Sự kém hiệu quả trong hoạt động của các thiết chế trong việc giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế

Một phần của tài liệu Hình sự hóa vài việc dân sự, kinh tế nguyên nhân, giải pháp khắc phục (Trang 76 - 81)

giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế

- Sự bất cập của cơ chế giải quyết bằng trọng tài

Tại các nước có nền kinh tế phát triển, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là rất phổ biến và thậm chí là tất yếu. Lý do: thủ tục nhanh gọn và đơn giản hơn nhiều so với việc đưa ra giải quyết tại toà án và có tính bảo mật cao.

Tuy nhiên tại Việt Nam thì khác hẳn. Dù qui định về trọng tài thực tế đã có từ năm 1994, nhưng tới nay hầu hết các trung tâm trọng tài tại Việt Nam đều trong cảnh “thất nghiệp” dài dài ! VIAC, tổ chức trọng tài có truyền thống lâu đời nhất ở nước ta trong năm 2007 cũng chỉ xử trên 30 vụ; Trung tâm Trọng tài TPHCM: 7 vụ; còn các trung tâm khác khoảng 1-2 vụ… Trong khi đó, Toà Kinh tế TPHCM, cùng thời gian, riêng toà này trên đã xét xử hơn 1.000 vụ tranh chấp kinh tế, thương mại.

Nguyên nhân các doanh nhân không hào hứng tìm đến các Trung tâm Trọng tài Thương mại Việt Nam có thể lý giải bởi lý do sau: Đội ngũ trọng tài viên của các trung tâm chưa thực sự là đội ngũ mạnh, chưa có năng lực giải quyết tranh chấp nên khó thuyết phục được, thậm chí nhiều trường hợp đương sự đã nộp đơn nhưng sau khi tiếp xúc ngay lập tức rút đơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với phương thức trọng tài nhưng các trung tâm lại không có hình thức giới thiệu, quảng bá về mình để cung cấp thông tin

77

cho doanh nghiệp biết tới. Một vấn đề không kém phần bất cập khác là có hiện tượng toà án tranh giành thẩm quyền xét xử với trọng tài. Chẳng hạn vụ kiện giữa Công ty TNHH Trường Sanh và ông Kuo Chi Sheng (Công ty TNHH Nhã Quán). Trong vụ án này, khi ký kết hợp đồng liên doanh các bên đều thoả thuận nếu có tranh chấp sẽ giải quyết tại trọng tài VIAC. Tuy nhiên, sau khi xảy ra tranh chấp Công ty TNHH Trường Sanh lại đưa vụ việc ra TAND Bình Dương nhờ giải quyết.

Lẽ ra, thay vì phải trả lại đơn kiện, toà này vẫn nhất quyết thụ lý vụ kiện với lý do bên bị đơn - phía ông Kuo Chi Sheng không phản đối trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn. Trong khi đó, thực tế ông Kuo Chi Sheng đã có đơn liên tục phản đối việc toà thụ lý. Hậu quả là cùng một vụ việc nhưng có hai nơi giải quyết là TAND Bình Dương và trọng tài VIAC.

Liên quan đến việc phát sinh tranh chấp về thẩm quyền nói trên, có nguyên nhân sâu xa từ một văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Đó là Nghị quyết 05/2003/NQ-HĐTP ban hành vào ngày 31-7- 2003. Theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại, toà án phải từ chối giải quyết vụ tranh chấp khi có thoả thuận trọng tài, trừ khi thoả thuận trọng tài vô hiệu. Thế nhưng, Nghị quyết nói trên lại hướng dẫn trong trường hợp đã có thoả thuận trọng tài nếu một bên gửi đơn kiện đến toà trong vòng bảy ngày mà bên kia không phản đối thì toà có quyền thụ lý vụ kiện.

