Khai thác nội tâm

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết thần thánh và bươm bướm của đỗ minh tuấn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 103 - 107)

“Mục đích chính của nghệ thuật là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường” (L.Tônxtôi). Các nhà tiểu thuyết không dừng lại ở những sự kiện những hành động bên ngoài mà chú trọng đi sâu, khai thác thế giới nội tâm, đời sống tâm lí bên trong của nhân vật. Bằng sự quan sát tinh tế, cảm quan từng trải và giàu cảm xúc nhà văn đã cho thấy sự phức tạp, đầy biến động trong tâm hồn nhân vật.

Hình ảnh sư cô trong chùa để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng sâu sắc bởi những cảm xúc, khao khát mãnh liệt, niềm tin vững chắc. Đoạn văn sau miêu tả những cảm xúc rất tinh tế khi ánh mắt nhìn cô đầy khao khát vụng trộm hiện lên trong tâm trí cô: “Cô thở dài trằn trọc trong đêm, cảm thấy ngôi chùa tự nhiên mênh mông hoang vắng quá. Tiếng mưa rơi lộp bộp trên tàu chuối sao mà miên man đằng đẵng. Cái anh chàng Tây đen chết tiệt lôi cô trở về với những day dứt trần thế. Cô nhớ nhà, thương mẹ, thương em và thèm cuộc sống ký túc xá mà trước đây cô thấy nó nhốn nháo và uế tạp. Cô thấy cái anh chàng trâu lăn ấy nhìn bề ngoài thô ráp và trần tục, nhưng có cái gì rất tận tâm và tội nghiệp. Anh như một Sa Tăng lặng lẽ, trung thành và lầm lũi gánh hành lý đi sau thầy trò Đường Tăng. Nhưng cô không thấy có cảm giác lo sợ, vì cô luôn cảm thấy có một cái gì lớn hơn, mạnh mẽ hơn trong anh ta. Cô cảm thấy được sự vật lộn giữa thần thánh và quỷ sứ trong con người ấy. Thậm chí, nếu cuộc vật lộn căng thẳng quá, vị thánh trong anh ta trong tình thế nguy nan sắp bị vật ngã có thể trỗi dậy ra lệnh cho anh tà cầm dao chặt phéng cái dục vọng “bất trị” ấy đi để giữ lấy đạo. Cái cảm nhận siêu tuyệt ấy khiến cô thấy thương anh chàng kia, và thấy cuộc

đời trong những dục vọng điên dại của nó không đáng ghê sợi như lâu nay cô vẫn kinh hãi …”[62,345].

Nếu không phải là con người tinh tế nhạy cảm, tác giả không thể có những trang viết hay và xúc động đến thế. Có thể khẳng định rằng đây là đoạn văn miêu tả nội tâm nhâm vạt xuất sắc và thành công nhất. Khám phá ra điều này nhưng không phải nhà văn nào cũng viết được với chất giọng đầy sự sẻ chia thông cảm như vậy. Có thể là với giọng mỉa mai làm sư cô mà chưa thoát tục. Nhưng không ở đây, Đỗ Minh Tuấn đã thấu hiểu những gì thuộc chiều sâu trong tâm hồn con người, những gì thầm kín nhất tưởng không có cơ hội để nói ra.

Khác với những cảm xúc tinh tế rất con người của sư cô là dòng tâm trạng đau khổ của vợ Thao với bao nỗi niềm sâu lắng, khổ tâm, dắn vặt, đau khổ. Dòng tâm trạng của nhân vật này làm xúc động tâm hồn của chiến sỹ công an, vốn có kinh nghiệm trog việc đoán biết nội tâm của nhân vật: “Chị vợ Thao bỗng khóc to dần, tức tưởi. Long nhìn chị có vẻ ái ngại rồi nhìn sang đồng nghiệp có vẻ trách móc. Câu hỏi của anh ta nhắc đến Jôn và khẩu súng đã đụng chạm đến một nỗi day dứt lo âu sâu thẳm dày vò chị từ khi Thao có ý đồ mua súng đến nay, chung quy chỉ tại cái sĩ diện hảo với dân làng rồi sau đó là với thằng Jôn, chị với con Minh đã can ngăn rồi mà cứ khăng khăng đâm lao phải theo lao, mua súng lại còn chửi chị là đàn bà không biết gì mà chõ mũi vào chuyện của đàn ông... Dân làng có biết đâu nỗi lòng của chị, ai cũng bảo còn gì bằng Thánh còn gì bằng Mĩ nữa nhờ trời nhà chị đủ cả hai, sướng nhất làng rồi. Chị cũng cố vui theo dân làng thôi chứ trong sâu thẳm của chị lúc nào cũng lo âu.”[62,432].

Với chỉ mấy dòng suy nghĩ tâm trạng tác giả nói lên được nỗi lòng của người mẹ nghèo khốn khó thật đáng thương và tội nghiệp, chính những giọt nước mắt ấy của chị đã chặn đứng mọi cơ hội điều tra, chặn đứng mọi khả

năng hợp tác. Những dòng suy nghĩ của vợ Thao làm cho người đọc càng thêm thấu hiểu chị là người phụ nữ tần tảo chịu thương chịu khó suốt đời vì chồng, vì con, bao giờ cũng thầm lặng hy sinh. Nét đẹp ấy mang tính điển hình cho người phụ nữ Việt Nam. Còn với Thao cũng có nhiều đoạn văn miêu tả một cách sâu sắc tâm lí nhân vật, khi sắp trở thành bố vợ của chàng rể lạ hoắc con trai của nghị sĩ Mỹ, anh vừa muốn nhờ cậy để đổi đời vừa bất cần, vừa mơ về một ngày xa lắm với cây gạo nở hoa đỏ thắm, cả cái điếm canh đầu làng, lại vừa muốn quê hương được thay da đổi thịt. Với một người như anh ngay cả khi ngồi trong tù cũng không thể dứt bỏ những hoài vọng hão huyền về một ngày mai vô định, mà chính anh cũng không biết nó như thế nào. Dù chỉ là hoài vọng, nhưng xem ra nó cũng là cái gì đó hết sức nực cười: “Thao nhắm mắt lại cố hình dung những bông hoa gạo, những cánh bướm xưa, nhưng cả trong ký ức của anh cả thần thánh và bươm bướm cũng không còn cư trú. Chẳng lẽ mình lại mụ mẫm đãng trí vô tâm đến thế kia sao? Thao vẫn hy vọng những hình ảnh xưa vẫn còn ẩn náu đâu đây trong sâu thẳm tâm hồn anh và sẽ có một ngày kia phục hồi”[62,432]. Thao là nhân vật chính của tiểu thuyết, được tác giả thể hiện bằng những dòng tâm trạng rất tinh tế qua đó khắc họa sâu sắc những biến đổi sâu sắc trong chiều sâu tâm hồn của anh.

Đi sâu vào thế giới bí ẩn con người, lắng nghe những cảm xúc trong dòng tâm trạng, nhà văn đã khái quát những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Hành trình khám phá thế giới nội tâm nhân vật đồng nghĩa với quá trình con người tự ý thức về mình. Trong thấu kính đó con người được soi rõ từng tâm can, phơi bày tận cùng những trạng thái tinh thần và diễn biến phức tạp của tâm hồn. Đỗ Minh Tuấn đã khắc họa được hình ảnh những nhân vật thật tinh tế và sâu sắc.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết thần thánh và bươm bướm của đỗ minh tuấn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 103 - 107)