B. PHẦN NỘI DUNG
2.1.2.1. Các truyền thuyết và cổ tích về cá Ông
7. Một truyền thuyết cá Ông (cá Heo) được bác Giang Văn Thuyên (60 tuổi, Trưởng ban quản lý di tích đền Đỏ) và bác Phạm Khắc Ngự (70 tuổi, Thủ từ đền Đỏ) ở thôn Sơn Thọ 2, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình kể cho chúng tôi nghe như sau: Ngư thần vốn là con của vua Thủy tề được lệnh canh giữ kho có chứa một vật báu. Nhưng vì sơ xuất mà con trai vua Thủy tề làm vật báu bị thất lạc nên bị phạt phải hóa thành cá Heo và phải đi tìm cho được vật báu ấy. Trong thời gian đi tìm thì Ngài phải có nhiệm vụ cứu nạn, giúp đỡ con người để tích đức, đồng thời phải tìm cho ra vật báu đó thì mới được hóa thành rồng. Thế nên ngày nay, mỗi khi cá Heo nhảy và bơi lội ngoài biển, mọi người truyền rằng đó là con vua Thủy tề đang đi tìm vật báu để được hóa rồng.
8. Truyền thuyết phổ biến nhất về cá Ông là truyền thuyết gắn cá Ông với Đức Phật. Truyền thuyết này khá phổ biến ở khu vực miền Trung và được tác giả Toan Ánh giới thiệu trong tác phẩm Hội hè đình đám (Nxb Trẻ, 2005). Ở đây, chúng tôi giới thiệu truyền thuyết này qua lời kể của sư thầy Huệ Tánh, chủ trì chùa Phật Quang, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận vào lần đi điền dã tháng 4/2012. Nội dung truyền thuyết kể rằng : Cá Voi vốn là tiền thân của Phật bà Quan Âm. Phật bà trong một lần hóa thân thành cá Ông đi tuần du biển Nam Hải, nhìn lướt trong sóng gió đại dương, Phật bà đã không khỏi đau lòng khi thấy các sinh linh phải bỏ mình vì gặp phải phong ba bão táp, mà những nạn nhân này chỉ là những ngư dân hiền lành, nhỏ bé trong cơn mưu sinh lấy nghề đánh cá nuôi thân.
Trước cảnh tượng đau lòng đó, Phật bà đã cởi chiếc áo pháp y, xé thành nhiều mảnh nhỏ ném vung xuống biển mênh mông. Mỗi mảnh vụn theo ý nguyện của Phật biến thành một con cá Voi với trách nhiệm cứu nguy những ngư dân lâm nạn trước bão tố của Nam Hải đại dương. Kể từ đó, cá Voi trở thành ân ngư của những người dân chài trên biển.
Nhưng lúc đó hình vóc cá Voi nhỏ bé không đủ sức chống chọi với sóng ba đào nơi biển khơi để cứu giúp thuyền bè nặng nề. Phật bà lặn lội lên núi Linh Thứu, rừng Thiên Trúc mượn những bộ xương ông Tượng đem về cho cá Voi. Nhờ thế cá Voi mới trở nên to lớn và đủ sức vẫy vùng giúp người gặp nạn trên biển. Danh xưng cá Voi cũng có từ ngày đó. Người ta cũng nói rằng bộ xương cá Voi và bộ xương của loài voi trên rừng rất giống nhau.
Với thân hình to lớn và khỏe mạnh, cá Voi mặc sức vẫy vùng và chống chọi với sóng gió to gió lớn, kèm giữ cho thuyền bè được thăng bằng, không bị chìm đắm hay bị sóng đánh vỡ trong bão tố, lại dìu được ghe thuyền vào đến tận bờ. Nhưng cũng vì to lớn quá nên cá Voi rất chậm chạp, nhiều khi biết có người gặp nạn nhưng không kịp bơi tới hoàn thành nhiệm vụ. Phật bà liền ban cho cá Voi phép thâu đường, có thể đến với người bị nạn nhanh chóng, dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể đến kịp thời. Phật bà còn ban cho cá Voi ống thông đạo trên đỉnh đầu, ống này có hai nhiệm vụ: một là phun vòi nước tịnh thủy báo cho ngư dân biết có bão bùng mà nấp, hai là phun ống khói bạch vân để báo hiệu sự oai vang linh ứng của mình. Phật bà còn dạy cho ngư dân 12 câu nguyện gọi là thập nhị đại nguyện (có chi tiết khác kể rằng Phật bà dạy 108 câu nguyện, tương ứng với 108 hạt trên tràng hạt của các sư thầy ; số 12 trong 12 câu nguyện có lẽ để tương đương với 12 cái tên của áo cà sa đã hóa thành cá Voi) để mỗi khi có nạn thì khấn cá Voi đến cứu.
9. Một truyền thuyết khác được tác giả Nguyễn Thanh Lợi giới thiệu trong bài Tụcthờ cá Ông ở ven biển Nam Trung Bộ (Tạp chí văn hóa dân gian, số 4/2006) kể về cá Ông ở thôn Quảng Hội (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), truyền thuyết liên quan đến Ông Nam Hải và một vị nhân thần là Quan Công: Một con phượng hoàng đẻ ra hai trứng, một trứng rớt xuống biển Đông hoá thành ông Nam Hải (cá Voi) và trứng kia rơi trên đất liền, được một vị hoà thượng ấp trong đại hồng chung, sau 100 ngày nở ra Quan Thánh, vị này sau đó bị dẹp sau ót do chui ra từ trong chuông.
