mà họ có thể hoàn thành được với sự nỗ lực cao nhất.
+ Ba là, nhà giáo dục phải nắm vững đặc điểm tâm sinh lý của người được giáo dục. + Bốn là, phải có sự kết hợp chặt chẽ ba lực lượng giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò chủ đạo. Những yếu kém của giáo dục thường có nguyên nhân từ sự thiếu phối hợp đồng bộ giữa ba lực lượng giáo dục này.
KLSP:
+ Khai thác, phát huy triệt để những điều kiện bên trong, bên ngoài, những tư chất do bẩm sinh di truyền, môi trường đem lại.
+ Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và tự giáo dục, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
+ Tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để học sinh tham gia.
Từ những điều đã trình bày trên, chúng ta nhận thấy giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách; giáo dục và sự phát triển nhân cách có sự tác động qua lại tích cực đối với nhau; giáo dục muốn phát huy được đầy đủ vai trò của mình thì cần phải có những điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là giáo dục là vạn năng, là quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách như một số người lầm tưởng. Đó là vì sự hình thành và phát triển nhân cách phụ thuộc vào nhiều nhân tố mà giáo dục chỉ là một trong những nhân tố đó, mặc dù đó là nhân tố chủ đạo.