Mối quan hệ trong sự tương tác giữa truyền thuyết với phần lễ và phần hội

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 76 - 83)

B. PHẦN NỘI DUNG

4.1. Mối quan hệ trong sự tương tác giữa truyền thuyết với phần lễ và phần hội

Con đường thiêng hóa của một nhân vật, một loài luôn bắt đầu từ một sự ngưỡng mộ công đức bởi nhân dân. Sau đó, dân gian sẽ lấy một chi tiết nào đó về nhân vật, về loài đó rồi huyền thoại hóa lên trong tưởng tượng để mang lại tầm vóc, hình ảnh lớn lao khác thường. Chính những yếu tố huyễn hoặc này tạo cho truyền thuyết một màu sắc thần linh, kết hợp với tín ngưỡng thờ làm cho nhân vật chính trong truyền thuyết trở nên sống động, thiêng liêng trong tâm thức của nhân dân. Trong nhiều tín ngưỡng dân gian, truyền thuyết và tín ngưỡng, lễ hội thường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu lễ hội là nơi lưu giữ để truyền thuyết sống mãi cùng thời gian thì nhiều hình thức diễn xướng, nghi lễ trong lễ hội có nguồn gốc xuất phát từ truyền thuyết. Nói về vấn đề diễn xướng và truyền thuyết, tác giả Nguyễn Khắc Xương đã viết rằng:

“Diễn xướng không phải chỉ để góp vui trong hội làng mà còn mang một mục đích quan trọng hơn, một ý nghĩa thiêng liêng đối với cả dân làng. Thông qua diễn xướng với các tính chất tín ngưỡng, người dân lao động nông thôn dưới chế độ phong kiến – lạc hậu về tri thức khoa học tự nhiên, cũng như không hiểu biết mọi quy luật của vận động xã hội, đã đặt biết bao hi vọng tốt đẹp vào quyền phép thiêng liêng, mong mỏi và tin tưởng rằng thần thánh sẽ hiển ứng và phù hộ cho dân làng, cho dân được một đời sống tươi vui, mùa màng tốt đẹp, sinh nở “con đàn cháu đống”… Diễn xướng ấy không chỉ có giá trị thẩm mĩ mà còn có giá trị thực hành; không chỉ đem lại hứng khởi mĩ cảm cho người tham dự mà còn đem lại cho họ niềm tin sẽ đạt tới cuộc sống no ấm, an vui… Nhưng không nên quên một yếu tố quan trọng khác, đó là cơ sở của thần thoại, truyền thuyết của các diễn xướng. Nếu những diễn xướng hội làng được tổ chức chỉ để mua vui, giải trí, không cần được

giải thích bởi lí do nào khác, thì diễn xướng lễ tục lại được giải thích bằng thần thoại, truyền thuyết” [57, tr.153].

Như thế, trong sâu xa truyền thuyết và tục thờ chứa đựng một mối quan hệ khăng khít “Tín ngưỡng là vú nuôi của truyền thuyết và cổ tích. Ngược lại truyền thuyết và cổ tích là kẻ tuyên truyền đắc lực cho tín ngưỡng” [57, tr.64]. Ở cấp độ phổ biến nhất truyền thuyết là sự lý giải cho tục thờ. Ở một cấp độ cao hơn, truyền thuyết còn chi phối cả vào lễ nghi và diễn xướng lễ hội của tục thờ để tái hiện lại một sự tích thần linh, mang một ý nghĩa thiêng liêng nào đó.

