Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết thần thánh và bươm bướm của đỗ minh tuấn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 98 - 103)

Trong Văn học, nhân vật “hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại của con người trong nghệ thuật”. Đó là những con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhà văn sáng tạo ra nhân vật văn học nhằm thể hiện tư tưởng quan điểm của mình về một cá nhân nào đấy trong xã hội hoặc là một hiện tượng của đời sống hiện thực. Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật mang tính ước lệ, được xây dựng thông qua quá trình hư cấu và sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Muốn xây dựng nhân vật văn học thành công, nhà văn phải có sự đồng cảm, nhập thân vào các nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Bùi Việt Thắng từng cho rằng: “Nhà văn phải nhập thân vào nhân vật, sống say mê với cuộc đời của họ, nhưng đồng thời lại phải tỉnh táo để có thể thấy đường đi nước bước của nhân vật”.

Chức năng cơ bản của nhân vật văn học là khái quát tính cách con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao kì vọng về con người. Nhân vật mà nhà văn sẽ “tỏ ra” là những người có thật, khi nào tìm thấy và nêu lên được ở từng nhân vật những nét cá biệt, độc đáo về ngôn ngữ và lúc đó người đọc thấy rõ hơn, nghe rõ hơn về những điều mô tả. Nhân vật văn học chỉ xuất hiện qua sự trần thuật, miêu tả bằng phương tiện nghệ thuật. Những thủ pháp

nghệ thuật được nhà văn sử dụng chủ yếu khi xây dựng nhân vật đó là nghệ thuật tạo tình huống và khắc hoạ nội tâm.

3.3.2.1. Nghệ thuật tạo dựng tình huống bộc lộ tính cách nhân vật

Tiểu thuyết hiện đại quan niệm con người cá nhân như “một nhân cách”. Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân đã đem lại một cảm hứng nhân bản trong sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ đặt nhân vật trong những tình huống khác nhau, từ đó tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nét. Cái bản chất trong quan hệ giữa các tính cách nhân vật, giữa nhân vật với hoàn cảnh được bộc lộ rõ nét. Tình huống thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm.

Nhiều nhà văn chú trọng khai thác tình huống, coi đó như là yếu tố quan trọng để xây dựng nhân vật, qua đó đưa lại cái nhìn khái quát về hiện thực cuộc sống và con người. Tình huống thực chất là sự tác động qua lại giữa con người và hoàn cảnh. Những nhà văn đều là những người có biệt tài tạo ra những tình thế xảy ra vừa cá biệt vừa mang tính phổ biến hoặc tượng trưng. Có nhà văn lại cố tình đưa nhân vật của mình vào những va chạm bình thường hàng ngày, những tình thế giao tiếp hàng ngày. Con người trong văn học hôm nay được nhìn ở nhiều vị thế và trong tính cách đa chiều của mọi mối quan hệ: con người với xã hội, con người với lịch sử, con người của gia đình, với người khác, và trong quan hệ với chính mình. Nhân vật tự nó đi vào tác phẩm, sống đời sống riêng của nó với những tình huống xảy ra xung quanh.

Thao là cựu chiến binh, là một nhân vật phiêu lưu rất tiểu thuyết. Nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam ít chất phiêu lưu nên được viết giống như bản ghi chép tiểu sử, ít hấp dẫn. Trong tiểu thuyết này Thao được tác giả xây dựng trong mối quan hệ với nhiều nhân vật khác nhau đặc biệt là những tình huống rất gay cấn nhưng qua đó lại bộc lộ anh là con người quyết đoán, định làm gì là làm ngay, không lường trước được hậu quả. Tình huống đầu tiên Thao bộc lộ mình là người có bản tính mafia, khi đòi mua lại một ít con vịt

