Motip cái chết thần kì

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 68 - 71)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.3.2. Motip cái chết thần kì

Motip cái chết thần kì xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học dân gian. Đặc biệt là trong truyền thuyết về các anh hùng lịch sử, motip về cái chết thần kì rất phổ biến. Trong bài viết “Về sự tái sinh của nhóm truyền thuyết anh hùng bộ lạc ở vùng Thuận Hóa” của Hồ Quốc Hùng, tác giả có nói về motip này, trong đó nổi lên một dạng motip người anh hùng chết không toàn thây theo công thức tách nhập để hòa vào núi sông. Không rõ có mối tương quan hay chuyển hóa gì ở công thức này giữa người anh hùng vào cá Ông hay không, nhưng ở đây, chúng tôi gặp lại motip về sự chết thần kì này ở khá nhiều truyện tại các vùng biển liên quan đến cá Ông. Ví dụ 1: Truyện này được ghi chép ở Lăng cá Ông trên đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu. Truyện kể rằng vào thế kỉ XIX có một đầu cá Ông rất lớn đã dạt vào Bãi Sau. Đầu cá to đến nỗi không thể kéo vào bờ. Ngư dân phải lấy tre rào lại cho thịt tan hết mới lấy được cốt đưa về miếu Bãi Trước để thờ. Cùng thời gian đó, có một thân cá Voi rất lớn đã dạt vào biển Cần Giờ (Gia Định), một phần đuôi cá dạt vào biển Long Hải (Vũng Tàu). Ngư dân truyền rằng đây là vị tướng quân của Long vương ra lệnh phải bảo vệ thuyền bè qua lại trong vùng biển. Nhưng vị tướng này đã không hoàn thành nhiệm vụ khiến cho chiếc tàu bị đắm trong cơn bão tố nên Long vương nổi giận hạ lệnh chém làm ba khúc [53].

Ví dụ 2: Tương tự như truyện trên, ở Kiểng Phước (Gò Công) cũng có một đền thờ cá Ông như thế. Tương truyền rằng một lần trời đổ mưa ròng rã ba ngày đêm, ngoài bờ sông Soài Rạp có một cá Ông lụy vào nhưng chỉ có phần giữa, khúc đuôi và

khúc đầu đâu mất. Nhân dân trong vùng lấy cốt Ông đưa vào thờ ở đình làng Vàm Láng (thuộc Kiểng Phước). Không bao lâu, một ngư phủ ở Phước Hải qua Vàm Láng xin thỉnh cốt Ông về Bà Rịa và đền bù lại cho dân làng 100 quan tiền. Người đó cho biết rằng, cá Ông lụy về báo mộng cho hay vì Ông phạm tội với thiên đình nên bị phạt thân xác ở ba nơi. Đầu Bà Rịa, thân ở Kiểng Phước, đuôi ở Vũng Tàu. Nếu dân làng Phước Hải tìm đủ ba khúc lại trong một lăng thờ thì Ông sẽ phù hộ cho làng Phước Hải thịnh vượng. Nhưng lời đề nghị ấy đã không được chấp nhận, vì dân làng Vàm Láng cũng tin tưởng tôn kính khúc xương dù chỉ là khúc giữa của Ông cũng đem đến nhiều phúc lợi [52].

Ví dụ 3: Ở dinh Vạn Phước Lộc, ngụ phường 9, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận cũng lưu truyền một truyền thuyết mà chúng tôi có dịp nghe qua lời kể của bác Nguyễn Sáng (thủ từ dinh Vạn Phước Lộc). Truyện kể rằng: tại dinh hiện nay thờ rất nhiều Ông, trong đó có một Ông khi lụy vào chỉ có phần đầu. Một phần dạt về Mũi Điện ở Hàm Thuận Nam, một phần dạt về Phước Hải Vũng Tàu. Ngư dân truyền rằng Ông mắc tội lỗi gì đó nên bị xử chia làm ba khúc. Sau đó, Ông ở không yên và báo mộng về báo mọi người tìm đầy đủ thân xác cho Ông thì Ông phù hộ cho dân làng, nhưng điều đó đã không thể thực hiện vì nơi khác họ cũng có quan niệm “dù chỉ là một khúc của Ông cũng đem lại phúc ấm cho dân làng” nên họ không cho đưa đi.

