II. Phân theo ngành kinh tế
3.2.5. Huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics ở thành phố Hà Nộ
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quá trình vừa cạnh tranh, vừa hợp tác diễn ra đan xen và thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển. Hai vấn đề về chuỗi giá trị toàn cầu và hệ thống phân phối toàn cầu làm đang diễn ra sâu sắc và người ta cũng quan tâm hơn vai trò của các nguồn lực, nó được khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn. Tuy nhiên các nguồn lực ở nước ta hiện nay nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn còn ở dạng tiềm năng. Chúng ta hiện có cả nguồn lực trong nước và nguồn lực ngoài nước, nguồn lực trong nước bao giờ cũng giữ vai trò quyết định. Bằng cơ chế, chính sách, Chính phủ cần tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút các nguồn lực bên ngoài và phải biến ngoại lực thành nội lực để phát triển. Do vậy, trong thời gian tới, để phát triển dịch vụ logistics một cách bền vững, Hà Nội cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:
Một là, hoàn thiện chính sách đầu tư, ưu đãi để phát triển cơ sở hạ tầng
logistics cả "Phần cứng" và "Phần mềm". Ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư, như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng logistics, tạo cơ sở vật chất cho hệ thống logistics ở thành phố Hà Nội. Ưu đãi về thuế đối với dịch vụ logistics và người kinh doanh dịch vụ logistics như giảm thuế thu nhập doanh
nghiệp, giảm thuế XNK cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách để khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội, tích cực liên doanh liên kết để tận dụng vốn và công nghệ hiện đại của nước ngoài để xây dựng mới và cải tạo nâng cấp các cảng đường thủy nội địa, nạo vét luồng lạch, mua sắm các trang thiết bị, cải tạo và xây mới hệ thống kho tàng, các trung tâm logistics để Hà Nội trở thành trung tâm luân chuyển và phân phối hàng cho cả khu vực Bắc Bộ và cả nước.
Hai là, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tư nhân, chủ động đầu tư của doanh nghiệp và áp dụng rộng rãi các mô hình PPP (Public Private Partnerships). Đây là một phương thức đầu tư khả thi áp dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và tại các đô thị lớn, trong bối cảnh ngành giao thông muốn tăng cường huy động vốn từ khu vực tư nhân nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Với mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích của người dân. Với những khó khăn về khả năng hoàn vốn của các dự án đường cao tốc, việc cho phép nhà đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới WB thông qua hình thức PPP được xem là phương án huy động hiệu quả và khả thi do nguồn vốn có lãi suất thấp, thời gian vay dài, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án, đồng thời sẽ hạn chế được yêu cầu hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước trong điều kiện còn hạn hẹp hiện nay.
Ba là, đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần tích cực, chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics, tuỳ điều kiện, quy mô mà xây dựng chiến lược phát triển cho thích
hợp, với từng giai đoạn cụ thể trước mắt cũng như lâu dài. Trước mắt, các doanh nghiệp cần chú trọng quảng bá hình ảnh thông qua xây dựng các website với các nội dung cụ thể hơn, vì phần lớn website của các doanh nghiệp logistics thành phố Hà Nội chỉ đơn thuần giới thiệu về bản thân và dịch vụ của mình, thiếu các tiện ích như công cụ theo dõi đơn hàng, theo dõi lịch trình tàu, booking, theo dõi chứng từ... Trong khi đó, đây lại là những yếu tố được các chủ hàng đánh giá rất cao khi họ lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics vì website là nơi nắm bắt, công bố, trao đổi những thông tin cần thiết để các doanh nghiệp trao đổi, hợp tác làm ăn với nhau.
** * * *
Ở chương 3, trên cơ sở những nội dung đã xác định ở chương 1 và phân tích, đánh giá thực trạng ở chương 2, tác giả đã đề xuất 4 quan điểm và 5 giải pháp cơ bản phát triển dịch vụ logistics ở thành phố Hà Nội. Các quan điểm và giải pháp đó là một thể thống nhất. Trong các quan điểm đã xác định rõ vai trò của dịch vụ logistics đối với quá trình tăng trưởng, phát triển KT-XH ở Hà Nội hiện nay. Phát triển dịch vụ logistics là trách nhiệm của các cấp Đảng, Chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và của bản thân các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Có thể nói, phát triển dịch vụ logistics ở Hà Nội hiện nay trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế phải là hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển KT-XH ở Hà Nội thời gian tới.
KẾT LUẬN
Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành dịch vụ logistics của cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Tuy còn khá mới mẻ nhưng phát triển dịch vụ logistics hiện nay là một tất yếu khách quan, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tính quy luật của quá trình này bắt nguồn từ sự phát triển của LLSX và phân công lao động xã hội ở những trình độ khác nhau giữa các ngành, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội và hiện nay đã trở lên cần thiết và cấp bách.
Dịch vụ logistics không phải là dịch vụ đơn lẻ mà là một chuỗi các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từ giai đoạn tiền sản xuất, trong quá trình sản xuất, sản xuất ra hàng hoá và đưa vào các kênh lưu thông, phân phối để đến tay người tiêu dung cuối cùng. Do vậy, hoạt động dịch vụ này nó ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH trên địa bàn Thủ đô.
Trong thời gian qua, hoạt động dịch vụ logistics đã có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội nói chung và hoạt động kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu nói riêng. Cho đến nay, Hà Nội đã bước đầu định hình được khuôn khổ pháp lý cần thiết điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh logistics. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp kinh doanh logistics ở Hà Nội gia tăng khá nhanh, nhiều doanh nghiệp đã có sự trưởng thành nhất định, bước đầu khẳng định được vị thế của mình trên thị trường.
Với tiềm năng rất lớn nhưng năng lực của doanh nghiệp logistics thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế để nắm bắt, khai thác những cơ hội, khắc phục những trở ngại, thách thức để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố, nhất là chất lượng dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế thế giới và khu vực. Những
thành tựu và hạn chế đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó các nguyên nhân chủ quan là chính.
Để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới có hiệu quả đáp ứng nhu cầu hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH sớm 1 đến 2 năm so với cả nước của Hà Nội, đòi hỏi phải quán triệt đầy đủ, toàn diện 4 quan điểm cơ bản và 5 giải pháp chủ yếu. Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ logistics là vấn đề còn khá mới mẻ ở nước ta và cũng là một vấn đề lớn có nhiều khó khăn và phức tạp. Do vậy, những vấn đề được trình bày trong luận văn cũng chỉ là những gợi mở ban đầu, còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung từ thực tiễn mới có thể đáp ứng được.