mang lại vận may, không được thì ăn cắp, không ăn cắp được thì Thao đốt cháy cả chuồng vịt nhà người ta. Không biết gì về pháp luật và cũng không cần tôn trọng pháp luật: “Thao chưa nghĩ ra cách gì trả thù thì thấy bên đường có bày chai bán xăng. Thao chợt loé lên một ý định, vội trả tiền rượu, mua thêm một cái bật lửa ga giá hai ngàn rồi sang đường mua chai xăng xách đến nhà Đồng. Hình như hơi men làm Thao thăng hoa nhanh nhẹn hẳn lên, như có đôi cách nâng người bay lâng lâng, nhẹ tênh, chả mấy chốc mà đã có mặt trước cửa bếp nhà Đồng. Đàn vịt lao xao. Thao tưới xăng vào đàn vịt và rút bật lửa gas. Lửa bùng lên soi rõ đàn vịt đỏ như những bó đuốc huyên náo và quằn quại. Thao bỏ chạy trước khi đám đánh bạc xô cửa ào ra” [62,70]. Trong quan hệ với gia đình, Thao cũng như nhiều ông bố trong truyện rất gia trưởng, đánh con những đòn rất ác, ném cái ghế làm gãy ba xương sườn, dập lá lách suýt nữa làm con chết. Nhưng trong quan hệ với đồng đội Thao tỏ ra đầy tình thương và trách nhiệm. Anh đã giúp Toán nuôi dưỡng và chữa bệnh cho Liên. Thao bị bản năng lôi cuốn khi bắt trước thánh Chấn chữa bệnh mất ngủ cho con gái của đồng đội, cô Liên 17 tuổi bằng thôi miên tình dục, nhưng Thao không đi đến cùng vì tay sờ phải vết sẹo hồi bé của Liên, anh thức tỉnh và dừng lại. Đó là nét đẹp của Thao. Thao tiêu biểu cho một bộ phận người mang tâm thức nông dân Việt: “ Khi làn da đang phập phồng sinh khí và râm ran những bước chân thần thánh, bỗng nhiên trở nên hụt hẫng, vắng vẻ, đôi mắt cô bỗng mở ra nhìn, chỉ thấy một màu đỏ u uẩn. Nhưng Liên không dám động đậy, cô nấp sau sự im lặng như con thú giả chết khi thấy con thú khác liếm mồi. Bỗng cô thấy cái áo nhẹ nhàng bay xuống choàng lên ngực cô và tiếng Thao nói khẽ:

- Mặc áo vào đi cháu...”

Liên còn nằm yên lắng nghe tiếng ngân của cảm giác đê mê mới lạ chưa kịp đưa tay nhấc bông hoa gạo ra khỏi mắt thì đã nghe tiếng mở cửa và bước

chân Thao đi ra. Lại một lần thứ hai, Thao đưa cô vào một thế giới lạ lẫm, đem đến cho cô những cảm giác mới mẻ, thú vị, thức dậy trong cô bao cảm giác mơ hồ và mãnh liệt, rồi đột ngột bỏ đi để lại mình cô lạc lõng, bơ vơ trong cái thế giới mà cô chưa một lần biết rõ địa chỉ”[62,128]. Trong tình huống này, Thao thật đáng trân trọng, cái tốt và cái xấu chỉ còn cách nhau trong gang tấc, nhưng với lập trường và bản lĩnh của người lính đã bao năm chiến đấu nơi chiến trường ác liệt giúp anh đứng vững bên bờ của cái thiện. Đặc biệt tác giả đặt nhân vật Thao vào cuộc chiến đấu sinh mệnh giữa cây bưởi và những dự án đầu tư của nước ngoài, qua đó thấy được phẩm chất của người lính, và tình bạn cao đẹp giữa họ. Thao là típ nhân vật kiểu ĐôngkySôt giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, chỉ lên thăm bạn cũ nhưng khi biết tính mạng của đứa con Lôi đang bị đe dọa nghiêm trọng Thao ở lại cùng bạn chiến đấu hết mình để bảo vệ cây bưởi. Ngay cả việc Thao bị vào tù cũng vì tính ngay thẳng, sẵn sàng hy sinh vì người khác. Để bảo vệ cây bưởi buộc anh phải có thêm đồng minh, suy nghĩ đấy dẫn đến hành động đi tìm Vinh sẹo chiến hữu ngày xưa, nhưng trên đường đi anh lại gặp bọn ăn trộm tượng Phật của chùa, anh cùng Quỳ đánh bọn trộm và giúp nhà chùa chuyển số tượng Phật về. Ở đây duyên trời kết nối đôi bạn, anh rủ Quỳ mang cả mộ mẹ đến làng Đông Phúc cùng chiến đấu bảo vệ cây bưởi. Rồi tình huống mới đẩy thao vào hoàn cảnh éo le ngang trái, Thao gặp bọn mua đồ cổ, chúng đã lấy cắp xương sườn trong bộ hài cốt của mẹ thao để lắp vào hài cốt của ông tướng đời Trần. Vì chiến đấu để bảo vệ bản thân Thao vướng vào tội ngộ sát phải đi tù 7 năm.