Hàng năm, tại các lăng thường tổ thức các ngày lễ cúng Ông theo lệ xuân thu nhị kì. Cũng như các lễ hội khác, tập tục thờ cá Ông bao hàm nhiều nghi thức lễ lạc, hội hè. Nhưng ngoài lễ hội cầu ngư được xem là nghi thức chính trong năm, lễ thờ cá Ông còn có các nghi lễ khác cũng không kém phần trang trọng và độc đáo: lễ mai táng xác Ông, lễ thượng ngọc cốt, lễ tế xuân, lễ hạ nghệ xuống vụ cá, lễ mãn mùa. Chính những lễ này đã tạo tục thờ cá Ông một sắc thái riêng, bởi không như lễ tế các vị thần khác phải có kì có hạn mới được tổ chức, vào những mùa “biển đói”, người dân vẫn mở lễ cúng Ông để cầu xin sự phù hộ cho mùa cá được no đủ.

Đối với ngư dân, ai phát hiện xác cá Ông lụy vào đầu tiên thì phải chịu tang Ông như người con trai trưởng, phải để tang Ông trong 24 hoặc 36 tháng tùy vào Ông to hay Ông nhỏ. Sau các nghi lễ nghiêm trang, mọi người đưa Ông đi chôn cất. Sau khi mãn tang, người ta tổ chức lễ rước ngọc cốt hay còn gọi là lễ nghinh thần nhập điện. Người ta quật cốt cá ông lên, dùng rượu rửa sạch và dùng nhang, trầm để xông cốt. Rồi đem cốt bỏ vào quan được đóng bằng gỗ hoặc xây bằng xi măng trong điện để bảo quản. Trong lễ hội cầu ngư, tùy mỗi nơi người ta sẽ chọn ngày Ông lụy hoặc ngày được nhận sắc vua ban để làm ngày lễ cầu ngư. Chính điều này khiến cho lễ cầu ngư diễn ra liên tục ở nhiều nơi. Lễ này có đặc điểm nếu vạn này tổ chức thì ban chánh lễ ở các vạn khác gần đó sẽ được mời tới dự và ngược lại. Điều này đã tạo nên tính cố kết cộng đồng của cư dân biển để cùng giúp đỡ nhau trong làm ăn, tăng thêm tình đoàn kết giữa cư dân trên phạm vi rộng lớn. Lễ cầu ngư là lễ chính nên được tổ chức rất long trọng. Trước khi lễ diễn ra, nhiều ngày trước đó mọi người đã tấp nập cho việc chuẩn bị từ phương tiện, người, của cải để ngày lễ diễn ra được êm đẹp. Lễ thường diễn ra trong ba ngày ba đêm với các nghi lễ rước xách và phần hội. Tùy mỗi nơi mà người dân tổ chức lễ này với nhiều nghi thức lễ hoặc rút

gọn, song thông thường thì ở đâu người ta cũng có các phần lễ: lễ nghệ sắc, lễ cung nghinh Ông Nam Hải, lễ cúng các chư vị Tiền Hậu hiền, lễ phóng sanh, lễ cầu quốc thái dân an… Sau các nghi lễ cúng Ông và các vị thần, người ta tổ chức hát bả trạo hoặc hát bội. Đây vừa là phần hội cho bà con xem và đồng thời cũng là nghi lễ để phục vụ Ông về cùng hưởng lễ vui chơi với con cháu. Phần hát thường được tổ chức vào ban đêm, còn ban ngày thì diễn ra các cuộc thi với các trò chơi dân gian độc đáo.

Đối với nhiều trò diễn xướng lễ tục ở các tín ngưỡng thờ thần trong đình làng, truyền thuyết hoặc thần thoại thường đóng một vai trò cơ sở cho các trò diễn xướng. Trong hội Thánh Gióng thường có tục cúng ông bát cơm với đĩa cà, dựa trên truyền thuyết cậu bé Gióng ăn cơm với cà mà lớn nhanh như thổi. Ngoài ra, dân làng còn trồng cả một sào cà để dành riêng về cho Ngài về hái vào ngày lễ hội diễn ra [45]. Trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh có chi tiết hai người cùng tranh một nàng làm vợ. Khi đám rước dâu của Sơn Tinh vừa ra khỏi thành Phong Châu một quãng thì nghe tin Thủy Tinh đang kéo quân tới đòi cướp dâu; Sơn Tinh vội giục quân đi cho mau để tránh Thủy Tinh, vì thế trong ngày lễ hội có diễn ra tục: buộc gà vịt lên kiệu Sơn Tinh và Ngọc Hoa, ý muốn thể hiện sự vội vàng [57, tr.157]… Những diễn xướng lễ tục không tái hiện lại toàn bộ mà chỉ ở một khía cạnh nào đó của truyền thuyết. Cũng nhờ vào điều đó, mà truyền thuyết được bảo tồn một cách đầy đủ qua thời gian.

