Thành thị nghịch dị

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết việt nam từ 1986 đến 2012 (Trang 89 - 92)

5. Cấu trúc luận án

3.2.2. Thành thị nghịch dị

Trước hết, không gian nghịch dị trong tiểu thuyết đương đại được phóng chiếu qua các hội thảo quốc tế trong tiểu thuyết Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái: “Chị được mời dự một hội thảo quốc tế của cộng đồng châu Âu tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề hợp tác văn hóa Á-Âu. Khách mời tham luận đều là người nước ngoài. Chị là đại biểu của Việt Nam được mời tham luận. Ngôn ngữ tại hội thảo được quy định rõ là tiếng Anh, không có phiên dịch…Mấy anh chị nghiên cứu sinh ngoại quốc lên diễn đàn nói bằng thứ tiếng

Việt của Tây mắm tôm. Người ta rung động. Toàn bộ cánh học giả yếu ngoại ngữ quay ra trầm trồ trình độ tiếng Việt của bọn Tây ma xó. Yếu tố khoa học trong phát biểu của Tây được châm chước, để lại xét sau.” [122,209]. Hội thảo là nơi tập trung các vấn đề khoa học chuyên sâu của từng ngành, chính vì thế đối tượng tham dự phải là những nhà khoa học thật thụ có trình độ uyên thâm, hơn nữa phải giỏi ngoại ngữ vì là hội thảo quốc tế. Nhưng ở đây, chỉ là hội thảo quốc tế nửa vời. Thành phần quốc tế là những nghiên cứu sinh Tây ma xó nói tiếng Việt của Tây mắm tôm. Các nhà khoa học thì yếu ngoại ngữ. Tiếng cười giễu nhại vang lên. Tính chất khoa học nhường chỗ cho tính qua loa, chiếu cố, lấy được. Thành ra diễn đàn học thuật mà lại giống diễn đàn chợ trời. Đi hội thảo thành ra đi chơi. Diễn ngôn rời rạc và loạn ngôn ai nói người ấy nghe phê phán sâu sắc tính chất không chuyên nghiệp trong học thuật và tụt hậu trình độ của hàng ngũ trí thức Việt Nam trên diễn đàn quốc tế. Làm khoa học mà chỉ mình biết. Kiểu ếch ngồi đáy giếng.

Bên cạnh đó, nghịch dị còn là không gian đám tang mẹ của nhân vật tôi trong tiểu thuyết 3.3.3.9 những mảnh hồn trần của Đặng Thân: “Đám tang có nhiều vòng hoa vô giá, cùng là sự có mặt của các nhân vật khủng, những nhân sĩ/vật ghê gớm khác trong làng trí thức Việt Nam. Các đại biểu, các cá nhân nườm nượp xếp hàng đợi gọi đến tên mình để được vào viếng mẹ tôi. Loa phóng thanh mở hết cỡ mà cũng ít khi át được tiếng người cười nói râm ran. Vòng hoa và trướng xếp chất chồng lớp lớp, tràn cả ra hành lang và lối đi. Thỉnh thoảng lại có một ông quan lớn nào đó chen ngang vào với lí do phải đi công tác gấp. Lạ nhất là thấy có mấy chị em phụ nữ Việt Nam hẳn hoi mà lại vừa ngó nghiêng quan tài vừa khóc như khóc cha khóc mẹ, thảm thiết lắm, và họ vừa khóc vừa nói bằng tiếng Nga hoặc tiếng Đức” [151,399]. Đám tang là không gian chia li, sinh li tử biệt, lẽ ra theo quan niệm truyền thống tất cả mọi người trong đám tang phải buồn đau, thương tiếc. Nhưng ngược lại, ở đây, tác giả đã kết hợp tiếng cười hài hước qua các chi tiết nhân vật khủng, nhân sĩ/vật, tiếng người cười nói râm ran. Thật lố bịch và kệch cỡm. Sự lố bịch và kệch cỡm còn được đẩy lên đến đỉnh điểm khi họ vừa khóc vừa nói bằng tiếng Nga hoặc tiếng Đức. Đám đông phô ra sự khoe khoang, dốt nát, vô văn hóa, giả dối. Khóc thì phải xuất phát từ tình cảm chân thành. Tình cảm chân thành luôn đi kèm với tiếng nói thật, ngôn ngữ cha sinh mẹ đẻ. Trộn lẫn cái thật và cái giả (khóc và nói tiếng Nga hoặc Đức), sử dụng tiếng cười, tác giả đã cho thấy sự tán tận của lòng người.

