Trong văn học trung đại

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết việt nam từ 1986 đến 2012 (Trang 44 - 46)

5. Cấu trúc luận án

2.2.2. Trong văn học trung đại

Trong văn học trung đại, nghịch dị không có điều kiện được phát triển vì hoàn cảnh dựng nước và giữ nước đặt ra nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ độc lập tự do của dân tộc. Văn học vì thế mang cảm hứng và nội dung chủ đạo là yêu nước. Hơn thế nữa, văn học trung đại là nền văn học của cái ta, cái cộng đồng, với quan niệm văn dĩ tải đạo cùng với hệ thống thi pháp ước lệ. Tinh thần hạt nhân cơ bản trên của văn học khiến nghịch dị không phát triển thành cao trào. Tuy vậy, vẫn có một vài hiện tượng tác phẩm có đề cập đến phương thức nghịch dị. Trong tác phẩm Lam Sơn thực lục, Nguyễn Trãi đã miêu tả Lê Lợi đầu hổ mình báo, mũi hùm, tay dài quá gối, tiếng nói như chuông. Trong Đại Nam Quốc Sử diễn ca, Bà Triệu được khắc họa vú dài ba thước, tài cao hơn người. Có thể nói, nghịch dị ở đây nghiêng về cái kì bí, mang sức mạnh uy lực, chủ yếu là phóng đại cái khác thường, kì dị để tạo nên tài năng cho nhân vật. Đó là những hình tượng có tính chất nghịch dị, linh thiêng, bí ẩn, mang khí tượng đế vương, thể hiện thế giới quan thần bí của niềm tin tôn vinh thiêng liêng.

Đến thế kỉ XVI, với Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, có thể nói sự xuất hiện trở lại của nghịch dị với mức độ đậm hơn. Hình tượng yêu quái, hồn ma trộn lẫn với người là một phương diện của nghịch dị. Chẳng hạn như trong truyện Cây Gạo, Cái chùa hoang ở Đông Trào. Dựa vào huyễn ảo, hòa trộn thật ảo, tác giả đã đặt ra nhiều vấn đề mang giá trị nhân văn, con người muốn đi tìm hạnh phúc trần thế, trân quý hiện tại, cuộc đời thì ngắn, thoáng chốc, hư vô, chỉ có tình yêu, ái ân mới mang đến cho con người nhiều ý nghĩa. Nàng Nhị Khanh trong Cây gạo từng nói “nghĩ đời ta chẳng khác gì một giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm những thú vui, kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân cũng không thể được nữa” [88,285]. Hay những người hình thể to lớn, dị thường trong truyện Cái chùa hoang ở Đông Trào “Bấy giờ trời tối lờ mờ, trăng khuya chưa mọc, thấy có mấy người hình thể to lớn, hớn hở từ dưới đồng đi lên…một lát thấy họ thò tay khoắng xuống một cái ao rồi bất cứ vơ được cá lớn, cá nhỏ đều bỏ vào mồm nhai nuốt hết, lại nhìn nhau mà cười mà nói: những con cá con ăn ngon lắm, nên ăn dè dặt mới thấy thú há chẳng hơn những thứ hương hoa nhạt nhẽo họ thường dâng chúng mình ư” [88,295]. Có thể nói, nghịch dị

trong Truyền kì mạn lục chủ yếu là những kì sự, kì nhân, người và hồn ma lẫn lộn. Phần nào đó thiên về yếu tố hoang đường kì ảo, tất nhiên trên cơ sở trộn lẫn thật - ảo.

Đến thế kỉ XIX, với Hồ Xuân Hương, một lần nữa cảm hứng nghịch dị hồi sinh qua bài Sư hổ mang: “Chẳng phải Ngô chẳng phải ta/ Đầu thì trọc lốc áo không tà/Oản dâng

trước mặt dăm ba phẩm/Vải núp sau lưng sáu bảy bà/ Khi cảnh khi tiu khi chũm chọe/ Giọng hì giọng hỉ giọng hi ha/Tu lâu có lẽ lên sư cụ/Ngất nghểu tòa sen nọ đấy mà”. Nhan đề đã là một sự nghịch dị với thông điệp tố cáo những người đội lốt tu hành để làm điều xằng bậy, trái với đạo lý luân thường, lên án một bộ phận sư sãi hoang dâm vô độ, nơi cửa Phật mà chưa rũ bỏ được được con người dục vọng, bản năng, chưa thiền định. Cảm quan nghịch dị được thể hiện qua sự kết hợp những thi ảnh tương phản, qua ngôn ngữ và giọng điệu hài hước, mỉa mai. Hình tượng sư hổ mang là một kiểu nghịch dị về tâm hồn, tính cách.

Ngoài ra, kiểu nhân vật có xu hướng nghịch dị còn được biết đến qua hình tượng ông thầy đồ của Trần Tế Xương: “Thầy đồ thầy đạc/ Dạy học dạy hành/ Vài quyển sách nát/ Dăm thằng trẻ ranh/ Văn có hay đã đỗ làm quan, võng điều võng tía/ Võ có giỏi đã ra giúp nước, khố đỏ khố xanh/ Ý của thầy văn dốt võ dát/ Cho nên thầy lẩn quẩn loanh quanh/ Trông thầy/ Con người nho nhã/ Ở chốn thị thành/ Râu rậm như chổi/ Đầu to tày giành/ Cũng lắm phen đi đó đi đây, thất điên bát đảo/ Cũng nhiều lúc chơi liều chơi lĩnh/ tứ đốm tam khoanh/ Nhà lính tính quan: ăn rặt những thịt quay, lạp xường, mặc rặt những quần vân áo xuyến/ Đất lề quê thói: chỗ ngồi cũng án thư bàn độc, ngoài hiên cũng cánh xếp mành mành”. Hình tượng thầy đồ là sự trộn lẫn của tự trào và giễu nhại, bức chân dung khác người với phép so sánh mang tính cường điệu râu rậm như chổi, mặt to tày giành. Thầy đồ của Trần Tế Xương không có cái uy nghiêm, đạo mạo như lẽ thường thấy mà phần nào đã lệch chuẩn. Thầy tự nhận mình văn dốt võ dát chứ không phải uyên bác, tinh thông, không dùi mài kinh sử mà ham chơi, ưa thích phiêu lưu. Thầy không chỉ dạy Kinh, dạy lẩy Kiều mà dạy cả lúc cao lâu chiếu hát, ăn nói cho sành.

Nói tóm lại, trong văn học trung đại Việt Nam, nghịch dị vẫn có mặt ở thể loại văn xuôi mà chủ yếu là truyện ngắn và thơ trào phúng châm biếm. Càng về cuối thế kỉ XIX, cảm hứng nghịch dị càng bộc lộ rõ nét hơn ở sự trộn lẫn tiếng cười giễu nhại, châm biếm và trào phúng với nghệ thuật cường điệu hóa và tương phản giữa nội dung bên trong và hình thức bên ngoài của nhân vật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết việt nam từ 1986 đến 2012 (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)