Hình ảnh người kỹ nữ

Một phần của tài liệu Người phụ nữ trong thơ mới (Trang 52 - 61)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Hình ảnh người kỹ nữ

Ngoài hình ảnh người con gái thôn quê, người con gái thị thành, người con gái với vẻ đẹp lõa thể,… ở luận văn này chúng tôi còn tìm hiểu một khía cạnh khác trong đời sống của người phụ nữ xưa đó là những con người vừa có nhan sắc, vừa có tài năng và lớp người này cũng chịu những đau khổ do tài sắc của mình đem lại, đó là những kỹ nữ.Tìm hiểu thân phận người phụ nữ dưới góc độ là kỹ nữ sẽ cho chúng ta hiểu hơn về số phận của những người con gái tài sắc trong xã hội phong kiến.

Thực ra, hình ảnh người kỹ nữ không phải là một đề tài mới mà là đề tài đã được khai thác nhiều trong thơ xưa. Chúng ta đã từng biết đến khúc ca lãng mạn về cuộc gặp gỡ nơi Tầm Dương giang đầu giữa một ông quan bị

biếm trích và một kỹ nữ ở buổi xế chiều của nghề hát xướng trong Tì bà hành

của Bạch Cư Dị. Con người Tầm Dương đất trích này đã khóc vì một khúc tỳ bà ai oán trên sông:

Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.

Đến nửa cuối thế kỷ XVIII hết thế kỷ XIX, nền văn học trung đại Việt Nam cũng đã cho ra đời nhiều tác phẩm viết về người kỹ nữ rất đặc sắc như:

Long thành cầm giả ca; Ngộ gia đệ cựu cơ; Điếu La Thành ca giả; Truyện Kiều (Nguyễn Du), Một ngày là nghĩa; Cảnh biệt ly; Duyên gặp gỡ; Yêu hoa; Bỡn cô đầu già (Nguyễn Công Trứ), Đĩ cầu nôm; Bóng đè cô đầu; Duyên nợ (Nguyễn Khuyến), Hát cô đầu; Thú cô đầu; Tết cô đầu; Chơi ả đào; Hỏi ông trời (Trần Tế Xương), Gặp đào hồng đào tuyết; Gặp cô đầu cũ; Tặng cô đầu hai; Tặng cô đầu Cúc; Thăm cô đầu ốm; Tặng cô đầu Phẩm (Dương Khuê), … Mỗi người phụ nữ trong các tác phẩm này đều có số phận riêng nhưng tựu trung lại họ là những người đáng được thương cảm nhất. Là phụ nữ họ đã khổ. Khoác trên mình những ưu ái của tạo hóa như sắc đẹp và tài năng, họ càng phải chịu số phận khốn cùng.Tuy nhiên, giá trị nhân đạo ở những bài thơ này vẫn mới chỉ dừng lại ở sự cảm thương, chua xót của tác giả dành cho thân phận người kỹ nữ mà chưa nói lên được khát vọng yêu đương, nỗi niềm cay đắng của những người con gái làm nghề buôn phấn bán son.

Tiếp nối tinh thần nhân đạo của các tác giả văn học Việt Nam trung đại, các nhà Thơ mới cũng đã nói nhiều, viết nhiều đến người kỹ nữ. Điểm tiến bộ, mới mẻ của các nhà Thơ mới trong việc khắc họa chân dung người kỹ nữ so với những tác giả đi trước chính là ở chỗ họ không những bộc lộ sự đồng cảm mà còn thể hiện sự trân trọng đối với người kỹ nữ qua việc để cho nhân vật của mình thể hiện khát vọng về một tình yêu chân chính và nhận thức được nỗi cô đơn, sầu tủi. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua những bài thơ như Bên sông

đưa khách của Thế Lữ, Lời kỹ nữ, Nguyệt cầm của Xuân Diệu, Đàn nguyệt của Hàn Mặc Tử, Cảnh đoạn trường của Thái Can, Giang hồ của Lưu Trọng Lư,

