7. Cấu trúc luận văn
2.2.4. Phân tích ngôn ngữ
Bản chất của phương pháp phân tích ngôn ngữ là HS dưới sự hướng dẫn của GV, tiến hành tìm hiểu các hiện tượng ngôn ngữ, quan sát và phân tích các hiện tượng đó thông qua những ngữ liệu của bài học để rút ra nội dung lý thuyết và thực hành cần chiếm lĩnh. Quá trình phân tích ngôn ngữ chính là sự phân chia các hiện tượng ngôn ngữ thành những khía cạnh, những bộ phận khác nhau để mổ xẻ, tìm hiểu kĩ hơn, sâu sắc hơn nhằm phát hiện ra các quy luật ngôn ngữ và các ngoại lệ (nếu có). Đây là phương pháp dạy học
có hiệu quả khi hướng dẫn HS chiếm lĩnh tri thức lý thuyết mới hoặc tìm hiểu mối quan hệ giữa bản thân ngôn ngữ và các yếu tố ngôn ngữ với nhau.
Bản thân hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt là hợp phần cung cấp các tri thức và kĩ năng mới, thiên về lý thuyết. Vì vậy, khi dạy học hợp phần này, cần vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ để các khái niệm lý thuyết tránh được sự trừu tượng, mơ hồ.
Theo các tác giả của giáo trình Phương pháp dạy học tiếng Việt,
phân tích ngôn ngữ thường có bốn thao tác cơ bản, đó là: phân tích - phát
hiện, phân tích - chứng minh, phân tích - phán đoán, phân tích - tổng hợp
[3, tr. 66-69].
+ Phân tích - phát hiện: Với ngữ liệu mẫu cho trước, GV tổ chức, hướng dẫn để HS quan sát, phân tích so sánh đối chiếu, từ đó rút ra những nét đặc trưng cơ bản của khái niệm và quy tắc mới. Thao tác này vận dụng tốt nhất cho những bài học hướng đến cung cấp cho HS những quy tắc, khái niệm mới.
Chẳng hạn khi dạy học bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (Ngữ
văn 10, cơ bản, tập 1), GV tổ chức, hướng dẫn để HS phân tích ngữ liệu Hội nghị Diên Hồng (tr. 14). Qua phân tích, HS sẽ khái quát được khái niệm hoạt động giao tiếp; các quá trình của hoạt động giao tiếp; các nhân tố chi phối hoạt động giao tiếp. Từ đó, HS luyện tập nhận diện các đặc điểm và khái niệm trên của hoạt động giao tiếp ở các ví dụ khác, và quan trọng hơn là các em có thể vận dụng để nâng cao hiệu quả giao tiếp của mình.
+ Phân tích - chứng minh: Đây là thao tác giúp HS củng cố, khắc sâu kiến thức mới để hình thành những kĩ năng cụ thể trong việc nhận diện các hiện tượng ngôn ngữ vừa học. Thao tác này được thực hiện bằng cách GV đưa ra ngữ liệu có chứa hiện tượng ngôn ngữ vừa hình thành tri thức mới cho HS, từ đó, yêu cầu HS vận dụng tri thức vừa lĩnh hội được để phát hiện và chứng
minh chúng. Thao tác này có thể tiến hành lặp đi lặp lại nhiều lần để HS thành thạo các kĩ năng cần thiết trong việc nhận diện tri thức mới.
Tiếp tục lấy ví dụ minh họa từ bài học Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (Ngữ văn 10, cơ bản, tập 1) với câu ca dao:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng:
- Tre non đủ lá đan sàng nên chăng? (tr. 20)
GV yêu cầu HS phân tích các nhân tố giao tiếp bằng những câu hỏi gợi ý:
GV: Nhân vật giao tiếp ở đây là những người như thế nào?
HS: Nhân vật giao tiếp là những thanh niên nam nữ trẻ tuổi (qua cách xưng hô anh và nàng)
GV: Hoạt động giao tiếp diễn ra vào thời điểm nào? thời điểm này có thích hợp với cuộc chuyện trò lứa đôi?
HS: Hoàn cảnh giao tiếp là một đêm trăng thanh. Phù hợp để nam thanh, nữ tú trò chuyện lứa đôi.
GV: Nhân vật “anh” nói về điều gì? Nhằm mục đích gì?
HS: Nội dung và mục đích giao tiếp của nhân vật anh hỏi nàng: Tre non đủ lá đan sàng nên chăng nghĩa là cũng như tre, anh và nàng đã đến tuổi trưởng thành, có nên tính chuyện kết duyên.
GV: Cách nói của “anh” có phù hợp với nội dung và mục đích giao tiếp không?
HS: Cách nói của anh ý nhị, duyên dáng, mang màu sắc văn chương,
phù hợp với nội dung và mục đích giao tiếp.
