Cơ sở cho sự xuất hiện cảm hứng thế sự trong thơ Vương Trọng

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự trong thơ Vương Trọng (Trang 38)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.Cơ sở cho sự xuất hiện cảm hứng thế sự trong thơ Vương Trọng

2.1.1. Những đổi thay của đất nước sau chiến tranh

Năm 1975, chiến tranh kết thúc, Việt Nam thống nhất, bước vào một thời kỳ mới. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài sau chiến tranh, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Hậu quả nặng nề của chiến tranh, và cùng với nó là cơ chế bao cấp của thời chiến tranh đã lỗi thời, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với văn nghệ sĩ, đó là thời kỳ "nợ áo cơm ghì sát đất", quẩn quanh trong những lối mòn tư duy nghệ thuật. Sự ngưng đọng, trì trệ hiện rõ trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có văn chương, nghệ thuật. Trước tình hình đó, tháng 12/ 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã chỉ rõ: "Đối với nước ta, đổi mới đang là nhu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn". Tiếp đó, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết 05 "Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý văn học nghệ thuật, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Cũng như nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, với thơ ca, đổi mới, mà trước hết là đổi mới tư duy nghệ thuật, có ý nghĩa sống còn. Văn nghệ được “cởi trói”, người nghệ sĩ được tự do sáng tạo. Đó là điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy của ý thức cá nhân, cá tính. Cái tôi nghệ sỹ từ lâu bị đặt ở vị trí thứ yếu nay được giải phóng, cá tính sáng tạo trở thành giá trị thẩm mỹ nổi bật.

Trong chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc, sức mạnh của tinh thần yêu nước và ý thức cộng đồng đã được phát huy cao độ. Cuộc sống cá

nhân riêng tư của mỗi con người phải thu hẹp đến tối thiểu, nhường chỗ cho cái ta rộng lớn của đất nước, nhân dân. Con người được nhìn nhận đánh giá chủ yếu ở tư cách công dân, trong quan hệ với cộng đồng, Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, cuộc sống trở lại với nhịp sống đời thường như vốn có. Trong cuộc sống ấy, không có thánh nhân, chỉ có con người hiện sinh với đủ gam màu sáng, tối, dở, hay. Ý thức cá nhân với những nhu cầu của con người hiện sinh đã được thức tỉnh trở lại. Các giá trị về xã hội, đạo đức, nhân cách… từng được xem là chuẩn mực, đã không còn thích hợp nữa. Sự rạn nứt, đổ vỡ niềm tin đã bắt đầu xuất hiện. Hiện thực xã hội không phải được nhìn nhận qua cái tôi đại diện mà được nhìn qua cái tôi cá thể. Đó là cái tôi vừa trở về với ý thức bản ngã, gắn kết với dòng đời rộng mở được đan dệt bởi muôn vàn số phận, tâm trạng và cảnh ngộ, cảm xúc mới mẻ. Mỗi con người nhìn vào mình và chợt nhận ra ở đó có bao điều khuất lấp, không dễ gì hiểu hết. Thành thực với mình, thành thực với người đã trở thành một đòi hỏi của hiện thực đời sống, của cái tôi phản tỉnh: "Thơ không hay thơ nói thực lòng/ Ai giả dối

rồi biết mình lầm lỗi" (Tản mạn thời tôi sống, Nguyễn Trọng Tạo).

Công cuộc đổi mới do Đảng phát động (1986) đã thổi một làn gió mới vào đời sống văn học. Tinh thần dân chủ được chú trọng, cái tôi cá nhân, cá tính được đề cao. Việc chủ động mở cửa hội nhập với thế giới tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu, tiếp xúc văn hóa phát triển theo hướng đa chiều. Người nghệ sĩ được "cởi trói" có điều kiện để phát huy tối đa năng lực tư duy, khả năng sáng tạo. Nhờ đó, diện mạo văn học đã có nhiều thay đổi, phong phú, đa dạng, nhiều gam màu sáng, tối. Con người đã trở thành đối tượng trung tâm cho mọi kiếm tìm sáng tạo với tinh thần "phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động”( Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI ). Cùng với những tìm tòi cách tân mạnh mẽ trong văn xuôi, thơ đã mang trong mình một hơi thở mới, diện mạo mới. Đa dạng về phong cách, phong phú về thể loại, giàu triết lý, suy tư. Con người đời tư, thế

