Luật tương trợ tư pháp năm

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 107 - 118)

Hoạt động tương trợ tư pháp đã được nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành trên cơ sở các văn bản pháp luật quốc gia và các văn bản pháp lý quốc tế song phương giữa chúng ta với các quốc gia khác. Nhu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế đang tăng cao, cùng với đó là nhu cầu về sự hỗ trợ giữa các quốc gia liên quan đến các hoạt động tư pháp cũng không ngừng đòi hỏi phải phát triển. Trong đó, có không ít vấn đề phát sinh trong quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật về tương trợ tư pháp còn chưa đầy đủ, các vấn đề pháp lý về tương trợ tư pháp thường được nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau như: Bộ luật Tố tụng Dẫn sự 2004, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003… Hơn nữa, những vấn đề được quy định trong các văn bản này mới chỉ đưa ra các quy định chung về các vấn đề thuộc tương trợ tư pháp, trong đó, các quy định về hợp tác dẫn độ giữa Việt Nam với các quốc gia và ngược lại chưa có sự rõ ràng về mặt trình tự, thủ tục thực hiện các yêu cầu này.

Trên cơ sở Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 nhấn mạnh vấn đề tương trợ tư pháp và yêu cầu sớm ban hành văn bản này. Việc xây dựng và ban hành Luật Tương trợ Tư pháp ra đời nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, quy định thống nhất về trình tự, thủ tục xử lý và thực hiện các yêu cầu về Tương trợ Tư pháp giữa Việt Nam với các nước trong quá trình hội nhập và đấu tranh chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và cũng là để thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Khóa XI.

Luật Tương trợ Tư pháp được ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2007. Với 7 Chương và 71 Điều, trong đó quy định về Dẫn độ tội phạm nằm trong Chương IV với 17 Điều (từ Điều 32 đến Điều 48). Gồm các nội dung: Dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án (Điều 32); trường hợp bị dẫn độ (Điều 33); không truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn độ cho quốc gia thứ ba (Điều 34); từ chối dẫn độ cho nước ngoài (Điều 35); hồ sơ yêu cầu dẫn độ (Điều 36); văn bản yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo (Điều 37); tiếp nhận yêu cầu dẫn độ (Điều 38); xem xét yêu cầu

dẫn độ của nhiều quốc gia đối với một cá nhân (Điều 39); Quyết định dẫn độ (Điều 40); thi hành quyết định dẫn độ (Điều 42); áp giải người bị dẫn độ (Điều 43); hoãn thi hành quyết định dẫn độ và dẫn độ tạm thời (Điều 44); dẫn độ lại (Điều 45); chuyển giao đồ vật, vật chứng liên quan đến vụ án (Điều 46); quá cảnh (Điều 47); chi phí về dẫn độ (Điều 48). Các quy định được cụ thể hóa như sau:

Luật Tương trợ Tư pháp quy định “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”. Luật Tương trợ Tư pháp 2007 của Việt Nam là văn bản pháp lý chính thức đầu tiên quy định về khái niệm dẫn độ. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để phân biệt khái niệm dẫn độ với các hoạt động hợp tác tương trợ tư pháp khác giữa Việt Nam với các quốc gia khác hoặc toà án quốc tế (chuyển giao cá nhân phạm tội, trục xuất, nhượng bộ…).

 Về thẩm quyền tiến hành dẫn độ:

Thẩm quyền tiến hành hoạt động dẫn độ, bao gồm đáp ứng yêu cầu dẫn độ hoặc đưa ra yêu cầu dẫn độ theo Luật Tương trợ Tư pháp 2007 thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam. Quy định này đã được ghi nhận trước đó trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003 của Việt Nam (Toà án, Viện kiểm sát nhân dân, Công an..).

Trong quy định tại Chương 6 của Luật Tương trợ Tư pháp 2007 và Nghị định số 92/2008/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ Tư pháp. Thẩm quyền của các cơ quan khác nhau trong hoạt động dẫn độ được quy định:

Thẩm quyền của Bộ Tư pháp là chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đàm phán các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật..;

Thẩm quyền của Toà án nhân dân tối cao là xem xét, quyết định các vụ việc về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo thẩm quyền;

Thẩm quyền của Bộ Công an là cơ quan tiếp nhận, chuyển giao, xem xét, giải quyết các yêu cầu của nước ngoài về dẫn độ,..; xem xét và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp theo thẩm quyền; Đề xuất viện ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về dẫn độ…;

Thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh là xem xét, quyết định dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù hoặc từ chối dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của Luật Tương trợ Tư pháp. Cụ thể là, Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi cá nhân bị yêu cầu dẫn độ đang bị tạm giữ hoặc cư trú mở phiên toà xem xét, ra quyết định dẫn độ. Quy định này rất phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, các quốc gia ở Liên minh châu Âu, Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc.. cũng quy định thẩm quyền quyết định dẫn độ thuộc về toà án. Đây là cơ quan sẽ trực tiếp xem xét, mở phiên toà để quyết định đồng ý hay từ chối dẫn độ nhằm đảm bảo sự công bằng trong phán xét cho cá nhân bị yêu cầu dẫn độ, cho phép họ thực hiện quyền bảo vệ mình trước yêu cầu dẫn độ họ của quốc gia khác. Hơn nữa, nếu sử dụng các quyết định liên quan đến hành chính hoặc các quyết định khác thì sẽ gây ra những quan điểm cho rằng địa vị pháp lý của người nước ngoài không được đảm bảo một cách công bằng trên lãnh thổ quốc gia sở tại, vì động cơ chính trị hoặc vi phạm nhân quyền. Trong khi đó, quyết định của Toà án với việc thành lập một Hội đồng để xem xét và ra quyết định sẽ đảm bảo tính công minh, đảm bảo lợi ích cho cá nhân bị yêu cầu dẫn độ.

Cùng với đó, Luật Tương trợ Tư pháp 2007 cũng quy định thẩm quyền cho các cơ quan có liên quan khác trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm như: Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan điều tra.

 Về nghĩa vụ dẫn độ:

Cá nhân có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật Tương trợ Tư pháp là những cá nhân có hành vi phạm tội mà Bộ Luật Hình sự Việt Nam mà pháp luật hình sự của quốc gia yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Toà án của quốc gia yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng. Hành vi phạm tội của cá nhân được yêu

cầu dẫn độ không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia yêu cầu. Đây là những quy định nhằm đáp ứng nguyên tắc định danh kép trong các quy định của luật Hình sự quốc tế về dẫn độ tội phạm. Trong trường hợp hành vi phạm tội của cá nhân bị yêu cầu dẫn độ thực hiện Bên ngoài lãnh thổ của quốc gia yêu cầu thì việc dẫn độ cá nhân đó có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ Luật Hình sự Việt Nam thì hành vi đó là hành vi phạm tội (Điều 33).

 Căn cứ từ chối dẫn độ tội phạm

Một trong những vấn đề được tiếp tục quy định trong Luật Tương trợ Tư pháp 2007 đó là các căn cứ từ chối dẫn độ tội phạm, đây chính là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam căn cứ vào đó để tiến hành các thủ tục nhằm đáp ứng hoặc từ chối yêu cầu dẫn độ của các quốc gia khác. Theo đó các trường hợp mà Việt Nam sẽ từ chối dẫn độ bao gồm: Trường hợp cá nhân bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam; Trường hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam khi hành vi phạm tôi mà cá nhân bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do hết thời hiệu hoặc vì lý do hợp pháp khác (lý do về tuổi, sức khoẻ…); Trường hợp cá nhân bị yêu cầu dẫn độ sẽ có khả năng bị truy bức ở quốc gia yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị. Trong quy định này của Luật Tương trợ Tư pháp đã quy định đầy đủ về các căn cứ từ chối dẫn độ, trong đó có căn cứ xuất phát từ nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị (quan điểm chính trị). Tuy nhiên, văn bản này không đề cập cụ thể đến các quan điểm chính trị như thế nào mới thuộc trường hợp không dẫn độ tội phạm và thuộc tội phạm chính trị. Như đã phân tích ở các nội dung trước đó, trách nhiệm xác định tội phạm này thuộc về quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Có rất nhiều điều ước quốc tế đã đưa ra quy định cụ thể các trường hợp không được coi là tội phạm chính trị để các quốc gia yêu cầu dẫn độ căn cứ vào đó đưa ra yêu cầu một cách phù hợp, tránh lãng phí về mặt thời gian đáp ứng yêu cầu về thủ tục. Đồng thời, tránh trường hợp bỏ lọt các tội phạm gây ảnh hưởng lớn tới quyền và lợi ích của các quốc gia, tránh gây ra sự xung đột

về quan điểm chính trị của các quốc gia khác nhau khi xuất hiện các trường hợp cần phải hợp tác dẫn độ tội phạm; Trường hợp yêu cầu bị dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh mà mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật của quốc gia yêu cầu nhưng lại không đáp ứng điều kiện về đối tượng dẫn độ (cá nhân đó phải có hành vi phạm tội mà theo luật Hình sự của cả Việt Nam và nước yêu cầu đều quy định hình phạt tối thiểu là 1 năm trở lên, chung thân hoặc tử hình..) Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể tiến từ chối dẫn độ trong các trường hợp: Hành vi mà cá nhân bị yêu cầu dẫn độ không bị coi là tội phạm theo Bộ luật Hình sự Việt Nam (Điểm a, Khoản 2, Điều 35); Cá nhân bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ (Điểm b, Khoản 2, Điều 35). Các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền tương ứng của quốc gia yêu cầu dẫn độ khi từ chối dẫn độ cá nhân bị yêu cầu dẫn độ.

