Truyền thuyết của người Chăm

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 32 - 36)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.1.1. Truyền thuyết của người Chăm

1. Truyền thuyết sau đây được khá nhiều bài viết nói tới. Mọi người cho rằng đây là truyền thuyết về thần cá Ông của người Chăm, được lưu truyền dưới tên thần Po Riyak. Đây là một truyền thuyết về thần được ghi chép trong bài viết “Tục thờ

cúng cá Ông và hát múa bả trạo của cư dân ven biển – hải đảo Quảng Ngãi” của tác giả Lê Hồng Khánh (www.nuiansongtra.com), truyền thuyết kể lại rằng:

Cá Voi vốn là hóa thân của một vị thần tên là Ja Aih Wa. Thời trẻ, Ja Aih Wa được cha mẹ cho theo thầy học phép thuật. Sau hơn mười năm tu luyện có phép thuật cao cường, Ja Aih Wa khát khao được trở về xứ sở. Nhưng người thầy không đồng ý vì cho rằng học trò của mình cần thêm thời gian để tu luyện và lĩnh hội đầy đủ tinh hoa huyền thuật. Nhớ cha mẹ, quê hương, Ja Aih Wa đã cãi lời thầy, tự ý biến thành cá voi, theo sông lớn đi ra biển và sau đó bị thầy trừng phạt. Sau lời nguyền của thầy, Ja Aih Wa bị các loài thủy tộc ở biển Đông hành hình phải trải qua nhiều kiếp nạn. Sự trừng phạt đồng thời cũng là thử thách. Xác Ja Aih Wa trôi dạt vào đất liền rồi hóa thành thiên nga bay về cố xứ. Chốn quê nhà, Ja Aih Wa đau lòng khi biết cha mẹ đã mất nên buồn bã đi tìm một đảo hoang để sống. Từ hình hài thiên nga, Ja Aih Wa lại hóa thành người và tiếp tục tu luyện rồi qua đời trên đảo vắng. Cảm khái tấm lòng hiếu thảo, sẵn sàng chịu xả thân vượt qua nguy nan tìm về gia đình, thượng đế đã hóa phép để ông thành vị thần cứu nạn trên biển. Khi thành thần, Ja Aih Wa đổi tên và tự xưng là Pô Riyak tức thần sóng biển. Từ đó, Ja Aih Wa trở thành ân nhân của những người bị đắm thuyền giữa biển khơi. Mỗi khi nghe tiếng nạn nhân kêu cứu thì Ja Aih Wa liền hóa thành cá Voi, rẽ sóng đến nâng thuyền và người vào bờ.

2. Cũng có nội dung về thần Po Riyak, nhưng đây là một truyền thuyết thần Po Riyak được ghi trong sách cổ Chăm do P.Mus ghi lại, được đăng trong bài “Giới thiệu tác phẩm Ariya Po Riyak” do tác giả Báo Thị Hoa đăng lại nguyên bài phân tích của PGS. Po Dharma trong chương trình thế giới Mã Lai – Đông Dương (Tập san Vijaya, Hội bảo tồn văn hóa Champa, USA, số 5, tháng 10, 2005, tr.131-132). Nội dung truyền thuyết thần Po Riyak như sau:

Po Riyak tên thật là Ja Aih Wa, sinh vào ngày thứ ba, mồng 4, tháng 4, năm Tý. Theo tác phẩm Ariya Po Riyak, ngài là người Chăm Awal (Bani), gốc làng Pacem, Phan Rí, sang du học ngành pháp thuật ở Makah mà người Mã Lai thường gọi là Serambi Makah, tức là tiểu vương quốc Kelantan của liên bang Mã Lai. Khi nghe tin quê hương ngài lâm vào cảnh loạn lạc vì bị người Jek (Người Việt) chiếm đóng, ngài quyết định từ bỏ nhà trường để quay về cứu dân cứu nước. Sư phụ của ngài khuyên là chưa nên quay về, vì thiên thần chưa cho phép. Nếu không, ngài sẽ gặp

