Hình sự hoá việc vay, mượn trong dân cư

Một phần của tài liệu Hình sự hóa vài việc dân sự, kinh tế nguyên nhân, giải pháp khắc phục (Trang 35 - 41)

Trong dân cư, việc cho vay hoặc mượn tiền thường dựa trên cơ sở niềm tin lẫn nhau. Niềm tin đó có thể xuất phát từ những mối quan hệ quen thuộc, là bạn hàng của nhau hoặc trong cộng đồng khu dân cư nhất định khi cho vay mượn dưới hình thức hụi, họ, biêu, phường. Vấn đề hụi, họ, biêu phường là những tên gọi khác nhau theo ngôn ngữ địa phương của họ. Góp họ đã xuất hiện và được sử dụng phổ biến lâu đời ở nước ta. Tuy nhiên, tập quán này không được quy định trong các văn bản pháp luật; các quy định về hợp đồng vay vẫn được áp dụng để xử lý quan hệ họ theo nguyên tắc áp dụng luật tương tự. Lần đầu tiên, quy định về quan hệ này đã được ghi nhận tại Bộ luật dân sự năm 2005.

Họ là quan hệ mà trong đó có nhiều người cùng đóng góp tiền hoặc tài sản khác (trước đây thường là lúa, gạo hoặc vật nuôi), số tiền này do một người giữ, những người góp tiền lần lượt lĩnh số tiền mà những người khác góp vào. Những người góp tiền được gọi là con họ hay nhà con (số người này tương xứng với các bát họ), người giữ tiền gọi là chủ họ hay nhà cái. Bản chất của quan hệ họ là quan hệ được thiết lập nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người chơi họ. Bằng cách góp họ và từng người góp họ được thay nhau lĩnh số tiền mà toàn bộ các thành viên góp giúp cho người góp họ có được một số tiền để đầu tư kinh doanh hoặc dùng cho những việc chi tiêu lớn như xây nhà, dựng vợ gả chồng…

Ngày 27/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2006/NĐ-CP quy định về hình thức họ, hụi, biêu, phường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người tham gia họ.

36

Theo nội dung Nghị định, chủ họ là người tổ chức, quản lý họ, thu các phần họ và giao các phần họ đó cho thành viên được lĩnh họ trong mỗi kỳ mở họ cho tới khi kết thúc họ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Thoả thuận về họ được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Văn bản thoả thuận về họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia họ có yêu cầu. Có hai hình thức họ là họ không lãi và họ có lãi, trong đó họ có lãi gồm họ đầu thảo và họ hưởng hoa hồng. Họ không có lãi là họ mà theo sự thoả thuận giữa những người tham gia họ, thành viên được lĩnh họ nhận các phần họ khi đến kỳ mở họ và không phải trả lãi cho các thành viên khác. Thành viên đã lĩnh họ có nghĩa vụ tiếp tục góp họ để các thành viên khác được lĩnh cho đến khi thành viên cuối cùng lĩnh họ. Họ có lãi là họ theo sự thoả thuận giữa những người tham gia họ, thành viên được lĩnh họ nhận các phần họ khi đến kỳ mở họ và trả lãi cho các thành viên khác. Thành viên đã lĩnh họ có nghĩa vụ tiếp tục góp các phần họ để các thành viên khác được lĩnh cho đến thành viên cuối cùng lĩnh họ. Trong trường hợp họ có lãi thì lãi suất đối với phần họ được thực hiện theo quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự (BLDS). Họ hưởng hoa hồng là họ mà theo sự thoả thuận giữa những người tham gia họ, chủ họ có trách nhiệm thu phần họ của các thành viên góp họ để giao cho thành viên được lĩnh họ. Thành viên được lĩnh họ phải trả lãi cho các thành viên khác và phải trả một khoản hoa hồng cho chủ họ. Mức hoa hồng do những người tham gia họ thoả thuận. Khi phát sinh tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia họ, tranh chấp đó được giải quyết tại Toà án theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta xem xét một sự việc vỡ họ xảy ra có phải là mối quan hệ họ và thuộc tranh chấp dân sự hay một vụ việc có tính chất hình sự. Ngày nay có rất nhiều biến tướng của quan hệ họ như: cho vay nặng lãi, chủ họ mở nhiều dây họ khác nhau thu tiền sử dụng

