Motip cá cứu nạn

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 71 - 76)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.3.3. Motip cá cứu nạn

Truyền thuyết từ 7 đến 13 thuộc vào kiểu truyện về nguồn gốc ra đời của cá Ông. Nhân dân lấy một nhân vật, một vị thần, một vật thần…để giải thích nguồn gốc ra đời của cá Ông. Cụ thể như sau:

a. Thần mắc tội → cá Ông → cứu người b. Áo cà sa → cá Ông → cứu người

c. Thần nhà trời → cá Ông → cứu người → hóa rồng d. Quân Long Vương → cá Ông → cứu người → xử phạt

e. Con trai vua Thủy tề → cá Ông → cứu người tích đức +tìm vật báu →hóa rồng Từ những dạng thức thức trên, có thể thấy motip cá Ông cứu người (*) là yếu tố quan trọng nhất, nhưng ở mỗi truyện thì vị trí của yếu tố này không giống nhau. Ở ba dạng đầu, motip cá Ông cứu người rất đơn giản. Đây là điều quan trọng khi xem xét về một sáng tác của dân gian. Vấn đề này được tác giả Nguyễn Tấn Đắc đánh giá như sau: “Trong khi xem xét những dạng khác nhau của huyền thoại, cần đặc biệt chú ý những dạng đơn giản này. Càng ít yếu tố và liên hệ, nó càng dễ gần với những ý nghĩ xa xưa, nguyên thủy hơn. Huyền thoại, ban đầu thường mới chỉ là những ý tưởng đơn giản về những liên hệ thần kì mà người nguyên thủy đã tưởng tượng ra theo cách suy nghĩ đặc biệt của họ. Từ những ý nghĩ thần kì ban đầu đó dần dần đã xây dựng nên những câu chuyệnthần thoại có đầu có đuôi, gồm cả một chuỗi nhiều yếu tố và liên hệ” [57, tr.52]. Ở dạng thức a, b, motip cá cứu người không có mối liên hệ về sau, nhưng qua đến dạng c, d, e thì khác, motip cá cứu người đã có sự liên hệ ràng buộc: thưởng – phạt. Từ chi tiết đơn giản cá thấy người gặp nạn thì cứu, bây giờ đã sang một liên hệ phức tạp hơn: cứu được nhiều người thì tích được nhiều công đức hóa rồng/ cứu người không thành bị xử chém/ cứu người tích đức + tìm vật báu thì được hóa rồng. Điều đó có nghĩa rằng, cứu người là nghĩa vụ và trách nhiệm của cá Ông. Có thể thấy sự phát triển của motip: cá cứu người -> cứu người là trách nhiệm, có thưởng phạt. Điều này cho thấy, trong tâm thức cộng đồng ngư dân nhìn nhận về cá Ông có sự biến chuyển. Cá Ông được tôn là phúc thần, nhưng ngầm trong đó, nhân dân cũng đánh giá về mối quan hệ tương hỗ công bằng giữa cá Ông và ngư dân. Ngư dân bảo vệ Ông, giúp Ông khi Ông gặp nạn (mắc cạn, ăn phải con sam, mắc vào lưới…), khi Ông lụy được chôn cất cẩn thận, được lập lăng thờ cúng hằng năm đầy đủ. Ngược lại, cá Ông có trách nhiệm phải cứu giúp con dân gặp nạn. Cứu thành thì có thưởng, không thành phải chịu tội.

Đây là một sự phát triển trong tư duy nhận thức, đánh giá mối quan hệ của con người với vạn vật không phải hoàn toàn lệ thuộc tự nhiên, vào thần thánh mà đã có sự khẳng định, độc lập nhưng vẫn nằm trong mối tương trợ lẫn nhau. Và dù thế nào, con người vẫn luôn là trung tâm của mọi sự vật, sự việc trong vũ trụ này.

