a) Đặc điểm nhân cách của sinh viên nói chung
Sinh viên là những người có độ tuổi từ 18 đến 23, là giai đoạn chuyển
từ sự chín muồi về thể lực sang sự trưởng thành về phương diện xã hội. Họ muốn tìm một nghề ổn định trong cuộc sống. Theo kết quả nghiên cứu của B.G.
Annanhiev thì: lứa tuổi sinh viên là thời kỳ phát triển tích cực nhất về tình cảm đạo
đức và thẩm mỹ, là giai đoạn hình thành và ổn định tính cách. Các biểu tượng lý
luận giờ đây thành hiện thực đối với họ (quyền công dân, quyền xây dựng gia đình…). Người sinh viên có kế hoạch riêng cho hoạt động của mình và độc lập trong phán đoán và hành vi. Trong thời kỳ này, ở sinh viên có sự biến đổi mạnh mẽ về động cơ, về thang giá trị xã hội có liên quan đến nghề nghiệp. Họ xác định con đường sống tương lai, tích cực nắm vững nghề nghiệp và bắt đầu thể nghiệm mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đây cũng là thời kỳ sinh viên đạt đỉnh cao về thể thao và bắt đầu thành đạt trong khoa học và nghệ thuật. Nhiều tài năng của nhân loại đã bộc lộ rõ trong thời kỳ này.
Thế giới nội tâm của sinh viên rất phức tạp và nhiều mâu thuẫn khiến ta khó thấy tính độc đáo của từng nhân cách. Có thể nêu ra ba mâu thuẫn cơ bản sau:
Thứ nhất là mâu thuẫn giữa ước mơ của người sinh viên với khả năng, điều kiện và kinh nghiệm để thực hiện ước mơ đó.
Thứ hai là mâu thuẫn giữa mong muốn học tập sâu những môn mình yêu thích và yêu cầu thực hiện toàn bộ chương trình học tập (quỹ thời gian có hạn phải chia nhiều môn, nên không thể giành nhiều cho môn học mình có hứng thú).
Thứ ba là mâu thuẫn giữa số lượng thông tin dội vào sinh viên nhiều vô số kể và thời gian để kịp hiểu sâu các thông tin đó.
Như vậy, sự phát triển nhân cách của sinh viên là một quá trình biện chứng của sự nảy sinh và giải quyết các mâu thuẫn; là quá trình chuyển từ các yêu cầu bên ngoài thành yêu cầu của bản thân sinh viên và là quá trình tự vận động và hoạt động tích cực của chính bản thân họ.
Nhân cách con người được hình thành và phát triển trong suốt cả đời người, song, những năm tháng sống trong trường đại học là thời kì hình thành mạnh mẽ nhất về nhân cách người chuyên gia tương lai. Sự phát triển nhân cách đó của sinh viên được diễn ra theo các hướng cơ bản sau:
- Niềm tin, xu hướng nghề nghiệp và các năng lực cần thiết được củng
cố và phát triển.
- Các quá trình tâm lý, đặc biệt là quá trình nhận thức được “nghề
nghiệp hóa”.
- Tình cảm nghĩa vụ, tinh thần trách nhiệm, tính độc lập được nâng cao,
cá tính và lập trường sống của sinh viên được bộc lộ rõ rệt.
- Kỳ vọng đối với nghề nghiệp tương lai của sinh viên được phát triển.
- Sự trưởng thành về mặt xã hội, tinh thần và đạo đức, việc hình thành
những phẩm chất nghề nghiệp và sự ổn định chung về nhân chách của sinh viên được phát triển.
- Khả năng tự giáo dục của sinh viên được nâng cao.
- Tính độc lập và sẵn sàng đối với hoạt động nghề nghiệp tương lại
được củng cố.
Ta có thể hình dung sự phát triển nhân cách của sinh viên trong quá trình học tập ở đại học như sau:
Vào năm thứ nhất, người sinh viên chưa có được những phẩm chất nghề nghiệp thuộc một ngành nhất định. Họ là con em thuộc các dân tộc, các tầng lớp xã hội khác nhau ở nông thôn và thành thị. Do đó, các yếu tố bẩm sinh di truyền đã được biến đổi dưới ảnh hưởng của giáo dục gia đình, của trường phổ thông, của các
phong tục tập quá địa phương và những điều kiện sống, sinh hoạt xã hội nói chung.
Vào trường đại học, họ đã có một số phẩm chất tương đối ổn định đại biểu cho lối
sống của tầng lớp, giai cấp và của địa phương mình. Cho nên trong tập thể sinh viên khối một thường có va chạm mạnh do tính độc đáo của nhân cách. Trong quá trình làm quen với cuộc sống tập thể đầu tiên ở trường đại học, sinh viên thường có hành
vi bắt chước lẫn nhau thể hiện bước đầu sự đồng nhất xã hội. Ở đây, sinh viên chưa
có quan điểm phân hóa đối với các vai trò của mình.
Đến năm thứ hai, sinh viên đã quen với hầu hết các hình thức giảng dạy và giáo dục ở đại học. Quá trình thích ứng đối với hoạt động học tập về cơ bản đã hoàn thành. Do tích lũy được tri thức chung mà các nhu cầu văn hóa rộng rãi được hình thành.