37

vào những mục đích bất hợp pháp khác như chơi bạc, buôn lậu… Thập kỷ 90 chúng ta đã chứng kiến việc vỡ hụi (bể hụi theo ngôn ngữ Nam bộ) với hàng loạt nhà giữ cái (nhà cái) không chịu trả tiền cho các thành viên góp họ hoặc mang tiền góp họ bỏ trốn gây thiệt hại nặng nề cho những người góp họ. Khi đó các cơ quan tố tụng gặp rất nhiều lúng túng, vướng mắc trong việc xử lý vì lúc đó việc chơi họ chưa được pháp luật bảo hộ và chỉ xem xét theo nguyên tắc tương tự. Trong những năm gần đây một loạt các vụ vỡ hụi cũng đã xảy ra với quy mô rất lớn mà trong đó có nhiều chủ hụi sử dụng tiền thu được vào việc đầu cơ bất động sản, khi bất động sản đóng băng, ngân hàng xiết chặt cho vay nên chủ hụi mất khả năng thanh toán. Nhà nước chỉ khuyến khích và bảo hộ những “hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân” (khoản 2 điều 479 BLDS 2005). “Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi” (khoản 3 điều 479 BLDS năm 2005) và những hành vi vi phạm khác. Khi xảy ra việc vỡ hụi, chủ hụi tuyên bố mất khả năng chi trả, chúng ta phải xem xét bản chất vụ việc đó có phải là quan hệ họ hay không? Hay bị biến tướng để lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Có những vụ việc thoạt nhìn nhận ban đầu thì có dấu hiệu của việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, dưới sự biến tướng của việc chơi họ, chủ họ gom tiền của những người tham gia chơi họ trả với lãi suất cao để đầu tư làm ăn, việc làm ăn đổ bể phải tuyên bố vỡ họ. Tuy nhiên khi xem xét bản chất vụ việc, chủ họ không hề có ý thức chiếm đoạt tài sản của những người góp họ mà do làm ăn kinh doanh thua lỗ, vỡ họ theo dây chuyền, chủ họ đã phải bán hết tài sản gồm cả nhà ở để trả nợ, không trốn chạy và không tẩu tán tài sản chỉ mất khả năng chi trả nên không thể quy kết họ về tội chiếm đoạt mà chỉ xác định đó là tranh chấp dân sự. Người tham gia chơi họ vì ham lãi cao đương nhiên phải gánh chịu hậu quả.

Ví dụ: Vụ vỡ Hụi ở Phố Hiến, Hưng Yên “Tuyên bố vỡ hụi đầu tiên gây chấn động ở thị xã Hưng Yên là của cặp vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan

38

và Đặng Trường Hùng. Nhiều người dân chua xót thừa nhận, từ việc tuyên bố vỡ nợ trên, nhiều “dây” hụi, họ lớn, nhỏ trên địa bàn thị xã Hưng Yên cũng vỡ theo. Không ai xác định chính xác được tổng số tiền vỡ hụi là bao nhiêu.Chị Lê Thị Lan ở phố Miếu, phường Điện Biên có vốn liếng lớn nên là một chủ hụi lớn ở thị xã. Một số người dân các tỉnh lân cận tin tưởng góp tiền chơi hụi. Vỡ hụi, chị Lan mắc nợ 140 người khác, số tiền lên đến 16 tỷ đồng. Không những thế, bản thân chị cũng là chủ nợ của số tiền hơn 17 tỷ đồng. Hiện mọi tài sản trong nhà chị phải bán sạch để thế chấp ngân hàng. Gia đình chị đang phải sống trong cảnh li tán mỗi người một nơi, bản thân anh chị phải ở nhờ nhà em trai, sắm một sạp hàng rau bán kiếm sống qua ngày.

