7. Kết cấu luận văn
3.2. Mô hình nghiên cứu quan hệ nhân quả giữa phát triển hệ thống tài chính
chiều sâu và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam
Trong nghiên cứu sâu hơn về hệ thống tài chính và tăng trưởng kinh tế, để kiểm định được mối quan hệ giữa phát triển hệ thống tài chính theo chiều sâu và tăng trưởng kinh tế, các nhà khoa học thường đưa thêm các biến đánh giá mức độ phát triển hệ thống tài chính theo chiều sâu vào mô hình, gồm những chỉ số đo lường về cung tiền trong nền kinh tế so với GDP (M2/GDP), tỷ lệ tín dụng cấp cho khu vực kinh tế tư nhân so với GDP, tổng mức vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP hay tổng tài sản ngân hàng so với GDP.
Mối quan hệ giữa phát triển hệ thống tài chính theo chiều sâu và phát triển kinh tế trong mô hình nghiên cứu dựa trên những nghiên cứu của James B.Ang ở Malaysia giai đoạn từ năm 1957 đến 2003. Trong giai đoạn này tỷ lệ tín dụng khu vực tư nhân/GDP của Malaysia tăng trưởng mạnh góp phần đưa nước này vào nhóm các nước có nền tài chính phát triển nhanh nhất thế giới. Việt Nam trong giai đoạn 1990-2012 có những nét tương đồng. Sau khi cải cách năm 1986, Việt Nam bắt đầu tăng trưởng kinh tế, hệ thống tài chính cũng dần được hình thành đầy đủ và hoàn thiện. Đặc biệt là từ sau khi gia nhập WTO vào năm 2006, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và hệ thống tài chính cũng phát triển đáng kể như cung tiền M2 và tín dụng khu vực tư nhân trên GDP gia tăng mạnh mẽ, nhiều chương trình tái cấu trúc hệ thống tài chính để đạt được một hệ thống tài chính tốt hơn đã được đưa ra từ cuối năm 2011.
Chúng ta phải chờ 10 năm nữa mới có thể biết được những cải cách này tác động đến hệ thống tài chính có làm kinh tế phát triển hay không. Mặc dù thời gian nghiên cứu ở Việt Nam trong 23 năm (1990-2012) không phải là nhiều để đưa ra bằng chứng thuyết phục cho một nghiên cứu thực nghiệm nhưng nghiên cứu của James B.Ang được xem là khá phù hợp để áp dụng với hoàn cảnh của Việt Nam trong giai đoạn 1990-2012.
James B.Ang 2007 đã phát triển mô hình tăng trưởng dựa trên mô hình tân cổ điển tiêu chuẩn, bổ sung thêm yếu tố phát triển hệ thống tài chính theo chiều sâu. Trong mô hình của James B.Ang vốn cho phát triển gồm vốn khu vực tư và vốn khu vực công. Sự tách biệt này rất quan trọng vì vốn khu vực tư và vốn khu vực công có thể tác động khác nhau đến sản lượng đầu ra do đặc điểm sử dụng của hai loại vốn này khác nhau. Vốn khu vực tư phát sinh từ hoạt động đầu tư trong khu vực tư nhân như máy móc, thiết bị đóng vai trò tích cực cho tăng trưởng thông qua việc gia tăng năng suất và áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất. Vốn khu vực công phát sinh từ hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng của nền kinh tế có thể bổ sung vốn khu vực tư gián tiếp góp phần tăng sản lượng đầu ra. Tuy nhiên loại vốn này do cách thức sử dụng dễ bị lãng phí và kém hiệu quả nên làm chậm tăng trưởng sản lượng đầu ra. Do đó tác động của vốn khu vực công đối với tăng trưởng kinh tế là không rõ ràng.
Kế thừa mô hình của James B.Ang 2007 nhưng có cân nhắc kĩ lưỡng, lựa chọn từ sự kết hợp lý thuyết và kết quả nghiên cứu của các tác giả như Levine, Beck, Loayza (2000) và vận dụng phù hợp với mục tiêu nghiên cứu và nguồn dữ liệu mà nghiên cứu này thu thập được, thông qua hai biến giải thích phát triển hệ thống tài chính theo chiều sâu là M2/GDP và tín dụng khu vực tư nhân/GDP, các nhân tố khác không đề cập đến, mô hình nghiên cứu được xác định cụ thể như sau:
Mô hình A: EDt=fA(PRKt, PUKt, LFt, PCYt)
Mô hình B: EDt=fB(PRKt, PUKt, LFt, M2Yt)
Trong đó:
EDt (Economic Development): biến đo lường phát triển kinh tế là tổng sản phẩm quốc nội GDP thực của Việt Nam năm t. Đây là biến phụ thuộc của mô hình
PRKt (Private Capital): Vốn khu vực tư nhân năm t PUKt (Public Capital): Vốn khu vực công năm t LFt (Labor Force): Lực lượng lao động năm t
PCYt (Private Credit/GDP): Tỷ lệ tín dụng khu vực tư nhân/GDP năm t M2Yt (M2/GDP): Tỷ lệ M2/GDP năm t
t: Chuỗi thời gian nghiên cứu từ 1990-2012
Dữ liệu phân tích đều được lấy logarit tự nhiên. Việc lấy logarit nhằm mục đích đơn giản hóa việc đánh giá tác động mạnh yếu của các nhân tố tới biến giải thích sau này.