Cấu tạo cốt truyện của truyền thuyết cá Ông

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 58 - 66)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.2. Cấu tạo cốt truyện của truyền thuyết cá Ông

Ở trên, chúng tôi đã minh chứng sự khác nhau về đối tượng thờ thần biển của hai dân tộc Chăm và Việt. Nên ở phần này chúng tôi loại trừ truyền thuyết của người Chăm ra và đi sâu tìm hiểu vào truyền thuyết, truyện của người Việt. Xét truyền thuyết cá Ông của người Việt, những truyện chúng tôi sưu tầm và tổng hợp mới chỉ ở dạng những mẩu truyện nhỏ, chưa thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Những truyện này có đặc điểm khác biệt hẳn với các truyện về loài vật ở chỗ: nó không ra đời trong phạm vi một vùng nhất định, cũng không nằm trong thời gian của cổ tích hay thần thoại - mà, truyện cá Ông ra đời theo sự kiện xảy ra ở một thời gian nào đó bất kì, kể cả hiện tại ngày nay và được xây dựng trên mô hình cấu trúc của truyền thuyết hoặc cổ tích. Từ một sự kiện ngẫu nhiên nhưng có nét thần kì lại trở thành một chi tiết đắt cấu thành nên tích truyện mới về ngư Ông. Cũng không giống như kiểu truyện về các loài khác như hổ, rắn được gắn với nhiều chủ đề phong phú: báo oán, trả ơn, hay hình tượng của vật gắn với cuộc chiến đấu, kết hôn, thuần phục trước cái thiện… Truyện về cá Ông chỉ có duy nhất một chủ đề: cá Ông cứu giúp con người qua hoạn nạn. Khắp các nơi từ Bắc vào Nam, các truyện có khác về tình tiết, kiểu dạng nhưng tựu chung lại duy nhất chủ đề ấy. Tựa như một cái cây có rất nhiều cành, nhánh, chủ đề cá cứu người xuyên suốt mọi truyền thuyết trong các tình tiết khác nhau. Ở mỗi nơi, tùy vào một điểm nhấn nào đó về cá Ông mà dân gian sẽ huyền thoại lên thành một câu truyện, tạo ra sự đa dạng cho các tích, nhưng đó là một sự đa dạng trong cái thống nhất chung.

Trong sự thống nhất nhưng đa dạng ấy, chúng tôi nhận thấy truyền thuyết cá Ông được chia làm ba kiểu truyện chính:

+ Kiểu truyện về nguồn gốc ra đời của cá Ông (truyện 7 → 13) + Kiểu truyện cá Ông cứu vua Gia Long (truyện 15 → 21)

+ Kiểu truyện cá Ông cứu người (truyện 14, 22 → 24 và những truyện tương tự trong đời sống ngư dân ngày nay)

Sau đây, chúng tôi sẽ lần lượt đi vào từng kiểu truyện để làm sáng tỏ một số đặc điểm của thể loại. Trong kiểu truyện thứ nhất, có dạng thức:

Dạng thức 1:

Thần hoặc vật của thần → cá Ông → cứu người gặp nạn trên biển chuộc lỗi ← nhân dân tôn thờ ← tích đức hóa rồng ← cứu không thành bị xử tội ←

Những truyện này có cách xây dựng hình ảnh cá Ông đúng như đặc điểm và cấu trúc thường thấy về sự tích loài vật. Đó là lý giải đặc điểm nổi bật nhất của loài đó qua cái nhìn hư cấu tưởng tượng của dân gian: Để giải thích vì sao con ngỗng không ăn tép, dân gian đã giải thích bằng việc con tép từng làm vật thay mạng cho con ngỗng trong bữa cơm mời bạn của ông chủ con ngỗng, nhớ ơn con tép nên từ đó con ngỗng không bao giờ ăn tép; Về sự tích con dã tràng, nhận thấy đặc điểm nổi bật của loài này suốt đời se những viên cát nhỏ rồi lăn ra sóng, dân gian đã liên tưởng thành một câu truyện về người nông dân tiếc hai viên ngọc quý đã bị bà vợ đánh cắp mang xuống thủy cung nên quyết chí chở cát lấp biển đòi ngọc rồi chết hóa thành con dã tràng; Đặc điểm nổi trội của loài hổ là sức mạnh phi phàm, nên trong sự tích con hổ, dân gian đã tập trung miêu tả một vị thần nhà trời có sức mạnh và tính tình hống hách. Ngọc Hoàng không thể trị được mà phải nhờ tới Phật Quan Âm giúp, sau vị thần bị đày xuống trần gian nhưng cho làm chúa tể muôn loài để an ủi thân phận trước đây… Đó là một cách lý giải sự vật theo cái nhìn vừa thơ ngây, vừa phong phú lại thể hiện óc quan sát tinh tế về các loài trong tự nhiên của dân gian. Ở cá Ông, đặc điểm nổi bật nhất là bản tính thiện cứu giúp con người nên được nhân dân tôn lên trong màu áo từ bi của Phật Bà Quan Âm cứu khổ cho chúng sinh. Trong sự tích khác lại cho đây là nhân vật nhà trời được lệnh phải xuống dưới trần gian cứu giúp con người bị nạn trên biển, giúp nhiều sẽ tích được nhiều công đức để có cơ hội hóa rồng. Sự tích về cá Ông khác với các sự tích khác ở chỗ, nó không nêu lên vấn đề xã hội mà chỉ tập trung đề cao bản tính thiện của cá Ông. Nếu các sự tích về loài hổ, rắn… thường gắn với một vấn đề về lẽ sống thiện ác của con