sự đã trở thành đối tượng cho mọi kiếm tìm sáng tạo. Thế giới nội cảm của nhà thơ đã trở thành đối tượng nhận thức của thơ. Một đội ngũ nhà thơ hùng hậu với nhiều thế hệ, nhiều phong cách sáng tạo đã đồng hành với công cuộc đổi mới của đất nước. Bên cạnh những nhà thơ "tiền chiến" như Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh... là một đội ngũ những nhà thơ tài năng đã đi qua chiến tranh, như: Nguyễn Đình Thi, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Thanh Nhàn, Ý Nhi, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Vương Trọng, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy.... Bước ra khỏi chiến tranh, trong cái nhìn của họ, hào quang chiến trận đã dần dần nhường chỗ cho một hiện thực trần trụi của cuộc sống thời hậu chiến. Những bài thơ giục giã với điệp khúc lên đường đã được thay thế dần bằng những bài thơ lắng đọng suy tư về nhân thế. Họ đã tự làm mới mình bằng sự thay đổi trong cách nhìn, cách nghĩ và những tìm tòi, sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Bên cạnh họ là một thế hệ nhà thơ trưởng thành sau chiến tranh, như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Lãng Thanh, Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi, Phương Lan, Nguyệt Phạm, Khánh Phương... So với thế hệ đi trước, thế hệ nhà thơ thời hậu chiến không chịu ảnh hưởng nhiều thứ "tư duy nghệ thuật bao cấp", được vẫy vùng trong một khung trời rộng lớn, họ khát khao khẳng định mình, làm mới thơ ca. Đánh giá về những sáng tác của thế hệ nhà thơ thời hậu chiến, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Song có một điều không thể phủ nhận, bằng những tìm tòi, thể nghiệm của mình, họ đã mang đến cho thơ ca dân tộc một sức sống mới, diện mạo mới, lắm mảng màu, nhiều giọng điệu.

2.1.2. Yêu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật

Thập niên đầu sau chiến tranh, đời sống văn học Việt Nam rơi vào tình trạng trì trệ, đông cứng. Các nhà văn vẫn viết, tác phẩm vẫn không ngừng được xuất bản, song sức hấp dẫn văn chương đã không còn như trong thời kỳ

trước đó. Điều này có nguyên nhân ở sự chậm đổi mới của các nhà văn, mà trước hết là trong tư duy nghệ thuật. Kiểu tư duy bao cấp của thời chiến tranh đã trở nên xơ cứng, lỗi thời, kìm hãm sức sáng tạo của người nghệ sĩ. Nói cách khác, văn học đã không theo kịp sự thay đổi của hiện thực cuộc sống. Không ít nhà văn đã nhận ra điều đó. Họ đã có những tìm tòi, nhằm vượt thoát ra khỏi kiểu tư duy của văn học thời chiến tranh. Tiêu biểu trong số đó là Nguyễn Minh Châu, người được mệnh danh là "người mở đường tinh anh" (Nguyên Ngọc). Thực tế đó, đòi hỏi phải đổi mới tư duy nghệ thuật. Sự ra đời của Nghị quyết 05 (1986) về văn hóa văn nghệ của Bộ Chính Trị đã "cởi trói" cho các nhà văn, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, mở đường cho những đổi mới tư duy nghệ thuật. Nhiều nhà văn đã xem việc đổi mới tư duy nghệ thuật không chỉ là một yêu cầu của thực tiễn đời sống, mà còn là sự sống còn đối với ngòi bút của mình. Lê Lựu: "Tự bảo không viết như thế được nữa” ( Trả lời phỏng vấn báo Quân đội Nhân dân, 24/4/1988 ). Còn Nguyên Ngọc dứt khoát hơn, khi tuyên bố: "Tôi cần tìm cho mình một ngôn ngữ nghệ thuật khác” ( Nguyên Ngọc, Trò chuyện cuối năm, báo Văn nghệ, số 2,1990 ). Cách nói có khác nhau, song họ đều gặp nhau ở chỗ, khẳng định đổi mới nghệ thuật, mà trước hết là đổi mới tư duy là sự sống còn của văn học.

