“xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” và tội phạm về chức vụ
Quá trình đổi mới đất nước, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước xoá bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp lỗi thời. Cùng với quá trình đó, các quan hệ kinh tế và quản lý kinh tế thay đổi. Để tạo hành lang pháp lý cho sự đổi mới và phát triển kinh tế, Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi tại kỳ họp thứ 10 Quốc Hội khoá X cùng với đó là việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một loạt các văn bản pháp luật có liên quan đến việc đổi mới quản lý kinh tế, từng bước tạo lập và phát triển các thị trường vốn, công nghệ, thị trường lao động, thị trường chứng khoán…thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho sự phát triển đất nước. Thay đổi cơ bản chính sách, giảm dần sự can thiệp của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy kinh tế dân doanh, nhất thể hoá các luật về doanh nghiệp và luật về đầu tư. Trước sự đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường, các quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1985 về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ cũng có nhiều điểm không phù hợp. BLHS năm 1999 và lần sửa đổi gần đây nhất ngày 19/6/2009 đã có nhiều thay đổi quan trọng về chính sách hình sự. Nhiều quy định mới phù hợp hơn với quy luật kinh tế thị trường đã được nhà lập pháp đưa vào BLHS. BLHS năm 1999 đã phi hình sự hoá, phi tội phạm hoá một số hành vi phạm tội kinh tế mà căn nguyên của chúng gắn liền với cơ chế tập trung bao cấp hoặc đã từ lâu không còn xuất hiện trong đời sống thực tiễn như tội sản xuất hoặc buôn bán rượu thuốc lá trái phép, tội cản trở việc thực hiện quy định của nhà nước về cải tạo XHCN; tội lạm sát gia súc… Bên cạnh đó, trong BLHS năm 1999 các nhà lập pháp cũng thực hiện tội phạm hoá thêm nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội đã và đang phát sinh trong điều kiện cơ chế thị trường như tội “Quảng cáo gian dối” (điều 168); tội “Sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ
51
của tổ chức tín dụng”; tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”...
Tuy nhiên do tính chất và đặc điểm của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về chức vụ luôn bị chi phối bởi những chính sách kinh tế của Đảng và nhà nước trong từng giai đoạn; có hành vi, trước đây là tội phạm nhưng sau này không còn là tội phạm nữa, thậm chí còn được coi là công trạng. Việc xác định một hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế không phải là quá khó nhưng việc xác định hành vi đó đã cấu thành tội phạm hay chưa là vấn đề khó. Đúng như quan điểm của thạc sĩ Đinh Văn Quế “Thực tiễn xét xử cho thấy việc xác định hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế khó hơn việc xác định các hành vi phạm tội khác” [22]. Mặt khác trong BLHS năm 1999 cũng còn một số tội danh vẫn mang đậm dấu ấn của thời kinh tế bao cấp như tội “lập quỹ trái phép” (điều 166) tội “báo cáo sai trong quản lý kinh tế” (điều 167).
Thực tiễn khảo sát cũng cho thấy hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý kinh tế lẽ ra chỉ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính, chịu những chế tài vật chất nhưng lại bị hình sự hoá về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hoặc chức vụ chiếm khoảng 30% số các vụ việc bị hình sự hoá trong lĩnh vực dân sự, kinh tế và cũng tập trung chủ yếu ở các tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tội “Lập quỹ trái phép”.
Sau đây là một số trường hợp bị hình sự hoá
Ví dụ 1: Giám đốc doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lách luật để trốn thuế trong việc nhập khẩu hàng hoá bị quy kết về tội cố ý làm trái
Từ năm 1998 đến năm 2001, Công ty cơ khí điện Lạng Sơn do Nguyễn Đình Dị làm giám đốc đã tiến hành nhập khẩu nhiều lô hàng thiết bị, động cơ, phụ tùng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể:
a. Lô hàng nhập thiết bị đầu tư tài sản theo dự án được duyệt theo Quyết định 1541 ngày 13/11/1997 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê
52
duyệt dự án bổ sung thiết bị phục vụ sản xuất lâm nghiệp của Công ty cơ khí và cơ điện Lạng Sơn. Theo đó, công ty được giao nhiệm vụ chủ đầu tư mua sắm 4 máy ủi DT 75; 03 máy ủi DZ 171; 02 ô tô IFA, 02 ô tô POMA với tổng mức đầu tư là 2.953.000.000 đồng, trong đó vốn vay ưu đãi là 2.300.000.000 đồng, vốn tự có của công ty là 653.000.000 đồng; phương thức tổ chức đầu tư là đấu thầu.