Cũng trong mạch cảm hứng này, Hồ Anh Thái đã khắc họa được đám tang mẹ của luật sư trong SBC là săn bắt chuột. Hồ Anh Thái cũng đã vẽ một bức biếm họa đám tang mẹ của

Luật Sư: “Đám ma to thật là to, ò e í e ò. Cán sự sáu bằng gỗ loại tốt. Copmle đỏ phủ vải điều thêu chim công. Đội kèn thuê từ Sài Gòn ra. Mẹ già như chuối chín cây. Bọn hàng xóm xuyên tạc bài hát. Mẹ già như chuối chín cây. Gió đưa mẹ rụng lăn quay ra vườn” [118,260]. Một đám tang hoành tráng cũng là một đám tang không niềm thương xót. Nước mắt được thay bằng tiếng cười.

Hơn nữa, nghịch dị được biểu hiện qua không gian thang máy trong Thang máy Sài Gòn của Thuận. Đời sống hiện đại, văn minh, thang máy dự phần vào rất nhiều hoạt động của con người. Nó có mặt ở khắp nơi, trong các tòa nhà và văn phòng cao ốc, trong các siêu thị, sân bay, khách sạn, trung tâm…Thang máy là thành quả của văn minh, giúp con người đi nhanh hơn, an toàn hơn, hiện đại hơn. Đó là cái nhìn của quan niệm cũ. Thuận thì lại có cái nhìn rất lạ, đầy nghịch dị về thang máy: “Thang máy được coi là địa điểm của nhiều cuộc tình chớp nhoáng (hay cuộc phiêu lưu lãng mạn theo ngôn ngữ thời thượng), những lúc bên trong chỉ có hai người, ở những giờ vắng vẻ. Trên một diễn đàn internet về chuyên đề này, cô đọc được những chia sẻ đại loại như sau: “Ôi tuyệt vời đề nghị các đấng mày râu hãy thử một lần cho biết...Thang máy rùng mình một cái rồi vút đi, như thể đưa hai chúng tôi vào một hành tinh khác, như thể biến chúng tôi thành hai con người khác…Thang máy phải chăng là cuộc giải phóng tình dục ở mức độ cao nhất trong lịch sử nhân loại?” [147,121]. Thang máy thành ra là kiểu không gian mê cung khiến cho con người dễ dàng tha hóa, biến thành người khác, dễ đánh mất mình. Trong không gian đặc biệt văn minh ấy, phần bản năng của con người lại được bộc lộ mạnh mẽ nhất. Bằng cảm quan nghịch dị, Thuận đã nhìn thang máy như là thiên đường của ái ân khi nó mang lại những cảm xúc lạ thường cho con người giữa những cái rất quen thuộc và sắp sửa nhàm chán. Không phải lễ hội hóa trang, không có những mặt nạ, nhưng thang máy cũng giống lễ hội ở tính giải phóng tự do, cho phép con người được thực hiện những điều mà ở đời thực không chấp nhận. Đặc biệt là cái chết của người mẹ trong thang máy: “Mỗi khi đọc những tâm sự say sưa kiểu này, cô nghĩ cùng là thang máy, nhưng người ta đến đây để để tìm khoái lạc, còn mẹ thì đến đây để tìm lấy cái chết” [147,122]. Nghịch dị được kết hợp bởi yếu tố bình thường và cái bất thường hé lộ nhiều bí ẩn đằng sau sự kiện ra đi đột ngột của mẹ.

Nghịch dị còn toát lên qua không gian phòng ngủ với biểu tượng Linga của bác sĩ Nam khoa trong Nháp của Nguyễn Đình Tú: “Trong phòng có một chiếc giường trải ga màu tím nhạt, một chiếc tủ đựng quần áo, một bàn vuông kiểu Nhật. Ở góc phòng phía

trong cùng đặt một bộ Linga -Yoni bằng đồng cao tới nửa mét” [141,214]. Căn phòng mang đậm tính phồn thực, gợi nên những ham muốn ái ân, đồng thời hé lộ giới tính thật của nhân vật bác sĩ.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết việt nam từ 1986 đến 2012 (Trang 89 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)