Một số lý luận về hoạt động kiểm tra, đánh giá

Một phần của tài liệu biện pháp quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật và du lịch sài gòn (Trang 28 - 36)

- Từng hoạt động được xem xét riêng rẽ, sau đó được nghiên cứu trong mối quan hệ tương tác để tìm ra những bất hợp lý cần điều chỉnh.

1.3.1.Một số lý luận về hoạt động kiểm tra, đánh giá

1.3.1.1. Mục đích, yêu cầu, những nguyên tắc kiểm tra đánh giá kết quả học tập

Trong nhà trường hiện nay, việc dạy học không chỉ chủ yếu là dạy cái gì mà còn dạy học như thế nào. Đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu cấp bách có tính chất đột phá để nâng cao chất lượng dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ đổi mới từ nội dung chương trình, phương pháp dạy học cho đến kiểm tra đánh giá kết quả dạy học. Kiểm tra đánh giá có vai trò rất to lớn đến việc nâng cao chất lượng đào tạo. Kết quả của kiểm tra đánh giá là cơ sở để điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động học và quản lý giáo duc. Nếu kiểm tra đánh giá sai dẫn đến nhận định sai về chất lượng đào tạo gây tác hại to lớn trong việc sử dụng nguồn nhân lực. Vậy đổi mới kiểm tra đánh giá trở thành nhu cầu bức thiết của ngành giáo dục và toàn xã hội ngày nay. Kiểm tra đánh giá đúng thực tế, chính xác và khách quan sẽ giúp người học tự tin, hăng say, nâng cao năng lực sáng tạo trong học tập.

• Mục đích của kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

Kiểm tra, đánh giá là một yếu tố quan trọng của giáo dục. Song nó có mối quan hệ khăng khít với sự phát triển của xã hội, những ảnh hưởng của xã hội như các chủ trương, chế độ, chính sách của nhà nước, sự bền vững của giá trị, sự thay đổi hoặc cố gắng duy trì một tình trạng nào đó cũng có tác động đến nhu cầu đánh giá. Kiểm tra, đánh giá có mục đích chung là để thúc đẩy động cơ học tập và phát triển của sinh viên.

Mục đích của việc đánh giá là nhằm xác định xem sinh viên đã tiếp thu đến đâu, giảng viên đã truyền thụ được gì so với mục tiêu giáo dục đã đề ra. Muốn vậy mục đích của đánh giá phải đạt được những yêu cầu cơ bản sau:

Tác động tích cực tới học sinh: Tác động trực tiếp nhất của đánh giá có hệ thống, thường xuyên sẽ kích thích hoạt động học tập, cung cấp cho sinh viên những thông tin phản hồi về quá trình học tập, khuyến khích năng lực tự đánh giá. Nếu đánh giá là bài kiểm tra lựa chọn để xác định kiến thức của sinh viên về những vấn đề nhất định, thì sinh viên sẽ cố gắng ghi nhớ thông tin. Mặt khác, nếu đánh giá yêu cầu làm các bài tiểu luận mở rộng thì sinh viên sẽ học thêm các kiến thức khó hơn và họ học cách nhớ lại kiến thức chứ không phải là học thuộc lòng kiến thức trong lúc học.

Đánh giá có những tác động rõ rệt tới động cơ học tập của sinh viên. Nếu học sinh biết được cách thức đánh giá và tính điểm, thì họ tin rằng đánh giá đó sẽ công bằng và cố gắng học hết khả năng.

Động cơ học tập của sinh viên sẽ cao hơn nếu các yêu cầu đánh giá có liên quan đến kiến thức và mục tiêu học tập dù khó nhưng vẫn có thể làm được và tạo được cơ hội cho sinh viên thể hiện khả năng của riêng mình. Các đánh giá xác thực sẽ thúc đẩy sinh viên học tập tích cực hơn. Đánh giá sinh viên bằng nhiều loại chứ không chỉ tiến hành đơn thuần một loại để giúp sinh viên hạn chế được sự lo lắng. Khi sinh viên bớt lo thì sẽ khuyến khích được

khả năng khai thác, sáng tạo và đạt kết quả.