người, thì các tích về cá Ông cho đến hiện tại chúng tôi chưa bao giờ nghe về một tích nào có hàm chứa nội dung xã hội trong đó. Hầu như các truyện chỉ nhằm giải thích tại sao cá Ông lại cứu người với các yếu tố nhằm nâng tính thiêng của Ông lên mức độ tuyệt đối. Các truyền thuyết này có dáng dấp của truyện cổ tích nhiều hơn, nhưng nó lại sát thực với đặc điểm của cá Ông và gần với hiện thực hơn.

Như ở trên chúng tôi đã nói, phạm vi và thời gian ra đời của truyện cá Ông không nằm trong một không gian hay thời gian cố định. Nó ra đời dựa trên đặc điểm hoặc sự kiện có thực về cá Ông mà nhân dân nhận thấy qua quan sát, đúc kết. Chính điều này đã tạo cho truyện cá Ông một cấu trúc không đóng khung trong một dạng nhất định. Nó là một cấu trúc mở. Ở kiểu truyện về nguồn gốc ra đời của cá Ông cũng tương tự. Các truyện thường kể tới đoạn vì sao cá Ông cứu người thì đã có thể dừng lại và kết thúc câu chuyện, nhưng tùy vào mỗi nơi người nghệ sĩ dân gian có thể thêm hoặc bớt, hoặc nhấn mạnh các tình tiết ở bất cứ phần đầu hoặc phần sau cho câu chuyện thêm phần sinh động theo vốn kiến thức dân gian cùng cái nhìn của họ về cá Ông. Điều này tạo cho truyện cá Ông một đời sống rất phong phú về số lượng bởi nhãn quan của nhân dân trên nhiều vùng miền phối tạo. Trong kiểu truyện này, ngoài phần truyện chính dẫn dắt để lý giải vì sao cá Ông cứu người, chúng tôi còn nhận thấy ở dạng truyện này ẩn chứa những giá trị đời sống, văn hóa thực tiễn được hòa trộn vào tùy theo nếp sống mỗi nơi. Xét về phương diện tìm hiểu tiến trình văn hóa của nhân dân trong quá khứ thì nó là một chi tiết có giá trị:

Truyền thuyết cá Ông ra đời từ chiếc áo cà sa của Phật bà phổ biến ở khu vực miền Trung. Đây có thể là một tích được các nhà sư sáng tác hơn là của tầng lớp bình dân. Chúng ta biết rằng ảnh hưởng của Phật giáo vào văn học trong giai đoạn thế kỉ XIII – XIV đã được lịch sử công nhận (truyện Quan Âm Thị Kính, Tấm Cám…). Truyền thuyết cá Ông trong tín ngưỡng của Phật giáo cho thấy dấu ấn về niềm tin đạo Phật phổ rộng và rất sâu sắc trong đời sống nhân dân khi họ bạo dạn xa nơi chôn rau cắt rốn, xa mồ mả tổ tiên để đi vào Nam tìm lẽ sống. Ở miền đất mới hoang vu, đầy hiểm nguy rình rập khiến họ cần một nơi nương tựa trong tâm linh để an cư lạc nghiệp. Đạo Phật vốn là đạo tâm. Phật tức tâm tựa như một bức tường vô hình luôn kề cận với con người nên được mọi người sẵn sàng đón nhận. Cá Ông tựa Phật ở chỗ Ông cứu người trong cơn hiểm nguy và hoàn toàn vô tư lự nên được

nhân dân kính yêu, xây dựng cho Ông một nguồn gốc huyền thoại tô điểm cho tính linh thần và đức độ của Ông.

