Chiến tranh từ góc nhìn thế sự

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự trong thơ Vương Trọng (Trang 46 - 53)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Chiến tranh từ góc nhìn thế sự

Chiến tranh là một đề tài rộng lớn của thơ ca. Không quá lời khi nói rằng thơ Việt Nam ( 1945 – 1975 ) là thơ viết về chiến tranh. Và ngay cả khi chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, thì nó vẫn là một đề tài thu hút sự sáng tạo của không ít nhà thơ. Tuy nhiên, trước đề tài rộng lớn, trọng đại ấy, mỗi nhà thơ lại có cách tiếp cận riêng, một khuynh hướng cám xúc riêng. Với Vương Trọng, ông không nhìn chiến tranh trong những chiều kích lớn lao của các quan hệ. Thay vào đó, ông nhìn chiến tranh trong quan hệ với số phận con người. Với cái nhìn ấy, ông phát hiện ra những tứ thơ độc đáo trong những điều bình dị, mộc mạc; qua những số phận con người gần gũi. Một trong

những sáng tác đầu tiên về chiến tranh của Vương Trọng là bài thơ Nằm võng. Bài thơ có một cấu tứ giản dị, tái hiện cảnh những người lính dọc đường hành quân ra trận nằm nghỉ trên cánh võng dưới tán lá rừng và sao trời lấp lánh. Không có tiếng đạn, bom, không có hi sinh, mất mát mà chỉ có cảnh những người lính nằm võng dưới sao trời và chợt nhận ra một sự khác biệt giữa cánh võng tuổi thơ và cánh võng trên đường ra trận:

Ôi tuổi thơ ta nằm trên võng gai Đi đánh Mỹ giờ ta nằm võng bạt

Xưa tiếng mẹ ru trùm lên luồng gió mát Nay Trường Sơn toả bóng chở che ta.

(Nằm võng, 1969)

Dù chưa thật rõ ràng, song bài thơ ít nhiều đã có màu sắc suy tưởng. Cảm hứng thế sự lấn lướt cảm hứng sử thi. Trong cái nhìn của Vương Trọng, chiến tranh khốc liệt không làm mất đi cái đẹp của cuộc sống đời thường. Ông phát hiện ra cái lớn lao, cao cả của cuộc sống trong những cái giản dị, bình thường. Trong tiếng gầm rú của máy bay, tiếng chát chúa của đạn bom, vẫn nghe rõ tiếng học bài của trẻ nhỏ sau lũy tre làng, một "âm thanh kỳ diệu" trong những năm tháng chiến tranh. Đó là sức sống, là ý chí quật cường của con người Việt Nam:

Một nhà Hai ba nhà

Cả làng tôi như nhà nào cũng vang tiếng trẻ Bài ca dao

Bài sử ký

Gọi mặt trời lên

Khẩu trung liên trên đê Khẩu pháo ngoài trận địa Cởi áo bạt lắng nghe Tiếng trẻ học bài.

(Tiếng trẻ học bài, 1970)

Năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, đế quốc Mỹ rút khỏi nước ta, đánh dấu sự thất bại ê chề của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nó trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt cho nhiều nhà thơ sáng tạo. Là một nhà thơ chiến sĩ, với tâm hồn nhạy cảm, nhiều suy tư, Vương Trong viết nhiều bài thơ, mà tiêu biểu là các bài: Tiếng đất, Mắt con nhìn, Mưa ở Dốc

Miếu. Ba bài thơ ra đời trong một bối cảnh, một thời gian và có cùng một

hướng tiếp cận chiến tranh. Đó là nhìn từ những điều bình dị, gần gũi: tiếng thì thầm của đất, ánh mắt trẻ thơ, từng giọt mưa rơi trên Dốc Miếu - nơi một thời đạn bom, chết chóc. Cảm xúc và suy tư, tình cảm và lý trí đã đan xen, hòa quyện vào trong mỗi hình tượng thơ, tạo nên sức khơi gợi mạnh mẽ trong lòng người đọc.Trước chiến thắng đang đến gần, nhà thơ nghĩ nhiều đến nỗi đau của đất:

Tàu giặc xa, biển lại lành

Khói bom tan, trời lại xanh sắc trời Đất sâu như tấm lòng người

Bao giờ lành được đất ơi, đau này?