Qua đến kiểu truyện thứ hai, mà chúng tôi cho là rất tiêu biểu vì kiểu truyện này đã và đang ngầm diễn tiến trong các truyện có xu hướng huyền thoại hóa hiện nay. Đó là kiểu truyện cá Ông cứu nạn. Đặc biệt là kiểu truyện cá Ông cứu vua Gia Long rất phổ biến trong đời sống ngư dân. Kiểu truyện cá cứu vua có dạng: vua gặp nạn → cá Ông cứu → khẳng định chân mạng đế vương (i)

Nói cách khác, vua được cứu vì có chân mạng đế vương. Dạng thức này sau đó đã chuyển qua các truyện cá cứu người của ngư dân biển ngày nay. Qua những truyện được liệt kê ở phần trước, cùng với việc đi điền dã, chúng tôi nhận thấy tất cả các câu chuyện kể về cá Ông cứu người dân gặp nạn luôn có một chi tiết mà chúng tôi cho là rất quan trọng: cá Ông chỉ cứu những người sống có đức độ. Người sống không tốt, không tu chí làm ăn, nhất là với nghề đi biển thì dù có kêu xin cũng không được Ông cứu. Kể về điều này, bác Lâm Văn Giỏi (70 tuổi, Vạn trưởng vạn ngư nghiệp Tân Long, thị xã Lagi, Bình Thuận) nhấn mạnh với chúng tôi rằng: “Cũng có nhiều trường hợp khi đi hành nghề trên biển, ngư dân bị sóng to gió lớn, hoặc tai nạn chìm thuyền, trôi nổi lênh đênh trên biển, nếu người nào có phước đức nhân duyên thì được Thần Ân Nam Hải dựa vào người làm cho mê man rồi để trên lưng đưa vào bờ cứu sống. Người có nhân duyên với Ông cũng khó lắm, mười người có khi chỉ có một người được Ông cứu thôi. Còn như tích vua Gia Long là vì vua có chân mạng đế vương nên khi Ông cứu, Ông cứu hết cả vua và quan quân vì phải có quân thì vua mới thành nghiệp. Việc cá Ông cứu người là có thật, vì lẽ đó mà dân rất tin tưởng và thường cầu nguyện mỗi khi gặp tai nạn trên biển”. Yếu tố người phải có đức độ nhân duyên mới được Ông cứu chỉ đang trong quá trình nhào nặn, chúng tôi cho rằng đến một lúc đủ độ chín thì nó sẽ trở thành một chi tiết trong hầu hết các truyền thuyết cá Ông cứu người của giai đoạn sau. Có thể khái quát dạng thức đó như sau: người gặp nạn → cá Ông cứu → khẳng định người sống có đức độ (i’). Nói một cách khác thì người được cứu vì người đó sống có đức độ. Kết hợp giữa hai dạng thức (i) và (i’), chúng ta thấy xuất hiện một motip mới:

Ở đây, giữa hai motip (*) và (**) có một mối quan hệ khăng khít với nhau. Motip sau là bước chuyển và phát triển lên từ motip trước. Nói rõ hơn thì đây là một bước chuyển biến trong tâm thức và ý thức nhân dân trong sự yêu chuộng tính công bằng và đi lên trong ý thức con người. Từ motip cá cứu người → cá cứu người có điều kiện, rõ hơn là từ tâm thức cho rằng cá cứu tất cả mọi người bị nạn và việc làm này thuộc về trách nhiệm của cá, thì sau đó đã thành cá cứu người với điều kiện con người phải có lối sống đức độ. Trọng tâm trách nhiệm từ loài vật đã được chuyển sang cho con người: muốn được cá cứu, nhất định phải là người sống có phước đức. Nếu motip ở các thần thoại khác đòi hỏi phải có sự tham gia của một yếu tố ngẫu nhiên thiên định, thì ở đây, motip này lại cần có sự tham gia của yếu tố nhân định. Nhân định ở đây, chính là bản tính lương thiện của con người hoặc một tố chất tốt đẹp nào đó để cảm động được cá Ông thì mới được cứu (sống tốt đẹp, khấn nguyện sẽ ăn chay trường, làm việc phước đức…). Hẳn ở đây, lòng yêu chuộng sự công bằng, yêu chuộng cái đẹp, nhân nghĩa và tinh thần khuyến khích con người cần phải sống bác ái với nhau đã trở thành hạt nhân cho sự cân chỉnh lại nhận thức về hành động cứu người của cá Ông. Ngầm trong đó, dân gian cũng chuyển hóa yếu tố chính thúc đẩy cá Ông cứu người vì sự thưởng phạt sang cho con người cần sống tốt để nhận được sự cứu giúp của Ông. Điều này cho thấy tính chủ động của con người trước biển khơi bao la và dữ dội. Thay vì đợi chờ nhận được sự cứu giúp của Ông một cách ngẫu nhiên (thực tế thì có lẽ có cả sự ngẫu nhiên), thì con người chuẩn bị cho mình một khả năng sẽ được Ông cứu giúp nhờ vào niềm tin và lối sống tốt đẹp của mình. Đấy là một nguồn sức mạnh trong tâm linh để con người bớt nỗi lo sợ, thêm sự bình tĩnh để đi vào nơi khó khăn trong cuộc mưu sinh.

