Hình ảnh người con gái

Một phần của tài liệu Người phụ nữ trong thơ mới (Trang 41 - 52)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Hình ảnh người con gái

Khảo sát những bài thơ trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945 viết về người phụ nữ, chúng tôi nhận thấy hình ảnh người con gái được nói đến nhiều nhất. Để khu biệt hình ảnh người con gái theo những vẻ đẹp riêng, trong luận văn này chúng tôi mạn phép chia nhỏ ra theo những hình ảnh cụ thể: Hình ảnh người con gái thôn quê; Hình ảnh người con gái thị thành; Hình ảnh người con gái với vẻ đẹp lõa thể. Việc chúng tôi tách bạch từng hình ảnh thực chất chỉ là một thao tác phân tích nhằm mục đích nhận diện kĩ càng hơn về hình tượng người phụ nữ trong Thơ mới.

2.2.1.1. Hình ảnh người con gái thôn quê

Viết về vẻ đẹp thơ ngây, mộc mạc và cuộc sống bình dị của người con gái thôn quê là một trong những nội dung được các nhà Thơ mới quan tâm.

Tác giả Đoàn Văn Cừ trong bài Chợ tết đã cho người đọc thấy nét chân quê của “cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ” và vẻ “xinh sao” của những cô nàng má thắm làm say đắm bao chàng trai trong Đám cưới mùa xuân:

Các bạn cô bằng tuổi cũng xinh sao, Hai má thắm, ngây thơ nhìn trời biếc. Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc, Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh.

Cùng cách cảm, cách nghĩ với nhà thơ Đoàn Văn Cừ, nữ sĩ Anh Thơ cũng đã miêu tả vẻ đẹp trong lao động của người con gái trong bài Chiều xuân:

Bên giếng dăm cô gái xứ quê Từng đàn vui vẻ rủ nhau về,

Trên vai nặng trĩu đôi thùng nước, Kĩu kịt đi vào lối cổng tre.

Còn tác giả J.leiba (tên thật là Lê văn Bái) lại miêu tả vẻ đẹp chốn quê của cô bé thơ ngây từ thời niên thiếu cho đến khi biết yêu:

Em nhớ năm em mới lên mười, Tóc em buông xõa chấm ngang vai, Ngây thơ nào biết em xinh đẹp, Cùng trẻ bên đường đánh chắt chơi.

(Năm qua)

Nhưng rồi, hạnh phúc cũng chẳng mỉm cười với cô khi “Ngán nỗi năm năm đưa chỉ thắm, Phòng không may áo cưới cho người”. Cảm thông về nỗi niềm của người con gái, Hoài Thanh viết: “Các nhà thơ đương thời, Thế Lữ, Đông Hồ, Thái Can, kẻ trước người sau, đều tả bằng những nét âu yếm nỗi lòng của người thiếu nữ lúc mới bén tình yêu. Nhưng không ai nói được đầy đủ như tác giả bài Năm qua, những giai đoạn của một cuộc yêu đương nhóm lên từ hồi tóc còn bỏ xõa. Ít ai nói được như Leiba bằng vui buồn của người xuân nữ” [68, tr. 239].

Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp vẻ đẹp của cô gái thơ “mơn mởn vẻ đào tơ” trong xóm làng trên của nhà thơ Đông Hồ:

Lững thững lên trường buổi sớm chiều Tập tành nghiên bút, học may thêu Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ, Ngọn xõa ngang vai, tóc bỏ đều.

(Cô gái xuân)

Hay hình ảnh rất ngây thơ, vô tư của cô gái hái mồng tơi trong bài mồng tơi của Lưu Trọng Lư:

Hoa lá quanh nàng lác đác rơi Cuối vườn đeo giỏ hái mồng tơi Mồng tơi úa đỏ đôi tay nõn Cô bé nhìn tay nhí nhảnh cười.

Hoặc vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của cô gái trong bài thơ Chùa hương của Nguyễn Nhược Pháp:

Khăn nhỏ, đuôi gà cao; Em đeo dải yếm đào; Quần lĩnh, áo the mới; Tay em cầm nón quai thao.