Cuối cùng, mối quan hệ giảng viên - sinh viên bị ảnh hưởng bởi bản chất của đánh giá. Khi giảng viên tiến hành các đánh giá một cách cẩn thận và cho biết nhận xét, thì mối quan hệ đó được tăng cường. Ngược lại, nếu sinh viên có ấn tượng rằng đánh giá không khoa học, không phù hợp với mục đích của khoá học và được xây dựng để gạt họ, hơn nữa lại đưa ra ít ý kiến nhận xét, thì mối quan hệ sẽ bị phai nhạt. Bao lâu thì giảng viên trả lại bài kiểm tra cho sinh viên? Đánh giá tác động đến phong cách mà sinh viên cảm nhận hiểu được giảng viên và cho biết mức độ quan tâm của giảng viên đối với sinh viên và những gì họ học.

Tác động tích cực đối với giảng viên: Cũng giống như sinh viên, giảng viên cũng bị tác động bởi bản chất của các đánh giá mà họ giao cho sinh viên. Sinh viên thì học theo nội dung đánh giá và giảng viên thì dạy để đánh giá. Vì vậy, nếu đánh giá yêu cầu nhớ các vấn đề đã học, thì giảng viên sẽ dạy hàng loạt vấn đề, nếu đánh giá yêu cầu lập luận, thì giảng viên xây dựng các bài tập về các vấn đề đã học và yêu cầu sinh viên giải quyết.

Mục tiêu của đánh giá là giúp thu được các thông tin xác thực hơn để đưa ra các quyết định đối với sinh viên.

Cuối cùng, các đánh giá có thể ảnh hưởng đến việc nhận xét của những người khác đối với giảng viên.

Tác động tích cực đối với cán bộ quản lý giáo dục: Thông qua kiểm tra, đánh giá đã cung cấp được những thông tin cơ bản về thực trạng việc dạy và học trong nhà trường, qua đó có những biện pháp chỉ đạo kịp thời, uốn nắn những lệch lạc, khuyến khích, hỗ trợ những sáng kiến nhằm đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra của quá trình dạy và học trong một nhà trường.

Như vậy việc đánh giá sinh viên có ý nghĩa nhiều mặt: Nhằm nhận định thực trạng, định hướng và điều chỉnh hoạt động học của trò đồng thời tạo điều

kiện nhận định thực trạng và định hướng hoạt động dạy của thầy.

Tóm lại, việc kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng, không thể thiếu khi thực hiện các mục tiêu đào tạo của ngành giáo dục.

•Yêu cầu đối với kiểm tra, đánh giá kết quả học tập [15]

Kiểm tra, đánh giá phải đảm bảo tính khách quan: Đánh giá khách quan, chính xác là yêu cầu đòi hỏi của xã hội đối với chất lượng của giáo dục, đánh giá khách quan, chính xác tạo ra yếu tố tâm lý tích cực cho người được đánh giá, động viên người được đánh giá vươn lên. Tính khách quan của kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là sự phản ánh trung thực kết quả đạt được về trình độ nhận thức của sinh viên so với yêu cầu của chương trình học. Tính khách quan của kiểm tra, đánh giá đòi hỏi việc xây dựng thang đánh giá phải cụ thể, rõ ràng, đảm bảo phản ánh được chính xác kết quả học tập của sinh viên. Kết quả đánh giá đó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người đánh giá. Để đảm bảo tính khách quan, cần giáo dục cho sinh viên ý thức đúng đắn đối với việc kiểm tra, hình thành cho sinh viên kỹ năng tự kiểm tra, tự đánh giá một cách đúng đắn để sinh viên có thể điều chỉnh cách học của mình, ngăn ngừa thái độ đối phó với việc kiểm tra. Mặt khác kiểm tra, đánh giá đảm bảo khách quan đòi hỏi từ khâu lựa chọn phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, xây dựng câu hỏi, quá trình tổ chức kiểm tra, đánh giá đến việc chấm bài...phải đáp ứng được yêu cầu của lý luận dạy học.