Qua các motip đã phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy truyền thuyết về cá Ông không phải hoàn toàn độc lập trong cấu trúc. Nó có sự chuyển hóa từ các motip dân gian vốn có trước đây để hình thành một cấu trúc cho riêng. Trong sâu xa, nó chính là một phần sự chuyển hóa ý thức của nhân dân vùng nông nghiệp lúa nước khi mở rộng địa bàn nghề nghiệp hướng ra biển khơi. Đằng sau lớp vỏ văn bản chứa đựng những ý nghĩa phong phú về mặt tinh thần của nhân dân. Chính điều đó đã tạo cho truyền thuyết cá Ông những tình tiết li kỳ, hấp dẫn và nổi bật lên được tính thiêng liêng của Ông đối với đời sống ngư dân.

Qua toàn bộ những gì chúng tôi đã trình bày, có thể thấy tựu chung lại một số điểm sau:

- Thứ nhất, truyền thuyết cá Ông mang một dấu ấn về sự khai thác biển mạnh mẽ của nhân dân trên vùng đất mới. Ông luôn nằm trong niềm tin kính ngưỡng tôn thờ, biết ơn của nhân dân, cho nên trong các tích về Ông thường nằm trong khuynh hướng được thần thánh hóa nhằm tăng thêm vẻ đẹp và tính thiêng liêng của Ông trong tín ngưỡng dân gian.

- Thứ hai, như nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng đã nói “Bao giờ còn Dân thì bấy giờ cũng còn Folklore, Dân vạn đại thì Folklore cũng vạn đại” [57, tr.14]. Truyền thuyết về cá Ông cũng thế, khi nào còn người đi biển thì khi đó tín ngưỡng và truyền thuyết về cá Ông sẽ còn mãi với thời gian. Truyền thuyết về cá Ông ắt hẳn sẽ còn tiếp tục được nhào nặn, hình thành trong những yếu tố tâm lý và quan niệm ở thời đại mới. Đó là một hệ truyền thuyết “sống” theo cả hai nghĩa: sống mãi với thời gian và vẫn sẽ còn những truyền thuyết mới ra đời. Nhưng điều đó cần độ lắng của thời gian để những truyện mang tính sự kiện đủ điều kiện trở thành tác phẩm nghệ thuật.

- Thứ ba, các yếu tố nghệ thuật trong truyền thuyết cá Ông cho thấy đó là sự chắt lọc, nhào nặn rất uyển chuyển của nhân dân từ cơ sở của thực tiễn cuộc sống, với các chi tiết có thực, việc thực. Hơn thế nữa, dưới góc nhìn của nhân dân, hình tượng cá Ông không chỉ nằm hẹp trong một phạm vi vị thần biển, mà còn tích hợp trong đó những giá trị đạo đức, khuyến khích con người sống hướng thiện, ước mơ và lý tưởng về cái đẹp. Chúng tôi cho đây là một sự thông minh và cực kì khéo léo của nhân dân trong sự chuyển hóa lý thuyết đạo đức vào các truyền thuyết cá Ông để trở thành một động lực hành động, hướng tới cuộc sống cao đẹp hơn.

Chương 4 -MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỀN THUYẾT VÀ TỤC THỜ CÁ ÔNG

Trong phần này, chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu vào sự tương tác giữa truyền thuyết và tục thờ cá Ông. Đi vào vấn đề này, chúng tôi sẽ nghiên cứu trên hai bình diện sau: thứ nhất là mối quan hệ trên các nghi lễ và phần hội với truyền thuyết; Thứ hai là mối quan hệ trong tâm thức khi kể và khi thờ cá Ông của ngư dân.

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 71 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)