Với dạng truyện này, chúng tôi được ngư dân khẳng định là đã từng có nhưng lâu lắm rồi, từ đời ông cố ông sơ tới giờ, con cháu chỉ biết và thờ như thế chứ thực sự ra sao thì cũng không rõ lắm.

Cái chết không toàn thây được dân gian lưu truyền thường xảy ra trong hai trường hợp: một là chết không toàn thây nhằm để chê trách, lên án đối tượng sống thất nhân nên phải chịu tội. Hai là cái chết không toàn thây nhằm để tô điểm cho cá tính, đức tính hơn người của nhân vật đó. Trong motip người anh hùng chết không toàn thây thuộc vào trường hợp thứ hai, có dạng: Người anh hùng thất trận -> thân chia ba khúc hòa vào núi sông. Còn ở truyền thuyết cá Ông có dạng: Ông không hoàn thành nhiệm vụ -> thân chia làm ba khúc chịu tội. Ở đây, cá Ông bị xử phạt nhưng không phải là đối tượng của sự lên án, mà theo cách kể của nhân dân, sự chết của Ông là đối tượng của lòng tôn kính, thương cảm. Dường như lờ mờ có một sự tương quan trong cái chết thần kì của người anh hùng được chuyển hóa vào trong dạng truyện này. Đây là một ý thức đề cao đối tượng thờ của nhân dân. Về cái chết của

người anh hùng, đó là “cái chết hòa thành sự sống bất tử. Anh linh các vị anh hùng hòa vào hồn thiêng sông núi sống mãi muôn đời với con cháu” [4, tr.51]. Ở đây, cái chết kì lạ của Ông được nhân dân khoác cho màu sắc tâm thức của nhân thần. Hơn nữa, ở đây cũng có một motip nhỏ khác, đó là báo mộng. Báo mộng là một motip rất phổ biến ở nhiều truyện trong dân gian. Nhưng hầu hết motip báo mộng chỉ xuất hiện trong hành động của con người, rất hiếm có tích về sự báo mộng trong hành động của loài vật. Trường hợp cá Ông như thế này là hiếm thấy. Như thế, motip về cái chết kì lạ của Ông được tôn trong sự thần kì và motip báo mộng, cho thấy trong tâm thức của nhân dân, người ta đã đồng nhất cá Ông với nhân thần. Ông là một vị tướng quân chứ không đơn giản chỉ là loài cá có thiện tính sinh sống ngoài biển khơi.

Trong motip về cái chết thần kì của cá Ông còn xuất hiện một hình thức khác, đó là cá về chầu Ông Bà. Nói cách khác là cá trở về với tổ tiên.

Ngư dân ở dinh Ông Phước Hải, xã Long Hải, huyện Long Điền, Vũng Tàu còn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện khá li kì về việc mai táng Ông như sau:

Nhiều trường hợp, cá Ông mắc cạn vào bờ được ngư dân giúp sức đưa ra nhưng hôm sau đã thấy cá Ông đó lụy vào trong bãi. Người dân tin rằng đó là cá về chầu Đức Ông, Đức Bà. Có lần cá Ông lụy gần đảo Côn Sơn, các thuyền ngư liền hợp sức đưa xác Ông vào đảo để an táng vì từ đó vào đảo gần hơn vào đất liền. Nhưng kì lạ thay, khi thuyền quay hướng về phía đảo để đi thì một đàn cá Voi ở đâu tới cản mũi thuyền không cho đi. Ngư dân hiểu rằng Ông không chịu mai táng ở đảo nên quay thuyền vào đất liền thì đàn cá Voi không cản lối mà còn hộ tống đoàn thuyền đưa Ông đã lụy vào bờ. Khi gần tới nơi, đoàn cá Voi phun nước ở lỗ đạo hàm ý cảm ơn rồi quay ra biển. Thế nên ở đảo Côn Sơn không có mộ cá Voi. Ngư dân cho rằng đó là vì cá Voi lụy luôn về với ông bà. Ông bà trước được mai táng ở đâu thì lớp sau sẽ theo về lụy cùng nơi đó.