Bước sang năm thứ ba, hứng thú với hoạt động khoa học và học tập chuyên môn được phát triển theo chiều hẹp và sâu của nghề nghiệp đã chọn. Những phẩm chất có liên quan và phù hợp với nghề nghiệp tương lai được phát triển mạnh.
Chuyển sang những năm cuối cùng (năm thứ tư, thứ năm), sinh viên thực sự tập làm các công việc của người chuyên gia khi đi thực tập ở các cơ sở thuộc lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Họ thể nghiệm mình trong đời sống, đối chiếu, đánh giá lại các giá trị có liên quan tới nghề của mình, tích cực tìm tòi các thông tin nghề nghiệp và rèn các kĩ năng cần thiết. Họ nghĩ đến viễn cảnh tốt nghiệp đại học và các giá trị có liên quan đến đời sống vật chất, gia đình, nơi công tác… Hiệu quả dào tạo thể hiện rõ ở người sinh viên sắp ra trường. Toàn bộ nhân cách của họ phát triển sát với mục tiêu đào tạo và gần mẫu người chuyên gia thuộc một ngành nghề nhất định.
Rõ ràng, việc xem xét các đặc điểm nhân cách của sinh viên có vai trò quan trọng trong việc xác định nội dung, hình thức và phương pháp tác động đến họ theo hướng hình thành nhân cách người chuyên gia tương lai trong trường đại học. Hình thành nhân cách người chuyên gia không thể nằm ngoài quy luật chung là: Nhân cách được hình thành, bộc lộ và phát triển trong hoạt động.
b) Đặc điểm nhận thức của sinh viên nói chung
Một trong những quá trình tâm lý cấp cao diễn ra trong hoạt động học tập của sinh viên và nói lên đặc trưng căng thẳng mạnh mẽ về trí óc là quá trình
nhận thức. Trong hoạt động học tập của sinh viên, các quá trình này luôn luôn diễn ra từ mức độ đơn giản nhất là cảm giác đến mức độ cao là tư duy sáng tạo. Đặc điểm quá trình nhận thức ở sinh viên khác hẳn các lứa tuổi học sinh về sự phát triển, về tính chọn lọc cao và tính độc lập sáng tạo.
Theo những tri thức về tâm lý học và giáo dục học, nội dung và tính chất tri giác phụ thuộc vào sự vật, hiện tượng được tri giác và phụ thộc vào kinh nghiệm, xu hướng nhân cách, trạng thái tâm lý của sinh viên. Tính chất chọn lọc trong tri giác của sinh viên rất cao. Sinh viên chỉ tri giác những thông tin trong bài giảng của cán bộ giảng dạy hay trong sách tạp chí có liên quan đến hứng thú nhận thức, có ích cho hoạt động nghề nghiệp.
Các quá trình trí nhớ thường diễn ra trong hoạt động học tập của sinh viên. Kết quả học tập phụ thuộc vào quá trình ghi nhớ tài liệu, gìn giữ và nhớ lại chúng khi cần thiết. Sinh viên luôn phải nhớ các tài liệu có ý nghĩa trong nội dung các môn học, phải nhớ máy móc nhiều khi học ngoại ngữ, phải ghi chép, tóm tắt bài giảng. Ở đây, trí nhớ ngắn hạn được sử dụng nhiều. Nhờ có trí nhớ, sinh viên tích lũy được những kinh nghiệm, những tri thức, những thông tin, những kỹ năng cần thiết cho hoạt động của mình.
Quá trình tư duy diễn ra rất căng thẳng trong suốt quá trình học tập của sinh viên. Tư duy ở sinh viên gắn liền với những phẩm chất nhân cách độc lập. Khi nghe giảng, đọc sách… luôn thể hiện óc phê phán, chỉ thừa nhận những tri thức trên cơ sở lập luận logic chặt chẽ, chính xác. Phẩm chất độc lập trong tư duy là khả năng cá nhân chuyển những phán đoán nảy sinh trong quá trình nắm vững tri thức vào những ý kiến riêng và niềm tin riêng của mình. Tư duy độc lập của sinh viên biểu hiện ở mấy dấu hiệu sau:
- Tự đặt ra vấn đề.
- Tự tìm cách giải quyết vấn đề đó theo nhiều chiều, nhiều phương thức
khác nhau.
- Có ý chí theo đuổi mục đích đến cùng.
Phẩm chất tư duy sáng tạo cũng bộc lộ trong hoạt động học tập của sinh viên. Tư duy sáng tạo có tính chất độc đáo, không rập theo khuôn mẫu, có tính chất mới lạ, khác thường về cách thử đúng và sai, hoặc chọn ra phương án đơn giản nhất trong các phương án đã biết để giải quyết những nhiệm vụ tương tự. Đối với sinh viên, phẩm chất này biểu hiện ở chỗ học tập vượt ra khỏi giới hạn những tài liệu cơ bản, tìm thấy những mối liên hệ với các tri thức và các kinh nghiệm để giải quyết vấn đề.
Đi kèm các quá tình nhận thức là trạng thái chú ý giúp cho quá trình phản
ánh có hiệu quả hơn. Ở lứa tuổi sinh viên sức tập trung chú ý cao, khối lượng chú ý
lớn và có khả năng chú ý tương đối bền vững và lâu dài nên sinh viên có thể nghe giảng hay đọc trong thời gian liên tục từ 1 đến 2 giờ liền khi cần thiết.