nhiều điều không lành, có thể nguy hại đến tánh mạng. Ngài nhất quyết không nghe. Nửa đêm, ngài quay xuống thuyền làm lễ tạ tội, rồi nhổ neo trở về Panduranga (Ninh Thuận). Khi thuyền ngài đến gần Hải phận Champa, trời nổi mây mưa bão tố và cá thần mang tên là Inâ Patrang hay Inâ Katrangđánh vỡ thuyền ngài. Bị chìm đắm vào lòng đại dương, ngài được cá “Ông” (ikan limân) đưa về bờ đất liền ở Gram Pari, Phan Rí. Người Chăm và cả người Việt thấy vậy liền lập đền thờ phụng ngài ở đây.

3. Một truyền thuyết khác cũng giống như truyền thuyết số 2, nhưng phần sau có sự khác biệt. Truyền thuyết này cũng được giới thiệu chung với truyền thuyết trên trong tác phẩm “Giới thiệu tác phẩm Ariya Po Riyak” của tác giả Báo Thị Hoa. Nội dung phần khác biệt đó như sau : Các bài phúng điếu Po Riyak do Ong Kadhar xướng ca trong các lễ tục (Katé, Puis, Payak v.v.) và Ong Maduen hát trong lễ múa Rija thì cho rằng khi thuyền ngài bị đắm, ngài ngồi trên lưng cá “Ông” trở về bờ đất liền. Nhưng ngài từ chối ghé vào Pajai, Phan Rí ngay cả bờ Cà Ná nơi mà người Chăm tìm cách đâm chém và liệng đá vào cá Ông chở ngài lên bờ: “Po mai di brok dayep, dak gep ra klep, lac Po Ikan, Po mai di krâh melam, dak gep ra glam, lac Po Ikan” (CAM 248a, tr. 247). Chính vì thế, ngài phải dừng chân ở Craok Dil, tức là Sơn Hải, phía bắc Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), nơi mà người Chăm và Việt lập đền thờ ngài và phúng điếu hàng năm. Trong phần sau truyền thuyết Ariya Po Riyak còn có đoạn, Po Riyak hóa thân để cưới thêm bà vợ Kaho gốc dân tộc miền núi, sinh ra hai đứa con gái. Po Riyak cũng hóa thân bay tận thế giới thần linh để viếng thăm Po Klaong Garai và hóa thân vào trái lựu của thân mẫu Po Klaong Garai để được sang viếng thăm nước Siam (Thái Lan).

4. Cũng nằm trong bài “Giới thiệu tác phẩm Ariya Po Riyak” như trên, nhưng phần phụ lục có dẫn một bản xướng ca ghi trong sách cổ Chăm của Viện Viễn Đông Pháp mang ký hiệu CAM 244, truyền thuyết về thần Sóng Cả của người Chăm được giới thiệu chung ghi lại rằng : “Po Riyak người làng Pacem, là một người thông minh và đức độ (câu 1-2),lại rất ham học. Khi ở trong nước, ông đã gác bỏ chuyện gia đình (o patih gruk sang, câu 3) để theo thầy tìm học. Ông học rất nhiều thầy, và nghe ở đâu có thầy hay, thầy giỏi là ông tìm đến đó để học. Sau cùng thì ông quyết định sang Makah (Kelantan, Malai) để du học. Mục tiêu của ông là để sau này cứu dân giúp nước (câu 4). Thầy thấy ông là một người thông minh, học

giỏi, nên truyền đạt cho ông tất cả các môn học (khoa học tự nhiên, triết lý, thuật trị nước...), cũng như các pháp thuật (câu 8). Khi nghe tin trong nước loạn lạc, quân Jek(Ðại Việt) tấn công Champa, lòng ông như sôi sục, ông muốn quay về để cứu dân cứu nước. Thầy ông khuyên ông là chưa nên quay về. Ông không nghe, nửa đêm quay xuống thuyền làm lễ tạ lỗi rồi nhổ neo về nước. Sáng dậy, thầy không thấy ông, biết là ông đã trốn đi và nghĩ rằng ông vô lễ vì đã không nghe theo lời mình nên có lời nguyền: “Nếu đi trên nước cá đớp, nếu đi trên rừng rắn cắn, cọp vồ” (câu 27).