Kiểm tra, đánh giá đảm bảo tính toàn diện: Đòi hỏi phải đánh giá đầy đủ các mặt, các khía cạnh cần đánh giá theo yêu cầu, mục đích đặt ra, đánh giá toàn diện cho phép xem xét đối tượng được đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, chính xác, tránh sự đánh giá phiến diện. Kiểm tra, đánh giá toàn diện kết quả học tập cần được xem xét đầy đủ về số lượng và chất lượng. Cần tính đến các mặt như: khối lượng tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà người học nắm vững; năng lực vận dụng và khả năng sáng tạo; tinh thần thái độ, sự nỗ lực của sinh viên.

Để kiểm tra, đánh giá đảm bảo tính toàn diện cần phải căn cứ vào mục tiêu dạy học, trên cơ sở đó xác định các nội dung đánh giá sao cho có thể đánh giá đầy đủ các mục tiêu.

Kiểm tra, đánh giá đảm bảo tính thường xuyên, có hệ thống: Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên cần phải được tiến hành thường xuyên, có hệ thống, có kế hoạch, đánh giá trước, trong và sau khi học một phần của chương trình, số lần kiểm tra phải đảm bảo đủ để có thể đánh giá chính xác. Đánh giá thường xuyên, hệ thống sẽ cung cấp kịp thời những thông tin ngược cho giảng viên và sinh viên, giúp cho giảng viên điều chỉnh liên tục hoạt động dạy, học sinh điều chỉnh hoạt động học nhằm duy trì tính tích cực trong học tập.

Để đảm bảo tính toàn diện của kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đòi hỏi phải tiến hành kiểm tra, đánh giá ở từng chi tiết học, từng chương, từng học kỳ, năm học, tạo cho sinh viên có ý thức trách nhiệm trong học tập.

Kiểm tra, đánh giá thường xuyên, có hệ thống sẽ định kỳ cung cấp cho cán bộ quản lý giáo dục, cho giảng viên đầy đủ những thông tin để điều chỉnh kịp thời các hoạt động giáo dục, là cơ sở để đánh giá một cách toàn diện.

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phải đảm bảo tính phát triển: Thông qua kiểm tra, đánh giá phải tạo ra được động lực để thúc đẩy đối tượng được đánh giá vươn lên, có tác dụng thúc đẩy những mặt tốt, hạn chế những mặt tiêu cực.

Các yêu cầu trên có mối liên hệ với nhau, chúng cần phải được thực hiện đồng thời trong quá trình kiểm tra, đánh giá.

•Những nguyên tắc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

Để đánh giá kết quả học tập cần dựa vào những nguyên tắc mang tính tổng quát sau:

- Đánh giá là quá trình tiến hành, có hệ thống để xác định phạm vi đạt được của các mục tiêu đề ra. Vậy, phải xác định rõ mục tiêu đánh giá là gì.

- Khi đánh giá phải chọn mục tiêu đánh giá rõ ràng, các mục tiêu phải được biểu hiện dưới dạng những điều có thể quan sát được.

- Giảng viên cần phải biết rõ những hạn chế của từng công cụ đánh giá để sử dụng chúng có hiệu quả. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Khi đánh giá giảng viên phải biết nó là phương tiện để đi đến mục đích, chứ bản thân không phải là mục đích. Mục đích đánh giá là để có những quyết định đúng đắn, tối ưu nhất cho quá trình dạy học.

- Đánh giá bao giờ cũng gắn với việc học tập của sinh viên, nghĩa là trước tiên phải chú ý đến việc học tập của sinh viên. Sau đó mới kích thích sự nỗ lực học tập của sinh viên, cuối cùng mới đánh giá bằng điểm số.

- Đánh giá bao giờ cũng đi kèm theo nhận xét để sinh viên nhận biết những sai sót của mình về kiến thức kỹ năng, phương pháp để sinh viên nghiên cứu, trao đổi thêm kiến thức.

- Qua những lỗi mắc phải của sinh viên, giảng viên cần rút kinh nghiệm để phát hiện ra những sai sót trong quá trình dạy và kiểm tra, đánh giá của mình để thay đổi cách dạy sao cho phù hợp với sinh viên.

- Trong đánh giá nên sử dụng nhiều phương pháp và hình thức khác nhau nhằm tăng độ tin cậy và chính xác.

