Biểu tượng nghệ thuật nghịch dị

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết việt nam từ 1986 đến 2012 (Trang 130 - 132)

5. Cấu trúc luận án

4.3.Biểu tượng nghệ thuật nghịch dị

Có rất nhiều quan niệm khác nhau về biểu tượng. Theo phân tâm học Freud, “biểu tượng là ngôn ngữ của cái vô thức bị chèn ép, là thứ ngôn ngữ đã bị dịch chuyển, tức là những gì đã xảy ra ở thời ấu thơ đã bị lãng quên, những ham muốn bản năng bị dồn nén, những chấn thương từng phải chịu đựng trong quá khứ, cả sự lí tưởng hóa và mặc cảm tội lỗi…có thể được biểu hiện, tái hiện trong giấc mơ dưới dạng các biểu tượng. Biểu tượng trước hết được hiểu là sự hình tượng hóa những bản năng tính dục bị dồn nén từ thời ấu thơ, nguyên nhân nảy sinh giấc mơ ấy cũng chính là nguyên nhân tạo nên các biểu tượng” [46,65]. “Biểu tượng là sự thay thế cái biểu đạt này bằng cái biểu đạt khác, ở đó cái được biểu đạt luôn luôn vắng mặt. Sự vắng mặt của cái biểu đạt liên quan đến cơ chế kiểm duyệt của văn hóa, xã hội, tâm lí đặc thù của mỗi cá nhân. Biểu tượng luôn có khả năng tạo ra các quan hệ và ý nghĩa mới” [46,66]. Trong cách cắt nghĩa của Freud, biểu tượng hoạt động theo nguyên tắc khoái cảm.

Theo Jean Chevalier, biểu tượng thuộc phạm trù cao siêu, cũng là phạm trù của cái vô hình. Cần phân biệt biểu tượng với các khái niệm liên quan như biểu hiệu, vật hiệu, phúng dụ, ẩn dụ, loại suy, dụ ngôn, ngụ ngôn luân lí. “Khởi nguyên, biểu tượng là một

vật được cắt làm đôi, mọi biểu tượng đều chứa đựng dấu hiệu bị đập vỡ, ý nghĩa của biểu tượng bộc lộ ra trong cái vừa là gãy vỡ vừa là nối kết những phần của nó bị vỡ ra” [20,23]. Biểu tượng có tính ổn định, tính đa chiều, khó xác định và sống động, tính thâm nhập lẫn nhau. Biểu tượng có chức năng thăm dò, vật thay thế, trung gian, lực thống nhất, giáo dục và trị liệu, xã hội hóa, cộng hưởng, chức năng siêu nghiệm và chức năng biến đổi. Biểu tượng gắn liền với cổ mẫu (archtype, prototype). Siêu mẫu hay cổ mẫu là một trong những khái niệm trung tâm của trường phái tâm lí học phân tích do nhà tâm lí học Thụy Sĩ C.G.Jung đề xuất, cũng là một khái niệm mĩ học được nhiều nhà nghiên cứu văn hoá sử dụng. Các mẫu gốc là những hình ảnh hoặc ý niệm đầu tiên nguyên khởi được di truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia.

Theo Jung các mẫu gốc là “những yếu tố cấu trúc của tâm thần con người được ẩn giấu trong “vô thức tập thể”. Chúng ấn định cấu trúc chung của nhân cách và tính nhất quán của những hình ảnh bộc lộ ra trong ý thức do kích thích của hoạt tính sáng tạo, vì vậy đời sống tinh thần luôn mang trong mình những dấu vết mẫu gốc. Jung nhận thấy các mẫu gốc giữ vai trò kiến tạo trong tâm thức mỗi con người. Các mẫu gốc là những sơ đồ hành vi mang tính phổ quát, tiên thiên, trong cuộc sống hiện thực của con người, chúng sẽ có một nội dung cụ thể. Chúng mang tính lưỡng trị, trung lập với thiện ác. Mẫu gốc tạo nên cách hiểu về thế giới, về bản thân, về người khác. Các mẫu gốc là một tập hợp có giới hạn, nội dung của chúng ẩn chứa trong các nghi lễ cổ xưa, các thần thoại, các tượng trưng, các tín ngưỡng, các hành vi tâm lí (ví dụ giấc mơ) và cả trong sáng tác nghệ thuật từ xa xưa đến hiện tại. Trong lịch sử văn hoá, ý nghĩa của mẫu gốc được thể hiện ở motif như tội loạn luân, tuổi ấu thơ, tình mẫu tử, tuổi già hiền minh...” [9,201]. C.G.Jung cho rằng: “các mẫu gốc giống như những nguyên mẫu của các tập hợp biểu tượng ăn sâu trong vô thức đến nỗi chúng trở thành như một cấu trúc, như những ký tích” [20,21]. Hơn nữa, “biểu tượng không phải là phúng dụ, cũng chẳng phải một dấu hiệu đơn giản, mà đúng hơn là một hình ảnh thích hợp để chỉ ra đúng hơn cái bản chất ta mơ hồ nghi hoặc của tâm linh” [20,24]. “Cái mà chúng ta gọi là biểu tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh, ngay cả khi chúng là quen thuộc trong đời sống hàng ngày, vẫn chứa đựng mối quan hệ liên can, cộng thêm vào cái ý nghĩa quy ước và hiển nhiên của chúng. Biểu tượng có bao hàm một điều gì đó mơ hồ, chưa biết hay bị che giấu đối với chúng ta” [20,29].

Từ các quan niệm trên, chúng tôi cho rằng biểu tượng nghịch dị là hệ thống những biểu tượng được tạo lập bởi tư duy nghịch dị, cảm quan nghịch dị góp phần kiến tạo hiện thực nghịch dị.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết việt nam từ 1986 đến 2012 (Trang 130 - 132)