Nói tới đổi mới tư duy nghệ thuật, trước hết là nói đến đổi mới cách nhìn hiện thực. Với yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn học cách mạng (1945 - 1975) đã bám sát hiện thực cách mạng với hai đề tài xuyên suốt, bao trùm là Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Đó không chỉ là yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, mà còn là ý thức tự nguyện của nhà văn. Trong cái nhìn của các nhà văn bấy giờ, hiện thực đất nước là những gì lớn lao, hào hùng cao cả. Họ đã hướng tới hiện thực ấy, và tái hiện nó vào những sáng tác của mình với một niềm sáng tạo say mê. Hàng loạt tác phẩm đã ra đời trong quan niệm, cảm hứng sáng tạo ấy, và đã góp một phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc. Chiến tranh kết thúc, cuộc sống thời bình trở lại với những gì

vốn có. Đó là sự đan xen những gam màu sáng, tối. Nhiều thang bậc giá trị đã thay đổi. Bên cạnh những cái lớn lao, cao cả là những cái tầm thường, nhỏ nhoi... tất cả góp phần tạo nên một hiện thực bộn bề, phức tạp. Thực tế đó, đòi hỏi nhà văn phải có cách nhìn, cách nghĩ mới. Không thể nhìn hiện thực một cách nhị phân (sáng / tối; cao cả / thấp hèn...) mà phải "nghiền ngẫm hiện thực" (Lê Ngọc Trà), để phát hiện những phần chìm lấp bởi những ảo ảnh, giả tưởng. Đó không chỉ là hiện thực bên ngoài, mà còn là hiện thực bên trong; không phải là một hiện thực đã hoàn tất mà là một thực đang vận động, biến đổi, khó nắm bắt. Sự thay đổi cách nhìn ấy, sẽ đưa văn học đến gần hơn với cuộc sống, thực hơn; gần đời, gần người hơn. Mọi vấn đề của đời sống, của kiếp nhân sinh đều có thể trở thành đề tài văn học.

Cùng với việc thay đổi cách nhìn hiện thực, đổi mới tư duy nghệ thuật văn học thời hậu chiến đòi hỏi nhà văn phải đối mới nhận thức về con người. Lịch sử văn học về một góc độ nào đó là lịch sử của những quan niệm nghệ thuật khác nhau về con người. Chiến tranh kết thúc, con người trở lại với cuộc sống đời thường. ChiÕn tranh ¸c liÖt, gian khổ, nhưng đơn giản. Đó là thời kỳ triệu trái tim cùng nhịp đập, mọi ánh mắt đều nhìn về một phía. Thang giá trị cao nhất đối với mỗi con người là lòng yêu tổ quốc, là tinh thần tận hiến cho đất nước, nhân dân. Thử thách cao nhất đối với con người là lòng trung thành với lý tưởng, là lẽ sống/ chết. Mọi toan tính riêng tư không có lý do tồn tại trong quan niệm của cộng đồng. Con người hướng tới cái cao cả, phi thường, bỏ qua những cái bình thường, đời thường - vốn là thuộc tính tự nhiên của con người. Thực tế đó đòi hỏi văn học cần có sự thay đổi trong quan niệm về con người. Nếu trong thời kỳ chiến tranh, con người được nhìn nhận chủ yếu là con người cộng đồng, con người lịch sử trong mối quan hệ với dân tộc, tổ quốc, thì giờ đây con người được nhìn nhận trong tư cách một thân phận với tất cả những gì phong phú, bí ẩn, phức tạp vốn có của nó. Đó không chỉ là con người ý thức, mà còn là con người vô thức, bản năng. Ranh giới giữa tốt/ xấu;

cao cả/ thấp hèn,... đã không còn rõ ràng. Thay vào đó là sự nhòe mờ, lẫn khuất, đan xen, "rồng phượng lẫn rắn rết, cả thiên thần và ác quỷ" (Bức tranh, Nguyễn Minh Châu). Để có cái nhìn đúng về con người, nhà văn cần xem xét con người từ nhiều góc độ, đa chiều, đa diện. Ở đó số phận con người phải trở thành đối tượng trung tâm cho mọi kiếm tìm, khám phá, sáng tạo. Cái nhìn ấy sẽ mang đến cho văn học giá trị nhân bản, đưa văn học gần hơn với con người trong sứ mệnh cao cả "văn học là nhân học" (M. Gorki).

