5. Cấu trúc luận án
4.2.3. Giọng điệu tự trào
Trước hết, giọng tự trào của nhân vật tôi trong Những ngã tư và những cột đèn:
“Chỉ mỗi mình tôi nhỏ như hạt bụi, xấu như con dòi, ngu như con sâu đo, lúc nào cũng chẳng là cái gì, lúc nào cũng chậm chân, cho nên bao nhiêu may mắn bị người đời lấy trước cả” [25,107]. Chúng ta cảm nhận được trong đoạn văn trên cảm thức tự ti, mặc cảm, kiểu con người nhỏ bé đáng thương trước thời cuộc. Chưa bao giờ thân phận con người lại trở nên đáng thương và nhỏ bé như thế. Họ không có quyền quyết định cuộc đời, vận mệnh của mình. Họ buộc phải dự phần vào một trò chơi truy đuổi, bị nghi ngờ, bị kết án dù vô tội. Nhân vật tôi trong Những ngã tư và những cột đèn cũng giống như con người trong sáng tác của Frank Kafka, cụ thể trong tiểu thuyết Vụ án, K bị kết tội vì giết người thì tôi bị kết tội là phản gián dù anh hoàn toàn không làm gì liên quan đến địch. Cuối cùng, anh cũng đã chứng minh được mình vô tội.
Hơn thế nữa, chúng ta còn bắt gặp giọng tự trào này trong Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai : “Tôi không trả lời, nước mắt lại chực ứa ra. Gần năm mươi tuổi đầu, đã sống cuộc sống của mình được bao nhiêu mà lâu nay đúng là không có khái niệm về đàn bà nữa! Một sinh lực còm cõi, một vỏ ốc tự ti, một bầu trời trầm uất, trong thân thể tôi còn chỗ nào dành cho một khái niệm đàn bà trú ngụ nữa. Không thèm. Không mộng mị. Gần như bị quên lãng. Khốn nạn! Cuộc đời quên tôi, không đủ sức quên lại cuộc đời, tôi lại đi quên đàn bà, cái nguyên do đã khiến tôi long đong những ngày này. Ngang trái não nề. Chả lẽ rồi đây, cứ cái đà này, tôi sẽ đánh mất họ, những vật thể thần bí làm cho đời trận mạc của những thằng ông có lí, làm cho đời thường không nhàm tẻ, đến suốt đời ư?” [72,125], “Tức là hắn bảo mày là anh hùng anh hiếc gì mà trông thảm hại thế? Tức là hắn muốn nói chúng mình cũng chịu chung hội chứng chiến tranh tâm thần bấn loạn như chúng đúng không?” [72,271]. Là một người lính kiên cường, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng trong thời chiến, tinh nhạy, cường tráng, uy nghi, Hai Hùng từng là niềm mơ ước của biết bao cô du kích. Anh trở thành nỗi ám ảnh của kẻ thù, chúng sợ khiếp vía mỗi khi nhắc đến tên. Nhưng đến thời bình, người lính như anh trở nên thật thảm hại. Tình yêu anh dành cho Ba Sương vẫn sâu đậm, tình đồng chí vẫn thắm đỏ khi anh luôn nghĩ về họ. Nhưng thực tế không như anh mong đợi. Người con gái anh từng tha thiết yêu đã quay lưng chối bỏ quá khứ hào hùng và thiêng liêng của những ngày tháng chiến đấu. Ba Sương khước từ tình yêu của anh, khước từ cả quãng đời đẹp đẽ và ý nghĩa. Anh thành ra đáng thương như vậy. Bi kịch của sự bị lãng quên. Những hi sinh mà anh và đồng đội đã hiến dâng bây giờ có ai còn nhớ.
