Thảo luận nhóm

Một phần của tài liệu Dạy học lý thuyết ngôn ngữ và tiếng việt trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông (Trang 66 - 72)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.3.Thảo luận nhóm

Thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ 20 ở một số trường đại học sư phạm tiên tiến trên thế giới, bắt đầu từ môn học “Năng động tập thể” (group dynanies) - là môn học dạy sinh viên kỹ năng làm việc tập thể. Dần dần, môn học này chuyên rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm, từ đó, hình thành phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học ở tất cả các cấp học. Ở Việt Nam, phương pháp này được áp dụng rộng rãi trong dạy học từ những năm cuối thế kỷ 20.

Theo tác giả Nguyễn Văn Cường, “Dạy học nhóm là một hình thức xã hội của dạy học, trong đó HS của lớp học được chia thành các nhóm nhỏ, trong khoảng thời gian giới hạn mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước toàn lớp” [15, tr. 98]. Cùng quan điểm này, Nguyễn Trọng Sửu viết: “Dạy học nhóm là một hình thức của xã hội học tập, trong đó học sinh của một lớp được chia thành các nhóm nhỏ trong khoảng thời gian nhất định, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc, kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước lớp” [58, tr. 21].

Từ đó ta có thể hiểu, phương pháp thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học hiện đại, lấy người học làm trung tâm. Với phương pháp này người

học được làm việc cùng nhau theo các nhóm nhỏ và mỗi thành viên trong nhóm đều có cơ hội tham gia vào giải quyết các nhiệm vụ học tập trong một khoảng thời gian nhất định dưới sự hướng dẫn, lãnh đạo của GV.

Hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt chủ yếu nghiêng về cung cấp tri thức lý thuyết, nếu chỉ dùng phương pháp diễn giảng, đàm thoại, nêu vấn đề thì khó tạo được hứng thú học tập cho HS. Vì vậy, việc vận dụng phương pháp thảo luận nhóm để làm cho giờ học sinh động, HS được trao đổi ý kiến, bổ sung cho nhau những kiến thức còn thiếu sót là sự lựa chọn hợp lí của GV.

Để đạt được kết quả cao khi vận dụng phương pháp thảo luận nhóm vào dạy học hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt, ngoài việc lựa chọn bài học phù hợp để vận dụng, GV và HS có sự chuẩn bị chu đáo. Quy trình tổ chức thảo luận nhóm được tiến hành theo bốn bước sau:

+ Bước 1: GV giới thiệu vấn đề thảo luận và xác định nhiệm vụ cho các nhóm

Việc lựa chọn vấn đề thảo luận rất quan trọng, nó là yếu tố quyết định sức hấp đẫn, sự lôi cuốn đối với HS. Vấn đề thảo luận phải là vấn đề chính của bài học, vấn đề đưa ra không quá dễ hoặc quá khó đối với HS, thêm vào đó vấn đề phải hấp dẫn, có tính chất kích thích tính tích cực, chủ động chiếm lĩnh tri thức của HS. Vấn đề có thể được khai thác theo nhiều hướng khác nhau, ở nhiều cấp độ nhận thức nhưng thường là những vấn đề mở và câu hỏi thảo luận là những câu hỏi suy luận, câu hỏi mở nhưng dễ hiểu và phù hợp với trình độ của HS.

Sau khi giới thiệu vấn đề thảo luận, GV phải giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm bằng những câu hỏi rõ ràng và có hướng dẫn để tiến hành thảo luận và quy định thời gian thảo luận. Thời gian thảo luận thường tương ứng với nội dung của vấn đề.

+ Bước 2: Hoạt động của nhóm

Việc chia nhóm được tiến hành trước khi đi vào thảo luận vấn đề và có thể chia nhóm theo nhiều tiêu chí khác nhau, trong mỗi nhóm có cơ cấu tổ chức cụ thể như nhóm trưởng, thư ký nhóm...

Nhóm ngồi thành cụm với nhau để dễ dàng trao đổi ý kiến, đồng thời GV dễ dàng quan sát, quản lí lớp học, GV có thể động viên hoặc gợi ý nếu thấy cần thiết trong khi nhóm đang thảo luận. Nhóm trưởng có nhiệm vụ thu thập các ý kiến trong nhóm để báo cáo trước lớp.

+ Bước 3: Các nhóm trình bày kết quả

Đại diện từng nhóm lên trình bày trước lớp kết quả thảo luận vấn đề của nhóm mình, các nhóm khác lắng nghe để sau đó nhận xét và tranh luận. Kết quả thảo luận nhóm có thể trình bày dưới hình thức nói, viết hoặc kết hợp cả hình thức nói và hình thức viết. Sau khi đại diện nhóm trình bày, các thành viên trong nhóm phát biểu bổ sung, GV cho cả lớp góp ý, các thành viên nhóm khác bổ sung hoặc tranh luận đúng, sai, đại diện hoặc các thành viên trong nhóm vừa trình bày đưa ra lí lẽ để bảo vệ ý kiến của nhóm mình. Từ đó cả lớp đi đến ý kiến chung có liên quan đến vấn đề vừa trình bày.

