Sử dụng ngôn ngữ đời thường

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự trong thơ Vương Trọng (Trang 94 - 97)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.2.Sử dụng ngôn ngữ đời thường

Trong sáng tạo thơ ca, sử dụng ngôn ngữ là một phương diện thể hiện rõ nét tài năng, vốn sống, cá tính sáng tạo của nhà thơ. Mặt khác, nó còn là dấu hiệu về sự khác biệt giữa các phong cách thơ. Khảo sát thơ Vương Trọng, một điều dễ thấy là ông rất nhiều hình ảnh, chi tiết gần gũi, giản dị của đời thường. Là người sống giản dị, gần gũi, ông tự giới thiệu về mình một cách hóm hỉnh,

dí dỏm: “Họ Vương, tên Trọng vốn người nông dân”. Phải chăng cái gốc gác nông dân ấy đã thấm vào trong ngôn ngữ thơ ông. Thơ Vương Trọng, có cả một thế giới của tre và nứa; thế giới của rơm rạ, bùn đất; thế giới của cát và bụi, của những câu hò sông quê…Nhà thơ thích dùng các hình ảnh ngôn từ mộc mạc, giản dị, đời thường : gạo, ngô, khoai lúa, chè xanh, men cây, men

lá, lá cỏ, cỏ may, cát bụi, lối mòn, bờ đê sụt lở, nón tơi, gói cơm nếp lạc, cánh chim, gáo dừa, nồi đất, cái quạt mo, gốc cây cau, ruộng nương, lũy tre, lá sen, ngọn khói, con tắc kè, … Cái chất hương đồng gió nội ấy tạo nên sức hấp

dẫn, quyến rũ kì lạ cho thơ Vương Trọng. Thơ ông vận dụng tối đa các loại từ ngữ gợi ý nghĩa bình dị, dân giã để miêu tả, xác định gọi tên sự vật, đối tượng. Ông sử dụng hàng loạt danh từ chỉ loại: Hoa màu: cơm, gạo, ngô,khoai, củ lạc; Lá: lá cỏ, lá sen, chiếc lá vàng, lá tre; Hoa: Hoa cơ may, hoa dại, hoa sen,; Quả: Sầu riêng, chôm chôm, long nhãn, lòn bon, hồng, đào, xoài; sự vật: nấm mộ, cát, bụi, đất nâu, sỏi; loài: tiếng chim, hoa bướm, con tắc kè,tiếng gà, tiếng chim chèo bẻo; bộ phận: bàn chân, bàn tay, đầu, mắt, tay người, tay bầu, tay bí, sợi tóc , vật dụng: áo cánh nâu, quần lụa đen, cặp ba lá, nón tơi,bếp than,áo bà ba ; gáo dừa; nơi chốn: ngõ hẻm, bờ đê, bờ rào, bến phà, cầu phao, bến nước, con sông,cánh đồng, núi, rừng, dốc đồi…

Bên cạnh đó là hàng loạt động từ chỉ hành động thường nhật trong cuộc sống con người xuất, như: cắt cỏ, chăn trâu, cày cấy,nung vôi, chở đá, đào hố,

trồng cây, , trồng thuốc, trồng rau, vót tre, mài sỏi, làm ruộng, trồng dưa, trồng lạc, trồng kê, ra đồng, ra bãi, xách nước, nhóm bếp, nhóm lửa, đơm xới, ngồi co ro, tiễn đưa, gánh gạo, cởi áo, bám đất, bám dân, gió chạy, bế, bồng, trải chiếu, mắc võng, đánh giặc, thét vang rừng, cắt núi, cắt rừng,thiêu trụi, … Bên cạnh đó, những tính từ miêu tả sự vật hiên tượng thân thuộc cũng

được sử dụng thường xuyên: cồn bãi trống trênh, gió về nỉ non, lá cỏ héo

hon, lối mòn nhỏ nhoi, đôi bàn tay mỏi, cái nắng chang chang, con sóng nổi bồng bềnh, tóc mềm như tơ nắng, âu yếm, vuốt ve, tíu tít, nóng nảy, buồn,

niềm vui, héo úa, lạnh lẽo, tủi phận, đơn côi, nóng, lạnh, trụi lông, sốt rung rừng, lo âu, sợ hãi....

