B. PHẦN NỘI DUNG
2.2. Đặc điểm chung truyền thuyết cá Ông
Trên đây, chúng tôi đã liệt kê những truyền thuyết và truyện về cá Ông từ các tư liệu và thu thập trong quá trình đi thực tế. Qua toàn bộ truyền thuyết về cá Ông hoặc ít nhiều có liên quan đến cá Ông kể trên, chúng tôi thấy truyền thuyết cá Ông có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, các truyền thuyết về cá Ông có đời sống rất phong phú. Nếu có điều kiện để đi điền dã thực tế ở nhiều tỉnh thành ven biển, chúng tôi tin rằng số lượng truyền thuyết về cá Ông vẫn còn. Các truyền thuyết này mang những đặc điểm chung của văn học dân gian: chúng tồn tại dưới những mẩu truyện kể ngắn, chỉ tập trung kể các chi tiết chính nên các truyện rất súc tích, dễ nhớ, dễ lưu truyền qua các thế hệ. Và hầu như, truyện kể về cá Ông không được định danh tên gọi cho truyện. Đây là hiện tượng lạ đáng lưu ý. Các tích khác thường luôn có ít hoặc nhiều truyện được định danh nhưng truyền thuyết về cá Ông lại không thấy. Và nếu chỉ sưu tầm theo nguyên tác của dân gian thì cũng rất khó để định danh cho truyện vì nó chỉ là những mẩu truyện ngắn. Điều này có mặt lợi là cùng trên một cấu trúc, tích về Ông không gắn với một nhan đề nên dân gian thỏa sức thêu dệt truyện về Ông theo thẩm
mĩ của họ. Nhưng ngược lại, điều bất lợi là nếu các tích này không được ghi chép thì nó sẽ bị lãng quên theo thời gian. Hơn nữa, các truyện này khi qua truyền khẩu của dân gian nó luôn bị nhào nặn lại phù hợp theo cảm xúc thẩm mĩ của từng nơi và từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Đó là một xu hướng hiện đại hóa tác phẩm theo như quy luật vốn có của văn học dân gian. Vì thế nếu không có công tác sưu tầm lại thì những truyền thuyết xa xưa sẽ bị lãng quên đi. Thực tế hiện nay những truyền thuyết có tính chất cổ xưa đã và đang dần mai một, trong dân gian chỉ lưu truyền truyền thuyết cá Ông cứu vua và cá Ông cứu người gần đây là nhiều.
Thứ hai, truyền thuyết về thần biển của người Chăm được lưu truyền thường ở thể loại xướng ca lễ tục. Các truyền thuyết này không phải ai cũng nhớ và biết tới vì nó chỉ được diễn xướng trong mùa lễ hội có nghi thức lễ cúng thần Po Riyak, không được kể phổ biến bất cứ lúc nào như các truyền thuyết của người Việt. Đó là bởi vì người Chăm đã không còn theo nghề biển nhiều nên tín ngưỡng về thần biển cũng không còn đậm đặc. Thế nên, bộ phận truyền thuyết này cũng có xu hướng thu hẹp lại trong đời sống nhân dân và có nguy cơ bị đóng băng trên văn bản.
Thứ ba, truyền thuyết cá Ông gắn với thuở hàn vi của vua Gia Long rất phong phú về số lượng và có sức sống lan tỏa mạnh trong đời sống cư dân ven biển. Trong quá trình đi khảo sát, truyện đầu tiên mà chúng tôi được ngư dân kể về cá Ông luôn là truyện cá Ông cứu vua. Truyền thuyết đó ai và ở đâu mọi người cũng biết. Thậm chí, người dân kể về tích này gắn với bất cứ một cửa biển hoặc một địa danh nào mà họ biết và cho là sự kiện ấy có thể xảy ra ở đó. Trong tất cả các truyền thuyết về cá Ông, riêng truyền thuyết về Ông gắn với thời kì bôn tẩu của vua Gia Long là có gắn với các địa danh. Đây là một kiểu truyền thuyết chúng tôi cho rằng nó mang tính tổng hợp cả về nhân vật, phong vật và địa danh. GS. Kiều Thu Hoạch đã có định nghĩa về truyền thuyết rằng: “Truyền thuyết là một thể tài truyện kể truyền miệng, nằm trong loại hình tự sự dân gian; nội dung cốt truyện của nó là kể lại truyện tích các nhân vật lịch sửhoặc giải thích nguồn gốc các phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân” [57, tr.141]. Trong truyện về cá Ông, nằm trong tích truyện vua Gia Long xây dựng cơ đồ thì nhân vật chính trong truyền thuyết hẳn là vua Gia Long, nhưng nằm trong hệ thống truyền thuyết về cá Ông thì nhân vật chính đã bị đảo ngược. Các tích này đều gắn với một địa danh có thực dọc theo các vùng ven biển. Đồng thời nó là sự giải thích vì sao ở vùng đó nhân dân lại lập lăng thờ Ông.
