Góc nhìn đạo đức

Một phần của tài liệu Người phụ nữ trong thơ mới (Trang 37 - 38)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.Góc nhìn đạo đức

Trước đây, đạo đức lễ giáo phong kiến Khổng - Mạnh với những biểu hiện nghiêm khắc chi phối đến nhiều mặt trong đời sống, nhất là đối với phụ nữ. Thuở nhỏ người phụ nữ không được học hành, lớn lên phải lấy chồng theo sự sắp xếp “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, về nhà chồng thì phải gánh vác hết công việc của nhà chồng, nhiều lúc giống như kẻ hầu người hạ, không may chồng chết thường phải ở vậy thờ chồng mà không được tái giá. Đến Thơ mới 1932 - 1945, các tác giả không nhìn phụ nữ theo một phạm trù đạo đức như trên mà nhìn nhận một cách khoáng đạt hơn. Từ góc nhìn đạo đức, các nhà thơ mới đã sáng tạo nên những hình tượng người phụ nữ với phẩm chất, tâm hồn hết sức thánh thiện, cao đẹp.

Như chúng ta đã biết, xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp, nền văn hóa của nó cũng là nền văn hóa độc canh cây lúa, đặc biệt là lúa nước, giống cây đòi hỏi nhiều công sức lao động. Điều này hình thành nên đặc điểm, tính cách, tâm lí của người Việt Nam nói chung, người phụ nữ nói riêng, đó là sự cần cù, chịu thương, chịu khó, ưa sự nhẹ nhàng kín đáo, trọng tình nghĩa. Những đức tính ấy đi vào các tác phẩm văn học và trở thành một phạm trù đạo đức của người phụ nữ trong văn chương. Mặt khác, Việt Nam là một đất nước có chiến tranh kéo dài, liên tục trong suốt nhiều năm. Dù là

chống giặc ngoại xâm hay là nội chiến, thì ở mỗi gia đình, mỗi làng quê, những người đàn ông đều phải ra trận, vì thế gánh nặng lại đè lên đôi vai của người phụ nữ. Ngoài việc gánh vác trọng trách với xã hội, với xóm làng thì trong gia đình họ một mực yêu thương lo lắng, chăm chút thậm chí có thể hy sinh cả bản thân mình để mang lại hạnh phúc cho cha mẹ, chồng con, anh chị em. Tất cả những đức tính cao đẹp này của người phụ nữ đều được các nhà thơ trong phong trào Thơ mới ghi nhận và thể hiện một cách sâu sắc.

Đọc những bài thơ trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945 viết về người phụ nữ, chúng ta thấy, hầu hết họ là những người phụ nữ rất siêng năng, cần mẫn, giàu đức hy sinh, lòng nhân ái và luôn thủy chung son sắt. Chúng ta có thể bắt gặp vẻ đẹp này trong các bài thơ Mưa xuân, Thời trước, Lỡ bước sang ngang, Tết của mẹ tôi, Lòng mẹ,… của Nguyễn Bính. Ở các bài thơ này, chúng ta nhận thấy nét đẹp thuần khiết, trong sáng và sự chăm chỉ của những cô gái bên khung cửi, nương dâu hay nét đẹp yêu chồng thương con, tần tảo, chịu thương chịu khó lo cho gia đình của các bà mẹ. Vẻ đẹp về nhân cách, phẩm chất này không phải đến Thơ mới mới có mà là vẻ đẹp đầy cảm động, mang đậm bản chất của người phụ nữ Việt Nam đã có từ trước tới nay.

Có thể nói, từ góc nhìn đạo đức, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong Thơ mới hiện lên trọn vẹn với những đức tính tốt đẹp như: đảm đang, hiếu thảo, nhân hậu,… Để đến hôm nay, khi đọc lại các bài Thơ mới có hình ảnh người phụ nữ chúng ta vẫn bị cuốn hút bởi thế giới tâm hồn, phẩm chất và lối sống bình dị trong cuộc sống thường ngày của người phụ nữ.

Một phần của tài liệu Người phụ nữ trong thơ mới (Trang 37 - 38)