Motip xuất thân thần kì và motip phạt – thưởng

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 66 - 68)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.3.1. Motip xuất thân thần kì và motip phạt – thưởng

Trong dân gian, đối với những nhân vật và loài vật có đặc điểm khác thường, phi phàm thường được nhân dân khoác cho một nguồn gốc xuất thân kì lạ, hoặc cũng mang một tính cách khác thường. Trong truyền thuyết về cá Ông, chúng ta lại thấy motip ấy. Cá Ông là tướng quân của Long Vương, con vua Thủy Tề, thần tướng nhà trời. Tư duy thần thoại, truyền thuyết, cổ tích vốn được xem là tư duy của loài người thuở còn mông muội, chưa lý giải được điều gì bằng khoa học mà chỉ bằng óc tưởng tượng để giải thích. Nhưng óc tưởng tượng ấy không phải chỉ chung chung, giản đơn mà đi với một sự khôn khéo trong lựa chọn. Chúng ta có thể thấy, không phải ngẫu nhiên cá Ông lại được gắn với một nguồn gốc thần linh. Motip xuất thân thần kì này có chức năng dự báo những việc làm cao cả về sau mà trong tư duy của nhân dân, chỉ có thần thánh hoặc bậc tài năng hơn người mới tạo ra được. Ở đây, cá Ông đã khiến dân gian ngưỡng mộ, kính nể vì hành động cứu người trong cơn bão tố biển khơi mà không ai nghĩ có thể sống sót qua được. Vậy mà cá Ông đã làm được điều thần tích ấy, nên dân gian đã lựa chọn một nguồn gốc cao quý để tô điểm cho Ông một sự thần thánh khác thường. Điều đó cho thấy một tư duy về óc tưởng tượng có lựa chọn xác đáng của nhân dân. Sự việc tới đó tưởng

như đã đủ. Nhưng dân gian chưa dừng óc tưởng tượng của mình ở đó mà còn tiếp tục đẩy xa hơn. Trong xuất thân thần kì còn có motip về vị thần nhà trời phạm tội nên bị đày xuống trần chịu phạt. Đây có thể xem là một motip cổ xưa và chung cho nhiều nền văn học cả phương Đông lẫn phương Tây. Quỷ Satan trong Kinh Thánh cũng chính là một vị thiên thần nhiều quyền lực. Bởi chính sự sa ngã, kiêu ngạo và phạm tội với Chúa trời mà bị đày xuống trần làm quỷ Satan. Cá Chép Vàng cũng có nguồn gốc thiên đình, vì mắc lỗi mà phải xuống trần chịu lỗi, phải tu hành cho đủ. Khi đã tu thành chính quả thì cá chép hóa rồng bay về trời. Trong sự tích con hổ, hổ vốn là một vị thần nhà trời tên Phạm Nhĩ. Phạm Nhĩ cậy sức khỏe và tài phép hơn người nên thường gây sự, làm loạn trên thiên đình. Sau đó, Ngọc Hoàng phải nhờ đến Phật bà bắt và đày Phạm Nhĩ xuống trần gian. Nể tình Phạm Nhĩ vốn là vị thần oai linh nên trời cho xuống trần làm chúa tể sơn lâm, là loài hổ hay còn gọi Ông Ba Mươi. Và đến cá Ông, chúng ta lại gặp lại motip thần nhà trời bị phạt xuống trần tích công chuộc lỗi. Dường như dân gian không hài lòng với vị thần tốt bụng cứ ngụp lặn ngoài khơi cứu người nên phải tạo ra một cái cớ hợp lý cho hành động ấy, bằng cách cho vị thần phạm tội và bị đày xuống trần làm công việc gian khó ấy. Tới đây, tư duy dân gian lại một lần nữa thể hiện sự triệt để của mình trong lý giải và mơ ước. Tới truyền thuyết 7 và 12, chúng ta thấy có một motip khác, mà chúng tôi gọi là motip thưởng, đó là cá Ông khi cứu người tích đức đủ sẽ có cơ hội hóa rồng. Motip cá hóa rồng cũng là motip rất phổ biến. Trong dân gian vẫn kể về tích cá chép vượt Vũ môn tam cấp để được hóa rồng hay thuồng luồng nhả ngọc hóa rồng. Ở đây, có một hoặc nhiều sự thử thách được đặt ra để được nhận thưởng. Cá chép muốn hóa rồng phải vượt qua cổng vũ môn rất cao được tạo ra từ linh khí của trời đất. Thuồng luồng muốn hóa rồng đã phải đưa người qua sông trong nhiều năm và còn phải nhả viên ngọc đã ngậm trong miệng để được hóa rồng. Trong truyền thuyết 7, cá Ông muốn hóa rồng phải tích đức đủ và còn phải tìm cho ra được vật báu mà ngày trước Ông chểnh mảng trông coi nên đã làm mất. Trong truyền thuyết 12, cá Ông phải làm công việc cứu người làm sao cho đủ để vượt được vũ môn mà triều đình mở ra để hóa rồng. Có thể thấy một triết lý nhân sinh quan và mơ ước của nhân dân được chuyển tải vào trong truyện: sau tất cả những nỗ lực vượt qua khó khăn thì luôn có phần thưởng xứng đáng được trao tặng. Vì công sức bỏ ra của cá Ông rất nhiều nên nhân dân đã tưởng tượng ra một món quà xứng tầm cho công đức ấy.

Chính là cá hóa rồng. Khi cá thành rồng sẽ được tung hoành bay trên mây hoặc vẫy vùng nơi biển cả, tự do không gì sánh bằng. Rồng còn hô mưa gọi gió mang đến mùa màng tươi tốt. Hơn thế nữa, rồng còn là biểu tượng của sức mạnh, quyền uy và sự cao quý. Hóa rồng – một sự lý tưởng là món quà ý nghĩa nhất mà nhân dân dành tặng cá Ông. Nhưng cái ẩn đằng sau điều này chính là óc công bằng và ước mơ tới cuộc sống tốt đẹp lý tưởng của nhân dân. Chúng ta vẫn nghe về chàng cóc lấy vợ tiên, Sọ Dừa lấy được người vợ đẹp người đẹp nết, cô Tấm sau bao gian khổ cũng được trở về cung có cuộc sống hạnh phúc…và cá Ông làm việc thiện tới một lúc nào đó sẽ được hóa rồng. Điều này bộc lộ sinh động quan điểm thẩm mĩ của nhân dân về cái đẹp trong cuộc sống, về sự công bằng với số phận không chỉ con người mới có mà cả muôn loài cũng thế.

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)