Một số truyện cá Ông cứu người gần đây

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 42 - 45)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.1.2.3. Một số truyện cá Ông cứu người gần đây

Ngoài những truyền thuyết được lưu truyền có văn bản, chúng tôi cũng tiếp cận với khá nhiều câu chuyện mang ý nghĩa thực tiễn và được phổ biến theo hình thức truyền miệng. Đó là những câu chuyện do các ngư dân kể lại sau khi họ được cá ông cứu sống khi gặp nạn ở giữa trùng khơi. Một số truyện kể về công đức Cá Voi tiêu biểu như sau:

22. Đây là một truyện có thật được tác giả Phạm Văn Tú, đăng tải trên tạp chí Văn hóa dân gian (số 3/2007,tr.48). Nội dung như sau:

Năm 1966, ông Nguyễn Văn Ngàn (tự Tư Ngàn) ở khu vực II thị trấn sông Ông Đốc có con là ngư phủ đi làm thuê cho tàu ông Út Bí. Khi con ông Tư Ngàn ra khơi, hôm đó biển động dữ dội, giông tố rất lớn trong lúc đang phụ lưới thì bị gió giật té xuống biển mất dạng. Tàu vào bờ báo cho ông Tư Ngàn và gia đình tổ chức tang sự. Trong khi đó con ông (anh Nguyễn Văn Hùng) trôi tới Đá Bạc (cách đó khoảng 20km) thì được ghe lưới Kiên Giang với lên. Thời gian từ khi rớt xuống biển cho

đến khi được vớt lên là một ngày một đêm. Khi kể về thời gian này, anh cho biết lúc đã gần kiệt sức, anh khấn vái xin cá Ông cứu mạng và sẽ cạo đầu, ăn chay trường thờ cá Ông. Sau đó anh cảm thấy phía dưới lưng được đỡ lên và có cảm giác như nằm trên tấm phản gỗ, trôi nổi một ngày một đêm cho đến khi được vớt lên.

Hiện nay, ở khu di tích thờ cá Ông ở Đá Bạc, trên tấm vách bên ngoài tường của điện thờ , người ta thấy còn lời tường thuật được ghi bằng chữ sơn màu đỏ của ngư dân Nguyễn Văn Hùng thoát nạn nhờ sự cứu giúp của cá voi như sau:

Vào ngày 29 tháng 04 năm 1966 âm lịch, tôi đang đi trên ghe cào ngoài khơi Hòn Chuối, ghe bị phá nước lại gặp trận giông to phủ vào ghe chỉ còn lá be nữa là chìm. Tôi định năm anh em phải chết, tôi đã vái Ông: Sống được về nhà tôi xin cạo đầu. Lúc đang tát nước, thấy ghe thật nhẹ nhàng còn sóng thì êm, đúng bốn tiếng đồng hồ vào tới làn nước đục vùng nước cạn gần bờ. Ngang mũi Hòn Đá Bạc, tôi nghe ghe chuyển một cái, nhìn thấy một khối da đen láng cách ghe 10m. Tôi tránh qua thì ghe chìm xuống, sóng đưa tôi vào mũi Hòn. Lúc này tôi mới biết Ông độ. Tới hòn tôi thấy khối đó là đầu Ông ngang khoảng 3m, không thấy chiều dài, sóng dập tàu vào đá giật tới bảy lần, năm anh em lên được bờ đá, lúc đó ghe chìm.

23. Trên báo Dân Trí ngày 15/05/2010 có đăng một bài viết đáng chú ý của phóng viên Công Bính ghi chép lại chuyện cá Ông cứu người. Nội dung bài viết kể lại rằng: Một câu chuyện cho tới nay vẫn không ai dám khẳng định đúng sai, song luôn được người dân xã Tam Tiến, huyện Núi Thành (Quảng Nam) truyền tai nhau như một truyền thuyết. Đó là câu chuyện của ông Đặng Châu, người suốt 50 năm nay vẫn thờ phụng bộ xương cá Ông tại nhà riêng và tin rằng nhờ đó mà ông đã hai lần được cá Ông cứu sống khi gặp nạn giữa trùng khơi. Ông Châu kể, 50 năm trước, vào một ngày biển lặng trời xanh, thuyền ông dừng lại ở khu vực biển Kỳ Hà (Núi Thành) để câu và bất ngờ câu được con cá nhám trên 200 kg. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ vật lộn, mọi người mới đưa được con cá lên thuyền. Khi bỏ cá xuống khoang thì bất ngờ nó quẫy mạnh và ói ra một bộ xương còn nguyên vẹn. Thấy lạ mọi người định ném bộ xương về biển nhưng ông Châu nhất quyết không cho và cho rằng đó là xương cá Ông, nên đem về nhà riêng thờ cúng và bảo quản từ đó cho đến bây giờ.

Ông Châu kể tiếp: “Từ hồi đó, thuyền tôi làm ăn khấm khá hẳn lên, đời sống gia đình cũng ổn định. Đặc biệt, nhờ cá Ông mà tôi đã thoát nạn hai lần”.