10. Một truyền thuyết về cá Ông chúng tôi ghi chép được qua lời kể của ngư dân Nguyễn Văn Lụm (xã Lạc Tân 2, huyện Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận ). Truyện kể rằng: cá Ông thuở xa xưa vốn là một vị tướng có chức tước lớn trong thiên đình, với chức vị đó Ông được ban cho chiếc áo rất đẹp. Một ngày, Ông đi hút con ruốc để ăn thì hút phải đứa bé đang tắm biển gần đó. Vì tội làm chết con người nên Ông bị thiên đình trị tội, tước bỏ chiếc áo và chức tướng, rồi lệnh cho Ông phải có nhiệm vụ cứu người chuộc tội. Thế nên, từ khi mất chiếc áo cá Ông chỉ còn bộ đồ màu đen và phải túc trực ngoài biển cứu người chuộc tội khi xưa.
11. Một truyền thuyết mà chúng tôi thấy trong nhiều bài phóng sự có đề cập. Ở đây, chúng tôi ghi chép lại theo lời kể của bác Lê Văn Hời, trưởng ban nghi lễ dinh Ông Nam Hải, xã Phước Hải, huyện Long Điền, tỉnh Vũng Tàu trong lần đi điền dã vào tháng 4/2012. Truyền thuyết kể rằng: cá Ông vốn là vị tướng quân được Long Vương ra lệnh phải bảo vệ và giúp đỡ thuyền bè qua lại. Những vị tướng này nếu không hoàn thành nhiệm vụ, khiến cho tàu đắm hoặc người chết sẽ bị trừng phạt chém thành ba khúc, hoặc sẽ phải chết theo người mà cá Ông cứu không thành.
12. Trong bài “Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Bến Tre” của Dương Hoàng Lộc
(www.bentre.gov.vn), trong bài viết tác giả đã ghi chép lại một truyền thuyết được
người dân tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, Bến Tre kể lại nội dung như sau: Cá Voi vốn là một vị thần trên thiên đình được Ngọc Hoàng sai xuống hạ giới, hóa thành cá Voi ở từng cửa biển làm nhiệm vụ cứu giúp các thuyền ngư dân gặp nạn trên. Nếu cá cứu được càng nhiều người sẽ tích được nhiều công đức cho đến khi thiên đình mở hội khoa thi, công đức nhiều thì cá Ông sẽ vượt được vũ môn hóa thành rồng bay về trời. Ngược lại, nếu cá còn ít công đức sẽ quay trở lại chốn cũ tiếp tục sứ mệnh cho đầy đủ. Khi người dân gặp nạn mà cá Ông không cứu sẽ bị cá Đao phanh thây, trừng phạt. Truyện này được nhân dân sáng tác có lẽ dựa trên một thực tế rằng mỗi khi cá Ông đi đâu thường có cặp cá Đao, cặp Tôm càng và cặp Mực đi cùng.
13. Trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của tác giả Nguyễn Đổng Chi (Nxb Giáo Dục Hà Nội, năm 2000, truyện số 178), có kể về “Sự tích bãi Ông Nam”, cốt truyện như sau: Cá Voi là hóa thân từ chiếc áo cà sa của Phật bà. Để cho cá Voi có thể làm nhiệm vụ cứu người được tốt, Phật bà đã ban cho cá Voi thân hình đồ sộ, khả năng nhanh chóng đến với người cứu nạn và đặc biệt là một số quân đi theo hầu hạ và nhắc nhở cá Voi không được lơ là với phận sự của mình. Quân hầu đó gồm có
cá Mực để chỉ đường vạch lối cho cá Voi đi được nhanh, cá Đao luôn cầm ngọn đao bảo vệ tả hữu cá Voi. Vì cá Voi sống ở biển Nam nên từ đó họ gọi cá Voi là Ông Nam hoặc cá Ông. Cá Ông trấn thủ ở vàm Ông Đốc và rất tận tụy với nhiệm vụ của mình. Một ngày, cá Ông bỗng muốn đi ngao du một chuyến để ngắm nhìn phong cảnh. Được sự chấp thuận của cá Mực và cá Đao, thế là bộ ba cùng nhau lên đường. Nhưng một đêm nọ, khi cả ba đang đi thì sóng gió bất thường nổi lên, cả ba vội vàng kéo nhau về. Vì có phép thần, cá Ông biết tin ở vàm sông Ông Đốc có một thuyền đang gặp nạn. Nếu đi theo đường biển thì sẽ không kịp về cứu nạn, cá Ông cùng quân hầu liền đi tắt theo vàm sông Bồ Đề để về cho kịp. Cá Ông hồi này đang có mang, vì lối sông này cạn, thân hình Ông lại lớn, gió bão nổi lên mỗi lúc một mạnh nên cái thai bị sảo ra và chết. Tuy đau lòng nhưng cá Ông vẫn cố bơi về cứu được chiếc thuyền sắp chìm trong lòng biển và thêm năm chiếc khác. Từ đó, dân chài vàm sông Bồ Đề lập miếu thờ đứa con bị sảo ra của Ông khi đi làm nhiệm vụ. Miếu ấy người ta gọi là miếu Ông Nam, còn bãi nơi Ông vượt qua cũng có tên gọi bãi Ông Nam từ đó.
14. Một truyền thuyết khác không nằm trong hệ thống truyền thuyết trên, nhưng được ngư dân vùng Bình Thuận lưu truyền với nhau rằng: “Một người con trai của vua ở tận bên Úc đi chơi tắm biển gặp nạn. Khi tình thế hết sức nguy hiểm thì từ đâu có một con cá Voi đến đưa người con đó vào bờ. Từ đó, vị vua hết sức cảm tạ cá Voi và tôn loài cá này thần thánh, ban bố lệnh cho khắp nơi không được săn bắt hay giết thịt. Từ đó, nhân dân các nơi tôn thờ Ông thành thần bảo trợ cho người đi biển” [62].