Đặc biệt, nói đến hình ảnh người con gái thôn quê, chúng ta không thể không nói đến nhà thơ Nguyễn Bính. Giữa một thời đại mà “sự đụng chạm phương Tây đã làm tan rã bao nhiêu bức tường thành kiên cố”, đại bộ phận các nhà Thơ mới tìm tòi, khai thác cái hồn của thơ hiện đại Pháp, thì Nguyễn Bính - một chàng thi sĩ “nhà quê” (chữ của Hoài Thanh) đã viết những câu thơ đậm chất sâu lắng, bình dị nhất về người con gái Việt Nam. Vẻ đẹp cô thôn nữ hiện lên trong thơ ông là vẻ đẹp thuần hậu, dịu dàng trong những trang phục truyền thống: yếm lụa sồi, dây lưng đũi, áo tứ thân, khăn mỏ quạ,

quần nái đen,... Hay vẻ đẹp có chút e ấp, ngượng nghịu của cô gái theo bà đi nghe hát chèo ở làng bên, lần đầu đeo đôi khuyên bạc:

Nàng đẹp mà nàng lại có duyên Trai thôn thầm liếc, liếc thầm khen Thấy họ nhìn mình, nàng quá thẹn Níu bà về để… tháo đôi khuyên

(Đôi khuyên bạc)

Chính vẻ đẹp này đã làm xao xuyến nguời đọc và kéo họ về với cội nguồn dân tộc.

Ngoài việc ca ngợi vẻ đẹp hình thức của những cô gái thôn quê, Nguyễn Bính còn đề cao vẻ đẹp tâm hồn của họ. Chúng ta có thể nhận ra sự siêng năng, chăm chỉ của cô thôn nữ trong bài Mưa xuân:

Em là con gái trong khung cửi Dệt lụa quanh năm với mẹ già Lòng trẻ còn như cây lụa trắng Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Hay vẻ đẹp đậm chất quê mùa của người con gái trong bài Áo anh:

Tằm em ăn rỗi hôm nay

Hái dâu em bận suốt ngày hôm qua Mong sao tằm tốt tơ già

May đôi áo nái làm quà cho anh.

Bên cạnh việc miêu tả sự cần cù, chịu khó của các cô thôn nữ, Nguyễn Bính còn phác họa được hình ảnh những người con gái giàu đức vị tha, luôn sống vì người khác, suy nghĩ cho người khác. Cô gái trẻ trong bài thơ Lòng nào dám tưởng của Nguyễn Bính là một người con gái như thế. Cô không dám nghĩ tới chuyện chồng con chỉ vì lo cho mẹ già và đứa em nhỏ:

Lấy ai nuôi mẹ dạy em thơ? Anh có thương em hãy cố chờ

Chưa trọn đạo con, tròn nghĩa chị Lòng nào dám tưởng tới duyên tơ.

Tiếc thay, những cô gái thôn quê chất phác, nết na trong thơ Nguyễn Bính lại gặp nhiều trắc trở, éo le trong tình yêu. Tình yêu của những cô gái quê sau lũy tre làng mong manh như chính thân phận của họ. Họ yêu, dám chạy theo tiếng nói của tình yêu nhưng cuối cùng chỉ nhận được sự phụ bạc. Hình ảnh cô thôn nữ ươm mầm hi vọng trong bài Mưa xuân khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi, chua xót:

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày Bao giờ em mới gặp anh đây Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ Để mẹ em rằng hát tối nay.

Người con gái trong bài Cô lái đò cũng không khác gì người con gái trong bài Mưa xuân. Tình yêu của “cô gái ở bến sông” cũng dợn sóng khi đã ba xuân rồi, chàng trai một đi không trở lại:

Nhưng rồi người khách tình xuân ấy Đi biệt không về với bến sông

Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi Mấy lần cô gái mỏi mòn trông...

Có thể nói, hồn thơ Nguyễn Bính thường hướng tới những cảnh ngộ éo le về duyên số. Viết về tình yêu ông hay viết về sự tan vỡ. Nguyễn Bính đã miêu tả xúc động và chân thành những mối tình quê của các cô thôn nữ. Hình ảnh cô gái quê trong thơ ông không chỉ gây ấn tượng đẹp với người đọc về sự lao động cần mẫn, cuộc sống giản dị mà còn ở sự tế nhị, kín đáo trong đời sống tình cảm. Nguyễn Bính rất có biệt tài trong việc phát hiện ra những vận động cảm xúc tâm hồn và những khát khao yêu thương của người con gái cho dù suốt tháng năm họ chỉ quẩn quanh với “trồng dâu tốt lá, chăn tằm ươm tơ” (Đàn tôi).

Nhìn chung, hình ảnh người con gái thôn quê đã được các tác giả trong phong trào Thơ mới miêu tả ở vẻ đẹp nữ tính, nhẹ nhàng với cuộc sống khá yên bình trong lao động, sản xuất. Tuy nhiên, cũng như bao cô gái khác ở thời bấy giờ, các cô gái thôn quê cũng gặp nhiều trắc trở trên con đường đi tìm kiếm hạnh phúc.