Không ngờ, lời nguyền của thầy ông trở thành linh ứng. Khi thuyền ông gần tới Hải phận Champa, trời đang sáng bỗng tối sầm lại, trời nổi mây mưa rồi làm bão tố, rồi loài thủy quái ina patrangiya katrangbao vây và tấn công đánh vỡ thuyền ông ra làm hai. Ông ngụp lặn trên biển cả mấy ngày đêm, một con cá “Ông” bơi lại đưa ông về bờ Phan Rí. Người Chăm và cả người Việt thấy vậy đều thuần phục, tôn vinh ngài là Po Riyak “Thần Sóng”, rồi lập đền thờ. Cũng kể từ đấy, dân vùng biển, cả Chăm lẫn Việt (nhất là những ngư dân) có lễ tục thờ Po Riyak tức là thờ “Thần Cá Ông”. Vì họ cho ông là hiện thân của loài cá này và chúa tể của biển cả.

Trong bài “Giao lưu văn hóa Việt – Chăm nhìn từ tục thờ cá Ông” của tác giả Nguyễn Thanh Lợi (tạp chí Văn hóa dân gian số 2, 2003) tác giả đã dẫn ra hai truyền thuyết về cá voi của người Chăm từ hai nguồn tư liệu viết bằng tiếng Pháp:

5. Một truyền thuyết do tác giả Thái Văn Kiểm ghi chép (Le culte de baleaine, BSEI, N.S, Tome XLVII, N2,2e Trimestre, 1972, p.316, bản dịch Đỗ Lai Thúy). Nội dung truyền thuyết kể rằng: “Từ thuở xa xưa người Chăm tôn xưng cá Voi là vua sóng cả… Từ thuở xa xưa, người Chăm tôn thờ tất cả những gì có vẻ kì lạ trong mắt họ. Chính khúc gỗ có hình dáng con đại bàng mà những người Bồ Đào Nha đầu tiên tới trả bằng giá vàng là đối tượng của một truyền thuyết giải thích nguồn gốc nhà trời của dân Chăm, nghĩa là người Chăm là con cháu của một cuộc kết duyên của chim Ưng gỗ (tiếng Chăm là Patangahlau) và vua Sóng cả tức là cá Voi. Bởi vậy, cá Voi luôn luôn bảo hộ những người đi biển bị đắm tàu và cứu giúp họ”.

6. Một truyền thuyết do Antone Cabaton (Nouvelles recherches sur le Cham, BEFEO, 1901, p.117 – 118) dẫn lại trong các bài tụng ca của dân tộc Chăm có truyền lại một truyền thuyết sau: Ba người con trai của vua Đại Bàng Rừng Xanh

(có nơi ghi là con vua Kì Nam) và vua Cá Voi đã liên minh với nhau để cùng cai quản lãnh thổ của họ. Khi vua cá Voi di chuyển, tất cả các loài cá theo hộ vệ. Không may cho những ai ném đá hoặc đánh bắt. Vua cá Voi nổi lên mặt nước như một cái phao… Khi các cơn bão hoành hành, vua cá Voi tìm đến những cửa sông…

Đó là những truyền thuyết của người Chăm mà chúng tôi sưu tầm được. Nói chung, vì người Chăm đã không còn hoạt động về nghề đánh bắt cá như tổ tiên của họ nên hệ truyền thuyết liên quan đến cá Ông cũng mai một, không còn nhiều người nhớ. Hầu như các truyền thuyết này được lưu truyền trên văn bản, và trong một phần nghi lễ thờ thần Po Riyak của lễ hội nông nghiệp, còn trong đời sống dân gian thì cũng ít người biết tới.

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)