Các sự vật hình ảnh trong thơ Vương Trọng dường như được thu nhỏ đến mức tối thiểu. Có những sự vật vốn bản thân nó đã mang tính chất nhỏ bé, yếu ớt lại đứng bên cạnh, kết hợp với những từ ngữ ấy càng trở nên nhỏ bé hơn, như: ngọn cỏ, hạt bụi… Nó như là hình ảnh của số phận con người mong manh trước thực tại xô bồ, bon chen trong cuộc đời phồn tạp.

Vương Trọng thường quan tâm chú ý đến những đối tượng hết sức bình thường, giản dị, nắm bắt những cái mong manh mà ít ai để ý: “một sợi tóc nửa đen, nửa bạc, một cơn mưa đêm, một tiếng khóc, một bàn chân đất, một khóm tre”. Chính việc sử dụng những hình ảnh vừa giản dị vừa gần gũi càng

làm cho thơ ông đến gần hơn với cuộc sống con người, không cao sang, thi vị mà giản dị đời thường. Thế giới nhân vật trong thơ ông hầu hết là những con người của rơm rạ đồng quê, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tên, không tuổi mà quá ư gần gũi quen thuộc quanh ta. Họ là bà mẹ nghèo xơ xác nơi đồng chiêm, là những bà mẹ Bắc Cạn, là những người vợ chờ chồng đi chiến trận, những người mẹ không chồng, những đứa con không cha… Những con người ấy hiện lên trong thơ ông với vẻ đẹp chất phác, giản dị, đời thường. Họ còn là những Thị Nở, Thị Kính, Thị Mầu, Chí Phèo, Thúy Kiều,

Thúy Vân.. là những sinh linh trong “thập loại chúng sinh”. Tất cả những sự

vật, sự việc, con người nhỏ bé, bình thường mà ta vẫn gặp hàng ngày ấy đã điềm nhiên đi vào thơ Vương Trọng một cách tự nhiên, giản dị. Nhưng một điều hấp dẫn là ẩn sau những sự vật, sự việc, con người tưởng như bình thường ấy, nhà thơ đã đem đến cho ta những suy tư, trăn trở, đọng lại trong ta những triết lý sâu sắc về lẽ sống, về tình đời. Chính vì thế, thơ ông giản dị mà sâu sắc, mộc mạc đơn sơ mà đằm sâu triết lý cuộc đời.

Vương Trọng luôn sử dụng ngôn ngữ thơ giản dị gần gũi với cuộc sống hàng ngày, cũng chính vì thế mà mỗi khi viết về người mẹ, người chị, người em gái ông có những dòng thơ hết sức cảm động: “Ngày lưng mẹ, đêm nằm

trên giường mẹ/ Mình mẹ lo khi trái gió trở trời”. Còn đây là hình ảnh chị dâu

với bao lo toan trong cảnh nghèo đói ở làng quê được thể hiện với một hệ thống từ ngữ dân dã, đời thường: nồi, đơm xới, canh rau, nón tơi – cắp rá, gói

cơm nếp lạc,… Bên cạnh những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống, Vương

Trọng còn sử dụng nhiều hình ảnh trong tục ngữ, ca dao. Chẳng hạn như hình ảnh cây cau, lá trầu, cây bầu, cây bí: “Dây trầu quấn quýt thân cau/ Một vườn

tay bí, tay bầu kết thân/ Tơ hồng níu ngọn cúc tần...Miếng trầu vừa ấm hơi vôi/ Bài ca đang lúc làm môi ngọt ngào” (Lời giã bạn); Là hình ảnh “Tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội/ Lên đò sang ngang, vai mang khăn gói” (Triết lý khi yêu) trong tình yêu.

Thơ Vương Trọng dễ hiểu nhưng không hề đơn giản, đó là thứ thơ giản dị, dễ đồng cảm; là thơ về những thân phận éo le, thơ của một nỗi lòng giàu trắc ẩn. Và cũng chính vì thế ngôn ngữ thơ ông cũng hết sức gần gũi, bình dị với đời thường. Chính lớp ngôn ngữ này đã góp phần chuyển tải những suy tư, trăn trở của nhà thơ về cuộc đời, con người và số phận đến người đọc một cách tự nhiên nhất. Nói cách khác, lớp ngôn ngữ này là phương tiện thuận lợi chuyển tải cảm hứng thế sự của nhà thơ.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự trong thơ Vương Trọng (Trang 94 - 97)