Từ việc phân tích ngữ liệu trên, GV giúp HS củng cố lại các nhân tố giao tiếp và sự chi phối của các nhân tố này đối với hoạt động giao tiếp.
+ Phân tích - phán đoán: Nếu thao tác phân tích - chứng minh yêu cầu tái hiện lại kiến thức mới vừa học thì thao tác phân tích -phán đoán không
yêu cầu HS tái hiện định nghĩa mà phải nhận diện ngay các hiện tượng ngôn ngữ qua phán đoán của mình. Để thao tác này thực sự đạt được hiệu quả cao
GV cần phải chắc chắn rằng HS đã thành thạo thao tác phân tích - chứng
minh, HS có thể nhận diện các hiện tượng ngôn ngữ ở mức độ tự động hóa. Ví dụ được lấy tiếp với bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ ở bài tập 2 (Ngữ văn 10, cơ bản, tập 1, tr. 20), GV yêu cầu một HS đọc đoạn đối thoại các HS còn lại theo dõi và trả lời nhanh các câu hỏi mà GV đưa ra, (không cần giải thích vì sao)
GV: Nhân vật giao tiếp trong đoạn đối thoại là ai?
HS: Cụ già và em nhỏ.
GV: Hình thức giao tiếp ở đây là gì?
HS: Đời thường.
GV: Mục đích giao tiếp ra sao?
HS: Thăm hỏi.
GV: Các hình thức giao tiếp của cụ già ở đây là gì?
HS: Dùng câu hỏi (để chào, để khen và để hỏi).
GV: Tình cảm, thái độ và quan hệ giữa hai nhân vật như thế nào?
HS: Thân mật, gần gũi giữa hai ông cháu (A Cổ kính mến ông, ông yêu quý, trìu mến với cháu).
+ Phân tích - tổng hợp: Đây là thao tác cuối cùng cũng là thao tác cao nhất của quá trình phân tích ngôn ngữ. Thao tác này hướng HS đến việc vận dụng các hiện tượng ngôn ngữ đã lĩnh hội được vào hoạt động giao tiếp và việc vận dụng kiến thức về các hiện tượng ngôn ngữ vừa học vào hoạt động giao tiếp có ý nghĩa quyết định sự thành công hay thất bại của thao tác phân tích - tổng hợp. Chẳng hạn, trong tiết luyện tập của bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (Ngữ văn 10, cơ bản, tập 1) có bài tập 4 (tr. 21) đưa ra yêu cầu: Hãy viết một thông báo ngắn cho các bạn học sinh toàn trường biết về
hoạt động làm sạch môi trường nhân ngày môi trường thế giới (chú ý đến sự phù hợp giữa lời thông báo với đối tượng giao tiếp, nội dung, mục đích, và hoàn cảnh giao tiếp). Bài tập này chính là yêu cầu vận dụng tri thức đã học vào hoạt động giao tiếp.
Mỗi thao tác trên của phương pháp phân tích ngôn ngữ đều có vai trò, vị trí nhất định không thể thiếu, việc hiểu và thực hiện đúng bản chất của các thao tác trên góp phần làm nên thành công khi vận dụng phương pháp này vào dạy học Tiếng Việt nói chung và hợp phần lý thuyết nói riêng. Qui trình để tiến hành vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ vào dạy học phải trải qua bốn bước cơ bản sau:
+ Bước 1: GV giới thiệu ngữ liệu cần phân tích.
+ Bước 2: GV hướng dẫn HS quan sát và phân tích ngữ liệu theo định hướng nội dung bài học.
+ Bước 3: GV dẫn dắt HS chiếm lĩnh kiến thức, hình thành khái niệm lý thuyết cần đúc kết qua phân tích hiện tượng ngôn ngữ.
+ Bước 4: GV hướng dẫn HS củng cố và vận dụng lý thuyết đã học vào việc phân tích một hiện tượng ngôn ngữ tương tự.
Chẳng hạn khi dạy học bài Đặc điểm loại hình của tiếng Việt (Ngữ văn
11, cơ bản tập 2), với đặc trưng: Từ tiếng Việt không biến đổi hình thái, GV có thể tiến hành các bước như sau:
+ Bước 1: GV giới thiệu ngữ liệu cần phân tích trong nội dung bài học.
Cười người1 chớ vội cười lâu
Cười người2 hôm trước, hôm sau người3 cười
+ Bước 2: GV hướng dẫn HS quan sát và phân tích ngữ liệu theo định hướng nội dung bài học (phân tích, nhận xét vị trí, chức vụ của từ người1, người2, người3 cả về mặt ngữ âm và sự thể hiện bằng chữ viết).
+ Bước 3: GV hướng dẫn HS tự nhận xét và tự rút ra kết luận về đặc trưng của từ tiếng Việt. GV sửa chữa (nếu thấy cần thiết) và đưa ra kết luận
cuối cùng về kiến thức mà HS cần đạt được - Từ tiếng Việt không biến đổi hình thái.