 Thủ tục của yêu cầu dẫn độ:

Với tầm quan trọng liên quan đến vấn đề trình tự, thủ tục trong hoạt động hợp tác dẫn độ. Việc chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cầu dẫn độ trở thành một trong những hoạt động hết sức quan trọng mà các quốc gia cần phải lưu ý. Việc các quốc gia có những quy định liên quan đến hồ sơ yêu cầu dẫn độ đã giúp cho các quốc gia khác có cơ hội tiếp cận tốt hơn tới những yêu cầu mà quốc gia này đòi hỏi trong trường hợp xuất hiện đối tượng cần dẫn độ.

Luật Tương trợ Tư pháp Việt Nam 2007 quy định hồ sơ yêu cầu dẫn độ phải có các văn bản sau đây:

Một là, văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dẫn độ;

Hai là, các văn bản kèm theo: Ngày, tháng, năm và địa điểm lập văn bản; Lý

do yêu cầu dẫn độ; Tên, địa chỉ của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dẫn độ; Tên, địa chỉ của cơ quan được yêu cầu dẫn độ; Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nơi cư trú và các thông tin cần thiết khác về người bị yêu cầu dẫn độ.

Đi kèm với các văn bản yêu cầu dẫn độ nêu trên phải có thêm các tài liệu: Tóm tắt nội dung của vụ án, Các điều luật cần áp dụng để xác định các yếu tố cấu thành

tội phạm và tội danh, quy định về hình phạt, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thời hiệu thi hành hình phạt đối với tội phạm đó; Giấy tờ về quốc tịch và nơi cư trú của người bị yêu cầu dẫn độ (nếu có); Các tài liệu khác mô tả đặc điểm nhận dạng và ảnh của người bị yêu cầu dẫn độ theo pháp luật và tập quán quốc tế.

Đối với trường hợp yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải kèm theo tài liệu liên: bản sao lệnh bắt giữ hoặc giam giữ của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu dẫn độ;

Đối với trường hợp yêu cầu dẫn độ để thi hành án thì phải kèm theo các tài liệu: Bản sao bản án, quyết định hình sự của Toà án của quốc gia yêu cầu dẫn độ; Văn bản xác nhận cá nhân bị yêu cầu dẫn độ là cá nhân đã bị kết án.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu dẫn độ và các tài liệu kèm theo, Bộ Công an vào sổ hồ sơ dẫn độ và kiểm tra sự đầy đủ của hồ sơ so với quy định của Luật Tương trợ Tư pháp 2007. Bộ Công an có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu dẫn độ cung cấp các thông tin bổ sung. Sau 60 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung thông tin mà không nhận được thông tin bổ sung thì Bộ Công an gửi trả hồ sơ cho quốc gia yêu cầu dẫn độ và nêu rõ lý do. Trường hợp ngoại lệ thì Bộ Công an chuyển ngay cho Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền hai bộ hồ sơ để xem xét, quyết định.

Trong trường hợp Bộ Công an nhận được văn bản của hai hay nhiều quốc gia yêu cầu dẫn độ một cá nhân về cùng một tội phạm hoặc nhiều tội phạm khác nhau thì Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao xem xét, quyết định đáp ứng yêu cầu dẫn độ cho một trong các quốc gia và chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ cho Toà án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định dẫn độ. Luật Tương trợ Tư pháp quy định một số yếu tố mà căn cứ vào đó, các cơ quan có thẩm quyền nêu trên cân nhắc để quyết định việc dẫn độ, đó là: Quốc tịch hữu hiệu và nơi thường trú cuối cùng của cá nhân bị yêu cầu dẫn độ; Tính hợp pháp và mức độ phù hợp của yêu cầu dẫn độ; Thời gian và địa điểm thực hiện tội phạm; Lợi ích riêng của các quốc gia yêu cầu; Mức độ nghiêm trọng của tội phạm; Mức độ nghiêm trọng của tội phạm; Quốc tịch của cá

nhân bị hại; Khả năng dẫn độ tiếp theo giữa các quốc gia yêu cầu dẫn độ; Ngày đưa ra yêu cầu dẫn độ; Các yếu tố khác có liên quan.

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 107 - 118)