Nguyên tắc kế thừa và phát triển

Một phần của tài liệu Dạy học lý thuyết ngôn ngữ và tiếng việt trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông (Trang 43 - 45)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.3.Nguyên tắc kế thừa và phát triển

Kế thừa là thừa hưởng, giữ gìn và tiếp tục phát huy những nhân tố phù hợp với quy luật, đồng thời loại bỏ những nhân tố trái quy luật. Phát triển là quá trình vận động của sự vật theo khuynh hướng đi lên, từ trình độ thấp đến trình độ cao, từ kém hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh hơn. Sự kế thừa và phát triển là quá trình vô cùng quan trọng của tất cả các sự vật, hiện tượng.

Trong dạy học, nguyên tắc kế thừa và phát triển được quán triệt ở tất cả các môn học, từ khâu biên soạn chương trình, sắp xếp các đơn vị bài học, lựa chọn phương pháp dạy học, hoạt động học tập của thầy và trò...

Việc dạy học phân môn Tiếng Việt cũng không nằm ngoài sự tác động của nguyên tắc này, đặc biệt là dạy học hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt. Đây là hợp phần được đưa vào dạy học với mục đích nhằm “nâng cao và hoàn chỉnh những tri thức về tiếng Việt và ngôn ngữ nói chung”, “tạo ra cơ sở cho sự hình thành ý thức, thói quen và kĩ năng sử dụng tiếng Việt, đồng thời bồi dưỡng tình cảm yêu quý đối với ngôn ngữ dân tộc” [3, tr.78, 80] cho HS, chuẩn bị tốt về mặt ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ) để HS có thể tham gia lao động và tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn.

Nguyên tắc kế thừa và phát triển trong dạy học hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt, yêu cầu ở tất cả các khâu: xây dựng chương trình, lựa chọn phương pháp, hoạt động học tập của thầy và trò, HS tự học... Chương trình của hợp phần này phải được biên soạn, trên nền tảng kiến thức Tiếng Việt THCS và phát triển cao hơn, phải đảm bảo rằng: kiến thức HS đã tích lũy được ở cấp dưới là điểm tựa vững chắc cho kiến thức mới được lĩnh hội; khi dạy học hợp phần này, GV phải lựa chọn những phương pháp phù hợp với đặc thù môn học, với khả năng tiếp thu của HS, kích thích sự sáng tạo của HS trên cơ sở các em tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động chiếm lĩnh tri thức. Quan trọng hơn là từ kiến thức đã tích lũy được ở lớp dưới, cấp dưới cộng với kiến thức vừa chiếm lĩnh được trên lớp, về nhà, HS có thể tự học, tự nghiên cứu từ đó, tri thức sẽ được nhắc lại, nâng cao và khắc sâu hơn, kết quả cuối cùng là giúp các em giao tiếp tốt hơn; Trong hoạt động dạy - học của thầy và trò, nguyên tắc kế thừa và phát triển buộc GV phải giúp HS nhớ lại các kiến thức đã được học để các em tiếp thu kiến thức mới. Việc hình thành kiến thức mới trên cơ sở kiến thức cũ giúp thầy giảm thời gian trình bày lý thuyết tăng thêm thời gian để HS luyện tập khắc sâu kiến thức, làm tăng hứng thú học tập cho HS. Chính điều này đã góp phần hạn chế sự nhàm chán trong hoạt động dạy học, bởi hợp phần này chủ yếu nghiêng về cung cấp tri thức lý thuyết cho HS. Nguyên tắc kế thừa và phát triển không những giúp cho GV kết nối kiến thức cũ với kiến thức đang học mà còn “cho phép người thầy giáo mở rộng nội dung của kiến thức và tạo cơ sở cho các hoạt động nhận thức tiếp theo” [3, tr.55].

Ví dụ trong bài Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt (Ngữ văn 10, cơ bản, tập 2), có các yêu cầu về: ngữ âm và chữ viết; từ ngữ; ngữ pháp; phong cách ngôn ngữ. Tất cả các mảng kiến thức này HS đã được học ở bậc THCS.

Chẳng hạn, về từ ngữ, HS đã có kiến thức về các kiểu từ trong tiếng Việt (từ đơn, từ ghép, từ láy; từ thuần việt, từ vay mượn; danh từ, động từ,

tính từ, số từ;...), cấu tạo, quan hệ của chúng. Trên nền tảng này bài học đã đưa ra các yêu cầu chung để sử dụng đúng với: hình thức, cấu tạo, ý nghĩa, đặc điểm ngữ pháp của chúng trong tiếng Việt.

Về ngữ pháp, thực tế các kiến thức về ngữ pháp HS đã được biết đến từ THCS do vậy, khi dạy phần này của bài học GV phải giúp HS phát huy các kiến thức cũ gồm: câu, các loại câu, cấu tạo câu... Từ đó, thông qua việc phân tích ngữ liệu để khái quát yêu cầu về ngữ pháp trong bài học này, đó là cấu tạo câu theo đúng ngữ pháp tiếng Việt, diễn đạt đúng yêu cầu ngữ nghĩa, sử dụng dấu câu thích hợp, luôn đặt câu trong đoạn, đoạn trong văn bản để thấy được sự mạch lạc thống nhất.

Mỗi bài học trong hợp phần này đòi hỏi sự lựa chọn, áp dụng mức độ nặng, nhẹ khác nhau đối với mỗi nguyên tắc trên, chi phối sự lựa chọn nguyên tắc áp dụng khi dạy học hợp phần này còn phụ thuộc vào khả năng của mỗi GV và trình độ của từng lớp học, khu vực... Nhưng các nguyên tắc: đảm bảo mối quan hệ giữa phần lý thuyết và các hợp phần khác trong chương trình, gắn lý thuyết với thực hành, kế thừa và phát triển là những nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất cần tuân thủ khi dạy học hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt trong chương trình THPT.

Một phần của tài liệu Dạy học lý thuyết ngôn ngữ và tiếng việt trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông (Trang 43 - 45)