+ Bước 4: GV nhận xét, tổng kết

Đây là bước cuối cùng của hoạt động, nhưng vô cùng quan trọng, việc nhận xét điểm đạt được và điểm chưa được trong kết quả mỗi nhóm giúp HS nhận ra ưu, khuyết điểm của mình va là động lực để các em cố gắng trong những giờ thảo luận sau. Nếu GV thiếu khâu này hoặc thực hiện chiếu lệ sẽ làm mất hứng thú và động lực làm việc, từ đó đẫn đến thảo luận nhóm không có hiệu quả. Vì vậy, GV cần tóm tắt lại tất cả những điểm chính mà mỗi nhóm vừa trình bày, với những điểm chưa đi đến được sự đồng thuận của cả lớp GV cần giải thích, làm rõ để các em hiểu bản chất của điểm đó, hoặc giải tỏa khúc mắc cho các em. Từ đó, GV chốt lại ý kiến của mỗi nhóm, đồng thời đưa ra

định hướng đúng, nhận xét, bổ sung, hệ thống hóa những kiến thức, những kỹ năng mà HS cần ghi nhớ sau khi thảo luận.

Phương pháp này có nhiều ưu điểm rõ rệt. Thứ nhất, nó phát huy tính tích cực, chủ động, độc lập của HS trong hoạt động chiếm lĩnh tri thức, tạo sự đoàn kết, phát triển năng lực cộng tác làm việc của HS, khai thác được tiềm

năng của mỗi cá nhân. Thứ hai, giúp cho HS có điều kiện trao đổi, rèn luyện

khả năng ngôn ngữ thông qua giao tiếp khi cộng tác làm việc trong nhóm, góp phần phát triển năng lực giao tiếp cho HS, các em biết lắng nghe, chấp nhận và phê phán ý kiến người khác. Đồng thời, các em biết đưa ra những ý

kiến và bảo vệ những ý kiến của mình. Thứ ba, HS có sự tự tin trong học tập

qua mỗi lần thảo luận, GV chủ động trong việc điều chỉnh nhận thức của HS.

Thứ tư, hình thành phương pháp nghiên khoa học cho HS. Thứ năm, tăng cường tri thức, hiệu quả trong học tập của HS. Với phương pháp thảo luận nhóm HS có dịp sử dụng những kĩ năng tư duy như phân tích, tổng hợp, đánh giá phát triển ý kiến của mình và của các bạn.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên phương pháp thảo luận nhóm cũng bộc lộ một số nhược điểm mà các GV cần biết để có hướng phục mỗi

khi áp dụng phương pháp này. Thứ nhất, phương pháp này đòi hỏi GV phải

dành nhiều thời gian và tâm huyết từ khâu thiết kế giáo án, tổ chức giảng dạy, hướng dẫn tự học ở nhà, thêm vào đó với thời lượng cho một tiết học là 45 phút nếu vận dụng không khéo léo GV sẽ không đủ thời gian để trình bày lượng kiến thức cần thiết mà chương trình đào tạo đòi hỏi bởi phương pháp này tốn rất nhiều thời gian. Thứ hai, trình độ HS trong một lớp học thường không đồng đều, những em khá giỏi sẽ lấn át các em trung bình và yếu, từ đó làm cho HS có học lực trung bình, yếu không nói lên được quan điểm của mình về vấn đề đang thảo luận và chắc chắn tình trạng này sẽ không diễn ra một lần, các em sẽ trở nên mặc cảm, bất mãn, không tập trung vào buổi thảo

luận. Đây là một lí do khiến GV khó huy động được sự tham gia của tất cả các HS trong lớp vào vấn đề cần thảo luận,có HS thì quá nhiệt tình còn có HS thì ngồi im lặng. Thứ ba, GV khó có thể hướng dẫn cụ thể cho tất cả các nhóm chứ chưa nói là từng HS và khó bao quát được mọi hoạt động lúc này của HS nên lớp học dễ rối loạn, mất trật tự, từ đó làm cho tiết học không thực sự có hiệu quả. Thứ tư, nếu không gian lớp học quá hẹp mà số lượng HS đông thì việc thảo luận của các nhóm có thể bị ảnh hưởng lẫn nhau. Đây cũng là một lý do làm cho giờ thảo luận thiếu hiệu quả.

