Nguyên tắc định danh kép

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 33 - 35)

Nguyên tắc định danh kép được coi là một trong những nguyên tắc quan trọng và không thể thiếu được của hoạt động dẫn độ tội phạm. Theo nguyên tắc này

hoạt động dẫn độ chỉ được tiến hành khi hành vi do cá nhân bị dẫn độ thực hiện được định danh là hành vi phạm tội theo quy định hiện hành của pháp luật cả hai quốc gia (quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu dẫn độ), đồng thời hành vi phạm tội phải được định án ở mức trừng phạt cụ thể được xác định cụ thể theo ý chí của các quốc gia hữu quan và được ghi nhận trong pháp luật nước mình, hoặc được các nước này thỏa thuận nhất trí và được quy định trong các điều ước quốc tế giữa các quốc gia hữu quan.

Tuy nhiên, trong thực tiễn quan hệ quốc tế chúng ta không thể đặt ra yêu cầu rằng các quy định trong quy định pháp luật của cả hai quốc gia này phải giống nhau hoàn toàn về mặt từ ngữ và các yếu tố cấu thành tội phạm được ghi nhận trong các văn bản về luật hình sự của mỗi quốc gia. Cho nên, hầu hết các quốc gia thường ghi nhận nguyên tắc định danh kép dưới dạng hoạt động dẫn độ sẽ được thực hiện nếu một cá nhân thực hiện hành vi phạm tội được quy định tương tự trong pháp luật của cả hai quốc gia như về: tên gọi, yếu tố cấu thành... Như vậy, việc này đòi hỏi cả hai bên phải tiến hành xem xét toàn bộ các hành vi bị cáo buộc của người phạm tội, từ đó xác định các yếu tố cấu thành phạm tội và đưa ra kết luận về hành vi phạm tội đó có thoả mãn nguyên tắc định danh kép hay không?

Nguyên tắc định danh kép còn xuất hiện trong pháp luật của một số quốc gia liên bang (Hoa Kỳ), pháp luật Hoa Kỳ quy định việc một tội phạm chỉ được phép dẫn độ từ bang này qua bang khác nếu pháp luật của cả hai bang, tội phạm đó được ghi nhận.

Bên cạnh việc xem xét tên gọi và các yếu tố cấu thành tội phạm, nguyên tắc định danh kép còn được xác định dưới điều kiện tương ứng trong mức hình phạt của các quốc gia có liên quan (bên yêu cầu và bên được yêu cầu). Có rất nhiều quốc gia đưa ra điều kiện khi tiến hành ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến dẫn độ tội phạm, điều kiện đó là về mức hình phạt trong quy định pháp luật của quốc gia yêu cầu, thông thường thì quốc gia được yêu cầu sẽ không tiến hành dẫn độ trong trường hợp hành vi phạm tội ấy có mức hình phạt từ 1 năm tù giam trở xuống. Ví dụ như: Hiệp ước về dẫn độ được ký kết giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ năm 2003, các bên đã thoả thuận sẽ chỉ tiến hành dẫn độ đối với một cá nhân trong

trường hợp hành vi phạm tội được quy định ở trong pháp luật của các quốc gia EU và Hoa Kỳ với mức hình phạt trong thời gian từ 1 năm trở lên hoặc hình phạt nặng hơn.

Trong thực tiễn khoa học pháp lý, nhiều học giả tiến hành nghiên cứu các nguyên tắc này với số lượng nhiều hơn những nguyên tắc đã được nói đến ở trên, tuy nhiên, trên cơ sở luận văn, học viên chỉ tiến hành xem xét và nghiên cứu những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất. Đồng thời đề cập dưới đây những trường hợp không dẫn độ tội phạm trong quan hệ quốc tế khi một số điều kiện pháp lý không được đảm bảo cũng được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu như là nguyên tắc trong hoạt động hợp tác dẫn độ tội phạm của các quốc gia. [60]

Bên cạnh việc xem xét các nguyên tắc của hoạt động hợp tác dẫn độ tội phạm thì một trong những căn cứ mà các quốc gia cần cân nhắc khi đưa ra yêu cầu dẫn độ tội phạm đó là xem xét các trường hợp không dẫn độ tội phạm thường được quy định cụ thể trong điều ước quốc tế. Dưới đây, học viên sẽ xem xét một số trường hợp không dẫn độ tội phạm được quy định phổ biến trong các điều ước quốc tế.

Một phần của tài liệu Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ thực tiễn Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 33 - 35)