Nghệ thuật xây dựng cốt truyện

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết thần thánh và bươm bướm của đỗ minh tuấn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 90 - 94)

Khác với tác phẩm trữ tình - là bộc lộ biểu hiện những tư tưởng tình cảm thể hiện theo cách riêng của nhà thơ trước thực tại cuộc sống, tác phẩm tự sự được xây dựng phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó – qua con người hành vi, sự kiên, được kể lại bởi một người nào đó. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “cốt truyện là hệ thống sự kiện cụ thể, tổ chức theo yêu cầu và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm thể hiện loại tự sự và kịch” [24,99]. Trong Lý luận văn học (tập 2) các tác giả Trần Đình Sử, Phương lựu, Nguyễn Xuân Nam, cho rằng “cốt truyện là hình thức tổ chức sơ đẳng nhất của truyện. Bất cứ truyện lớn truyện nhỏ cốt truyện nói chung bao gồm các thành phần chính: thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút”. Như vậy, dù ngôn từ có khác nhau, cách diễn đạt khác nhau nhưng ta có thể hiểu cốt truyện là một hệ thống tổ chức sự kiện, sắp xếp một cách hợp lý trong tác phẩm. Bất cứ một tác phẩm nào cũng được xây dựng cốt truyện (kể cả những truyện ngắn mà ta quen gọi là truyện không có cốt truyện thực chất vẫn có cốt truyện). Cốt truyện ở đây thường đơn giản, không có mâu thuẫn và xung đột lớn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tự sự hiện đại, cốt truyện được hiểu như là “toàn bộ các biến cố, sự kiện kể ra, là cái nhà văn có thể đem lại (hictoire). Tự sự học hiện đại phân biệt cốt truyện và bản kể, theo đó văn bản trần thuật là kết quả gia công trần thuật của người

trần thuật đối với cốt truyện. Như vậy có thể có một cốt truyện nhưng có nhiều cách kể khác nhau. Vấn đề đặt ra là trong cái nhìn của nhiều nhà tiểu thuyết hiện nay, vai trò của cốt truyện khá mờ nhạt. Thậm chí, nhiều nhà văn không quá để tâm đến cốt truyện. Vì thế sau khi đọc xong một tiểu thuyết, người ta rất khó tóm lại nó. Đây chính là hình thức phân rã cốt truyện. Bên cạnh đó là loại cốt truyện mở (khác với cốt truyện khép kín trong tiểu thuyết truyền thống). Hiện tượng này xuất hiện nhiều trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp như Kiếm sắc, Vàng lửa và được nhiều nhà tiểu thuyết chú ý sử dụng (chẳng hạn khép lại Nỗi buồn chiến tranh ta không biết nhân vật Kiên đi đâu). Song dù quan niệm vè cốt truyện có đổi thế nào đi nữa thì cốt truyện vẫn là một vấn đề đáng quan tâm khi ngiên cứu các văn bản tự sự. Bên cạnh những cây bút không chú ý đến xây dựng cốt truyện, vẫn có những cây bút có ý thức tạo nên những cốt truyện mới lạ nhằm gây ấn tượng với người đọc theo cách của họ. Ta có thể gặp ở các tiểu thuyết như Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường),

Bến không chồng (Dương Hướng), Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh)… Ở đây, chúng tôi xét cốt truyện trong tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm trên hai bình diện: cốt truyện là phương diện để bộc lộ nhân vật, mối quan hệ giữa các nhân vật và thông qua đó để tạo nên xung đột.

Trước hết, Thần thánh và bươm bướm mang cốt truyện sự kiện. Có thể tóm lược cốt truyện ấy như sau:

25 chương tiểu thuyết dành kể về chuyện về xung đột cha con Cảnh – Giác, gây ra ngộ sát, sùng bái kẻ ăn mày Thanh Hoá đem lại vận may (ch.1 – ch.4); chuyện quan hệ cha con Thao - Chấn, Chấn xưng thánh rồi thánh mất thiêng (ch. 5 – ch.10); chuyện quan hệ Minh - Jon và nhu cầu tôn tạo nhà thờ tổ (ch.11 –Ch.13); chuyện Thao đi Yên Bái mua súng lục để chờ dịp sang Mỹ với chàng rể tương lai, rồi gặp Lôi, người đồng đội cũ với đứa con quái thai vì

chất độc da cam khiến anh bị sa vào việc bảo về cây bưởi nở hoa bốn mùa và cuộc đấu tranh chống dự án xây sân golf của Đài Loan rồi dần dần mơ ước làm dự án mua bán bọ hung và bươm bướm với giá một con 5000 đô-la; chuyện mâu thuẫn giữa hai làng Đông Phúc và Tây Lợi quanh chuyện giải phóng mặt bằng xây sân Golf dẫn đến việc cây bưởi quý bị cậu phó bí thư đoàn thanh niên đặt mìn phá đổ (ch.14 – 20); chuyện Thao đi gọi thêm người bảo vệ cây bưởi thì lại sa vào chuyện bảo vệ đồ cổ, rủ rê Quỳ mang hài cốt mẹ về Đông Phúc rồi gây xô xát với trong làng buôn hài cốt cổ, gây ngộ sát, lĩnh án tù 7 năm (ch.20 – ch.25). Cuối cùng, Thao ra tù thì thấy làng thay đổi, sân golf làm xong, công ty nước ngoài sang khai mỏ, đem công ăn việc làm cho dân, uỷ ban vui vẻ tặng cho nhà đầu tư nước ngoài cây gạo cổ thụ linh thiêng nhất của làng, máy bay trực thăng cẩu cây bay lơ lửng trên trời, có đàn chim bay theo (phần vĩ thanh).