Với các nhân vật khác tác giả luôn đặt họ vào tình huống có vấn đề để thấy rõ được tính cách nhân vật. Minh là một cô gái nhà quê, bị sức hút của đồng tiền thôi miên khiến cô trở thành cave chuyên moi tiền của những đại gia nước ngoài, đặc biệt là Jôn con trai của thượng nghị viện Mỹ. Số tiền cô kiếm

được lại sử dụng vào những công việc khá chính đáng như sửa nhà thờ họ, vì thế Minh trở thành niềm ngưỡng vọng của gia đình và dòng họ. Chính vì thế trong mọi tình huống tác giả luôn thể hiện rõ bản chất con người Minh một con người bị tha hóa vì đồng tiền. Khi được bố gọi tới làng Đông Phúc, trái ngược với Jôn điều mà anh hết lòng quan tâm là đứa bé nhiễm chất độc da cam đáng thương và tội nghiệp thì Minh chỉ quan tâm đến dự án mua bán bươm bướm với hàng nghìn đô la Mĩ. Thái độ đó của Jôn làm Minh phật ý và không vui vẻ gì “Minh ngồi thừ ngoài xe, cám cảnh bố mình cầm súng nói luyên thiên, cô đã định bảo Jôn quay về Hà Nội. Nhưng tĩnh trí rồi Minh lại nhớ ra mục đích chính của chuyến đi là để lái Jôn và bố cô vào chuện hợp đồng mua bươm bướm, bọ hung. Thấy Jôn và Thao đã ngồi ăn uống vui vẻ với nhau rồi lại thấy Jôn quay phim cây bưởi, Minh yên tâm mở cửa xe đi vào gốc bưởi đứng ngay phía sau Jôn. Khi Jôn lắc máy sang bên phải chạm vào Minh, cậu ta reo lên :

- Hoan hô Minh ngủ dậy rồi ! Chờ anh một tý nhé.

Jôn quay nốt mấy cảnh đặc tả hoa bưởi rơi xuống đất rồi đóng máy, kéo Minh vào chỗ vợ chồng Lôi và Thao đang ngồi. Đứa bé hôm nay ngủ yêu không thấy khóc nhiều như mọi hôm. Minh chọn chỗ ngồi quay lưng lại đứa bé để khỏi phải nhìn cái hình thù quái dị của nó. Minh hỏi độp luôn.

- Thầy đã nói gì với Jôn về việc bọ hung bươm bướm chưa? - Chưa, đã kịp nói gì đâu.

- Nói đi chứ không thì hết thời gian vào những việc linh tinh, đến giờ anh ấy về vẫn chưa kịp nói” [62,275]. Qua một số chi tiết trên người đọc hoàn toàn cảm nhận được bản chất thật trong con người Minh, cô ta chỉ quan tâm đến những đồng tiền được bo từ những ông Tây còn về tâm hồn dường như hoàn toàn vô cảm. Có thể thấy những tình huống được đặt ra cho nhân vật

đều đem lại hiệu quả nghệ thuật nhất định. Ở đó tính cách của từng nhân vật được bộc lộ cụ thể.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết thần thánh và bươm bướm của đỗ minh tuấn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 98 - 103)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w