Lần thứ nhất là cách đây khoảng 20 năm. Khi đó, thuyền ông đánh cá ở bờ biển Chu Lai (Núi Thành), lúc đó trời tối chưa câu được gì, ông cho bạn thả neo ở độ sâu khoảng 27 sải tay, đêm về khuya trời đột nhiên trở gió chướng, con thuyền chòng chành trên mặt biển. Bỗng nhiên có hai con cá Ông lớn lặng lẽ tựa hai bên mạn thuyền dìu thuyền ông vào bờ để tránh gió. Lúc thuyền vào bờ an toàn, trời cũng vừa hửng sáng. Lần thứ 2 là sau đó 5 năm, khi thuyền ông đánh cá đến 10 giờ đêm thì đầy khoang nên quyết định quay vào bờ sớm hơn thường lệ. Con thuyền đang nhằm bờ thẳng tiến thì bất ngờ xuất hiện gió Tây Bắc thổi ngược lại, thuyền có nguy cơ bị lật úp do chở nặng. Lúc đó có con cá Ông cứ bơi trước thuyền khoảng hơn 10 mét để che chắn hướng gió cho thuyền vào bờ an toàn.

Câu chuyện lạ kỳ của ông Châu là điển hình cho lòng tin của những ngư dân vạn chài nhỏ bé trước biển khơi bao la “lành ít dữ nhiều”. Không rõ thực hư song từ lâu đời, tín ngưỡng thờ cá Ông đã trở thành một nét đẹp truyền thống của những ngư dân đi biển. Hiện tại, riêng xã Tam Tiến đã chôn cất được 7 con cá Ông và xây riêng một đình thờ cá Ông ngay đầu thôn. Hàng năm vào ngày 10/9 âm lịch, người dân lại linh đình tổ chức lễ giỗ cá Ông tại đình làng.

24. Trên báo Người Lao Động đưa tin ngày 20/5/2008, được ghi chép bởi hai nhà báo Nguyễn Thạnh và Trần Hoàng Nhân về một truyện ly kì cá Ông cứu người như sau: Ông Nguyễn Phê, 73 tuổi, ngụ làng Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên được cả vùng biết đến nhờ từng được “ông” - cách gọi thành kính của ngư dân đối với cá Voi- cứu vớt. Nhiều ngư dân Tuy Hòa bảo: “Ông Phê là nhân chứng sống cho huyền thoại “ông Nam Hải”, làm cho chúng tôi càng có niềm tin mãnh liệt vào ông, nhất là mỗi khi ra biển”.

Dù tuổi cao sức yếu nhưng ông Phê vẫn nhớ như in ngày được cá voi cứu cách nay hơn 20 năm. Ông kể: “Tháng 3/1984, trong một chuyến đi câu ngoài khơi, khi vừa bủa câu xong, một cơn lốc đi qua nhấn chìm tàu chúng tôi. Toàn bộ thợ thuyền đều là thanh niên trai tráng nhưng không ai thoát chết. Năm đó tôi xấp xỉ 50 tuổi, tuy là dân đi biển nhưng bơi rất yếu, tưởng đâu cũng xong đời rồi. Vật lộn với sóng biển một lát, tôi đuối sức, miệng không ngớt khấn vái ông đến giúp.

Đến lúc gần như bất tỉnh, chỉ chực chìm lỉm xuống đáy biển, tôi chợt thấy mình được nâng lên mặt nước, người nhẹ tênh. Dù mơ mơ màng màng nhưng tôi vẫn có cảm giác rất rõ như mình đang được nằm trên một tấm ván trơn nhớt, rất êm ái, từ

từ trôi đi. Cứ như vậy vài ngày đêm, đói quá tôi ngất lịm lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình được một tàu đánh cá vớt lên. Những ngư dân tàu này khẳng định tôi được “ông” cứu, bởi họ thấy dáng “ông” ở xa xa đang đưa tôi đến gần tàu”. Dừng lại một lát như tưởng nhớ đến ơn cứu mạng của “ông Nam Hải”, ông Phê tâm sự: “Nhiều người bảo rằng nhờ tôi luôn luôn tôn kính và có duyên với “ông” nên khi lâm nguy mới được “ông” cứu, có lẽ vậy”. Ở làng Phú Câu có hơn 20 người từng được cá voi cứu về từ cõi chết như các ông Lê Mau, Lê Dậu, bà Chài... Còn ở làng Đông Tác, phường Phú Đông - TP Tuy Hòa cách đó không xa, cũng có hơn 50 người được cá voi “hộ”.

Trên đây chỉ là một vài câu chuyện điển hình trong hàng trăm những câu chuyện cá Ông cứu người phổ biến trong đời sống ngư dân ven biển. Những truyện này có nơi chỉ còn lại truyện, có nơi vẫn còn nhân chứng sống. Đó luôn là những câu chuyện được mọi người thuộc nằm lòng vì niềm kính tín vào công đức của Ông. Nhờ những câu chuyện hiện thực này mà tính thiêng của Ông có sức lan tỏa sâu rộng và tăng thêm lòng tin của ngư dân đối với cá Ông vì được mắt thấy tai nghe chứ không chỉ là truyền thuyết.

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)