Năm 2013 là năm chứng kiến rất nhiều sự biến động của ngành xây dựng, thị trường bất động sản vẫn chưa thể khởi sắc dù đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.
1.1 Tái cơ cấu chậm chạp
Về thực trạng tái cơ cấu hiện nay, như chúng ta đã biết,“ Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015" đến nay vẫn chưa có nhiều nhiều tiến triển. Có nhiều nguyên nhân cũng như vấn đề bất cập dẫn đến thực trạng này. Có thể kể đến nguyên nhân về việc phân loại các công ty, các ngành nghề theo cách sơ đẳng, việc triển khai thực hiện chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ những nguồn lực rất lớn. Mà khi phân loại còn chưa được cụ thể, rõ ràng thì việc tái cơ cấu phân bổ nguồn lực chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Ngành xây dựng hiện nay cũng không nằm ngoài thực trạng chung của nền kinh tế. Trong bối cảnh thị trường xây dựng u ám, Bộ Xây dựng đã phê duyệt 14 đề án tái cơ cấu của các công ty trực thuộc. Dù các doanh nghiệp xây dựng cũng xác định việc tái cơ cấu là cần thiết nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, nhưng các đơn vị đều bị chậm tiến độ tái cơ cấu. Lo ngại mất phần vốn nhà nước tại các đơn vị thành viên nên các tổng công ty không dám đẩy mạnh việc tái cơ cấu. Biện pháp mà các đơn vị này triển khai là sắp xếp lại, tinh giản đội ngũ và duy trì sản xuất ở mức cầm chừng. Bởi lẽ, các doanh nghiệp xây dựng đang mong đợi những chính sách tháo gỡ khó khăn mạnh mẽ hơn nữa từ phía Chính phủ, đặc biệt là cơ chế về bảo toàn nguồn vốn nhà nước tại các đơn vị khi tham gia cổ phần hóa, tái cơ cấu và bảo đảm nguồn lực tài chính thuận lợi để giúp các doanh nghiệp có thể chuyển nguồn nợ đang ở mức ngắn hạn, lãi suất cao sang dài hạn, lãi suất thấp. Ðồng thời có chính sách về thu hồi công nợ để bảo đảm
lành mạnh nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp vì hiện nay tình trạng nợ đọng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là phổ biến nhất.
1.2. Chuyển hướng kinh doanh
Tình hình kinh tế khó khăn kéo theo bất động sản đi xuống, nguồn đầu tư cũng không còn nên các dự án bị chậm tiến độ hoặc tạm ngừng. Không đủ sức để tồn tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản một thời đình đám đã trở thành quá khứ và buộc phải phá sản. Chỉ có các công ty mạnh về tài chính mới có thể trụ lại bằng cách tính đến phương án cắt giảm ngân sách. Lý do giúp những công ty của ngành làm ăn tốt trong điều kiện khó khăn là do họ nhanh nhạy biết chuyển đổi thị trường và lĩnh vực. Nếu như những năm trước họ tham gia vào các dự án lớn, các công trình nhà nước thì nay họ chuyển sang làm những dự án nhỏ để đảm bảo công việc ổn định cho nhân viên gắn bó và cống hiến lâu năm với công ty
1.3. Phá băng thị trường bất động sản
Sau gần 1 năm nỗ lực triển khai chính sách của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Bộ Xây dựng cho biết, sau những bước khởi động chậm chạp hồi đầu năm 2013, tới nay, thị trường bất động sản đã có bước chuyển biến tích cực khi nhiều dự án được khởi động trở lại và nhu cầu tăng dần. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, bước chuyển đáng ghi nhận của thị trường bất động sản trong năm 2013 là sự thay đổi trong tư duy của các chủ đầu tư dự án về phân khúc nhà ở xã hội. Năm nay, các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ hơn, giá bán thấp hơn, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, không còn tập trung chủ yếu vào những căn hộ cao cấp như trước đây. Theo báo cáo của 17 doanh nghiệp và 5 sàn giao dịch bất động sản cho thấy, tính đến hết tháng 11/2013, tại Hà Nội đã có trên 4.000 giao dịch thành công, trong hai tháng 10 và 11 có 1.400 giao dịch thành công. Dự báo quý 4/2013 sẽ có trên 2.000 giao dịch, trong khi quý 1/2013 chỉ có trên 556 giao dịch thành công, quý 2 có 774 giao dịch. Các phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở có vị trí phù hợp tại Hà Nội và Tp.HCM đang thiếu nhiều so với nhu cầu của người dân. Tại TP HCM, giao dịch bất động sản thành công trong quý 3 - 4/2013 đã gấp 4 lần so với quý 1 - 2. Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm mạnh mặc dù nguồn cung nhà ở được tiếp tục bổ sung. Hết
tháng 11/2013, tồn kho bất động sản còn 96.805 tỷ, giảm hơn 24% so với cuối quý 1. Trong đó, Hà Nội giảm trên 20%, TP. HCM giảm trên 30%.