Cùng với việc đổi mới cách nhìn hiện thực, quan niệm về con người, văn học thời hậu chiến còn đòi hỏi nhà văn phải đổi mới cách nhìn về nghệ thuật. Trong sáng tạo thơ ca, đó là sự thay đổi trong cấu trúc bài thơ, đặc biệt trong ngôn ngữ thơ. Là sản phẩm và công cụ của tư duy, ngôn ngữ luôn gắn liền với hiện thực đời sống con người, vận động biến đổi không ngừng cùng với sự thay đổi của đời sống xã hội. Từ cách nhìn ấy, có thể thấy, sự đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, trong đó có ngôn ngữ thơ là một đòi hỏi tất yếu của văn học sau 1975. Với xu hướng văn học trở về với cuộc sống đời thường, ngôn ngữ thơ phải đậm chất hiện thực, gần gũi ngôn ngữ đời thường. Trường từ ngữ trong thơ đã được mở rộng đến gần như không có giới hạn. Những từ thông tục, khẩu ngữ, biệt ngữ, đã có mặt khá phổ biến trong thơ của nhiều tác giả, nhất là lớp trẻ. Thơ trở lại vị trí vốn có là ở giữa cuộc đời, gắn với con người, cuộc sống. Tài năng của nhà thơ trước hết được thể hiện ở khả năng dung nạp, sáng tạo, mọi ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ thơ ca. Cùng với nó, kiến trúc câu thơ, bài thơ đòi hỏi phải thay đổi. Thơ không chỉ bộc lộ, giải bày mà còn đối thoại, nghiền ngẫm, suy tư. Theo đó, vần, nhịp thơ cũng cần phải thay đổi. Tính khép kín của thể loại có xu hướng bị phá vỡ, thay vào đó là sự giao thoa của nhiều thể loại. Điều này đã tạo điều kiện cho cảm hứng nhà thơ được thể hiện một cách phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái cung bậc. Có

cảm xúc, có suy tư, triết lý. Tính thế sự đã nổi lên như một yêu cầu tất yếu, tự nhiên của thơ thời hậu chiến.

Yêu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật với những trình bày trên đây, suy cho cùng là yêu cầu văn học trở lại với thiên chức vốn có của mình. Đó là gắn với con người và cuộc sống, là "vị nhân sinh". Tính thế sự được xem như một thước đo chân giá trị của văn học. Điều này lý giải vì sao, cảm hứng thế sự lại trở thành một cảm hứng nổi bật trong sáng tạo của nhiều nhà thơ sau 1975, trong đó có Vương Trọng.

2.1.3. Sự nhạy cảm, tinh tế, nhiều suy tư của một hồn thơ

Trong sáng tạo thơ ca, những phẩm cách cá nhân của nhà thơ luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, thơ là "tiếng nói bên trong" (Hegel) là "bản tự thuật của tâm trạng" (N. G. Pospelov). Theo cách nói của Hàn Mạc Tử Người thơ phong vận như thơ ấy. Bên cạnh những yếu tố khách quan, nhân tố chủ quan như quan điểm tư tưởng, vốn sống, vốn văn hóa, tài năng ảnh hưởng rất lớn đến thiên hướng sáng tạo của nhà thơ, góp phần định hình một phong cách thơ. Một trong những phẩm chất hàng đầu, cần có của nhà thơ là sự nhạy cảm, tinh tế. Tuy nhiên, khả năng ấy biểu hiện ở các nhà thơ lại có nhiều khác biệt. Có không ít nhà thơ, sự nhạy cảm nghệ thuật luôn gắn liền với những vấn đề trọng đại, lớn lao, những biến cố mang tầm vóc lịch sử. Tố Hữu là một hiện tượng tiêu biểu. Bên cạnh đó, có những nhà thơ, sự nhạy trong tâm hồn lại có thiên hướng bộc lộ ở những vấn đền nhỏ nhoi, bình thường, gần gũi trong cuộc sống thường nhật. Họ có thể nghe thấy những điều không ai nghe, nhìn thấy những điều chưa ai thấy. Đọc thơ Vương Trọng không khó để nhận ra ông có những biểu hiện rõ rệt của khả năng này. Tinh tế, nhạy cảm, nhiều chiêm nghiệm suy tư là những nét nổi bật ở con người Vương Trong.

Cũng như nhiều nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Vương Trọng đi nhiều, ưa quan sát, có nhiều trải nghiệm cuộc đời. Ông có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước mọi hiện tượng của cuộc sống, con người. Sự nhạy cảm của một hồn thơ kết hợp hài hòa với sự điềm tĩnh, lý trí của tư duy toán học đã giúp ông phát hiện ra "chất thơ" trong những cái bình thường, gần

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự trong thơ Vương Trọng (Trang 38)