Trong tục thờ cá Ông, cũng có những nghi thức lễ mà chúng tôi thấy nó có xuất phát điểm từ truyền thuyết dân gian. Cần nói thêm một điều rằng, phạm vi thờ cá Ông rất rộng, trải dài trên nhiều tỉnh từ Bắc chí Nam, nên tùy vào mỗi nơi mà người dân có cách thờ cúng hơi khác biệt nhưng cũng trên một cấu trúc nghi lễ chung cho các miền.

Ở hầu hết các dinh vạn, tới ngày làm lễ cúng Ông, người ta kiêng không bao giờ dâng món ăn hải sản như: tôm, mực, cá đao… Vì theo truyền thuyết, đây là những ngư tướng được Phật bà cử đi theo phò tá cá Ông. Khi Ông sống thì giúp Ông hoàn thành nhiệm vụ, khi Ông lụy thì bảo vệ thân xác Ông tránh các loài khác xâm phạm vào. Lễ vật dâng lên thường là heo, bò, xôi, bánh, trái cây… Ở cửa biển Thuận An (Huế), lễ phẩm cúng giỗ Ông bao gồm các thứ: một con cá sống, một con cá nướng; một bộ cung tên, câu, ống, cờ ngũ hành, vàng bạc, áo binh (đồ mã làm

bằng giấy); một nải chuối, một lư trầm và hương đèn [9, tr.57]. Ở dinh Vạn Thủy Tú, cứ hai năm cúng mặn thì một năm người ta lại cúng chay. Phẩm vật dâng cúng Ông thường có: thịt heo, thịt bò, hoa quả, trầu cau, tô trầm, gạo muối, bánh ngọt... Nói chung, tùy vào phẩm vật địa phương và đặc trưng ẩm thực từng vùng mà người ta dâng lên Ông những món ăn tương ứng. Nhưng hầu khắp thì mọi người kiêng không dâng những món được xem là các tùy tướng của cá Ông.

Cũng theo truyền thuyết, cá Đao là một vị tướng được Phật bà cử đi theo để bảo vệ và xử tội cá Ông nếu thấy người bị nạn mà không cứu giúp. Thế nên ở rất nhiều lăng nhân dân vừa thờ cá Ông, vừa thờ cá Đao ngay bên cạnh: miếu ngư Ông (cửa biển Thuận An, Huế), dinh Bình Châu (Xuyên Mộc, Vũng Tàu), dinh An Thủy (Ba Tri, Bến Tre), dinh Ông Nam Hải (Bình Đại, Bến Tre), lăng Ông Nam Hải (sông Đốc, Cà Mau)… Xuất phát từ truyền thuyết, nhân dân khi thờ cá Ông cũng đặt hai thanh đao của cá Đao ở hai bên bàn thờ cá Ông, tượng trưng rằng cá Đao luôn đi bên cạnh túc trực hầu hạ Ông. Tương tự, Ông Rái Cá trong truyền thuyết lịch sử hóa thời vua Gia Long đã có công giúp vua trong cuộc bôn tẩu cùng với cá Ông nên cũng được thờ, nhưng Ông Rái Cá không có bàn thờ riêng mà chỉ có tên trong danh sách các vị thần được nêu tên trong bài cúng.