Ngư dân sống gần ngôi miếu thờ cá Ông “Ngư Linh Miếu” ở vùng biển xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) cũng lưu truyền một tích, được ông Phạm Quốc Hồng, thường trực hội ngư dân kể lại như sau: trước đây, có một cá Cô bị mắc cạn vào bãi biển xã Cảnh Dương. Ngư dân thấy vậy liền hợp sức đưa Cô trở lại biển. Cô ra ngoài thì bơi vài vòng rồi biến mất. Nhưng đến sáng hôm sau, lúc mực nước ở mức cao nhất thì cũng cá Cô đó lại vào ngay chỗ cũ và đã lụy. Mọi người tin

rằng đây là một cá Cô vào chầu Đức Ông, Đức Bà và mọi người đưa về mai táng chu đáo cho Cô. Người dân cũng tin rằng vì Cảnh Dương là một vùng đất lành nên các Đức Ông, Đức Bà đã chọn nơi đây làm nơi nương tựa để lụy. Đây là một điều tốt lành cho một năm làm ăn may mắn [32].

Ở thôn An Đông, An Vĩnh, Quảng Ngãi cũng lưu truyền một câu chuyện về Ông lụy rất kì lạ. Truyện được kể bởi anh Nguyễn Đạt, người trực tiếp dìu xác Ông vào bờ như sau: một hôm, anh cùng đứa con trai đầu đi ra khơi lặn ốc thì thấy Ông lụy. Hai cha con liền cho thuyền quay hướng rồi dìu xác Ngài vào bờ để an táng. Ban đầu anh định đưa Ông vào lăng Dạn (thôn An Đông) để mai táng nhưng khi cho thuyền chạy thì thế nào cũng không được. Thấy Ông ngỏ ý về hướng Tây, anh cho thuyền chạy theo hướng này thì thuyền đi nhanh và nhẹ hơn nhiều. Sau khi chôn cất xong, nghe các vị cao niên truyền lại mọi người mới biết sở dĩ Ông không vào lăng Dạn do ở đó chỉ những vị có chức tước lớn mới được vào tu [55].

Những truyện như trên chúng tôi thấy có ở rất nhiều nơi. Ngư dân biển truyền và tin rằng cá Ông rất linh thiêng, sống có nơi mà lụy cũng có nơi chứ không phải chỗ nào Ông cũng vào. Về sự lụy của cá Ông như thế này có thể xem là một motip con trong motip về cái chết thần kì: motip cá về chầu ông bà. Motip này là một sự chuyển hóa uyển chuyển từ tâm thức cội nguồn “Cáo chết ba năm vẫn quay đầu về núi”. Rất nhiều truyền thuyết về các vị anh hùng lịch sử khi chết và có motip dạng này: người anh hùng phải trở về được quê nhà mới chịu tắt thở hoặc để đầu rơi xuống đất rồi chết. Còn nếu chết mà chưa trở về tới quê nhà được thì luôn có một điềm báo mộng về để bà con dân làng tìm đưa xác về quê hương bản quán chôn cất. Ở đây tình tiết cá Ông lụy cũng được nhân dân tin và huyền thoại gần như thế. Khi lụy cá luôn tìm về đúng nơi của Ông bà. Thực tế là có những nơi cá thường lụy nhưng có những nơi không bao giờ thấy cá dạt vào. Có thể hình dung ra một diễn tiến như sau về tâm thức của nhân dân với cá Ông: càng về sau này, hình tượng cá Ông càng có một sự chuyển hóa đan xen giữa hình tượng của thần thú sang hình tượng nhân thần. Những giá trị về đạo lý nhân dân nhẹ nhàng đưa vào trong các tích truyện cá Ông. Đây không chỉ là một sự để tỏ lòng tôn kính mà còn là cách để nhân dân lưu truyền những giá trị đạo đức tốt đẹp thông qua hình tượng cá Ông.

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 68 - 71)