2. Thực trạng và nguyên nhân các công ty cổ phần xây dựng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam
2.1. Tái cấu trúc của các doanh nghiệp Nhà nước thuộc lĩnh vực xây dựng.
Khủng hoảng kinh tế và suy giảm kinh tế toàn cầu khiến cho các doanh nghiệp bộc lộ nhiều yếu kém đặc biệt là các DNNN nói chung và các DNNN thuộc lĩnh vực xây dựng nói riêng. Chính vì vậy chính phủ đã đưa ra nhiệm vụ quan trọng và cấp bách là tái cấu lại các DNNN đặc biệt trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với các công ty xây dựng, vì ngành xây dựng là ngành quan trọng, tạo ra cơ sở vật chất hạ tầng, tiền đề cho sự phát triển của cả đất nước. Nhưng tái cấu trúc là gì và tại sao nó lại quan trọng đến vậy trong bối cảnh hiện nay.
Tái cấu trúc DNNN được xác định là giải pháp tổng thể quan trọng nhằm khắc phục các yếu kém còn tồn tại cũng như tăng cường tính cạnh tranh tính hiệu quả trong hoạt động của DNNN. Cổ phần hóa, thoái vốn, mua bán, sáp nhập … đều là những hướng đi đúng đắn nhưng để thực hiện có hiệu quả thì vẫn là một bài toán khó.Tái cấu trúc sở hữu doanh nghiệp là sự phân định các hình thái cấu trúc của doanh nghiệp trên cơ sở cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp, từ đó hoạch định lại phương pháp quản lý của doanh nghiệp và các đơn vị thành viên cho phù hợp. .
Dẫn đến thực trạng tái cấu trúc các công ty cổ phần xây dựng Việt Nam hiện nay: Thứ nhất, về môi trường pháp lý
Sự hoàn thiện dần của hệ thống văn bản pháp lý: Gần 20 năm thực hiện chương trình cổ phần hóa DNNN, tuy chưa hoàn thành mục tiêu cơ bản đề ra cũng như còn tồn tại một số bất cập trong việc quy định, hướng dẫn nhưng tính đến hiện tại, hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 của Chính phủ và Thông tư
202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính có nhiều điểm mới, tháo gỡ được nhiều nút thắt, khiến cho hoạt động cổ phần hóa diễn ra được dễ dàng hơn. Thời
gian qua, nhiều nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà lắm khi đầu tư vốn vào các DNNN muốn cổ phần hóa, do việc tính lợi thế vị trí địa lý sẽ dẫn đến giá trị phần vốn nhà nước sẽ khá cao. Nghị định 59/2011/NĐ-CP ban hành đã tháo gỡ vướng mắt này, loại bỏ nhiều trở ngại và được đánh giá sẽ thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa DNNN sôi nổi hơn trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2103, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách 2013, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó, Bộ Xây dựng đã tập trung cao độ cho việc hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước…
Thứ hai, về nhận thức.
Hầu hết các công ty xây dựng đều nhận thức được vai trò quan trọng của việc tái cơ cấu, đây là cơ hội cũng là thách thức mà các doanh nghiệp phải vượt qua trong giai đoạn hiện này. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số công ty nhỏ còn chậm trễ trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch tái cấu trúc. Chậm tiến độ và chưa thể hoàn thành vẫn là vấn đề cho các đề án tái cấu trúc hiện nay
Thứ ba, tình hình tài chính.
