5. Cấu trúc luận án
3.3.1. Thời gian quá khứ và lăng kính bất thường
Quan niệm thời gian mang cảm quan nghịch dị trong tiểu thuyết Đi tìm nhân vật
của Tạ Duy Anh: “Tôi nhìn thấy quá khứ qua một lăng kính ẩm ướt, trong đó mọi thứ đều mốc meo, bất động” [1,67]. Lẽ thường, khi nhớ về quá khứ, về kí ức, bao giờ người ta cũng nhìn bằng cảm xúc đẹp, lung linh. Còn ở đây nhân vật lại nhìn bằng một lăng kính ẩm ướt, mốc meo.
Không ngạc nhiên, trong văn học thế giới, có nhiều nhà văn đã yêu mến quá khứ và viết về nó bằng tất cả sự rung cảm đầy mĩ tính. Quá khứ gắn liền với hoài niệm, gắn liền với vẻ đẹp của một thời đã qua. Thời con người còn sống chậm và tận hưởng mọi vẻ đẹp trong sợi dây gắn kết yêu thương. Chẳng hạn như bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Nhà văn người Pháp này luôn yêu mến và trân trọng quá khứ. Marcel Proust đã sử dụng dòng ý thức để nhân vật tôi sống lại với từng kỉ niệm đẹp lung linh của thời ấu thơ, thời hoa niên với những rung động đầu đời. Theo quan niệm của nhân vật tôi, chỉ có quá khứ là hiện hữu, thời gian đích thực là thời gian mà nhân vật tôi dùng để dành cho sáng tạo nghệ thuật. Ngoài thời gian đó ra, thời gian còn lại dành cho các hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, tất cả đều vô nghĩa. Cụ thể trong cuốn Bên phía nhà Swann, nhân vật tôi đã sống với quá khứ tươi đẹp của thời ấu thơ ở Combray, nơi có những người đẹp như Gilberte, những thánh đường cổ kính, những con đường đầy hoa tử đinh hương, hoa sơn tra, hoa mua: “Những bông hoa ấy khi đang nô giỡn trên cỏ, làn nước đang trôi dưới nắng, toàn bộ cảnh sắc bao quanh sự hiển hiện của chúng tiếp tục tháp tùng kí ức về chúng với gương mặt lơ đãng hoặc vô thức; và dĩ nhiên khi được nhìn ngắm mãi bởi kẻ qua đường hèn mọn kia, bởi đứa trẻ đang mơ màng kia - như một vị vua được quan sát kĩ bởi một người viết kỉ yếu lịch sử khuất lấp trong đám đông - cái khoảnh thiên nhiên ấy, cái mảnh vườn ấy chẳng thể nghĩ rằng nhờ kẻ kia mà chúng được trường tồn trong những đặc trưng chóng phôi pha nhất của chúng; ấy vậy mà mùi hương sơn tra bay lượn dọc hàng rào nơi dã tường vi sắp thay thế nó, một tiếng chân bước không âm vang trên lớp sỏi của một lối đi, niềm phấn khích trong tôi đã mang lấy
chúng và đã đưa được chúng đi qua biết bao nhiêu năm tháng kế tiếp, trong khi đó các con đường đã mờ xóa và những người từng dấn bước trên đường cùng kí ức đã tiêu vong…Chính vì tôi tin vào sự vật, vào con người, trong khi du ngoạn dọc ngang miền đất ấy, nên những sự vật, những con người mà tôi biết được nhờ miền đất ấy, là những sự vật và con người duy nhất tôi còn coi là thực và đem lại niềm vui cho tôi” [103,204-205]. Những câu văn đẹp khắc khoải về quá khứ lung linh, bất tận của Marcel Proust. Miền quá khứ là miền đất đẹp nhất và vĩnh viễn là nơi nương tựa tinh thần.
