Xây dựng chuyên đề riêng về trí tuệ cảm xúc

Một phần của tài liệu Thực trạng mức độ nhận thức về trí tuệ cảm xúc của sinh viên chuyên ngành tâm lý – giáo dục trường đại học sư phạm thành phố hồ chí minh (Trang 113 - 114)

Hiện nay việc cung cấp những tri thức về trí tuệ cảm xúc cho sinh viên được lồng ghép trong bộ môn Tâm lý học nhận thức trong thời lượng 45 tiết, trong đó sinh viên được học các tri thức về trí tuệ cảm xúc trong khoảng từ 4 đến 5 tiết. Với thời lượng như vậy sinh viên sẽ không được tìm hiểu hết về trí tuệ cảm xúc đặc biệt là không có cơ hội để thực hành, vận dụng trí tuệ cảm xúc trong những tình huống của cuộc sống thực tế. Vì vậy muốn nâng cao nhận thức về trí tuệ cảm xúc cho sinh viên biện pháp tất yếu và trước tiên là cần phải tách trí tuệ cảm xúc ra thành một chuyên đề độc lập.

Việc xây dựng chuyên đề độc lập về trí tuệ cảm xúc sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội và thời gian để tiếp cận với nhiều vấn đề khác nhau của trí tuệ cảm xúc không chỉ về mặt lý luận mà cả việc ứng dụng chúng trong cuộc sống thực tế. Hơn nữa việc có nhiều thời gian để tìm hiểu về trí tuệ cảm xúc cũng chính là sinh viên có thêm cơ hội để trao đổi với giáo viên và với các sinh viên khác về nhiều vấn đề mà bản thân chưa hiểu. Việc tiếp xúc giao lưu với giáo viên và với các sinh viên khác trong quá trình học tập cũng chính là cơ hội để sinh viên được đánh giá và kiểm nghiệm lại tính đúng đắn và phù hợp trong nhận thức của bản thân.

Qua kết quả khảo sát có 41.2% sinh viên cho rằng việc tăng thời gian

học về trí tuệ cảm xúc có thể giúp họ tăng thêm sự hiểu biết về trí tuệ cảm xúc. Với việc xây dựng chuyên đề riêng về trí tuệ cảm xúc, cần chú trọng và đưa vào chương trình nhiều nội dung kiến thức mang tính ứng dụng. Chẳng hạn “ứng dụng trí tuệ cảm xúc trong công tác quản lý nhân sự”; “ứng dụng trí tuệ cảm xúc trong công tác dạy học và giáo dục”; “ứng dụng trí tuệ cảm xúc trong công tác tư vấn tâm lý”… Trong đó có thể xây dựng nhiều tình huống để sinh viên thực hành về trí tuệ cảm xúc. Giúp sinh viên phát triển trí tuệ cảm xúc cũng chính là giúp sinh viên phát triển nhận thức về trí tuệ cảm xúc và ngược lại phát triển nhận thức về trí tuệ cảm xúc cho sinh viên cũng chính là giúp sinh viên biết cách vận dụng trí tuệ cảm xúc một cách đúng đắn và khoa học.

Một phần của tài liệu Thực trạng mức độ nhận thức về trí tuệ cảm xúc của sinh viên chuyên ngành tâm lý – giáo dục trường đại học sư phạm thành phố hồ chí minh (Trang 113 - 114)