- Sự bất cập của cơ chế toà án

Chất lượng xét xử các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại có thể nói đáng báo động. Tỷ lệ án huỷ, sửa còn rất cao. Trong 3 năm 2006-2007 toà án cấp phúc thẩm đã thụ lý và xét xử 36.149 vụ việc dân sự, kinh tế; y án sơ thẩm 22.168 vụ việc chiếm 61%; sửa án sơ thẩm 13.958 vụ việc, chiếm 38 %; huỷ án sơ thẩm 3.625 vụ việc chiếm 10,02 %. Riêng về án kinh doanh, thương mại, theo số liệu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong 5 năm (2005-2009), toà án cấp phúc thẩm đã xét xử 1176 vụ án kinh doanh thương mại, lao động, trong đó y án 580 vụ; sửa án 386 vụ; huỷ án 161 vụ. Tỷ lệ án có kháng cáo kháng

78

nghị bị toà án cấp phúc thẩm cải, sửa huỷ chiếm tới 46,5 % [35]. Số đơn đề nghị giám đốc thẩm đang được dồn lên cấp Toà và Viện tối cao. Chưa kể đến số án có hiệu lực đưa ra thi hành án cũng có nhiều sai sót, tuyên án không rõ dẫn đến việc cơ quan thi hành án khó thi hành. Theo báo cáo công tác thi hành án của Chính phủ trước Quốc Hội năm 2008 có tới 1.017 bản án tuyên không rõ, có sai sót và 1.455 bản án tuyên khó thi hành.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể nói trước hết thuộc về các thẩm phán khi họ được đào tạo thiếu chuyên sâu về lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại. Mặc dù có sự chuyên biệt các toà về dân sự, kinh tế ở cấp tỉnh nhưng thông thường một thẩm phán toà cấp tỉnh có thể xét xử cả hình sự, dân sự, kinh doanh; xét xử theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm thậm chí cả giám đốc thẩm. Đó là chưa kể ở cấp huyện thì không có sự phân biệt chuyên sâu nào. Sự thiếu chuyên biệt có vấn đề từ thiết chế tổ chức và mô hình tố tụng. Cùng với vấn đề chuyên môn là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của các thẩm phán hiện nay cũng đáng báo động. Một lãnh đạo của ngành toà án đã từng phát biểu là thẩm phán hiện nay chưa đủ tâm và tầm để có thể đứng riêng một mình trong lĩnh vực dân sự mà vẫn cần có sự giám sát của Viện kiểm sát trong lĩnh vực này.

- Yếu kém trong thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự là một đề tài luôn luôn được nhắc đến với nhiều tồn đọng trong thi hành án và hàng loạt sự bất cập. Báo cáo về công tác thi hành án năm 2008 của Chính phủ trước Quốc Hội đã khẳng định số lượng việc thi hành án dân sự tồn đọng chưa thi hành được vẫn còn rất lớn với tổng số việc phải thi hành là 622.610 việc với tổng số tiền phải thu là 22.235 tỷ đồng; mới thi hành 289.128 việc, thu được 3.568 tỷ đồng; còn tồn đọng 333.482 việc với số tiền phải thu là 18.667 tỷ [5]. Chỉ nội bài báo sau đây có thể nêu lên hiện trạng đáng buồn này.

79

Ông Trần Dũng, Trưởng phòng Pháp chế, Ngân hàng TMCP Sài Gòn bức xúc nói:”Nếu ở nước ngoài chỉ cần 24 tiếng là mọi việc được giải quyết xong, cơ quan thi hành án có quyết định của toà án là có thể chuyển tài sản sang cho ngân hàng xử lý, còn ở Việt Nam thì thủ tục quá rắc rối, phiền hà”. Đơn kiện gửi tới toà án, 2 bên hoà giải chán chê, cơ quan thi hành án vẫn không thực hiện được, hồ sơ tồn đọng đến mức một cán bộ thi hành án ở TP. HCM phải thụ lý tới 600 hồ sơ. “Nghị định 163/CP về giao dịch bảo đảm cho phép chủ nợ trực tiếp thu hồi tài sản nhưng hướng dẫn không có, công an không hỗ trợ thì ngân hàng làm được gì”, ông Dũng nêu vấn đề tại một hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng chủ trì mới đây.