(Tiếng đất, 1973)

Với một cái nhìn lạc quan, ông đã phát hiện ra sự hồi sinh mạnh mẽ của đất khi chiến tranh đi qua:

Chưa gặp nơi nào như ở đây Sau cơn mưa đất trời khác hẳn

Uống mưa xong mọc nhọn cả vùng đồi.

(Mưa ở Dốc Miếu, 1973)

Trở lại cuộc sống đời thường, đề tài chiến tranh được Vương Trọng tiếp cận ở một hướng nhìn khác. Ông có nhiều bài thơ viết về những người đồng đội đã hi sinh, mà tiêu biểu là bài thơ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc (1995). Bài thơ được viết khi ông về thăm Nghĩa trang Đồng Lộc, nơi yên

nghỉ của mười cô gái thanh niên xung phong tuổi đời mười chín, đôi mươi. Đã có nhiều bài thơ viết về mười cô gái anh hùng, về ngã ba Đồng Lộc huyền thoại. Cái mới của Vượng Trọng là ở chỗ, ông đã đưa họ trở về với cuộc sống hôm nay. Thay vì ngợi ca chiến công bất tử của họ là hãy hành động cho cuộc đời hiện tại. Đó là sự đối xử công bằng với mọi hi sinh: Lòng tưởng nhớ xin

chia đều khắp/ Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi; là Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống/ Các chị nằm còn khát bóng cây che và Về bón chăm cho lúa được mùa hơn. Đó là những vấn đề của hôm nay, của

cuộc sống thường nhật và cũng là vấn đề lớn lao của muôn kiếp nhân sinh. Hôm qua và hôm nay, người còn sống và những người đã khuất dường như không có sự cách xa, khi tất cả đều hiện hữu trong cuộc đời thực tại:

Ngày bom vùi tóc tai bết đất

Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang

Cho mọc dậy vài cây bồ kết

Hương chia đều trong hư ảo khói nhang. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ông viết nhiều về những hi sinh của người lính, những đau thương mất mát của những người ở lại hậu phương. Ký ức chiến tranh trong ông là hình ảnh những người đồng đội vật vã với sốt rét và cơn khát triền miên ở chiến trường Bạn tôi khát đến khi không nói được:

Ai từng qua cơn khát khô môi Khát khô môi là bắt đầu cơn khát Bạn tôi khát đến khi không nói được Sao cây đồi chỉ mọc cỏ gianh? Nói chuyện phải đưa tay ra hiệu Hoặc viết lên nguệch ngoạc mặt hầm

( Tà Sanh,1985 )

Xuất hiện nhiều hơn trong thơ Vương Trọng thời hậu chiến là hình ảnh những người mẹ, người vợ ở hậu phương. Có thể kể đến một số bài thơ tiêu biểu như: Thăm chồng, Tết này anh về phép, Tiễn chồng, Chị, Mẹ đồng chiêm, Mẹ Bắc Cạn... Ngay tên gọi bài thơ đã cho thấy tính thế sự trong cảm

hứng sáng tạo của nhà thơ. Dòng cảm xúc của ông luôn hướng về phía cuộc đời, với những số phận, những cảnh đời cụ thể, bình thường, gần gũi quanh ta. Chiến tranh đã đi qua, song vì sự bình yên của đất nước, biết bao người vợ vẫn phải sống xa chồng: Cưới nhau chưa bén hơi chồng/ Ba lô ngược phía

biên phòng anh đi ( Thăm chồng ). Và: Gửi con sang hàng xóm/ Mang ba lô tiễn chồng ( Tiễn chồng ). Chủ đề biệt li là một chủ đề không mới trong thơ

ca Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên cách tiếp cận nó ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi nhà thơ lại có khác nhau. Trong Thăm lúa của Trần Hữu Thung, Cuộc chia ly

màu đỏ của Nguyễn Mỹ, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, Chia tay trong đêm mùa hạ của Nguyễn Thị Nhơn, tình cảm lứa đôi được đan lồng

trong tình yêu đất nước. Ở đó, người ra đi và người ở lại đều tự nguyện hi sinh tình cảm riêng tư để làm tròn bổn phận với đất nước. Cái tôi cá nhân dường như không có chỗ trong cái ta lớn lao, lý tưởng ấy. Trong thơ viết về

đề tài biệt ly thời hậu chiến, các nhà thơ đã có cách nhìn, cách tiếp cận mới. Ở đó con người cá nhân, tình cảm riêng tư được nói đến nhiều hơn. Trong thơ Vương Trọng nỗi nhớ thương đầy vơi, khắc khoải của những người vợ lính được thể hiện như một thứ tình cảm tự nhiên của con người. Nhà thơ không lý tưởng hóa, thi vị hóa những khắc khoải đợi chờ của người phụ nữ, thay vào đó là tấm lòng đồng cảm sẻ chia:

Ngày thường thấm nỗi không anh Cuối năm anh vẫn xa xanh biên thùy Anh không về được, chị đi

Nhớ thương, thân gái quản chi dặm trường...

