Thuật ngữ fantastistque được thế giới nghiên cứu chuyển dịch sang tiếng Việt bằng những khái niệm kỳ ảo, huyền ảo. Có lúc nó mở rộng biên độ thành kinh dị. Đó là những truyện “có sự thâm nhập hợp lý của yếu tố “hư”, yếu tố “ảo” vào cái “thực” để tạo nên những tác phẩm văn chương có tính chân thực, nhân văn, vừa kích thích óc tưởng tượng sáng tạo của bạn đọc, tạo ra những hình tượng đa nghĩa, có kết cấu mở giúp người đọc có thể sáng tạo cùng với nhà văn.
Văn học 1945 - 1975 hầu như không xuất hiện kiểu con người huyền thoại, phi lý, sau đổi mới, tiểu thuyết đương đại mới đi vào khắc hoạ con người không chỉ ở tính cách, những điều có thể giải thích được, mà còn khám phá con người ở cõi tâm linh vi diệu, biến ảo, khám phá những dòng ý thức và những mảnh tiềm thức đan vào nhau như một ma trận cực kì phức tạp của thế giới bên trong con người. Khoa học ngày càng phát triển, con người càng có thêm sức mạnh thâm nhập vào những bí ẩn của thế giới và của nội tâm con người. Nhưng mặt khác dường như bất lực trước bí ẩn của vũ trụ, đặc biệt là thế giới tâm linh con người, tiểu thuyết hiện đại bắt đầu tiếp cận với thế giới đằng sau thế giới hiện thực, cố gắng thoát khỏi kiểu phản ánh hiện thực được hiểu một cách thông tục của tiểu thuyết trước đây. Trong một tác phẩm kỳ ảo chân chính, yếu tố “thực” sẽ làm cho tác phẩm có nội dung xã hội, kéo người đọc về phía cuộc đời, còn yếu tố “ảo” sẽ tăng cường hiệu ứng tâm lý – thẩm
mỹ, làm cho đầu óc người đọc phải làm việc một cách tích cực, độc giả vì thế có nhiều khả năng lựa chọn để tự tìm cho mình một lời giải xuyên qua bức màn sương khói của cái không thực. Đó cũng là lí do các nhà văn ngày càng thích sử dụng những yếu tố kỳ ảo, những chi tiết mang màu sắc thần bí để miêu tả con người và thế giới xung quanh con người.
Là cây bút có nhiều đổi mới sáng tạo, Đỗ Minh Tuấn đã cố gắng tìm tòi phát hiện thế giới tiềm ẩn sâu bên trong con người. Đầu tiên, là hình ảnh cây gạo với nhiều câu chuyện bí ẩn, nở hoa quanh năm, và chảy nước màu đỏ nhuộm cả làng Bái Hạ. Đáng chú ý nhất là câu chuyện xưng thánh của Chấn, sau một trận ốm cậu bé Chấn bỗng dưng được lộc thánh, từ đấy xem quẻ cho tất cả mọi người, du khách thập phương kéo đến đông ngịt. Về sau Chấn còn được thứ lộc hết sức đặc biệt là chữa bệnh bằng tình dục, chính cách chữa bệnh này đã gây sự tò mò thích thú với bố của ông Thánh: “Từ ngày thằng Chấn chữa bệnh trong buồng kín, vợ Thao có thêm nhiệm vụ nhặt hoa gạo rụng vào buổi sớm tinh sương. Hai giờ sáng dậy hái lá mít, nằm chợp đi một tí là gà gáy canh ba, vợ Thao lại choàng dậy cắp rá lùi lũi đi ra gốc gạo. Thằng Chấn cấm bố nó đụng đến hoa”. Những bông hoa gạo ấy dùng vào việc chữa bệnh bằng tình dục cho các bà các cô, câu chuyện về thánh Chấn quả mang nhiều chi tiết hoang đường và kỳ ảo. Tiểu thuyết còn xuất hiện chi tiết mang yếu tố huyền ảo đặc biệt, đó là hình ảnh cây bưởi cũng nở hoa quanh năm bốn mùa. Nhưng được báo mộng đây sẽ là chốn nghỉ chân của Đức Di Lặc, vì thế gốc bưởi đã trở thành chợ tình sôi động, có rất nhiều đôi trai gái tìm đến đây để quan hệ dưới gốc cây, cũng có những ông chồng đi công tác ngang qua không có vợ cũng tìm cách được tiến hành cái việc ấy dưới thanh thiên bạch nhật với các cô gái khác. Những yếu tố huyền thoại kỳ ảo ấy là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng được nhà văn sử dụng như một phương tiện để phản ánh hiện thực, giúp nhà văn nhận thức và chiếm lĩnh thế giới, đồng thời bộc lộ
những suy nghĩ quan niệm của mình về cuộc đời và con người. Cái kỳ ảo chỉ là “gia vị” cho hiện thực, nhưng thiếu nó tác phẩm sẽ mất đi sự hấp dẫn nhất định và thu hẹp biên độ của hiện thực. Sự đan xen hư - thực tạo nên hiệu quả nghệ thuật độc đáo. Cái kỳ ảo của truyện, làm người ta thường xuyên đặt ra câu hỏi: điều đó có thật hay chỉ là ảo ảnh, là sự ngẫu nhiên hay tình cờ. Từ đấy tác giả có thể phản ánh bức tranh hiện mà không cần đến sự chê bai gay gắt, tất cả ngầm hiểu ông đang nói đến vấn đề mê tín dị đoan, vấn đề nhận thức của con người trước những hiện tượng trong đời sống. Sự thật trần trụi của xã hội được nhìn qua lăng kính của sự huyền ảo nên tất cả đều trở nên lung linh sắc màu. Như một triết gia Ấn Độ khi bàn về nghệ thuật nói: “Thế giới này nhỏ bé cho nên phải thêm vào đó một chút tưởng tượng bay bỗng thì thế giới chật hẹp ấy mới được mở rộng ra đến khôn cùng, chứ không thì nó mãi mãi còn chật hẹp, thô sơ như một quan niệm cũng rất chật hẹp thô sơ về chủ nghĩa hiện thực”.
Như vậy con người của thế giới hiện thực huyền ảo không chỉ là phương tiện để nhà văn minh hoạ hiện thực mà qua đấy còn thể hiện được quan điểm cách nhìn của mỗi nhà văn đối với cuộc sống hàng ngày.