Sau tái cấu trúc vốn chủ sở hữu của các công ty vẫn còn thấp, hệ số nợ cao và chịu áp lực của rủi ro lãi suất. Nhiều khoản vay lớn được thực hiện bằng ngoại tệ, do đó chịu áp lực lớn về rủi ro tỷ giá. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại thâm hụt lớn. Gây nhiều khó khăn cho các DNNN thuộc ngành xây dựng hiện nay. Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng gây tình trạng ứ đọng vốn. Các công ty đang tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính. Ban hành các quy định liên quan đến
công tác giám sát vốn góp. Theo dõi, xử lý những hành vi vi phạm. Xây dựng các phương án để đối phó với các rủi ro về kinh tế tài chính. Việc này giúp cho các DNNN thuộc ngành xây dựng có sự phòng vệ tốt hơn trước những biến động của thị trường. Đây là điều cần thiết vào thời điểm khủng hoảng kinh tế hiện nay. Lạm phát tăng cao cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt đã gây biến động mạnh về lãi suất huy động vốn và cho vay của ngân hàng. Do đặc thù ngành xây dựng, tỷ lệ nợ/ vốn chủ sở hữu tương đối cao trong việc quản trị rủi ro lãi suất, DNNN đã nhận thức rõ về các công cụ phái sinh như: hợp đồng kỳ hạn (forwards), quyền chọn (options), tương lai (futures), và hoán đổi (swaps) và sử dụng trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, chưa thật sự phổ biến cũng như vẫn còn những vướng mắc về khung pháp lý liên quan đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc chưa xây dựng được một kế hoạch tài chính rõ rang nhằm đặt được những mục tiêu chiến lược như đã đề ra trong các đề án tái cấu trúc của các công ty xây dựng cũng là một vấn đề lớn góp phần giảm chất lượng tái cấu trúc. Chưa tập trung được chức năng tài chính về tổng công ty. Việc tăng vốn điều lệ không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Việc sử dụng vốn chưa tốt thậm chí là thua lỗ dù đã có nhiều kế hoạch biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Thứ tư, vấn đề quản trị.
Xây dựng một cơ cấu hoàn thiện bao gồm các thành phần quản trị theo quy định của Nhà nước về công ty cổ phần. Có sự phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp. Hội đồng quản trị đã thành lập các tiểu ban thành viên độc lập để giúp cho HĐQT trong các lĩnh vực đề bạt, đãi ngộ, kiểm toán, kiểm soát rủi ro… Ban kiểm soát bước đầu thực hiện được những nhiệm vụ căn bản của mình. Song bên cạnh đó hoạt động của HĐQT còn nhiều bất cập. Chưa có cơ chế đánh giá chính thức về hiệu quả hoạt động của HĐQT và Ban điều hành. Việc thay đổi ban lãnh đạo cấp cao thường xuyên trong thời gian qua gây nhiều mối lo ngại về sự ổn định trong chiến lược quản lý cũng như con đường của doanh nghiệp.
Trong đề án tái cấu trúc của mình các DNNN thuộc ngành xây dựng khá đề cao vấn đề liên quan đến tái cấu trúc nguồn nhân lực. Nói đúng hơn, đó là sự cải cách trong việc tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ nguồn nhân lực để đem lại hiệu quả cao trong công việc. Các công ty tiến hành cải cách chế độ lương, cải cách chế độ đánh giá năng lực cũng như hiệu quả hoạt động của nhân viên. Giám sát, đảm bảo người công nhân có được hưởng xứng đáng những gì mình bỏ ra. Điều đó làm cho nguồn nhân lực thêm gắn bó hơn. Bên cạnh đó, còn mở các lớp đào tạo hay gửi đi đào tạo nhằm hoàn thiện các kĩ năng của người lao động. Không chỉ có vậy, còn xây dựng hệ thống giám sát đánh giá ban lãnh đạo tạo sự công bằng trong doanh nghiệp. Tăng cường tuyển dụng qua hình thức thi tuyển cạnh tranh công bằng.
Thứ sáu, về sở hữu
Tái cấu trúc sở hữu là vấn đề mà hầu như chưa có đề án tái cấu trúc nào đề cập đến. Nếu có cũng chỉ sơ lược nói về việc phải giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước mà chưa có một phương án cụ thể hay những kiến nghị với Chính phủ. Bởi lẽ, DNNN nào cũng sợ mất vốn Nhà nước, mất những đặc quyền mình có được hay những ưu đãi từ phía Nhà nước. Mà không nghiên cứu xem, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước bao nhiêu là hiệu quả.