Để hạn chế hoặc tránh được những nhược điểm, phát huy ưu điểm của phương pháp thảo luận nhóm, khi vận dụng phương pháp này vào dạy học GV cần đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu sau: Thứ nhất, vấn đề được lựa chọn để thảo luận phải hấp dẫn, thiết thực, gần gũi và phù hợp với trình độ hiểu biết của HS. Thứ hai, GV phải xác định rõ mục đích cuộc thảo luận từ đó đưa ra yêu cầu về nội dung, hình thức và thời gian thảo luận cho HS. Thứ ba, việc chia nhóm phải linh hoạt và nên quy định về các hình thức chia nhóm khác nhau ngay từ đầu năm học để HS nắm vững, tránh tình trạng lộn xộn và mất thời gian cho những giờ thảo luận tiếp theo chỉ vì HS chưa hiểu về các hình thức chia nhóm, dẫn đến mất quá nhiều thời gian cho vấn đề này mà ảnh hưởng đến việc chiếm lĩnh tri thức của HS. Thứ tư, Khi HS thảo luận nhóm GV cần quan sát, hỗ trợ các em, đặt những câu hỏi gợi mở khi nhóm bế tắc, không giải quyết được vấn đề, nhưng GV không nên gò ép, áp đặt HS nói theo ý của mình mà nên khuyến khích để các em mạnh dạn nêu lên ý kiến của mình. Khéo léo can thiệp kịp thời việc trong nhóm có những em nói quá nhiều để khuyến khích những em yếu, nhút nhát đưa ra ý kiến, dù chưa đúng cũng nên trân trọng và phân tích, góp ý để các em đi đến được tri thức cần nắm. Thứ năm, GV phải là người trọng tài chốt lại các ý kiến thảo luận, cần có khen thưởng, khích lệ HS để kích thích hứng thú tham gia thảo luận của các em...

Hợp phần lý thuyết ngôn ngữ và tiếng Việt là hợp phần “học sinh THCS chưa hề được tiếp xúc và trang bị trực tiếp” [3, tr. 78], nhưng kiến thức hợp phần này HS đã tích lũy được từ nhiều môn học khác nhau và bằng chính thực tế sử dụng ngôn ngữ của mình trong giao tiếp hằng ngày. Thêm vào đó, ở lứa tuổi THPT, khả năng tư duy của các em đã phát triển tương đối hoàn thiện và nhu cầu tự bộc lộ cũng rất mạnh mẽ. Đây là những yếu tố quan trọng để giờ thảo luận nhóm có được sự sôi động, hấp dẫn và đi đến thành công.

Ví dụ, khi dạy học bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (Ngữ văn

12, tập 1), GV cần giúp HS lĩnh hội được hai vấn đề cơ bản, đó là khái niệm về sự trong sáng của tiếng Việt và trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vấn đề đưa ra để HS thảo luận có thể là: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Các em có suy nghĩ gì về hiện tượng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp bằng tiếng Việt ở một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay (trong đó có HS)?

Với vấn đề này GV sẽ đưa ra các câu hỏi để HS thao luận như:

1) Hiện tượng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp của một bộ phận giới trẻ và bản thân các em có diễn ra thường xuyên không?

2) Hãy liệt kê một số từ nước ngoài mà các em thường sử dụng hoặc nghe các bạn khác sử dụng.

3) Suy nghĩ của bản thân các em khi sử dụng những từ trên (thể hiện mình biết ngoại ngữ, diễn đạt ngắn gọn ý mình muốn nói, do quen miệng, để phù hợp với cách giao tiếp hiện nay của phần lớn giới trẻ)?

4) Theo các em, việc chêm xen ấy là nên hay không nên? Vì sao? Nếu nên thì hướng phát triển nó như thế nào?; Nếu không nên thì hướng khắc phục ra sao?

5) Trách nhiệm của các em đối với việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt?

Các nhóm sẽ tiến hành thảo luận, trả lời câu hỏi, để giải quyết vấn đề mà GV đưa ra. Thời gian thảo luận nhóm là bảy phút, thời gian báo cáo trước

lớp cho mỗi nhóm là bốn phút. Ở câu 4), sẽ có phản biện giữa các nhóm khi có ý kiến trái ngược nhau. GV phải vừa bao quát lớp vừa góp ý để các nhóm hoàn thành nhiệm vụ theo quan điểm của mình.

Câu trả lời của các nhóm HS có thể là: 1) => thường xuyên / thỉnh thoảng. 2) => Ok / sory / thank / yes / no...

3) => thể hiện mình biết ngoại ngữ/ diễn đạt ngắn gọn ý mình muốn nói/ do quen miệng/ để phù hợp với cách giao tiếp hiện nay của phần lớn giới trẻ.

4) => tốt vì sẽ có thêm nhiều cách để diễn đạt ý mình muốn nói, tiếp tục sử dụng nhiều hơn/ xấu vì làm vẩn đục ngôn ngữ tiếng Việt, không nên tiếp tục dùng kiểu chêm, xen này trong giao tiếp tiếng Việt.

5) => sử dụng tiếng Việt đúng yêu cầu về sự trong sáng, quý trọng, bảo vệ sự trong sáng tiếng Việt, tránh sử dụng tùy tiện, tránh kết hợp với từ nước ngoài một cách vô lối...

Sau khi các nhóm báo cáo và phản biện (nếu có) GV phải là người quyết định đáp án cuối cùng, đáp án này là trọng tâm của câu hỏi cùng là tâm điểm kiến thức mà HS cần lĩnh hội ở bài học, đó là trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với HS những chủ nhân tương lai của đất nước.

Một phần của tài liệu Dạy học lý thuyết ngôn ngữ và tiếng việt trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông (Trang 66 - 72)