Ngày 3/11/1998 Uỷ ban nhân dân tỉnh có quyết định số 1848 cho phép Công ty được trực tiếp thực hiện dự án đầu tư thiết bị thi công xây lắp với số lượng, chất lượng chủng loại và không được vượt quá giá xét thầu 2.953.000.000 đồng.
Do trên thị trường không có các loại xe IFA và POMA nên tại công văn 763, UBND tỉnh cho phép công ty được thay thế bằng xe ô tô KAMA mới và không được thay đổi số lượng và tổng mức đầu tư đã duyệt.
Thực hiện các quyết định trên, Nguyễn Đình Dị đã ký 4 hợp đồng ngoại thương với Công ty mậu dịch Trường Thành - Giang Tô, Quảng Tây - Trung Quốc để mua của công ty này gồm 4 máy ủi DT 75; 03 máy ủi DZ 171 và 4 xe ô tô KAMAZ và một ô tô KAMAZ đầu kéo rơ mooc với trị giá 989.100.000 đồng. Sau khi nhập hàng về, Công ty còn chi phí thay thế phụ tùng và bảo dưỡng thiết bị trị giá 214.293.434 đồng. Tổng giá trị tài sản cố định đã được Hội đồng nghiệm thu cho phép nghiệm thu và hạch toán tăng TSCĐ là 1.203.393.434 đồng.
Cơ quan điều tra đối chiếu với bộ chứng từ nhập khẩu kê khai hải quan để nộp thuế nhập khẩu xác định:
- Số tiền chuyển thanh toán cho bên Trung Quốc: 989.100.000 đồng. - Giá trị thể hiện trên chứng từ nhập khẩu: 470.803.000 đồng.
- Chênh lệch: 518.297.000 đồng và chi phí phụ tùng thay thế khác cho lô hàng này là 214.293.434 đồng . Tổng cộng xác định thiệt hại: 732.590.434 đồng.
b. Lô hàng nhập khẩu thiết bị ngoài dự án:
Từ năm 1999 đến 2000 công ty nhập bổ sung thiết bị từ nguồn vốn tự có và vốn vay ngoài dự án nêu trên gồm 10 xe ô tô MAZ ben, 01 máy xúc; 01
53
xe lu của công ty mậu dịch Trường Thành với giá trị hợp đồng và thanh toán cho phía Trung Quốc là 1.612.960.000 đồng.
Cơ quan điều tra xác định chênh lệch giữa số tiền đã chi trả với giá trị lô hàng theo tờ khai hải quan nhập khẩu là 667.615.204 đồng (1.612.960.000 đ - 945.344.796 đ).
c. Thương vụ nhập lô hàng động cơ diezen nguyên chiếc để bán trong nước:
Từ 1998 đến 2001 Công ty ký hợp đồng ngoại thương với các đối tác Trung Quốc mua 8.800 động cơ diezen và 10.384 bộ linh kiện phụ tùng đông cơ diezen với tổng giá trị thực thanh toán cho các đối tác Trung Quốc là 2.073.726 USD; giá trị kê khai nộp thuế nhập khẩu là 1.395.795 USD, chênh lệch 677.931 USD tương đương: 10.104.296.796 đồng.
Tổng cộng 3 mục a, b, c thiệt hại cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm xác định là 11.504.502.434 đồng và án sơ thẩm số 84/2005 ngày 18/8/2005 đã xử phạt Nguyễn Đình Dị giám đốc công ty 10 năm tù; Trần Thị Liên kế toán trưởng, Vũ Văn Thi cùng Nguyễn Hoàng Anh nhân viên kinh doanh mỗi người 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Ngày 25/11/2005, cấp phúc thẩm đã huỷ bản án sơ thẩm nêu trên để điều tra lại [32].