( Thăm chồng, 1997 ) Ba mươi năm chiến tranh, hàng triệu người phụ nữ Việt Nam đã lần lượt tiễn chồng, con lên đường ra trận. Và rất nhiều trong số đó đã mãi mãi không về. Đó là mất mát, đau thương không gì bù đắp được. Vượng Trọng đã thể hiện điều đó qua số phận người chị của mình, một người chị tảo tần lam lũ, đơn chiếc, lẻ loi: “Căn nhà rộng ngày lẻ loi mình chị/ Đêm thắp đèn cho

bóng nữa thành đôi”. Và: “Nhà hàng xóm thừa ồn ào tiếng trẻ/ Chị thiếu từng tiếng bát đũa va nhau”. Đó còn số phận của người nữ dân quân trong

trung đội ba mươi cô gái can trường ở Đô Lương từng một thời “Đội bom đứng giữa mênh mông đêm dài”. Chiến tranh đi qua, mỗi người một cảnh

ngộ: “Người thì con đã trưởng thành/ Người thì lỡ bước chưa đành sang

ngang” (Giá như ngày ấy, 1986). Không nói đến mất mát của chiến tranh, sự hi sinh của người phụ nữ, song tất cả vẫn hiện lên rõ nét qua từng hình ảnh. Hình tượng người phụ nữ trong bài thơ là con người đời thường, đời tư, chân thực. Ở đó không có vẻ đẹp lý tưởng của đức hi sinh mà chỉ có nỗi cô đơn,

xót xa của một thân phận, niềm ước mong khắc khoải về một hạnh phúc bình dị trong cuộc đời người phụ nữ. Tứ thơ không mới, lại được biểu đạt một cách giản dị tự nhiên bằng ngôn ngữ đời thường, song bài thơ có sức ám gợi mạnh mẽ. Bởi lẽ, đó là tiếng lòng của nhà thơ, là sự ngưng đọng lan tỏa của một cảm xúc chân thành từ trái tim nhân hậu của nhà thơ:

Người đi xa cuối năm những ai về Mà lối xóm râm ran lời chào hỏi

Sao chị chẳng được làm người đón đợi Cổng mở hoài, chỉ có gió vào sân

(Chị, 1986 )

Dư âm của chiến tranh, không chỉ hiện hình ở những người lính trở về, ở số phận những người vợ mòn mỏi chờ chồng, mà còn ở những gương mặt khắc khổ của những người mẹ chiến sĩ. Họ là những người hi sinh thầm lặng. Vương Trọng có nhiều bài thơ viết về người mẹ. Dù khác nhau trong cách biểu đạt, song hình tượng người mẹ hiện lên trong thơ ông luôn là người mẹ đời thường, gần gũi, tảo tần, nhân hậu:

Chúng con nghỉ trong chở che mái lá Sáng ra đi mẹ tiễn ướt mắt nhìn

Bao người lính mang tình thương của mẹ Suốt những ngày phía Bắc chẳng bình yên

Một ngày mẹ vật lộn với đồng sâu Mẹ từ đồng chiêm

Lặn lội thân cò

( Mẹ đồng chiêm, 1973 – 1976 ) Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, đề tài chiến tranh luôn có một vị trí đặc biệt, ngay cả khi chiến tranh đã đi qua. Là một nhà thơ - chiến sĩ, Vương Trọng viết về chiến tranh như một lẽ tự nhiên, một ý thức trách nhiệm công dân. Song ông có cách tiếp cận của riêng mình. Ông nhìn chiến tranh từ góc nhìn thế sự, gắn với số phận, cuộc sống con người. Ở đó không có cái hào hùng cao cả mang đậm chất lý tưởng mà chỉ có những thân phận con người với những góc khuất của cuộc sống riêng tư. Đó là một đóng góp của Vương Trọng cho thơ ca viết về chiến tranh thời hậu chiến.

Một phần của tài liệu Cảm hứng thế sự trong thơ Vương Trọng (Trang 46 - 53)