Truyền thuyết cá Ông là thần nhà trời đứng canh ở các cửa sông cứu người bị nạn, truyện này phổ biến ở khu vực Tây Nam bộ. Đây là dấu ấn về sự phát triển, mở rộng nghề ngư nghiệp của nhân dân miền Nam trên vùng đất mới. Tín ngưỡng thờ cá Ông ở đây ban đầu là tín ngưỡng thờ thần của nghề chài lưới và đóng đáy ở các cửa sông, ven bờ (đáy rạo, xiệp, lưới…) mà họ gọi chung là nghề “hạ bạc”. Do đó, họ mới có quan niệm cá Ông trấn giữ ở các cửa sông để cứu người không cho bị lạc ra khơi. Về sau, khi việc đánh bắt xa bờ mở rộng thì vai trò của cá Ông theo đó cũng được mở rộng ra, phù hộ cho ngư dân những ngày dài đánh bắt nơi biển cả. Ở tỉnh Bến Tre còn có các lăng nằm tận sâu trong đất liền, cách biển đến 20, 30 cây số. Ở Vang Quới Đông vẫn còn một lăng Ông của dân làm chài lưới ven sông. Đây là Ông khi lụy theo dòng nước trôi sâu vào bên trong, được một người đốn củi tình cờ bắt gặp ở làng bên cạnh. Sau đó, người này nói lại và các cụ cao tuổi ở Vang Quới Đông sắm lễ đi qua làng có Ông lụy xin thọ tang Ông và mang hài cốt về thờ [39]. Hẳn ở đây, tâm thức và niềm tin vào Ông vẫn còn rất sâu đậm trong tâm thức của những người dân có gốc gác từ miền Trung đi vào. Tín ngưỡng thờ Ông vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả người làm lưới ven sông chứ không chỉ ngoài khơi sóng gió.

Truyền thuyết cá Ông là chiếc áo cà sa của Phật, tướng quân của Long Vương, thần tướng nhà trời, con trai vua Thủy Tề có phần nghiêng về đặc điểm truyện cổ tích. Đó là dựa trên đặc điểm của cá Ông và tưởng tượng ra một thần tích liên quan đến để lý giải. Những đặc điểm này phản ánh đúng với quy luật của văn học dân gian có tính phổ biến rất rộng rãi. Những hình ảnh, motip ấy cứ lặp đi lặp lại trong tư duy dân gian ở nhiều thể loại và nhiều truyện. Ở đây, các truyện đều xây dựng cá Ông có một xuất thân cao quý, linh thiêng. Trong xuất phát điểm của nguồn gốc cá Ông cho thấy tính chất khuôn mẫu của cổ tích khá sâu sắc trong tâm thức nhân dân. Tuy vai trò và mục đích của các yếu tố đó có khác nhau trong mỗi truyện nhưng đó đều là những hình ảnh mà hầu như ai cũng biết tới. Và nó được cải biến một cách có ý thức để đi đến một định hình mới đúng theo nguyện vọng của nhân dân xây dựng hình tượng cá Ông. Ở kiểu dạng thứ nhất này, nguồn gốc xuất thân và vì sao cá Ông lại cứu người là trọng tâm trong tưởng tượng, hư cấu của dân gian nhằm lý giải điều

đó. Nó vừa có nét chất phác, thơ ngây như đặc điểm chung của văn học dân gian vốn có, nhưng nó cũng hàm chứa những giá trị hiện thực được hòa trộn và nén chặt vào trong đó.

Sang tới kiểu truyện thứ hai: cá Ông cứu vua Gia Long, kiểu này có dạng thức:

Dạng thức 2:

Vua gặp nạn trên biển → Ông cứu → Ông được phong thần → Ông được thờ → Ông trở thành phúc thần bảo trợ cho dân làng.

Đây là kiểu truyện phổ biến rộng rãi nhất trong đời sống nhân dân. Trong bài diễn văn để mở đầu lễ hội nghinh Ông hàng năm, thường tích cá Ông cứu vua Gia Long luôn được dẫn ra để ngầm khẳng định vai trò thiêng liêng, cao quý của Ngài. Đây là một sự chọn lựa rất thông minh của nhân dân. Việc làm này mang đến ba điều lợi ích thiết thực cho tất cả mọi người và cá Ông: Thứ nhất, vua Gia Long khẳng định được chân mạng đế vương với muôn dân; Thứ hai, cá Ông nghiễm nhiên được một sự bảo trợ từ phía triều đình cho tính thần thiêng của mình; Thứ ba, cư dân ven biển có một vị thần quyền uy với rất nhiều sắc phong từ triều đình phong tặng cho Ông. Phải thừa nhận một điều rằng, truyền thuyết cá Ông cứu vua, sự linh thiêng gắn với quyền năng bảo trợ đã trở thành một hệ truyền thuyết mang sức sống mãnh liệt trong tâm thức ngư dân. Trong khi các truyền thuyết khác (không kể các truyện mới gần đây), theo chúng tôi thấy thì nó đang có nguy cơ bị đóng băng trên văn bản, ít truyền thuyết tồn tại dưới dạng truyền khẩu, ngoài những người lớn tuổi còn biết tới và kể lại thì hầu như mọi người chỉ nhớ được tích cá Ông cứu vua Gia Long.