Nhân vật tôi trong Đi tìm nhân vật luôn có sự hoài nghi về quá khứ, anh không tin quá khứ: “Tôi rất muốn ngược dòng trở lại quá khứ, nhưng dường như điều đó chẳng hứa hẹn một ý nghĩa nào. Tôi là nhân chứng cho chính tôi, tôi có thể tự bịa ra những gì đủ sức lừa mị tôi và mọi người” [1,158], “Giờ đây cảnh vật hiện ra như là hình ảnh còn đọng lại của quá khứ. Vẫn những nấm mộ thấp tè, cỏ mọc xanh rì…Vẫn những bóng người ẩn hiện sau mỗi nếp nhà. Liệu có ai trong số họ nhớ đến cậu bé con là tôi mấy chục năm trước từng chạy chân trần qua con đường này? Không một tí gì thuộc về tôi in dấu nơi đây, cả trên đất và trong kí ức mọi người nữa ư? Và ngay tức khắc, tôi phát hiện ra bộ nhớ mốc meo của làng đã không còn hoạt động từ lâu” [1,185]. Còn gì xót xa hơn bi kịch của một người trở về làng sau bao nhiêu năm xa cách để tìm ra sự thật về chính mình nhưng lại không được mọi người nhớ đến. Quá khứ có thật giờ thành ra huyễn ảo, như có lớp sương mù bao phủ. Lịch sử không trùng khít với chính nó là như vậy: “Chủ đề mà tôi theo đuổi là khi lịch sử phụ họa cho các cuộc phiêu lưu mang con người ra thể nghiệm, tất yếu nó đẩy con người đến chỗ là kẻ thù của tương lai. Nó tạo ra một thế giới vong thân, vong bản, và đó là cái chết kinh khủng nhất, cái chết không có cơ hội phục sinh” [1,166].
Cũng trong cảm thức từ bỏ thời gian vật lí được đo bằng hai mươi bốn tiếng một ngày, nhân vật tôi trong Đi tìm nhân vật đã có nhiều kiến giải độc đáo về thời gian: “Và bao giờ tôi cũng dằn vặt bởi câu hỏi: Cuộc sống nào mới là cuộc sống thật? Cuộc sống của trước đây một phút hay là cuộc sống khi tôi khép cửa phòng làm việc lại? Quả thật tôi không thể hình dung nổi những gì vừa diễn ra với tôi ít phút trước lại có ý nghĩa nào đó. Mọi thứ đều được lập trình sẵn. Lúc nào phải ra bộ tươi cười, lúc nào phải vờ buồn khổ? Mọi người chào hỏi nhau, ca tụng nhau, bức hại nhau, cùng uống café với nhau, cùng làm tình với nhau mà không ai hiểu nhau, bởi vì khi đó họ không phải là họ mà chỉ là một cỗ máy được nạp dữ kiện phù hợp với đời sống…Nhưng với tôi, cái cuộc sống ấy
chấm dứt ở 4 giờ sáng...Thời gian chết chồng đống nơi các công sở, tòa án, viện nghiên cứu, nơi những ban bệ bí mật chuyên săn người, nơi những tòa cao dãy dọc, những công đường có vẻ thâm nghiêm và lừa đảo bề ngoài. Mọi ý tưởng chết đông cứng trong triệu triệu cái đầu. Ngôn từ chết, xác phơi khắp nơi, hóa thạch lịch sử” [1,156]. Khoảnh khắc mà nhân vật tôi một mình đối diện với chính mình trong căn phòng vào lúc 4 giờ sáng đến gần sáng là khoảnh khắc khải huyền về ý nghĩa đích thực của sự hiện hữu. Anh thấy mình khác biệt với đám đông phi cá tính. Hơn ai hết, anh cảm nhận được vẻ đẹp của sự khác biệt, sự độc lập trong suy nghĩ, trong hành động. Đó cũng là lúc anh sống với con người thật của mình, không phải làm vừa lòng ai, không phải cúi đầu vâng dạ mà khảng khái, hiên ngang, sống cho chính mình, cho niềm say mê mà anh đắm đuối: viết như một sự thôi thúc, viết như một sự giải thoát. Ngoài sáng tạo văn chương ra, anh mệt nhoài với đời sống đã được lập trình, mòn mỏi với sự lặp lại, nhàm chán, ghê sợ sự giả dối đang lên ngôi ở khắp nơi. Con người bình thường biết làm gì ngoài chuyện ngày lại ngày hết ăn, ngủ, làm tình, kiếm tiền, bức hại nhau. Sống mòn là chết trong khi còn sống. Không phải Tạ Duy Anh là người đầu tiên viết về đề tài sống mòn này, trong văn học Việt Nam hiện đại 1930-1945, chúng ta đã có Xuân Diệu với Tỏa nhị Kiều, hay Nam Cao với Sống mòn.