Bi xuân nương của Phan Văn Dật, Dâng tình của Vũ Hoàng Chương,…

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã viết:"Thế Lữ là một người khát yêu, lòng mở sẵn để đón một tình duyên không thấy tới. Mối tình yêu không người yêu ấy man mác khắp cỏ cây mây nước" [68, tr.59]. Tình duyên ấy, tình yêu ấy được Thế Lữ trải dài trong bài thơ Bên sông đưa khách. Ngay ở lời đề từ của bài thơ, Thế Lữ đã viết "Tặng tác giả Đời mưa gió, Lòng em như nước Trường Giang ấy/ Sớm tối theo chàng đến Phúc Châu". Bài thơ là lời bộc bạch, tâm tình "xót xa thay cái giống giang hồ" của người kỹ nữ một đời "bên sông đưa khách" nhưng không đón nhận được một tình cảm thực thụ nào:

Thuyền khách đi rồi tôi vẫn cho Lòng tôi theo lái tới phương mô? Bâng khuâng trong cõi sầu vô hạn. Không khóc, vì chưng nước mắt khô. Đâu biết rằng anh cũng chỉ là

Khách chơi giây lát ghé chơi qua; Rồi thôi, níu áo không tình nữa, Để mặc mình ai khổ ước mơ.

Có thể nói, Thế Lữ đã nhập vào người kỹ nữ để nói lên khát vọng yêu - một thứ tình yêu dữ dội, mãnh liệt không bờ bến. Đó như là tiếng đồng vọng của Thế Lữ dành cho người kĩ nữ:

Mà biết vô duyên vẫn cứ mong, Trăm năm ôm mãi mối tình không, Trọn đời làm kẻ đưa thuyền khách: Thuyền chẩy, trơ vơ đứng với sông.

Cũng như Bên sông đưa khách, Lời kỹ nữ của Xuân Diệu đã nói đến mối tình chớp nhoáng giữa khách làng chơi với gái giang hồ. Bài thơ được khơi nguồn từ hình ảnh Đỗ Thập Nương - người kĩ nữ tài hoa trong cuộc đời cũ gặp nhiều xót xa, bi kịch. Đọc bài thơ, dễ dàng nhận thấy Xuân Diệu đã hóa thân vào nhân vật trữ tình "em" để nói lên số phận của người kỹ nữ đồng thời nói lên tâm trạng của chính mình. Với một trái tim tha thiết yêu thương, luôn "mở hồn ra đón những vang động của đời" tác giả đã thấu hiểu nỗi tuyệt vọng của người kỹ nữ trước những mối tình chợt đến chợt đi, trước nỗi cô đơn đang bủa vây, bao phủ:

Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn Chớ để riêng em phải gặp lòng em.

Dường như càng mở rộng lòng mình thì người kỹ nữ càng cô đơn, tuyệt vọng. Càng khao khát thì người du khách kia càng đi xa. Nỗi đắng cay về thân phận, sự hụt hẫng của người kỹ nữ. Những câu thơ kết bài như những khúc giao hưởng tô đậm thêm nỗi đơn lẻ của người kỹ nữ mà số phận trớ trêu đã đưa đẩy họ gặp những vị khách lãng du đi tìm mối giải sầu trong chốc lát, khiến độc giả không thể không chua xót:

Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt

Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi Người viễn du lòng bỗng nhớ xa khơi, Gỡ tay vướng để theo lời gió nước Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi. Du khách đi - Du khách đã đi rồi!

Tình yêu của người kỹ nữ không giữ nổi bước chân của người khách lãng du cũng như tình cảm thật của người nghệ sĩ bị người đời phũ phàng cự

tuyệt. Tác phẩm là tiếng vọng của một thời đại, đạt tới tầm trí tuệ cao và ý nghĩa nhân bản sâu sắc.

Sau Lời kỹ nữ, Xuân Diệu viết tiếp Nguyệt cầm. Đây cũng là bài thơ mang trong đó hơi thở của những kỹ nữ, những mĩ nhân bạc phận. Chúng ta có thể bắt gặp trong Nguyệt Cầm một cô Cầm của Nguyễn Du, một ca kỹ của Bạch Cư Dị. Cái cảnh Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách/ Chạnh hơi thu lau lách đìu hiu trong Tì bà hành gần như được xây dựng trở lại vẹn nguyện trong Nguyệt Cầm. Với bài thơ này, Xuân Diệu đã đẩy nỗi cô đơn lên đến tận cùng:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh, Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần. Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Bài thơ là sự ngất ngây trước vẻ đẹp thần tiên của nhạc và sự đắm say lẫn xót xa trước tai họa và thân phận ca kỹ. Nếu không có sự cảm thông chia sẻ, không có sự thấu hiểu con người thì Xuân Diệu không thể viết lên một

Nguyệt cầm xúc động đến vậy. Đúng như lời của tác giả Chu Văn Sơn: "thời gian có thể còn sàng lọc tước bỏ nhưng Nguyệt cầm sẽ vẫn cứ là cái đỉnh chóp của sự nghiệp thi ca của nhà thơ mới nhất trong những nhà Thơ mới. Bầu

Nguyệt cầm vào hàng tinh hoa của Thơ mới và Thơ Việt hẳn không phải là lá phiếu vội vàng" [62].