Xét mặt cấu trúc trên diện rộng thì truyền thuyết cá Ông là cấu trúc mở, nhưng nếu xét cấu trúc truyền thuyết chỉ ở kiểu truyện này thì đây là một cấu trúc riêng biệt có dạng thức như chúng tôi đã khái quát. Kiểu truyện này có hai yếu tố nòng cốt mà bất cứ một truyện nào cũng phải đảm bảo và tuân thủ theo: Cá Ông cứu vua và truyện bao giờ cũng gắn với một địa danh có thực. Địa danh này không nhất thiết phải đúng với truyện đã vốn có mà người kể có thể lựa chọn một địa danh nào đó để nhằm làm tăng tính chất hiện thực của câu chuyện. Trong bài “Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Ba Tri Bến Tre” của Dương Hoàng Lộc có cho biết một chi tiết rằng: theo Nguyễn Duy Oanh ghi chép “Dân chài vùng Bãi Ngao (Ba Tri) cũng thuật rằng

cũng có lần thuyền của vua Gia Long đến đây gặp sóng to gió lớn và cũng được cá Ông hộ tống đến Bãi Ngao” [39], nhưng đến khi đi điền dã đúng địa điểm trên thì chúng tôi cũng giống như Dương Hoàng Lộc đều không nghe thấy ai kể cũng như biết rằng có tồn tại truyền thuyết đó tại Bãi Ngao. Có thể truyện đó theo thời gian đã bị lãng quên, hoặc nó nằm vào trường hợp như chúng tôi vẫn thấy là người kể chỉ gán truyện cho một địa danh để câu chuyện cá cứu vua thêm phần sinh động, đáng tin. Nên truyện kể tùy thuộc vào mỗi người, mỗi nơi mà có phần khác nhau, không nhất định phải nằm trong một khuôn mẫu cố định.

Truyền thuyết lịch sử gắn với thời kì gian khổ của các bậc đế vương không khó tìm thấy trong tác phẩm văn học dân gian. Các truyền thuyết ấy thường gắn với một tích kì lạ nhằm để nhân dân tin rằng đây là bậc đế vương đã được trời ban định, nên trong những lúc nguy cấp tưởng như mất mạng nhưng vẫn vượt qua một cách thần kì. Trong nhiều tích truyện loài vật giúp vua, hầu như các loài luôn là thần thú xuất hiện để tô điểm, khẳng định cho mệnh bá vương của vua (Rùa vàng giúp An Dương Vương, rùa vàng cho Lê Lợi mượn kiếm…). Đây là cách “dùng thần quyền để củng cố vương quyền” [57, tr.144]. Có thể lúc mới đầu, tích cá Ông cứu vua chỉ là một truyện được thêu dệt nhằm khẳng định cho chân mạng đế vương của vua Gia Long như trước đó các triều đại vẫn làm. Nhưng khi đi vào trong nhân dân, mục đích ban đầu ấy đã bị biến đổi: những truyền thuyết này trở thành các tích đề cao tính thiêng liêng, đức độ của cá Ông trong tâm thức cư dân biển. Ý đồ của triều đình dùng tín ngưỡng cá Ông để huyền thoại hóa cho chân mệnh của nhà vua. Ngược lại, dân gian lại lấy quyền uy và sự bảo trợ của triều đình để huyền thoại hóa cho sự thiêng liêng của cá Ngài. Điều này cho thấy, tín ngưỡng cá Ông chiếm một vai trò lớn trong đời sống nhân dân nên thay vì đóng một vai trò phụ, hình ảnh cá Ông lại trở thành yếu tố chính với mức độ bao phủ rộng khắp các vùng biển.

Qua tới kiểu truyện cá Ông cứu nạn, kiểu truyện này có dạng thức:

Dạng thức 3:

Ngư dân gặp nạn → Ông cứu → Thờ (lăng, đền thờ, cúng giỗ) → Ông mang phúc lành cho dân làng (dạng này phổ biến ở các truyện ngày nay)

Như ban đầu chúng tôi đã nói, chủ đề xuyên suốt các tích truyện về cá Ông đó là cá Ông cứu nạn. Nhưng ở kiểu truyện thể hiện tập trung rõ ràng nhất cho chủ đề này thì phải tới các tích truyện gần đây. Các truyện kiểu này có số lượng nhiều

Một phần của tài liệu truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá ông vùng duyên hải miền trung và miền nam việt nam (Trang 58 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)