Trong tiểu thuyết Đàn bà xấu thì không có quà, Y Ban đã để nhân vật Nấm- một nhà văn nữ trẻ có ngoại hình dị dạng với đôi chân thật ngắn như một kiểu tật nguyền- tự trào về mình. Cái nghịch dị giữa hình thức bên ngoài và vẻ đẹp tâm hồn bên trong là cơ sở cho giọng điệu tự trào đầy ám ảnh. Cô Nấm luôn khao khát có một tình yêu đẹp đến cháy bỏng, tâm hồn dễ rung động và nhạy cảm khiến những trang viết của cô chạm đến trái tim của mọi người. Cô đã gặp và yêu người đàn ông qua cửa sổ chat. Hai người đã trao cho nhau biết bao yêu thương qua những email nồng nàn, những cuộc gọi từ nửa vòng trái đất. Họ chờ đợi gặp nhau, để rồi sự thật khi thấy mặt nhau mọi cảm xúc trước đó tan biến, chỉ còn một nỗi bẽ bàng dậy lên trong Nấm khi cô nhìn thấy ánh mắt thất vọng của chàng trai. Cuộc hội ngộ bẽ bàng trong thất vọng của hai người đã từng rất kì vọng về một tình yêu đẹp giữa hai tâm hồn đồng cảm, tinh tế chỉ vì ngoại hình của Nấm dị dạng. Một kết thúc không có hậu, không như cổ tích. Đó là sự thật cuộc đời. Nấm vẫn thứ tha cho chàng trai vì anh cũng chỉ là người đàn ông bình thường. Người đàn ông bình thường chỉ rung động khi đứng trước một cô gái đẹp. Tác phẩm khép lại với hình ảnh Nấm viết một truyện ngắn có tên Đàn bà xấu thì không có quà. Không có quà hay xa hơn nữa là không có người yêu. Thèm được yêu thương và quan tâm, thèm có một gia đình hạnh phúc ở đó chồng là người thích đọc sách, nhẹ nhàng, lịch lãm. Đó mãi mãi là giấc mơ của Nấm.
Ngoài ra, chúng ta bắt gặp giọng tự trào của nhân vật nhà văn Bạch trong Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà: “Giống hệt như mối tình đầu, tất cả các người viết thường khởi nguyên từ trong trắng. Rồi gần như tất cả bị tha hóa bởi sự ma mị quyến rũ từ cái gọi là danh hiệu gọi là nhà văn. Đã là danh thì đa phần đều hão hề phù phiếm. Những nhà đã thành văn đấy mê muội nhan nhản đi lại khắp nơi. Họ nghĩ họ là đặc biệt và họ luôn lo lắng bị lẫn vào những người bình thường khác. Họ nghiêm khắc sợ hãi người khác không biết là họ đang viết văn, đang làm thơ. Những khái niệm có vẻ có giá trị bởi được nhiều người tử tế tôn trọng. Họ tất bật nhìn ngó xung quanh, họ không có khả năng đi một mình, đi âm thầm. Họ mất vẻ bình thường, xơ xác không làm nổi một cái nghề dung dị nào. Họ sợ cái đám đông bầy nhầy mà họ phải vất vả lắm lươn lẹo lắm mới thoát ra được sẽ dễ dàng nuốt chửng lại họ. Mối mặc cảm bị nuốt lẫn vào đó thường trực ám ảnh đã đẩy họ tự tạo ra nhiều nhố nhăng khác biệt bằng một loạt lố bịch…Thế quái nào thì được coi là nhà văn lớn. Liệu nhà văn lớn có phải là người đã thoát ra khỏi những bì tị tầm thường” [44,321]. Thiên chức nhà văn là cao quý, nghề viết lại càng cao
quý. Có văn chương con người ta sống đẹp hơn. Nhưng ở đây, qua cái nhìn của Bạch, là một nhà văn mới nổi danh vì một số truyện ngắn hay, một hiện tượng văn học, giới văn nghệ sĩ hiện lên thật thảm thương nếu không muốn nói là dở người. Họ không còn là người bình thường được nữa, tạo ra sự khác biệt bằng một loạt lố bịch. Văn chương đích thực luôn cần sự khác biệt, luôn đổi mới và cách tân. Nhà văn không được lặp lại người khác và hơn nữa không được lặp lại chính mình là yêu cầu thường trực. Nhưng không có nghĩa trong đời thường anh phải lố bịch khác người. Rất nhiều hình ảnh tự trào được bày ra trong tiểu thuyết: “Mẹ kiếp, biết bao thế hệ nhà văn phải khổ sở bởi cái cách gọi trịch thượng ấy. Cuốn sách dắt theo nhiều ồn ào và tôi vớ được hàng mớ những điều dung tục. Đối với một người viết, sự nổi tiếng là cần thiết, nhưng nó phải phù hợp với phúc đức của chính người ấy. Tôi đức bạc phúc mỏng nên cứ nhận được một cái lợi nhờ nhỡ là kèm một cái họa” [44,163], “nghề văn là cái nghề thổ tả”. Là nhà văn say mê với sáng tác, dấn thân tận cùng với chữ nghĩa, Bạch đau đáu nhận ra văn chương cũng thật cay đắng. Câu chuyện chữ nghĩa là câu chuyện đày ải, không phải chỉ toàn niềm vui, hạnh phúc, thăng hoa. Sự thăng hoa của chữ nghĩa xuất phát từ việc nhà văn khi sáng tác đoạt được quyền năng của tạo hóa, là một cuộc chơi sáng tạo.