Cùng với Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử cũng có bài thơ vịnh một kỹ nữ trẻ gảy đàn nguyệt là "Mệ Dung ca sĩ Huế". Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 8 câu nhưng đã nói lên được cuộc đời người kỹ nữ:

Bạc mệnh đàn chơi đau nửa kiếp Đồng tâm tơ buộc chặt quanh năm

Mười khúc đoạn trường say chửa tỉnh Thuyền ai ngấp nghé muốn ôm cầm.

Song, so với những bài thơ viết về người kỹ nữ trong Thơ mới 1932 - 1945 thì bài thơ Đàn nguyệt của Hàn Mặc Tử chưa thực sự khái quát hết được cuộc đời đau khổ của kiếp ca nữ. Mà sự đau khổ tận cùng của kiếp người này phải đợi đến Thái Can mới lột tả hết được.

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã nhận định: "Người thực lòng thương những gái giang hồ, người thống trách xã hội đã dẫn họ vào đường trụy lạc" [68, tr.250-251]. Đúng vậy, trong thơ Thái Can, những mảnh đời của những ca nhi, vũ nữ chiếm hồn thơ của ông rất nhiều. Cuộc sống của những thân phận ấy xuất hiện trong thơ Thái Can như những tiếng uất ức, nghẹn ngào và nó như muốn đạp đổ những gì bất công trong xã hội. Bài thơ Cảnh đoạn trường là một ví dụ cụ thể. Đây là bài thơ viết về cô kỹ nữ xinh đẹp về sau phải quên sinh nhưng không chết, đã được tác giả cực tả bằng những câu thơ xúc động.

Cuộc đời người kỹ nữ trong Cảnh đoạn trường của Thái Can là một cuôc đời thê thảm, không quê, không quán, không cha không mẹ. Cô phải dấn thân vào hồng lâu, phải "Lụy từ nô bộc đến công hầu. Rồi lại giạt trôi trường khiêu vũ. Hết lòng chiều khách lại chiều chủ". Dù phải sống một cuộc đời lăn lóc, đem thân làm thú vui vạn người, nhưng trong trái tim người kĩ nữ vẫn hun đúc một ước mơ được "êm đềm trong giấc mộng loan chung". Nhưng cũng giống như bao người kỹ nữ khác tình yêu đó không thành, chỉ vì Khách nhớ quê xa trở gót về. Trong tột cùng đau đớn nàng hiểu rằng "vào chỗ bùn lầy nghề kỹ nữ" thì không thể thoát ra được nên quyết quyên sinh:

Thân em thật đã bùn than lấm Lòng tuyết, e còn giữ tiết trinh.

Nhưng người kỹ nữ đó đã không chết, nàng vẫn sống, vẫn tồn tại, để đón nhận những lời chân thành nhất từ nhà thơ Thái Can:

Đứng dậy, em ơi! Sống cõi đời, Đời dầu khổ nhục đến mười mươi, Em nên điểm phấn tô son lại, Ngạo với nhân gian một nụ cười.

Ngày mai ở mãi chốn chân trời Trong cảnh gia đình ấm áp vui Một phút trầm ngâm anh sẽ khấn Cho em trở lại được tươi cười.

Nói đến hình ảnh người kỹ nữ, chúng ta cũng không thể không nói đến bài thơ Giang hồ của Lưu Trọng Lư. Người kỹ nữ trong thơ Lưu Trọng Lư là những cô gái giang hồ đằm thắm, lả lơi:

Hãy nhích lại đưa tay ta nắm

Hãy buông ra đằm thắm nhìn nhau. Rồi trong những phút giây lâu, Mắt sầu gợn sóng, lòng đau rộn tình.

