7. Cấu trúc của luận văn
2.1.3. Góc nhìn thẩm mỹ
Mỗi thời đại, mỗi dân tộc đều có cách nhìn nhận riêng về thế giới thẩm mỹ. Thẩm mỹ ở đây được hiểu là cái đẹp, là sự cảm thụ về cái đẹp. Các nhà Thơ mới từ góc nhìn thẩm mỹ đã cho chúng ta thấy rõ vẻ đẹp tiềm tàng của người phụ nữ Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau của cuộc sống.
Dù ở đâu hay thời đại nào con người vẫn luôn không ngừng hướng tới cái đẹp. Người phụ nữ là một trong những cái đẹp mà tạo hóa đã ban tặng và cũng là cái đẹp được nhiều người đón nhận, chiêm ngưỡng hơn cả. Từ hình tượng chung của người phụ nữ trong mọi thời đại, các nhà Thơ mới đã biệt hóa hình tượng người phụ nữ của mình bằng một vẻ đẹp mang đậm tính thẩm mỹ, lí tưởng. Song cần phải nói ngay rằng, vẻ đẹp thẩm mỹ, lí tưởng này thực chất là kết quả mô tả của một cái nhìn chủ quan hóa, lí tưởng hóa trong cái tôi nhà thơ. Điều này xuất phát từ đặc điểm tâm lí phổ biến của con người đã được đúc kết bởi khoa học tâm lí, đó là khi nói về phụ nữ, người ta thường nói tới cái đẹp. Các nhà Thơ mới cũng vậy, họ luôn có khuynh hướng lí tưởng hóa người phụ nữ bằng những hình ảnh, những từ ngữ giàu tính nghệ thuật. Mặt khác, việc mô tả người phụ nữ dưới góc nhìn thẩm mỹ cũng xuất phát từ quan niệm thẩm mỹ học của các nhà thơ lãng mạn, vốn hết sức đề cao những giá trị tinh thần, lí tưởng cao cả. Bởi vậy, có thể nói hình tượng người phụ nữ đã thể hiện một cách tập trung nhất quan niệm của các nhà Thơ mới về cái đẹp, về lí tưởng. Vì lẽ đó, chúng ta thấy khi viết về người phụ nữ dù đó là các cô gái hay các chị, các mẹ,… thì các nhà Thơ mới đều miêu tả họ trong cái nhìn ưu ái, thiện cảm về vẻ đẹp hình thức cũng như vẻ đẹp tâm hồn.
Đặc biệt, cùng với sự xuất hiện của một quan niệm tích cực về giá trị cá nhân, vẻ đẹp thể chất của người phụ nữ cũng được ngợi ca một cách xứng đáng. Với các nhà Thơ mới, thân thể người phụ nữ thực sự là một thứ “ngôn ngữ” đặc biệt để chuyển tải những khát vọng sống, khát vọng yêu đương trẻ trung, rạo rực và sôi nổi. Tuy nhiên, cách miêu tả thân thể người phụ nữ trong Thơ mới luôn dừng lại trên ngưỡng cảm xúc thẩm mỹ thanh sạch. Các bộ phận trên cơ thể đều được các tác giả chọn lựa và thể hiện theo nguyên tắc thi vị hóa, lí tưởng hóa. Tiêu biểu cho vẻ đẹp thể chất này là người phụ nữ trong thơ Bích Khê, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử. Thơ Bích Khê đầy rẫy những vẻ đẹp
lõa thể. Lấy cơ thể giai nhân làm đối tượng miêu tả, nhà thơ Bích Khê không ngần ngại khi đưa vào thơ mình những bộ phận cơ thể gây cảm giác sống sượng, dung tục như: ngực để trần, đùi non, vú nõn,… Song cũng như một số tác giả khác, nhà thơ luôn có xu hướng tinh thần hóa thể chất. Trong các bài thơ Tranh lõa thể, Bàn chân, Sắc đẹp, Hiện hình,… thân xác người phụ nữ thường được “tẩy trần” bằng các chất liệu thanh sạch và thi vị như ngọc ngà, hoa hồng, trăng, sương, mây,… Cùng với Bích Khê, Hàn Mặc Tử cũng là tác giả thường được nhắc đến với những bài thơ tình độc đáo, mang đậm màu sắc nhục thể. Trong thơ Hàn Mặc Tử, hình tượng người phụ nữ vừa hết sức gợi tình, gợi cảm, nhưng đồng thời vẫn đem lại cảm giác trong trẻo và thuần khiết kì lạ. Một mặt, nhà thơ thường mô tả các cô gái một cách rất vật chất, cụ thể với những chi tiết, hình ảnh đầy khêu gợi: cặp má đỏ au au, ngực phập phồng,… nhưng mặt khác, nhà thơ luôn có xu hướng đẩy những vẻ đẹp ấy lên thành đối tượng của sự chiêm bái, ngưỡng vọng, chứ không phải là đối tượng của sự chiếm đoạt hay hưởng thụ thân xác trực tiếp. Việc mô tả vẻ đẹp thân xác là một cách thức để các nhà Thơ mới bày tỏ quan niệm nghệ thuật riêng về vẻ đẹp của người phụ nữ. Cách mô tả này không phải xuất phát từ nền tảng thẩm mỹ mang nặng tư tưởng giáo huấn trong thơ cổ điển mà xuất phát từ quan điểm thẩm mỹ của các nhà thơ lãng mạn - “nghệ thuật vị nghệ thuật”.
Chúng ta thấy rằng, vẻ đẹp người phụ nữ tuy được mỗi nhà thơ phác họa theo một cách riêng nhưng đều hướng đến cái đích cuối cùng là khẳng định vẻ đẹp của người phụ nữ từ góc nhìn truyền thống và cách tân, tạo cho người phụ nữ trong Thơ mới 1932 - 1945 vừa có nét đẹp cổ điển của người phương Đông, vừa có nét đẹp hiện đại do ảnh hưởng của nền văn hóa thẩm mỹ phương Tây. Chính đặc điểm này đã làm nên hình tượng người phụ nữ trong Thơ mới một nét riêng, không thể trộn lẫn.
Như vậy, khi viết về người phụ nữ, các nhà thơ trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945 đã tạo ra những câu chữ, hình ảnh mang đậm tính thẩm mỹ. Nó thể hiện một nhãn quan duy cảm, duy mỹ về người phụ nữ, đã là người phụ nữ thì ai cũng đẹp, và mỗi nhà thơ có cách riêng của mình khi xây dựng nên cái đẹp dầy chất thi vị đó. Điều này cũng thể hiện một khuynh hướng sáng tạo thiên về diễn tả những cảm xúc êm đềm, “vị nghệ thuật” trước cuộc sống hiện thực trần trụi.