Rất nhiều lăng Ông có bàn thờ Ông ở chính điện, và bên tả hoặc bên hữu của Ông còn thờ vị Quan Công, một tướng thời nhà Hán bên Trung Quốc. Lý giải điều này, có nơi không gắn với tích truyện nào, nhưng có nơi giải thích điều này bằng tích cá Ông và Quan Công vốn được sinh ra từ một con phượng hoàng. Thế nên, nhân dân lập lăng thờ Ông và thờ cả Quan Công (tích truyện ở lăng Ông ở thôn Vạn Hội, tỉnh Khánh Hòa). Cũng tương tự như vậy, nhưng ở dinh Ông Phước Hải, Vũng Tàu và nhiều nơi thờ cả ba anh em Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi bên cạnh bàn thờ Ông. Tích này thì không liên quan gì đến cá Ông. Truyền thuyết rằng vào một năm dân làng bị dịch rất nặng, ba anh em ông đã hiển linh cứu giúp dân làng nên được cả làng nhớ ơn và lập bàn thờ.

Như lúc đầu chúng tôi đã nói về một số yếu tố xoay quanh truyền thuyết lịch sử hóa cá Ông cứu vua Gia Long. Ở đây, chúng tôi nhận thấy vai trò quan trọng của truyền thuyết này đối với tín ngưỡng thờ cá Ông thông qua các sắc phong của các triều vua Nguyễn ban tặng cho Ông Nam Hải. Có thể nói, nếu như các dinh miếu là gốc rễ cho tục thờ đứng vững thì truyền thuyết cá Ông cứu vua là thân cành cho tín

ngưỡng này tỏa rộng. Các tích cá Ông cứu vua đã góp phần đưa tục thờ này vào một khuôn phép mới trang trọng, bề thế. Hơn nữa, với sức mạnh của tính chất nghệ thuật ngôn từ, hệ truyền thuyết cá Ông cứu vua đã mang đến sự lan tỏa sâu rộng và khiến lễ hội cầu ngư không chỉ có ý nghĩa với cư dân làm nghề biển, mà còn có ý nghĩa cả với cư dân của các ngành nghề khác lân cận. Bằng chứng vào những lúc xây lăng Ông và tổ chức lễ hội cúng Ông, khi nào cũng có sự ủng hộ đóng góp của rất nhiều người trong cả nghề ngư lẫn nông nghiệp, buôn bán… Số lượng khách thập phương tham gia vào lễ hội cầu may và làm công đức cũng rất nhiều. Từ những yếu tố đó đã tạo cho tín ngưỡng thờ cá Ông một sức sống trường tồn bền bỉ với thời gian.

Một mối quan hệ tương tác gắn bó khác giữa truyền thuyết và tục thờ, đó chính là ảnh hưởng của sự kiện đã tác động đến niềm tin của nhân dân. Nếu như Ông lụy vào và có những đặc điểm khác thường (Ông rất to lớn, có chữ nổi trên mình, lụy vào ngày đặc biệt, trong quá trình đưa tang Ông xảy ra những điều kì lạ…), nhân dân sẽ bằng niềm tin tâm linh của mình để xây dựng cho riêng Ông một tích truyện trong sự kính ngưỡng Ông. Chính tích truyện này sẽ chi phối tục thờ cá Ông được nâng lên tầm long trọng hơn bình thường hay không. Lễ thờ Ông ở đền Đỏ (Thái Bình) và đền Cuông (Nghệ An) điển hình cho mối quan hệ chi phối này. Đây là đặc điểm riêng biệt chỉ có ở tục thờ cá Ông mà các lễ hội khác không có. Chúng tôi xin dẫn chứng:

Ví dụ 1: Truyện này chúng tôi ghi theo lời kể của bác Giang Văn Thuyên, trưởng ban di tích đền Đỏ (Thái Bình) như sau: Đối với nhân dân nơi đây, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm thì đều tổ chức khai hội giỗ Thánh Mẫu. Điều kì lạ là năm nào, đúng vào ngày này cũng có đàn cá Heo bơi về “chầu” ở khu vực đền cũ một ngày rồi mới đi (đền cũ bây giờ đã bị biển lấn). Năm 2011, kì lạ thay đúng vào ngày đó có một Ngư thần đã lụy vào. Mọi người truyền với nhau rằng, vị này là thần nhà trời. Vì khi lụy bên miệng tuôn ra dòng máu, lại có dòng chữ “Hồng Tam Chúa” bằng chữ Hán nổi lên trên mình nên mọi người tin rằng vị thần này bị thác oan. Mọi người đã rất lo lắng, sợ nếu làm điều gì bất cẩn khiến Ngài quở phạt. Nhưng sau khi nghe ba thầy phong thủy nói đây là điềm tốt thì dân làng mới nhẹ lòng và đưa Ông đi mai táng rất long trọng theo nghi thức lễ thần. Nghi thức lễ tổ chức rất lớn, người đến dự rất đông đến mức những người trong ban tổ

chức đã không thể đưa xác Ông đi mai táng đúng giờ. Trong lúc mọi người đang lo lắng thì bỗng nhiên lá cờ đại treo trên cột cao bị đổ ụp xuống, lúc đó mọi người tự động tản ra cho đoàn rước ngư thần đi qua. Mọi người tin rằng chính nhờ có Ông về phù hộ mà dân trong làng mới ăn nên làm ra, chính vì thế mà lễ cúng Ông luôn luôn được tổ chức rất long trọng.

Ví dụ 2: Tại đền Cuông (Nghệ An) vào ngày 15 tháng 2 âm lịch đều tổ chức lễ hội để nhớ ơn ân đức của Thục phán An Dương Vương. Đền Cuông theo truyền thuyết được lập ra để thờ An Dương Vương và cả nàng Mị Châu. Vào năm 1995, khi lễ hội diễn ra thì có một con hạc trắng bay về đậu vào tay một người đang cưỡi ngựa diễu hành trong nghi lễ. Trong sâu thẳm niềm tin về bóng cố nhân xưa, nhân dân tin rằng hạc trắng đó chính là nàng Mị Châu hóa thân về cùng tham dự lễ hội với mọi người. Sự kiện hạc trắng chưa lắng xuống thì đúng một năm sau, tại bờ biển Cửa Hiền có một cá Ông nặng chừng 10 tấn lụy vào. Cửa Hiền là nơi được nhân dân truyền rằng An Dương Vương đã theo thần Kim Quy xuống biển. Nơi đó biển rất cạn nên cá Ông lụy vào như thế là sự kiện lạ ngàn năm có một. Chính vì thế mà người dân đinh ninh rằng, cá Ông này chính là hiện thân và là minh chứng cho cái chết đầy bi thảm của An Dương Vương. Vì vậy, lễ an táng xác chết của cá Ông năm ấy có sự tham gia của hàng ngàn người với những nghi thức trang trọng nhất [33]. Cũng kể từ đó mà lễ hội tại đền con Cuông được nâng lên tầm cao mới với các nghi lễ trọng thể hơn trước rất nhiều.

Ở một số nơi, người dân ngoài việc lý giải cho việc đi tu của Ông bằng một tích truyện thì còn có cả việc xưng danh cho Ông. Việc làm này đã thành thông lệ không thể bỏ qua ở nhiều nơi trong việc an táng và xây lăng cho Ông. Việc xưng tước này – theo các ngư dân cho biết không phải tự nhiên mà có được. Để có được tước phong cho Ông, họ phải tiến hành việc kính xin qua nghi lễ mới biết được trước khi vào tu Ông đã từng giữ chức gì. Ở địa bàn xã An Vĩnh (Quảng Ngãi) có hàng chục lăng Ông lớn nhỏ, thờ các Ông Nam Hải Đại Dương, Thượng đẳng Ngọc Linh, Thượng thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Thần cận vệ và hàng loạt chức

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 76 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)