Những cô gái phận mỏng như cánh hoa ấy, chỉ vì vướng nợ cầm ca mà phải gửi thân nơi đất khách. Đây cũng là một sự chia li, chia li mãi mãi giữa khách tri kỉ - người tri âm:

Nàng xưa… vốn một loài trăng gió Cũng vì vương víu nợ cầm ca Một đi lìa cửa lìa nhà,

Nắm xương tàn lạnh phương xa gửi nhờ.

Bởi vậy, Lưu Trọng Lư đã thương tiếc, đã nhỏ lệ cho một tiếng đàn tranh, khóc cho người đánh đàn đã chết:

Đêm nay họa có mình ta Đốt hương trầm cũ chờ ma dạo đàn

(Giang hồ)

Cũng viết về người kỹ nữ giang hồ như Lưu Trọng Lư nhưng ở bài thơ

Bi xuân nương, Phan Văn Dật đã thể hiện một cách trần trụi hơn, đời thực hơn về nỗi buồn "xuân qua hoa tàn" của đời kỹ nữ:

Em là gái giang hồ, Hầu hạ người khách du; Vì tiền khách bán thịt Mặc lòng khách giày vò. Khách bảo gì em vâng,

Em đã bán mình rồi, Nhị đào người chán chơi.

Chính vì ý thức được "cảnh đoạn trường" của mình, nên người kỹ nữ trong bài Bi xuân nương của Phan Văn Dật không dám đến với tình yêu, né tránh tình yêu bằng sự than vãn:

Gặp nhau đừng nhớ nhau, Em đau mà khách đau. Đừng trêu nhau nợ cũ, Dòng châu thả dòng châu. Muốn hỏi xin đừng hỏi Biết ra chi thêm tủi. Cố nhân gì em đây? Đồ chơi cho trăm mối.

Cùng chung cách cảm, cách nghĩ của Phan Văn Dật, Vũ Hoàng Chương cũng đã viết lên câu chuyện buồn của người kỹ nữ trong bài Dâng

tình. Bài thơ như lời trần tình của người kỹ nữ trước cảnh sống cơ cực về mặt tinh thần của mình. Câu thơ nối tiếp, liền mạch tạo nên một câu chuyện buồn của kiếp cầm ca:

Lũ chúng em ca nhi,

Đón dâng chàng, một buổi, Nỗi yêu mê cuồng dại nén từ lâu. Rồi mai đây chàng rong ruổi, Thuyền buộc sông mưa, Ngựa dừng trăng khuyết,

Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt, Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu.

Qua những bài thơ trên có thể thấy, kỹ nữ là những người rất đáng thương trong xã hội mà sắc đẹp, tài năng của con người bị xem nhẹ, mua vui. Các nhà thơ đã khóc cho người kỹ nữ là bởi "cùng một lứa bên trời lận đận". Họ là những người có sắc có tài bị vùi dập trong xã hội phong kiến mà như nhà thơ J. Leiba (Lê Văn Bái) đã viết:

Người đẹp vẫn thường hay chết yểu, Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai.

(Hoa bạc mệnh)

Tóm lại, hình ảnh người kỹ nữ trong Thơ mới đã khơi sâu vào tâm thức của thời đại, có ý nghĩa nhân đạo cao cả. So với người kỹ nữ trong thơ xưa, người kỹ nữ trong Thơ mới đã được các nhà thơ khắc họa sâu sắc hơn. Không chỉ dừng lại ở sự cảm thông, thương xót mà các nhà Thơ mới còn để cho người kỹ nữ được cất lên tiếng nói yêu đương và khao khát về một cuộc sống hạnh phúc. Người kỹ nữ trong Thơ mới không coi cuộc đời lấy tiếng hát mua vui làm nguồn sống mà ngược lại việc họ phải dấn thân vào cuộc đời nhơ nhớp "Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma

không chồng" là chuyện cực chẳng đã. Tất cả là vì sinh kế. Bi kịch là ở chỗ đó. Người kỹ nữ buộc phải sống cuộc sống mà mình không bao giờ muốn. Họ đau khổ, dằn vặt thậm chí là muốn quyên sinh để ít nhất họ còn tìm lại được chính mình. Có thể nói, các nhà Thơ mới đã thực sự vươn tới cái nhìn hiện thực tiến bộ tạo cơ sở cho việc bộc lộ sự trân trọng, thương cảm của mình đối với người kỹ nữ.

Một phần của tài liệu Người phụ nữ trong thơ mới (Trang 52 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w