Ông Nguyễn Hoà Vận (hơn 70 tuổi) cũng rất đau khổ vì 800 triệu đồng mà cả đời ông dành dụm cộng với gia sản của cả gia đình ông cho vay mà không đòi được.

Ông Thêm là một người chạy xe ba gác ở chợ phố Hiến từ lâu, số tiền ông tích cóp được cũng bị mất sạch vì chơi họ.

Vụ việc này đã được báo cáo lên Công an thị xã Hưng Yên, Công an tỉnh và Thường trực Tỉnh uỷ Hưng Yên. Tuy nhiên, tổng giá trị thiệt hại do vỡ hụi được báo cáo khoảng 14 tỉ đồng.

Các gia đình nạn nhân cho biết, họ đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hưng Yên tố cáo Nguyễn Thị Kim Loan có hành vi lừa đảo, vay tiền không trả...

Thông báo số 350 ngày 25/5/2007 của Thượng tá Trần Văn Vương - Phó Thủ trưởng CQĐT tỉnh Hưng Yên, xác nhận việc Nguyễn Thị Kim Loan vay tiền để kinh doanh mỹ phẩm và trả lãi hàng tháng theo thoả thuận là có thật. Khi vay, Loan còn thoả thuận khi nào cần lấy tiền gốc thì báo trước cho Loan từ 7 - 15 ngày, Loan sẽ thanh toán. Đến khoảng từ tháng 8 - 10/2006, người cho Loan vay đến đòi nợ tiền lãi và gốc. Vì thế Loan đã phải bán cả ô tô, hàng hoá, nhà ở để trả nợ, được một số người xoá nợ và tự rút đơn khiếu nại, số còn lại viết giấy biên nhận là làm ăn trả dần... Do vậy hành vi của

39

Nguyễn Thị Kim Loan không cấu thành tội phạm mà chỉ là vụ việc tranh chấp dân sự [17].

Như vậy, trong vụ việc nêu trên, nếu nhìn bề ngoài có thể thấy dường như có vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người góp họ của chủ họ Nguyễn Thị Kim Loan. Nhưng bản chất vụ việc không đơn giản như vậy. Với việc Loan không bỏ trốn, sử dụng tiền họ thu được vào việc kinh doanh mỹ phẩm bị thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán, Loan đã bán tất cả những gì có thể có để trả nợ cho những con nợ và xin khất nợ thể hiện Loan không có mục đích chiếm đoạt tài sản - dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của các tội có yếu tố chiếm đoạt - nên không có căn cứ quy kết Loan về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Những người ham lãi suất cao cho vay mượn đương nhiên cũng phải gánh chịu những rủi ro có thể xảy ra và họ muốn đòi nợ chỉ có thể khởi kiện ra toà án.

Trong dân cư việc vay mượn bằng tiền hoặc tài sản giữa các bên được điều chỉnh bởi hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Bản chất của hợp đồng vay tài sản được thể hiện chủ yếu ở nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Với tính chất là hợp đồng đơn vụ và thực tế, thì trong hầu hết các trường hợp, tương ứng với thời điểm xác lập hợp đồng, bên cho vay đã đồng thời chuyển giao tài sản vay cho bên vay làm sở hữu, còn bên vay chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến thời hạn của hợp đồng. Pháp luật về nghĩa vụ trả nợ của bên vay rất chặt chẽ.

Về việc sử dụng tiền vay, khác với hợp đồng tín dụng của ngân hàng, mục đích sử dụng vốn vay luôn được xác định trong hợp đồng tín dụng và cũng là cơ sở cho việc giải ngân và bảo đảm việc thu hồi nợ của ngân hàng thì việc vay mượn trong dân cư thông thường việc sử dụng tiền vay ra sao, với mục đích như thế nào được coi như việc riêng của bên vay, bên cho vay hầu như không quan tâm đến vấn đề này trừ trường hợp các bên có thoả thuận.

40

Khi đến hạn trả nợ, bên đi vay vì lý do nào đó chưa trả được nợ bên cho vay có quyền khởi kiện dân sự để thu hồi vốn vay và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có. Nhưng thay vào việc khởi kiện đòi nợ thì bên cho vay lại làm đơn vu khống bên đi vay đã có hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản. Cơ quan tố tụng cũng không thận trọng xem xét kỹ vụ việc dẫn đến việc hình sự hoá.

Ví dụ: Vụ ông Lê Duy Nam bị quy kết về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ông Lê Duy Nam, chủ cơ sở sản xuất rượu Duy Nam (số 224N đường Lý Thường Kiệt, TP Cà Mau) bị truy tố, bắt giam 7 tháng vì việc vay mượn tiền. Từ ngày 1/8/2005 đến ngày 15/12/2005, Lê Duy Nam đã vay tiền của bà Trương Thị Sẻ nhiều lần, tổng số tiền vay là 375 triệu đồng, đã trả được 10 triệu đồng còn nợ 365 triệu đồng, lãi suất vay 6%/ tháng, giao hẹn đến tháng 1/2006 trả cả vốn và lãi. Mục đích vay mượn tiền để kinh doanh, mua đất và cho người khác vay lại. Khi chưa trả được nợ, ông Nam khất lần và dùng giấy tờ sử dụng đất của người khác thế chấp cho bà Sẻ; làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất 1400m2

của ông Nam cho bà Sẻ để trừ nợ nhưng mảnh đất này ông Nam đã đem thế chấp quyền sử dụng đất cho Ngân hàng. Khi phát hiện ra sổ đỏ ông Nam đã thế chấp ngân hàng, Bà Sẻ tố cáo với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Cà Mau, sau đó vụ việc được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án.

Ông Lê Duy Nam bị khởi tố bị can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và bị bắt giam 7 tháng.

Tại phiên toà sơ thẩm ngày 9/11/2007, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị xử phạt ông Nam từ 7-8 năm tù. TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên Lê Duy Nam không phạm tội. Viện KSND tỉnh Cà Mau kháng nghị, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP HCM ngày 28/4/2008 tuyên y án sơ thẩm, ông Lê Duy Nam vô tội [34].

Trong vụ việc trên, mặc dù ông Lê Duy Nam không thực hiện cam kết trả nợ đúng hạn có những hành vi gian dối nhất định trong việc khất lần nợ

41

như lấy tài sản của người khác để thế chấp hoặc đem tài sản của mình đã thế chấp ngân hàng để gán nợ nhưng không cho chủ nợ biết nhưng những hành vi của Lê Duy Nam cuối cùng chỉ nhằm mục đích giãn, hoãn thời hạn trả nợ. Các hợp đồng vay mượn tiền giữa Ông Nam và bà Sẻ là hợp đồng dân sự. Ông Nam luôn thừa nhận mình có vay nợ số tiền 365 triệu đồng của bà Sẻ, khi không trả nợ đúng hạn cam kết phát sinh tranh chấp, hai bên đã có sự hoà giải ngày 22/6/2006 tại Uỷ ban nhân dân phường và các bên đã có thoả thuận với nhau về phương thức trả nợ. Như vậy quan hệ giữa hai bên đơn thuần chỉ là quan hệ dân sự, không có căn cứ nào xác định Lê Duy Nam thông qua hợp đồng, vay tiền của bà Sẻ sau đó chiếm đoạt số tiền này để truy tố Lê Duy Nam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Một phần của tài liệu Hình sự hóa vài việc dân sự, kinh tế nguyên nhân, giải pháp khắc phục (Trang 35 - 41)