Cảm giác của Thứ về một cuộc sống như đang mòn ra, rỉ đi cũng giống với cảm giác của nhà văn Bân trong Đi tìm nhân vật. Cái mới của Tạ Duy Anh là hình tượng thời gian chết chồng đống trong các công sở, ý tưởng chết trong triệu cái đầu và ngôn từ chết xác phơi khắp nơi, hóa thạch lịch sử. Những dòng văn trên chứa đựng cái nhìn sâu sắc về sự hiện sinh của con người thời kĩ thuật số, thế giới phẳng. Con người đang dần dần rơi vào bi kịch bị số hóa, máy móc hóa, rôbốt hóa, trở nên xơ cứng và vô cảm. Cuối cùng, nhà văn Bân cũng vượt qua được sự ám ảnh của thời gian, đứng bên ngoài quá khứ, hiện tại và tương lai bằng cách tìm sự an lạc của tâm hồn và tự do. Đó là những khoảnh khắc thăng hoa và thanh lọc về tâm hồn. Cùng trong chủ đề từ bỏ thời gian nhân tạo, thời gian vật lí ngưng đọng, chúng ta có nhân vật Ike McCaslin trong Con gấu của William Faulkner. Nhân vật Ike MsCaslin đã từ bỏ đồng hồ khi đi vào rừng, ở đây anh học cách đo thời gian bằng ánh sáng mặt trời.
Không những thế, có người còn chối bỏ quá khứ, như nhân vật Ba Sương trong Ăn mày dĩ vãng, cô lấy tên là Tư Lan – giám đốc sở nông lâm, một người phụ nữ thành đạt, quên hết ân tình với người đã từng yêu mình là Hai Hùng, người mà cô đã tha thiết yêu, tha thiết tôn thờ trong quá khứ, một mực hứa hẹn sẽ ở bên cạnh, sẽ chung thủy đợi chờ dù
cho có chuyện gì xảy ra. Mối tình đẹp của một thời khói lửa hào hùng cũng bị cô quay lưng chối từ. Khi Hai Hùng vô tình tìm được Ba Sương với cái tên là Tư Lan, cô đã một mực khẳng định không có ai là Ba Sương ở đây, anh nhầm rồi. Những quyền lợi và tiện nghi của cuộc sống hiện tại đã khiến Ba Sương cạn tình cạn nghĩa với người thương, cô còn lên mặt đầy quyền uy và khắc nghiệt cho rằng đó là những lời rồ dại, ngớ ngẩn. Hơn thế nữa, cô còn từ bỏ quá khứ khi quay lưng, bất nghĩa với chị Hai Hợi – người đã lấy thân mình cứu cho cô được sống trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Thật bất nghĩa và lạnh lùng, hành động của Ba Sương là sự phủ định sạch trơn quá khứ. Con người ta không thể sống mà không có quá khứ. Cái chết của Ba Sương ở cuối tác phẩm như là một lời giải đáp cho những ai báng bổ quá khứ.