Bản chất sự việc là do biểu thuế nhập khẩu hàng hoá thiết bị phụ tùng theo bảng giá tính thuế nhập khẩu của cơ quan Hải quan thấp hơn giá thị trường (thường áp mức giá tối thiểu) nên để trốn một phần thuế nhập khẩu, công ty đã thông đồng cùng khách hàng phía Trung Quốc ký hai hợp đồng cho cùng một lô hàng, một hợp đồng dùng để thanh toán, một hợp đồng dùng để mở tờ khai nhập khẩu hàng. Do đó việc Giám đốc Nguyễn Đình Dị cùng một số nhân viên thuộc quyền tuy có hành vi vi phạm quy định về việc kê khai hàng hoá và nộp thuế nhập khẩu và có biểu hiện của việc trốn thuế, lẽ ra phải xem xét xử phạt hành chính và truy thu thuế nhập khẩu nhưng vụ việc đã bị xem xét về hình sự. Việc xác định hậu quả thiệt hại như cấp sơ thẩm đã xác định nêu trên là chưa có căn cứ. Bởi lẽ trong điều kiện nền kinh tế thị trường,
54
không thể áp đặt các đơn vị kinh doanh phải mua bán hàng hoá theo đơn giá áp đặt của Nhà nước mà thực chất đơn giá này cũng chỉ là biểu giá tối thiểu để tính thuế nhập khẩu trong trường hợp hợp đồng ngoại thương có giá quá thấp để hạn chế việc trốn thuế nhập khẩu. Do đó, không thể căn cứ giá giữa biểu thuế nhập khẩu với giá thực tế thoả thuận và thanh toán theo hợp đồng ngoại thương để xác định chênh lệch từ đó cho rằng có gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước. Điều đáng khôi hài là trong khi các cơ quan tố tụng khẳng định Giám đốc và một số các nhân gây thiệt hại cho Doanh nghiệp thì tại phiên toà sơ thẩm phía đại diện cho doanh nghiệp một mực khẳng định giám đốc của họ không gây thiệt hại và xét về một góc độ nào đó còn làm lợi cho doanh nghiệp do đã trốn được một phần thuế nhập khẩu và các lô hàng kinh doanh nêu trên doanh nghiệp đều có lãi chứ không lỗ. Mặt khác việc xác định có thiệt hại hay không trong vụ án ngoài cơ quan tố tụng cũng không có bất cứ sự thẩm định của cơ quan chuyên môn như cơ quan tài chính hoặc kiểm toán. Có thể nói đây cũng là hậu quả của việc cơ quan tiến hành tố tụng chưa bắt kịp với sự chuyển đổi của cơ chế thị trường, với việc các doanh nghiệp được tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ví dụ 2: Vụ Bùi Xuân Trường phạm tội “tham ô tài sản”
Bùi Xuân Trường là giám đốc Xí nghiệp xây dựng công trình giao thông trực thuộc Công ty vật tư vận tải xây dựng (công ty mẹ). Ngày 12/7/1996, Xí nghiệp vay của công ty mẹ số tiền 400.000.000 đồng. Bùi Xuân Trường giao cho kế toán trưởng là Nguyễn Thị Mai nhận tiền từ công ty mẹ về và theo chỉ đạo của Trường, chị Mai chỉ nhập quỹ số tiền 210.000.000 đồng còn lại 190.000.000 đồng, Trường chỉ đạo cho chị Mai lập hai phiếu chi mua vật liệu tương ứng 190.000.000 đồng và đem số tiền này trả cho bà Nguyễn Thị Liên (là khoản tiền Trường vay cá nhân có thế chấp bằng quyền sở hữu nhà đất của gia đình Trường cho bà Liên để lấy tiền trả tiền mua vật liệu cho hoạt động của xí nghiệp xây dựng từ trước khi được sáp nhập vào công mẹ). Để theo dõi
55
số tiền vay 400.000.000 đồng của công ty, chị Nguyễn Thị Mai lập một bản ghi nhớ ba bên giữa Bùi Xuân Trường Nguyễn Thị Mai và Nguyễn Văn Đức (kế toán tổng hợp) với nội dung: Số tiền 190 triệu đồng ông Trường vay của công ty qua xí nghiệp, khi trả lãi hàng tháng ông Trường chịu một nửa, xí nghiệp chịu một nửa và bản thân Trường thừa nhận cá nhân còn nợ Công ty mẹ 190.000.000 đồng. Do có hành vi trên Bùi Xuân Trường bị cấp sơ thẩm truy tố và xét xử về tội “Tham ô tài sản” và bị phạt 5 năm tù.
Trong vụ việc này, Bùi Xuân Trường có hành vi sử dụng vốn vay của công ty mẹ không đúng mục đích khi vay là sử dụng vào hoạt động kinh doanh của xí nghiệp mà dùng một phần vốn vay cho mục đích cá nhân (cá nhân có chịu lãi hàng tháng) và hợp thức hoá chứng từ để che dấu việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Tuy nhiên, trong vụ việc này Trường không hề có ý thức chiếm đoạt số tiền 190 triệu và cũng không thể chiếm đoạt được số tiền này vì số tiền 190 triệu đồng có cam kết nợ và trả lãi cá nhân đồng thời sự việc này được kế toán trưởng và thủ quỹ theo dõi, bản thân Trường luôn xác định mình còn nợ công ty 190 triệu đồng. Mặc dù Bùi Xuân Trường là người có chức vụ quyền hạn là chủ thể của tội tham ô tài sản nhưng yếu tố chiếm đoạt tài sản là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội : “Tham ô tài sản”, không có căn cứ chứng minh nên ngày 3 tháng 3 năm 2009 Toà án cấp phúc thẩm đã xác định Bùi Xuân Trường không phạm vào tội “Tham ô tài sản” [27].