7. Cấu trúc của luận văn
1.1.3. Người phụ nữ trong thơ ca hiện đại
Từ năm 1900 đến đầu những năm 1930 của thế kỷ XX, chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán, chữ Nôm, điều này đã tạo điều kiện cho công chúng tiếp xúc với sách báo nhiều hơn. Đây là một trong những nhân tố góp phần đổi mới văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hóa. Thành tựu chủ yếu của văn học giai đoạn này là thơ văn của các chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,… thơ ca cách mạng đầu thế kỷ lên tiếng đấu tranh đòi nữ quyền, đòi bình đẳng.
Đến những năm 30 của thế kỷ XX, cái khát khao thể hiện cá tính, khẳng định vị trí con người cá nhân, cái tôi cá nhân mới được đẩy lên bằng hành động, việc làm cụ thể, tiêu biểu là phong trào Thơ mới (1932 - 1945). Thơ mới giai đoạn này đã dành những vần thơ trang trọng, đẹp đẽ cho người phụ nữ. Đó là những người mẹ, người chị, người em trong thơ Lưu Trọng Lư, Thâm Tâm, Nguyễn Bính,….
Em ơi em ở lại nhà
Mẹ già một nắng hai sương Chị đi một bước trăm đường xót xa
(Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính)
Đặc biệt là hình ảnh em - người con gái. Có thể thấy, hình ảnh em là suối nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao thi sĩ, trở thành một đối tượng thẩm mĩ xuyên suốt trong hành trình sáng tạo tơ ca của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê,… Em trở thành linh hồn, hơi thở và cuộc sống của những người đàn ông, không có em cuộc đời sẽ trở nên tẻ nhạt và vô nghĩa:
Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm, Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm, Mà ánh sáng nhòa dần cùng bóng tối.
(Tương tư chiều - Xuân Diệu)
Dưới ngòi bút của các nhà thơ, hình ảnh người phụ nữ trong giai đoạn này cũng ít than thân trách phận hơn, mà chủ yếu được khai thác ở nét đẹp giản dị và những công việc đời thường:
Nét cười đen nhánh sau tay áo Trong ánh trưa hè trước giậu thưa
(Lưu Trọng Lư)
Từ năm 1945 - 1975, văn học nói chung và thơ ca nói riêng đã có những bước chuyển mình quan trọng. Cả đất nước nằm trong thế trận chiến tranh nhân dân và dưới ánh sáng của lí tưởng mới. Hơn bao giờ hết, hình ảnh người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp mới - vẻ đẹp của những con người bình dị đã được giải phóng, được tháo ra khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến để hòa mình vào công cuộc chung của đất nước. Đó là hình ảnh kiên cường dũng cảm của mẹ Suốt trong thơ Tố Hữu:
Sợ chi sóng gió tàu bay,
Tây kia đã thắng Mỹ này chẳng thua.
Đó là những cô thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn:
Em đứng bên đường như quê hương; Vai áo bạc quàng súng trường
(Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi)
Đó là hình tượng người mẹ cụ thể đã được khái quát lên thành hình tượng Tổ quốc trong thơ Lê Anh Xuân:
Mẹ lưng còng tóc bạc tần tảo sớm hôm Nuôi các anh ta dưới hầm bí mật
Cả đời mẹ hi sinh gan góc Hai mươi năm giữ đất giữ làng Mẹ là mẹ Việt Nam.
(Trở về quê nội - Lê Anh Xuân)
Đó còn là hình ảnh của những người phụ nữ trong bài thơ Ca ngợi người phụ nữ Việt Nam (1966) của Huy Cận: Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử; Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ. Ở bài thơ này, nhà thơ như hóa thân vào người phụ nữ để tự hào mà nhủ thầm rằng: trong cuộc sống hôm nay, người phụ nữ là một phần của lịch sử, họ tạo nắng cho nhân gian và tạo nắng cho thơ - nghĩa là họ làm đẹp cho cuộc đời, họ cũng là cảm hứng của thi sĩ.
Đối với các nhà thơ thời kỳ này, viết về người phụ nữ dường như là nguồn đề tài không hề vơi cạn. Bằng giọng điệu tâm tình, các tác giả đã ngợi ca và tôn vinh vẻ đẹp của những người bà, người mẹ, người bạn gái thân yêu giữa những công việc đời thường. Họ đã sống xứng đáng với tám chữ vàng danh dự mà Bác Hồ trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Nét đẹp của họ là nét đẹp ở tư chất khỏe khoắn, cân đối, hài hòa giữa hình thức với cuộc sống thực tại. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh kiên trung, bất khuất của người con gái Việt Nam trong thơ Tố Hữu: Thịt da em hay là sắt là đồng. Hay vẻ đẹp của đôi má hồng hào giữa bộn bề lao động: Ngọn gió đông làm ửng má em hồng (Hậu phương - Xuân Quỳnh).
Ngoài ra, thơ ca trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ còn có những bài thơ bày tỏ nỗi niềm về tình yêu, về những tâm sự, khát khao hạnh phúc của người con gái khi yêu:
Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức.
(Sóng - Xuân Quỳnh)
Có thể nói, văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 đã chú trọng khắc họa hình ảnh người phụ nữ tràn đầy sức sống và phẩm chất bất khuất của nữ giới trong chiến tranh. Khi đất nước thống nhất, nhân dân được sống trong cảnh hòa bình, những người vợ, người mẹ, người chị anh hùng trong chiến đấu lại trở về với bổn phận thiêng liêng và cao cả của họ là làm vợ, làm mẹ một cách trọn vẹn, đầy đủ hơn. Họ vẫn giữ được những vẻ đẹp riêng và đi vào trang viết của các nhà thơ như những bức tượng đài minh chứng cho sức sống bất diệt của người phụ nữ Việt Nam.
Sau 1975, đất nước bước vào thời kì đổi mới, văn học vẫn không ngừng khám phá, thể hiện hình tượng người phụ nữ. Nhưng lúc này, tâm tư, tình cảm và cả những khát vọng yêu thương của người phụ nữ đã khác trước. Họ hiện lên trong thơ như những con người giữa đời thường tâm sự về cuộc đời, về tình yêu, về sự sống:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
(Tự hát - Xuân Quỳnh).
Và đặc biệt, chưa bao giờ ta thấy nhu cầu hạnh phúc, nhu cầu tự do đến tột độ như tình yêu lại hiện lên rõ nét như trong thời kỳ này khi đến với thơ của Phan Huyền Thư hay Vi Thùy Linh,… Nếu xưa kia, Hồ Xuân Hương đã từng tung hê, nhạo báng tất cả… mà rốt cục, vẫn không khỏi ngao ngán, ngậm
ngùi vì muốn vùng vẫy, muốn bứt phá mà không được; thì ngày hôm nay, người phụ nữ có quyền được sống đúng với xúc cảm và bản năng yêu đương của mình. Địa hạt tự do ấy đã cho phép Vi Thùy Linh viết lên những câu thơ:
…Ngày thì nhật thực Đêm thì nguyệt thực Sông thành sa mạc Anh thì hư vô Em quên tất cả Quên cả tên mình Quên cả tuổi mình Quên cả lối đi Chỉ còn nhớ Anh…
(Nhật thực - Vy Thùy Linh).
Có ai đó nói rằng: “Người phụ nữ là một nửa thế giới”. Và quả thật, họ đã đi vào những trang viết chảy suốt trong văn học từ trước đến nay, để rồi không chỉ làm nên một nửa, mà là trọn vẹn tấm hình trong sâu thẳm tâm hồn thế hệ người đọc hôm nay và cả mai sau.