Đây là một cứ liệu dân gian cho quá trình bôn tẩu gian khổ của vua Gia Long, đồng thời nó cũng nói lên được phạm vi có mặt của cá Ông suốt dọc dài đất nước. Sự dày đặc này cũng tương ứng với thời kì Nam tiến của dân tộc, đồng thời với việc mở rộng nghề đi biển của cư dân Việt trên vùng đất mới.
Thứ tư, tùy mỗi giai đoạn lịch sử mà tác phẩm tự sự dân gian có vị trí nổi bật. Nhưng thể loại dân gian không bao giờ có sự phân định rõ ràng mà có sự đan xen, chuyển hóa hình thức nghệ thuật vào nhau, khiến cho tác phẩm vừa giống thể loại này lại vừa thuộc thể loại khác. Ở đây, các truyện cá Ông gọi chung là truyền thuyết nhưng nhiều truyện lại chứa đựng những yếu tố của cổ tích. Nó mang nhiều yếu tố hoang đường như nguồn gốc xuất thân, hay khi tích đủ đức thì cá Ông sẽ được hóa rồng…Đó đều là những motip khá quen thuộc trong truyện cổ tích về loài vật mà chúng ta vẫn thấy. Ở trên chúng tôi có trích dẫn một truyện cổ tích về cá Ông do Nguyễn Đổng Chi ghi chép. Thực ra thì đó là một truyện đã được tác giả nhào nặn lại từ nhiều truyện nhỏ để thành một truyện cổ tích hoàn chỉnh. Còn trong dân gian thì truyện như thế hầu như không có. Những mẩu truyện này có mang những yếu tố của cổ tích nên nó dễ dàng để kết cấu thành một truyện dài. Thực tế đời sống cư dân các truyện kể rất ngắn gọn và dễ nhớ để có thể lưu truyền được rộng rãi và bền bỉ. Bên cạnh đó, bộ phận truyền thuyết về cá Ông không bị phong kín lại như các truyền thuyết khác. Nó chưa dừng lại mà vẫn có sự âm thầm chuyển hóa, hình thành nên bộ phận truyền thuyết mới, góp vào nguồn truyền thuyết cá Ông thêm phong phú theo thời gian và không gian.
Tóm lại, xuất phát từ lòng biết ơn Ông, nhân dân bằng trí tưởng tượng phong phú đã thêu dệt nên rất nhiều các tích truyện. Các tích này không nằm ngoài sự hàm ơn, tôn kính cá Ông. Ngoài ra, nó cũng thể hiện đời sống tinh thần phong phú và mối quan hệ tôn trọng của nhân dân với muôn loài.
Chương 3 - CỐT TRUYỆN, MOTIP TRUYỀN THUYẾT CÁ ÔNG
Ở đây, dưới góc độ của người nghiên cứu văn học, chúng tôi muốn đi vào tìm hiểu cấu trúc chung của các truyền thuyết được hình thành xoay quanh trục cá Ông. Song chúng tôi không chỉ thuần túy tìm hiểu vào kết cấu, đặc điểm thi pháp của các truyền thuyết, mà còn hướng tới lý giải các yếu tố dân gian đã góp phần nhào nặn vào tác phẩm, góp thêm cái nhìn tổng thể về tục thờ cá Ông trên nhiều phương diện đời sống.
Song, trước khi đi vào bàn luận vấn đề chính, chúng tôi nhận thấy cần phải làm sáng tỏ một vài vấn đề khác liên quan đến truyền thuyết của người Chăm và người Việt. Hiện nay, trên văn đàn đang diễn ra sự tranh luận về nguồn gốc tục thờ cá Ông là của người Chăm bản địa, được người Việt trong bước đường Nam tiến tiếp thu hay bản nguyên tục thờ cá Ông đã có sẵn trong tâm thức người Việt? Vấn đề này đến nay vẫn chưa có hồi kết. Trong quá trình nghiên cứu tư liệu về cá Ông, chúng tôi thấy có những tình tiết liên quan đến vấn đề trên. Bởi vấn đề tiếp biến tục thờ hay chỉ là sự cộng hưởng tín ngưỡng thờ thần biển của hai dân tộc có mối quan hệ mật thiết đến sự hình thành truyền thuyết cá Ông. Lý giải được điều này sẽ giúp chúng ta thấy được truyền thuyết của hai dân tộc có sự chuyển hóa vào nhau hay cùng độc lập tồn tại song song. Điều này có ý nghĩa lớn trong nhận định việc có hay không sự giao thoa văn hóa biển của hai dân tộc từ góc độ tín ngưỡng. Vì vậy, đứng trên phương diện của người nghiên cứu văn học dân gian, chúng tôi xin diễn giải một vài khía cạnh về vấn đề trên từ các tư liệu truyền thuyết.