Tiểu thuyết đầy rẫy những sự kiện ngẫu nhiên và phi lí như chuyên lão ăn mày hướng dẫn chôn con chó, rồi bắt được vàng, bị Giác lấy cặp mất vàng rồi lại lấy lại được vàng, chuyện cây gạo nở hoa bốn mùa, cây bưởi nở hoa bốn mùa, chuyện Chấn tự nhiên sau cơn ốm trở thành thánh...

Nếu hiểu hiện thực huyền ảo (magico realismo) là hiện thực mang đầy những cái siêu nhiên thì tiểu thuyết của Đỗ Minh Tuấn có thể coi là một thứ hiện thực huyền ảo kiểu Việt Nam. Nhưng tiểu thuyết của ông lại pha xen chất u mua, hài hước. Từ nội dung đấy nhà văn đã đi sâu khắc hoạ những nhân vật mang tính cách và số phận riêng Thao là cựu chiến binh, là nhân vật phiêu lưu rất tiểu thuyết. Nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam ít chất phiêu lưu nên được viết giống như bản ghi chép tiểu sử, ít hấp dẫn. Thao là con người quyết đoán, định làm gì là làm ngay, không lường hậu quả. Thao như nhiều ông bố trong truyện rất gia trưởng, đánh con những đòn rất ác, như ném cái ghế làm gảy ba xương sườn và giập lá lách suýt làm con chết. Thao còn có

tính mafia, khi đòi mua lại một ít vịt đỏ có vận may, không được thì ăn cắp, ăn cắp không được thì đốt cháy cả chuồng vịt nhà người ta. Không biết pháp luật và không tôn trọng pháp luật. Thao thương đồng đội như thời còn chiến tranh, nhưng cũng đầy tự ái, mặc cảm tự hào lố bịch khi đối diện với Jôn. Thao bị bản năng lôi cuốn khi bắt chước thánh Chấn chữa bệnh mất ngủ cho con gái đồng đội, cô Liên 17 tuổi bằng thôi miên tình dục, nhưng Thao không đi đến cùng vì tay sờ phải vết sẹo hồi bé của Liên, anh thức tỉnh và dừng lại. Đó là nét đẹp của Thao. Thao tiêu biểu cho một bộ phận đông đảo người mang tâm thức văn hoá nông dân Việt.

Thế hệ trẻ trong tác phẩm như Giác, tham lam, sẵn sàng “khủng bố tâm linh”, đập vỡ bát hương trên bàn thờ gia tiên, ngộ sát rồi bỏ chạy sang Mỹ. Chấn xưng thánh một thời. Liên ngây thơ, chưa thành người lớn. Cô Tỉnh em gái Giác bị bố mắng đánh suýt treo cổ tự tử, may có lão ăn mày đến cứu. Minh thực dụng trong tư cách cave kiêm tình nhân của Jôn. Cậu phó bí thư thanh niên đặt mìn phá đổ cây bưởi chỉ vì mối lợi viễn vông. Thế hệ này ở đây vô cảm, chỉ biết lợi. Nó hầu như được nhào nặn hoàn toàn bởi các phương tiện truyền thông với đủ loại thông tin làm cho con người mất đi bản lĩnh tự chủ. Phụ nữ trong truyện thì số phận rất buồn, luôn luôn bị chồng đánh chửi.

Đọc Thần thánh và bươm bướm thấy biểu hiện bạo lực trong gia đình và xã hội khá nhiều, các ông bố đánh con tàn bạo, đối xử với vợ cũng nhiều khi thô bạo. Các làng sẵn sàng dùng bạo lực xử lí những bất đồng, như làng Tây Lợi mang gậy gộc sang phá cây làng Đông Phúc. Những người còn kiên định văn hóa truyền thống như dân làng Đông Phúc thì dần dần trở nên yếu ớt và thỏa hiệp, bắt đầu bị cuốn hút vào các dự án siêu thương mại nhằm xuất khẩu bọ hung và bươm bướm.

Mặt khác thông qua cốt truyện tác giả còn phản ánh những thay đổi của nông thôn trong thời kỳ đổi mới, Thần thánh và bươm bướm đã đề cập một

vấn đề nhức nhối nhất, đó là vấn đề đạo đức xã hội, thể hiện ở sự săn đuổi đồng tiền ghê gớm nhất, bất cứ cái gì cũng có thể biến thành tiền, biến một vật vô tri vô giác thành thần thánh cũng chỉ vì đồng tiền, cuộc săn đuổi các bộ hài cốt không biết có hay không, cũng chỉ vì tiền! Có thể nói là chưa có bao giờ có cuộc đảo lộn như vậy! Ở đây vẫn là làng quê như xưa, vẫn bình lặng như vậy, những cuộc săn đuổi lợi ích, săn đuổi đồng tiền không tác động vào bên ngoài, mà nó lặn sâu vào tâm lý, lặn sâu vào nhân cách, lặn sâu vào đạo đức làm đảo lộn xã hội từ ngay trong mỗi một con người. Những viên gạch lát về đạo đức, những hòn đá tảng về văn hóa đang bị thử thách.

Phải là một nhà văn am hiểu sâu sắc, có kinh nghiệm sống và kinh nghiệm viết mới cảm thấy đau xót trước những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực của nông thôn. Nông thôn và nông dân là nền tảng của đất nước Việt Nam. Nguyễn Khải đã từng nói: “Hãy lật lưng áo của bất cứ một ông tiến sĩ nào ta đều thấy dấu vết của những ngày chăn trâu cắt cỏ”. Bởi vậy, tiểu thuyết cho ta cái nhìn thực tế hơn, cụ thể hơn về nông thôn trong những ngày đổi mới.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết thần thánh và bươm bướm của đỗ minh tuấn luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 90 - 94)