+ Bước 4: GV hướng dẫn HS củng cố và vận dụng kiến thức lý thuyết vừa chiếm lĩnh được vào việc luyện tập phân tích một số hiện tượng ngôn ngữ tương ứng. Ví dụ, cho HS phân tích ngữ liệu (về mặt từ ngữ - chú ý từ in đậm) để chứng minh từ tiếng Việt không biến đổi hình thái:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc, Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay.
(Vị trí, chức năng của từ in đậm - nụ tầm xuân, Nụ tầm xuân, và xét về ngữ âm và sự thể hiện bằng chữ viết có khác nhau không?). Tương tự với các đặc điểm: Đơn vị cơ sở của ngữ pháp là tiếng; Ý nghĩa ngữ pháp được biểu thị bằng trật tự từ và hư từ, GV có thể tiến hành phân tích như các bước trên để đi đến kết luận cuối cùng, và vận dụng kiến thức vừa lĩnh hội được vào luyện tập.
Việc thành công của nhiều GV khi vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ vào dạy học hợp phần lý thuyết, chứng tỏ phương pháp này có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, phương pháp này phù hợp với những bài cung cấp tri thức lí thuyết mới hoặc tìm hiểu mối quan hệ giữa bản thân các yếu tố ngôn ngữ với nhau. Thứ hai, phương pháp này kích thích sự chủ động, tính sáng tạo của HS, giúp HS hiểu sâu hơn hoặc có cái nhìn tường tận hơn về các hiện tượng ngôn ngữ mà các em cần chiếm lĩnh, từ đó HS sẽ khắc sâu
hơn kiến thức bài học. Thứ ba, thông qua phân tích ngôn ngữ giúp HS rèn
luyện tư duy.
Tuy nhiên, phương pháp phân tích ngôn ngữ khi được vận dụng vào dạy học Tiếng Việt trong đó có hợp phần lý thuyết, nó cũng bộc lộ một số
điểm hạn chế nhất định. Thứ nhất, phương pháp này dễ dẫn đến việc mổ xẻ và phân tích vụn vặt do thao tác phân tích chia nhỏ các hiện tượng ngôn ngữ.
Thứ hai, vì phương pháp này quá chú ý đến cấu trúc nên nhiều khi bỏ qua việc phân tích giá trị của các đơn vị ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp. Thứ ba, phương pháp phân tích ngôn ngữ quá chú trọng đến việc cung cấp những kiến thức tiếng Việt như là đối tượng nghiên cứu của Việt ngữ học mà xem nhẹ tính thực hành - giao tiếp của các hiện tượng ngôn ngữ được đề cập đến trong bài học.
Để phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm khi vận dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ vào dạy học hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt, GV cần tuân theo một số nguyên tắc sau. Thứ nhất, đảm bảo phản ánh đúng nhất bản chất của các hiện tượng ngôn ngữ cần nhận thức, không phân tích áp đặt, máy móc. Thứ hai, đảm bảo sự phân chia được tuân theo một cơ sở nhất quán và đảm bảo tính hệ thống trong quá trình phân tích. Thứ ba, đảm bảo phân chia các hiện tượng ngôn ngữ theo nguyên tắc cấp bậc phù hợp với các cấp độ ngôn ngữ. Đặc biệt cần dựa vào mục tiêu và nội dung bài học để vận
dụng các thao tác phân tích ngôn ngữ: phân tích - phát hiện, phân tích -
chứng minh, phân tích - phán đoán, phân tích - tổng hợp sao cho phù hợp.
Tiểu kết chương 2
Chương 2 của luận văn trình bày các nguyên tắc, phương pháp dạy học lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn THPT. Cũng như khi dạy học các hợp phần thuộc phân môn Tiếng Việt THPT, mỗi hợp phần phải gắn với các nguyên tắc xác định, vì vậy khi dạy học hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt, cần tuân thủ các nguyên tắc: đảm bảo mối quan hệ giữa phần lý thuyết và các hợp phần khác trong chương trình, gắn lý thuyết với thực hành, kế thừa và phát triển.
Trên cơ sở đó, luận văn trình bày một số phương pháp dạy học cần vận dụng khi dạy học hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt: đọc sách giáo khoa và nêu vấn đề, phối hợp diễn giảng và đàm thoại, thảo luận nhóm, phân tích ngôn ngữ. Đây là những phương pháp đã được nghiên cứu và đề cập trong một số tài liệu về phương pháp dạy học, nhưng dưới góc nhìn của luận văn, chúng tôi có cách lí giải và phân tích riêng, đặc biệt các phương pháp này được minh họa bằng các dẫn chứng, ngữ liệu cụ thể từ nội dung các bài học thuộc hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn THPT.
Chương 3
THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM