Ngôn từ cảm giác và hiệu quả thẩm mỹ của nó

Một phần của tài liệu Người phụ nữ trong thơ mới (Trang 107 - 110)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Ngôn từ cảm giác và hiệu quả thẩm mỹ của nó

Từ những đổi mới trong nhận thức, quan niệm về người phụ nữ tất yếu sẽ kéo theo những thay đổi trong hình thức mô tả, thể hiện. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy Thơ mới đã khai thác và sử dụng một hệ thống từ ngữ cảm giác mới mẻ và giàu sức gợi cảm, có khả năng thể hiện những sắc thái riêng và cụ thể về những cảm xúc của người phụ nữ.

Nếu thơ Xuân Diệu đầy rẫy những động tác quấn quýt vội vàng, đầy những ham hố mãnh liệt, chiếm hữu: ôm, riết, quấn, cắn bấu, uống,… bằng những động từ mang sắc thái vật chất trần tục thì thơ Lưu Trọng Lư lại rất giàu những từ ngữ diễn tả tâm trạng, cảm xúc mong manh, tinh tế của người phụ nữ. Trong Tiếng thu ta bắt gặp rất nhiều từ ngữ cảm giác như:

ngơ ngác, ngẩn ngơ, bỡ ngỡ, bàng hoàng, thổn thức, rạo rực, xào xạc,… đó là trạng thái của người phụ nữ chỉ sống với nội tâm của mình mà ít hướng ra ngoại giới:

Em không nghe mùa thu, Dưới trăng mờ thổn thức. Em không nghe rạo rực, Hình ảnh người chinh phu. Trong lòng người cô phụ…

Cả bài thơ có sự phối hợp tài tình của âm thanh, hình ảnh tạo nên một âm điệu thật trong trẻo, êm dịu, thanh tao. Đặc biệt là ở câu đầu với toàn thanh bằng, mở ra một nền nhạc trong sáng, tiếp đến những câu giữa các khổ thơ khép lại bằng các từ láy vần trắc tạo nên cái cảm giác xôn xao ở bên trong của người phụ nữ.

Cũng với cách diễn tả trên, Lưu Trọng Lư đã viết nên những câu thơ đầy cảm giác trong bài thơ Hoàng hôn:

Bên thành con chim con Hót nỉ non

Giục lòng em bồn chồn

Buổi hoàng hôn… Em chỉ hận

Sao em ngớ ngẩn

Những từ ngữ bồn chồn, ngớ ngẩn ở những câu thơ trên là những từ láy, là những nốt nhấn tạo cảm giác của một niềm đau như nuốt vào bên trong, là sự tàn phai rơi rụng của hạnh phúc trong sự trôi chảy của thời gian mà người phụ nữ không thể nắm giữ được.

Là một nhà thơ thiên tài nhưng lại phải sống một cuộc đời đầy đau khổ, chịu cảnh đau đớn của căn bệnh nan y nên thơ Hàn Mặc Tử là sự kết tinh của cả những đau đớn về thân xác và tinh thần. Để vượt qua nỗi đau ấy, nhà thơ đã tìm đến tình yêu. Trong thơ ông, cảm xúc tình yêu luôn gắn liền với hình tượng nữ giới, đó là những người con gái đẹp, có tên hoặc không tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Ngọc Sương, Mộng Cầm, gái quê,… Để mô tả vẻ đẹp nữ giới, nhất là các thiếu nữ, nhà thơ thường kết hợp các danh từ mô tả với những định ngữ đặc biệt, những tính từ, động từ giàu ấn tượng cảm giác khiến người phụ nữ luôn hiện lên trong dáng vẻ đầy khêu gợi: cái môi hường, đôi má nõn, má đỏ hây hây, cặp má đỏ au au,… vì thế vẻ đẹp các giai nhân càng trở nên quyến rũ, hấp dẫn lạ thường. Đặc biệt, đi cùng với nhan sắc ấy luôn là những cảm giác, cảm xúc đầy thầm kín, ngây ngất như: thèm, ước, ngây tình, ngượng nghịu, hồi hộp, đê mê, thích, muốn, thấp thỏm, hổn hển,… Cách mô tả này khiến hình tượng nữ giới trong thơ Hàn Mặc Tử luôn mang một vẻ đẹp nhục thể ngọt ngào và rất đỗi gợi tình.

Cũng giống như Hàn Mặc Tử, việc sử dụng ngôn từ cảm giác đã giúp Bích Khê nói lên sự khát khao chiếm lĩnh vẻ đẹp của người con gái đến cao độ, như muốn chụp, vồ, ôm, riết chặt rồi xé nát ra để hưởng thụ:

Đâu đôi mắt mùa xuân tựa ngọc Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?

(Mộng cầm ca) Đôi má bây giờ tôi xát yêu

Nóng run như gió lá say chiều (Châu)

Trong quan niệm của Bích Khê, vẻ đẹp của người phụ nữ là một nguồn cảm hứng bất tận. Vẻ đẹp đó không chỉ ở tấm thân vật chất với những đường cong tuyệt mĩ mà còn cả mùi thanh sạch, hương thơm tinh khiết, buộc người ta không chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, tiếp cảm bằng da thịt mà còn có thể nhận ra mùi vị bằng khứu giác, vị giác, cảm giác. Nhờ đó trong thơ ông, một pho tượng giai nhân hiện ra trẻ trung, mơn mởn, phập phồng sự sống khiến không ai có thể hững hờ.

Ngoài ra, để những hoạt động tinh thần, tâm tư tình cảm của người phụ nữ trở nên có hồn hơn, các nhà thơ còn sử dụng những từ ngữ cảm giác hết sức đa dạng khi nói về trạng thái của con người như: buồn, tủi, đau khổ, xót xa, thương nhớ, mỏi mòn,… Chẳng hạn: Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt/ Lạnh lùng em tủi với trăng khuya, Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi/ Mấy lần cô gái mỏi mòn trông (Nguyễn Bính), Rò hoa ngày lụi, màng hoa úa/ Hoa đã vì em chịu xót xa (Lan Sơn),… Tất cả đều thể hiện một tâm hồn luôn khát khao hạnh phúc của người phụ nữ.

Nếu như các tác giả cổ điển thường nhìn nhận sự vật, hiện tượng trong những thuộc tính quy luật mang tính phổ quát, vĩnh viễn thì ngược lại các nhà Thơ mới lại rất chú ý đến những cảm xúc mơ hồ hay những ấn tượng, cảm giác chỉ xảy ra trong khoảnh khắc, tươi tắn, mong manh. Để đạt được điều này, các nhà Thơ mới không ngần ngại dò xét cái thế giới bên trong, lượm lặt từng sợi tơ mềm yếu, từng mảnh nhớ thương, từng vạn sầu tủi. Và bằng sự nhạy bén trực giác, họ đã “nghe thấu sự mơ hồ, như đã thạo dò la những điều tinh tế”. Đây chính là cách thức, thủ pháp sử dụng từ ngữ mới, táo bạo, gợi những cảm xúc, cảm giác nhẹ nhàng, da diết của các nhà Thơ mới trong việc thể hiện hình tượng người phụ nữ.

Một phần của tài liệu Người phụ nữ trong thơ mới (Trang 107 - 110)

w