Hình ảnh người thiếu phụ

Một phần của tài liệu Người phụ nữ trong thơ mới (Trang 61 - 64)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.3.Hình ảnh người thiếu phụ

Không dừng lại ở việc xây dựng hình tượng người con gái, các nhà Thơ mới còn rất thành công trong việc xây dựng hình tượng người thiếu phụ. Họ là những người phụ nữ đã có chồng nhưng không được sống gần chồng, suốt ngày vò võ đợi trông.

Một trong những nhà thơ khắc họa rõ nét tâm tư tình cảm của người thiếu phụ mà chúng ta không thể không kể đến đó là nhà thơ Lưu Trọng Lư. Người thiếu phụ trong thơ Lư Trọng Lư trước Cách mạng tháng Tám mang dáng dấp của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm. Đó là những người phụ nữ chất chứa nỗi u buồn, cô đơn vì xa cách:

Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức Em không nghe rạo rực Hình ảnh kẻ chinh phu Trong lòng người cô phụ.

(Tiếng thu)

Có thể nói, hồn thơ Lưu Trọng Lư vô cùng nhạy cảm và tinh tế. Chỉ có một tâm hồn nhạy cảm, mộng ảo như Lưu Trọng Lư mới có thể lắng nghe tiếng “rạo rực”, “thổn thức” của người cô phụ dưới trăng mờ. Nhà thơ có khả năng nắm bắt và diễn tả một cách tinh tế những cảm xúc mơ màng, bàng bạc lan thấm vào ngõ ngách tâm hồn của người cô phụ, làm rung động đến tận

đáy sâu tình cảm của người đọc. Người cô phụ trong Tiếng thu dường như cháy cạn mình trong những đêm trăng “thổn thức”, “rạo rực”. Cuộc đời của họ ngập tràn nỗi buồn tủi, xa cách. Sự xa cách này một lần nữa được Lưu Trọng Lư nhắc đến trong bài thơ Một mùa đông:

Thuyền yêu không ghé bến sầu Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng

Xa người chồng yêu thương đầu gối tay ấp, họ giống như người chinh phụ xưa ngóng chờ chinh phu nơi muôn dặm quan san. Họ lặng lẽ gặm nhấm nỗi buồn và nuốt lệ vào trong:

Dặn rồi chàng lại ra đi,

Gượng cười gượng nói lúc phân kỳ. Buồn không về nuốt lệ,

Âm thầm em nén khúc tương ty. … Bên khóm mai gầy một sớm thu, Lòng sao thắc mắc mối sầu u, Vắng chàng quên cả lời chàng dặn, Dạ buồn lại thổi tiếng vi vu.

(Vắng chàng)

Nỗi bồn chồn, trống trải của người thiếu phụ còn được Lưu Trọng Lư diễn tả một cách sâu sắc trong bài Hoàng hôn. Bằng một loạt câu thơ cùng vần với nhịp dài ngắn xen kẽ, buông lửng nhà thơ đã nói lên được cuộc đời dang dở, giữa đường đứt gánh của người thiếu phụ. Đặc biệt, nổi lên ở đoạn sau là những vần trắc trong một nhịp ngắn như một nỗi đau nuốt vào bên trong, tạo được xúc cảm cho độc giả:

Em chỉ hận Sao em ngớ ngẩn

Cũng với nhịp điệu như thế, trong bài thơ Xuân về, nhà thơ Lưu Trọng Lư một lần nữa nói đến tình cảnh lẻ loi của người thiếu phụ:

Rồi ngày lại ngày Sắc màu: phai Lá cành: rụng Ba gian: trống Xuân đi

Chàng cũng đi.

Nhờ tạo ra những câu thơ đi từ dài đến ngắn và ngắt quãng đột ngột, từng tiếng, từng tiếng buông xuống, Lưu Trọng Lư đã đưa đến cho người đọc một cảm giác rơi rụng, vỡ vụn về giấc mơ hạnh phúc của người thiếu phụ trong sự trôi chảy một đi không trở lại của thời gian.

Có thể nói, chứng kiến bao cuộc chia li, nhà thơ là người hiểu hơn ai hết tâm trạng cô đơn, khắc khoải, lặng lẽ chờ đợi trong xa cách của những người phụ nữ sống xa chồng. Bởi thế, trước Cách mạng tháng Tám, khi viết về người phụ nữ, Lưu Trọng Lư thường hay nhắc tới hình ảnh người thiếu phụ một cách chua chát, xót xa.

Khác với người đàn bà tuyệt đối trong thế giới vĩnh cửu của Đinh Hùng, người phụ nữ trong thơ Lưu Trọng Lư mang tâm trạng của người cô phụ vọng phu, mang dáng dấp của những giai nhân trong cửa với những tình cảm có tính chất trần thế nhân bản - đó là nỗi u hoài sầu mộng là cảm giác cô đơn, chia biệt, là dự cảm về sự vô vọng, tan vỡ. Trong thơ Lưu Trọng Lư, ta thấy ông đề cập đến người phụ nữ trong tính chất thân phận, cuộc sống của họ mong manh như thân kiếp của cái đẹp.

Kiếp trước hoa là thiếu nữ Sống một kiếp vạn người thương Chết vô duyên vùi bên đường

Một nắm đất vàng Dãi nắng dầm sương

(Hoa bên đường)

Số phận của họ vô định, trôi nổi, chén rượu đào ngày cưới cũng là dấu hiệu của thời xuân sắc đã cạn, sau hương rượu nồng cuộc đời vĩnh viễn là lạnh giá của mùa đông. Lưu Trọng Lư đã viết về những người phụ nữ ấy bằng niềm thi cảm mênh mông vời vợi và sự tri âm da diết. Hình như, trong thân phận bạc bẽo, yếu đuối của họ, nhà thơ thấy cả cái bé nhỏ cô độc của mình.

Một phần của tài liệu Người phụ nữ trong thơ mới (Trang 61 - 64)