- Lôi cuốn và khuyến khích sinh viên tham gia vào quá trình đánh giá. - Giảng viên phải thông báo rõ các loại hình câu hỏi để kiểm tra đánh giá giúp sinh viên định hướng khi trả lời.

- Phải dựa trên những cơ sở của phương pháp dạy học mà xem xét kết quả của một câu trả lời, của một bài kiểm tra, kết hợp với chức năng chẩn đoán hoặc quyết định về mặt sư phạm.

- Trong các câu hỏi xác định về mặt định lượng, giảng viên thông qua các câu hỏi yêu cầu sinh viên giải thích bằng lời để xác định rõ nhận thức của sinh viên.

- Phương pháp và cách thức tiến hành kiểm tra đánh giá phải diễn ra trong hoàn cảnh thoải mái, sinh viên cảm thấy tự nguyện, không lo lắng hay sợ sệt.

- Không nên đặt những câu hỏi mà bản thân giảng viên không thể trả lời một cách chắc chắn được.

- Nên luôn nghi ngờ về tính khách quan và mức độ chính xác của bộ câu hỏi để từ đó chúng ta có thể đưa ra kết quả tối ưu nhất.

1.3.1.2. Quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập

* Quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập gồm các bước:

- Căn cứ vào mục tiêu dạy học và mục đích học tập để xác định mục tiêu đánh giá;

- Lượng hóa các mục tiêu dạy học để đặt ra các mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ... nhằm xác định nội dung và các tiêu chí đánh giá.

- Lựa chọn phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu, nội dung đã đề ra trên cơ sở các đặc điểm của đối tượng được đo lượng, thẩm định và trên cơ sở hoàn cảnh xã hội.

- Soạn thảo công cụ: Viết câu hỏi, đặt bài toán dựa trên mục tiêu đề ra và nội dung cần đánh giá.

- Sắp xếp câu hỏi, bài toán từ dễ đến khó, chú ý đến tính tương đương của các đề (nếu có nhiều đề) và duyệt lại đáp án.

- Tiến hành đo lường.

- Phân tích kết quả, đánh giá độ tin cậy và độ giá trị của bài kiểm tra, bài thi.

- Điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện công cụ đánh giá bài kiểm tra, bài thi.

Theo Guber và Stuffebeam, quy trình đánh giá kết quả học tập gồm các bước sau đây:

- Xác định mục tiêu đánh giá để xây dựng bộ câu hỏi; - Thu thập số liệu;

- Tổ chức, sắp xếp và phân loại số liệu; - Phân tích số liệu;

- Báo cáo kết quả để rút ra các kết luận cần thiết.

Đánh giá trong giáo dục là một vấn đề hết sức phức tạp và khó khăn vì nó mang tính tổng hợp nhiều yếu tố. Vì vậy để đánh giá chính xác một sinh viên, một lớp, hay một khóa học, điều đầu tiên người giảng viên phải làm là xây dựng quy trình, lựa chọn một phương pháp cũng như thu thập các thông tin cần thiết cho việc đánh giá. Như vậy, quy trình đánh giá có thể bao gồm bốn bước: đo, lượng giá, đánh giá và ra quyết định.

Đo: Kết quả bài kiểm tra của mỗi sinh viên được ghi nhận bằng điểm số. Điểm số là những ký hiệu gián tiếp phản ánh trình độ của mỗi sinh viên về mặt định tính, nhưng nó không có ý nghĩa về mặt định lượng.

Lượng giá: Dựa vào các số đo để đưa ra những tính toán về ước lượng, về trình độ kiến thức, kỹ năng kỹ xảo của một sinh viên. Lượng giá là một bước trung gian giữa đo và đánh giá, có thể lượng giá theo chuẩn, lượng giá theo tiêu chí.

Đánh giá: Bước này đòi hỏi giảng viên phải đưa ra những nhận định phán đoán về thực chất trình độ của một sinh viên trước vấn đề được kiểm tra, đồng thời đề xuất những định hướng bổ khuyết, sai sót hoặc phát huy hiệu quả.

Quyết định: Đây là bước cuối cùng của quá trình đánh giá, giảng viên sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể để giúp sinh viên tiến bộ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu biện pháp quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật và du lịch sài gòn (Trang 28 - 36)