Trên thực tế, Nghị định 163/2006/CP ban hành ngày 29/12/2006 của Chính phủ quy định về nội dung cách thức, thời gian xử lý tài sản bảo đảm nhưng chưa có văn bản hướng dẫn và cũng không có cơ sở để yêu cầu cơ quan thi hành án tham gia cưỡng chế thu hồi tài sản trong trường hợp người thế chấp không tự nguyện giao tài sản. Ngân hàng muốn thu hồi nợ, rút cuộc vẫn phải làm theo cách cũ là khởi kiện ra toà để yêu cầu thi hành án. Nhưng thủ tục quá rườm rà từ việc có đơn yêu cầu, ra quyết định thi hành án, thời gian tự nguyện, biên bản làm việc của 2 bên tại thi hành án, quyết định cưỡng chế về việc kê biên định giá phát mãi tài sản, quyết định thành lập hội đồng định giá và hợp đồng bán với Trung tâm bán đấu giá tài sản… Rườm rà như vậy, nên cơ quan thi hành án không bao giờ thi hành đúng thời hạn như quyết định của bản án. Hội đồng định giá do cơ quan thi hành án thành lập tự quyết định giá nên không phù hợp với cách thức định giá như các bên thoả thuận trong hợp đồng thế chấp. Ông Dũng nêu trường hợp tại ngân hàng mình trong hợp đồng vay, một chiếc ôtô là tài sản thế chấp được định giá có 400 triệu đồng, khi xử lý tài sản thu hồi nợ cơ quan định giá đưa lên tới 1,2 tỷ đồng, “đấu tranh” mãi cuối cùng ngân hàng phải chịu giá 800 triệu đồng.

Bộ phận pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng mệt mỏi không kém khi giải quyết vụ thu hồi nợ quá hạn tại

80

Công ty Thương mại Đắc Lắk. Toà án ra quyết định cho phép Ngân hàng tiếp tục thuê khu đất dùng làm tài sản thế chấp trong 20 năm nhưng Chủ tịch UBND tỉnh lại ra văn bản yêu cầu Ngân hàng trả lại đất để tổ chức đấu giá. Qua bao nhiêu cửa, đi lại mấy tháng trời mới giải quyết xong.

Pháp luật chồng chéo

Theo các ngân hàng, hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch bảo đảm chưa hoàn chỉnh, đồng bộ và thiếu thống nhất giữa các văn bản, việc đăng ký giao dịch bảo đảm thực hiện phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau tạo kẽ hở trong quản lý. Đã có trường hợp xe ôtô được đăng ký tại Phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh, thành phố nhưng khi cầm cố lại được đăng ký tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, chủ xe thế chấp ôtô để vay tiền, sau đó lại báo mất đăng ký để xin cơ quan công an cấp lại rồi bán xe cho người khác và làm thủ tục sang tên mà không bị phát hiện.

Liên quan đến việc xử lý tài sản thế chấp, Nghị định 163/CP cho phép các tổ chức tín dụng được lựa chọn hình thức xử lý đa dạng như bán tài sản thế chấp nhận các khoản tiền và tài sản từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ, phương thức khác do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được phương thức xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được đem bán đấu giá nhưng để thực hiện được, các bên lại phải ký hợp đồng uỷ quyền tại đơn vị bán đấu giá có thẩm quyền. Nhiều trường hợp bên thế chấp không chấp nhận thì không thể bán đấu giá, khi đó cũng không có cơ chế cho tổ chức tín dụng được tự bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ.

Xin chủ động

Trước những vướng mắc trên, các ngân hàng đã đồng loạt có văn bản đề nghị cơ quan quản lý tháo gỡ. Trong văn bản góp ý về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á kiến nghị Nhà nước nên cho các tổ chức tín dụng tự tổ chức đấu giá tài sản thế chấp thu hồi nợ vay, với sự giám sát của một tổ chức có thẩm quyền cho khách quan và được nhận gán nợ khi cần thiết, giúp cho tổ chức tín dụng được chủ động và thu hồi nợ vay nhanh hơn.

81

Các ngân hàng cũng đề xuất hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm cần tập trung về một cơ quan để việc thực hiện đăng ký được thống nhất. Mở kênh riêng hoặc lập trang web thông tin pháp lý về tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở để các tổ chức tín dụng được quyền truy vấn các thông tin này nhằm tiết kiệm thời gian.

Một đề xuất nữa là Bộ Tư pháp sớm ban hành hướng dẫn thi hành Nghị định 163 để tháo gỡ những khó khăn hiện nay. “Nghị định 163 có hiệu lực từ đầu năm 2007, thế mà hiện nay nhiều cán bộ công an, thi hành án vẫn hiểu rất mơ hồ nên không biết thực hiện như thế nào”, ông Trần Dũng cho biết [15].

Những bất cập nêu trên của các thiết chế trong việc giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế dường như khuyến khích người ta lựa chọn con đường giải quyết tranh chấp phi trọng tài, phi toà án mà bằng cách nhờ xã hội đen hoặc hiệu quả hơn là nhờ công an đòi nợ thuê.

Một phần của tài liệu Hình sự hóa vài việc dân sự, kinh tế nguyên nhân, giải pháp khắc phục (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)