7. Cấu trúc luận văn
2.2. Một số phương pháp dạy học lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt
Với tốc độ hội nhập ngày càng cao của nền kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của các nghành khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế... rộng khắp trên toàn thế giới, xã hội đã đưa ra những đòi hỏi ngày càng lớn và toàn diện đối với lực lượng lao động, trong đó có khả năng giao tiếp (không chỉ là giao tiếp bằng ngoại ngữ mà cả giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ). Đây là một bài toán khó không chỉ của riêng Việt Nam mà cả ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước những yêu cầu đó, nghành Giáo dục Việt Nam luôn tìm cách đổi mới. Việc tìm và lựa chọn những phương pháp dạy học có hiệu quả, chính là một trong những đòi hỏi cao nhất đối với ngành giáo dục nói chung và người GV trực tiếp đứng lớp nói riêng. Điều này cũng được quy định rõ
trong luật giáo dục Việt Nam “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính
tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên (Khoản 2, Điều 5). Và “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh” (Khoản 2, Điều 28) [26].
Để giải quyết vấn đề này, các môn học ở nhà trường, trong đó có phân môn Tiếng Việt đã tìm cách đổi mới nội dung, mục tiêu và đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học.
Từ thực tế sử dụng tiếng Việt của HS cho thấy, việc tìm kiếm và lựa chọn phương pháp dạy học đối với phân môn này vẫn là vấn đề cấp bách. Nhưng mỗi một phương pháp giảng dạy dù cổ điển hay hiện đại đều nhấn mạnh lên một khía cạnh nào đó của cơ chế dạy học hoặc nhấn mạnh lên một mặt nào đó thuộc về vai trò của người thầy. Cho dù các phương pháp thể hiện hiệu quả như thế nào thì nó vẫn tồn tại một vài khía cạnh mà GV và HS chưa khai thác hết được. Chính vì vậy, không có một phương pháp nào được cho là lí tưởng, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế của nó, người GV nên xây dựng cho mình một phương pháp dạy học riêng phù hợp với mục tiêu, bản chất của bài học, phù hợp với trình độ tiếp nhận của HS, dựa trên những nguồn lực và phương tiện dạy học sẵn có và hợp với sở thích của mình.
Phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt là hợp phần nặng về cung cấp tri thức lý thuyết mới cho HS, vì vậy, việc lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp là điều GV cần đặc biệt lưu tâm, nhằm tạo hứng thú học tập cho HS, góp phần cải thiện khả năng sử dụng tiếng Việt cho HS. Có rất nhiều phương pháp được đề xuất để vận dụng khi dạy học hợp phần này, nhưng những phương pháp sau đây, theo chúng tôi là cơ bản và quan trọng nhất để dạy học tốt hợp phần này: Đọc sách giáo khoa và nêu vấn đề; Phối hợp diễn giảng và đàm thoại; Thảo luận nhóm; Phân tích ngôn ngữ.