2.2.1.2. Hình ảnh người con gái thị thành

Trong giai đoạn lịch sử 1932 - 1945, bộ mặt văn hóa phát triển khá phức tạp. Phong trào Âu hóa ở các thành thị đã tạo nên nhiều đổi thay trong quan niệm sống, thị hiếu thẩm mỹ. Tầng lớp thị dân ra đời tuy lạ lẫm nhưng ít nhiều có sự hấp dẫn đối với các thiếu nữ trong buổi giao thời. Từ những cô gái chân quê lấm lem đồng ruộng, họ hóa mình thành những thiếu nữ thị thành với sự thay đổi về y phục, cách cảm, cách nghĩ. Trong số các nhà thơ cùng thời viết về nông thôn như Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ,… có lẽ Nguyễn Bính là người cảm nhận sâu sắc hơn cả sự thay đổi của các cô gái quê truớc môi trường đô thị.

Cuộc sống hiện đại suy cho cùng đã ít nhiều phá vỡ vẻ đẹp truyền thống của những người phụ nữ. Môi trường đô thị đã làm cho những mảnh tâm hồn nơi thôn dã có sự biến đổi nhưng đồng thời môi truờng đô thị cũng là một không gian lí tưởng để các cô gái mạnh dạn, tự tin khẳng định mình. Trong bài Chân quê, độc giả đồng tình với Nguyễn Bính ở phương châm “Hoa chanh nở giữa vườn chanh” và đứng về phía chàng trai ở khía cạnh chống lại sự biến chất và thay đổi nhanh chóng của cô gái quê “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”. Nhưng quan niệm về vẻ đẹp chân quê rồi cũng phải thay đổi khi môi trường sống và thị hiếu con người đổi thay:

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

Mang sẵn một quan niệm truyền thống và chút định kiến nhất định với thị thành nên Nguyễn Bính khó có khả năng phát hiện được cái đẹp của đô

thị, nhất là khi cuộc sống của nhà thơ hết sức túng quẫn. Song trong những chuyến đi của mình, tiếp xúc với văn hóa đô thị nhà thơ đã bị cái đẹp thị thành chinh phục:

Cả kinh thành có những ai

Cả kinh thành có một người mắt nhung … Đêm qua buồn quá tôi say

Đã mơ một giấc mơ đầy mắt nhung!

(Mắt nhung)

Thơ Nguyễn Bính khi viết về người thiếu nữ thị thành không còn là những cô gái hái mơ, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, lái đò,... mà ở đây là những cô gái biết đánh đàn, làm thơ, đan áo và sống trong cảnh “lầu hoa”, “đệm bông” với một tâm hồn lãng mạn:

Xe ngựa chiều nay ngập thị thành Chiều nay nàng bắt được giời xanh Đọc xong bảy chữ thì thương lắm “Vạn lí tương tư, vũ trụ tình”

(Bảy chữ)

Chính sự lãng mạn của những thiếu nữ thị thành đã làm cho bao chàng trai xao xuyến:

Chiều nay… thương nhớ nhất chiều nay Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy Tôi uống cả em và uống cả

Một trời quan tái, mấy cho say.

(Một trời quan tái)

Qua bài thơ, ta thấy người con trai đã phải lòng người con gái thị thành, một tình yêu không kém phần mãnh liệt. Và rồi cô gái thị thành đã làm chàng trai phải ghen, lối ghen của người thành thị:

Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai Đừng hôn dù thấy cánh hoa tươi Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ Đừng tắm chiều nay biển lắm người. Tôi muốn mùi thơm của nước hoa Mà cô thường xức chẳng bay xa Chẳng làm ngây ngất người qua lại Dẫu chỉ qua đường khách lại qua.

(Ghen)

Đến với làng thơ trong bộ áo nâu sồng, đầu buộc chiếc khăn ấy vậy mà nhà thơ chân quê Nguyễn Bính đã thể hiện sự ghen tuông với “cô nhân tình” thành thị thật dễ thương. Phải chăng Nguyễn Bính ít nhiều cảm nhận được bức tường ngăn cách giữa chàng trai thôn quê và cô gái thành thị?

Hồn tôi giếng ngọc trong veo

Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh Hồn cô cát bụi kinh thành

Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe.

(Tình tôi)

Tìm hiểu những bài thơ có hình ảnh người con gái thị thành chúng tôi thấy người con gái thị thành cũng yêu, yêu hết mình và cũng gặp những trở ngại trong tình yêu. Ở họ cũng có nét đẹp duyên dáng, nhẹ nhàng như những cô gái thôn quê dù cách ăn mặc, cử chỉ, hành động có khác.

Cùng với hình ảnh người con gái chân quê, hình ảnh người con gái thị thành đã mang lại một sức sống mới, một luồng gió mới trong việc thể hiện hình tượng người phụ nữ của các nhà Thơ mới. Khách quan mà nói, đây là một điều đáng cổ vũ, nó cho thấy sự tự thay đổi mình, tự giải phóng mình ra khỏi giềng mối đạo đức khắt khe trói buộc nguời phụ nữ bao đời nay. Đấy là điều mà các nhà thơ cũ chưa làm được.

2.2.1.3. Hình ảnh người con gái với vẻ đẹp lõa thể

Thơ trữ tình cổ điển ít quan tâm đến việc miêu tả vẻ đẹp thể chất của con người, hay nói cách khác, vẻ đẹp thể chất chưa khơi dậy được nguồn cảm hứng sáng tạo ở các nhà thơ. Điều này xuất phát từ việc thơ trữ tình cổ điển chưa đề cao con người cá nhân, cá thể. Đúng như nhận định của Trần Đình Sử, trong thơ cổ điển “sự nhị phân thân thể với tinh thần dẫn đến đề cao ngôn ngữ tinh thần - đạo đức, thân thể con người bị hi sinh, bị chà đạp, kiêng kị nhất là thân thể phụ nữ. Thân thể có khi rất đẹp, vẫn bị coi là cái phần thô, xấu, dung tục, cần phải được che đậy” [65]. Nhưng đến Thơ mới, cùng với sự xuất hiện của một quan niệm tích cực về giá trị cá nhân, cái tôi trữ tình đã ý thức rất rõ vẻ đẹp thể chất của người phụ nữ, mà cụ thể là vẻ đẹp lõa thể. Thế Lữ, Xuân Diệu, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Bích Khê là những nhà thơ nói nhiều đến vẻ đẹp lõa thể của người phụ nữ.

Trong bài Vẻ đẹp thoáng qua, Thế Lữ đã miêu tả vẻ đẹp của những cô gái ở gần Lạc Hồ như những nàng tiên cái thế:

Hồ trong như ngọc tấm thân ngà Lồ lộ da tiên, thô sắc hoa.

Nhà thơ Xuân Diệu trong bài Đẹp thì cho rằng:

Em đẹp khi em phồng nét ngực Hít không gian và ngó thẳng trời xa.

Hàn Mặc Tử trong bài Nụ cười cũng miêu tả vẻ đẹp người thiếu nữ một cách táo bạo:

Ống quần vo xắn lên đầu gối Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình.

Còn nhà thơ Đinh Hùng thì ngợi ca sắc đẹp của người phụ nữ đến mức tôn thờ, tự hạ mình xuống thân phận của kẻ nô lệ sắc đẹp:

Em đài các, lòng cũng thoa son phấn Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ.

Với tinh thần sùng bái nữ sắc như thế, nhà thơ Đinh Hùng không dấu diếm cảm xúc của mình, tác giả thổ lộ:

Ta dắt em lên ngai Thờ Nữ Sắc

Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da Buổi em về, xác thịt tẩm hương hoa

Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết Ôi cám dỗ cả mình em băng tuyết Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân.

(Kỳ nữ)

Đặc biệt, nói đến vẻ đẹp lõa thể của người phụ nữ trong Thơ mới, không thể không nói đến Bích Khê. Thơ Bích Khê là thơ về cái đẹp lõa thể. Quan niệm “người thi nhân vẻ đẹp của khiêu dâm” của Bích Khê mang một tinh thần cách tân mãnh liệt, nó là sự “xé rào”, “phản ứng” lại với quan niệm truyền thống. Quan niệm đạo đức và thẩm mĩ truyền thống của người phương Đông trong đó có Việt Nam không chấp nhận sự xuất hiện công khai của dục tính. Những ham muốn bản năng, thân xác bị coi là một tội lỗi. Nhưng đến thơ Bích Khê, cảm xúc nhục thể mới được nói đến như một thứ xúc cảm nhân bản của con người. Những bài thơ Tranh lõa thể, Sắc đẹp, Cô gái ngây thơ, Châu, Trái tim,… thực sự đã dựng lên những pho tượng tuyệt mĩ, trẻ trung, tròn đầy, thơm mát, có sức mời mọc, khêu gợi, kích thích mãnh liệt nhưng cũng rất tinh khôi, thanh sạch. Bích Khê không ngại ngần nói nhiều đến vẻ đẹp của những vú nõn, thớ thịt, đùi non, háng,… nhưng những vẻ đẹp ấy đi vào tác phẩm đã được khoác những ý vị nên thơ của hương, của nhạc, của trăng, của tuyết, nó đã mất đi vẻ đẹp trần truồng, dâm đãng khiến người đọc không hề cảm thấy nhục dục mà ngược lại rung cảm đến tận cùng:

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm? Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?

Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường; Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.

Một phần của tài liệu Người phụ nữ trong thơ mới (Trang 41 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w